BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
22/2022/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 08 năm 2022
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ
THI, BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ,
LOẠI HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG - KINH DOANH - CHUYỂN GIAO THUỘC LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN
TẢI
Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư
công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật
Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật
Thi hành án dân sự ngày 11 tháng 01 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính
phủ quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác
công tư;
Căn cứ Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối
tác công tư;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ giao
thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Đối tác công - tư;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền
khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo phương thức đối tác công
tư, loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao thuộc lĩnh vực giao thông
vận tải.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn một số
nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự
án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh
- chuyển giao (sau đây gọi là hợp đồng BOT) thuộc lĩnh vực giao thông vận tải,
bao gồm: chỉ tiêu hiệu quả kinh tế xã hội; khung lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu
của nhà đầu tư; chỉ số đánh giá chất lượng của công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng
do doanh nghiệp dự án cung cấp; thời hạn khấu hao công trình, hệ thống cơ sở hạ
tầng.
2. Đối với các loại hợp đồng
Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO), hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh
doanh (BOO), hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M), hợp đồng Xây dựng - Chuyển
giao - Thuê dịch vụ (BTL), hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT)
và hợp đồng hỗn hợp: quá trình thực hiện căn cứ các quy định tại Thông tư này
và các quy định của pháp luật có liên quan để áp dụng các nội dung phù hợp với loại
hợp đồng, tính chất đặc thù của từng lĩnh vực, dự án khi lập báo cáo nghiên cứu
tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với
các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động lập báo cáo nghiên cứu tiền khả
thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải
theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT.
Chương II
CHỈ TIÊU HIỆU QUẢ KINH TẾ
XÃ HỘI; KHUNG LỢI NHUẬN TRÊN VỐN CHỦ SỞ HỮU CỦA NHÀ ĐẦU TƯ; CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ CHẤT
LƯỢNG CÔNG TRÌNH, HỆ THỐNG CƠ SỞ HẠ TẦNG DO DOANH NGHIỆP DỰ ÁN CUNG CẤP VÀ THỜI
HẠN KHẤU HAO CÔNG TRÌNH, HỆ THỐNG CƠ SỞ HẠ TẦNG
Điều 3. Chỉ
tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội
1. Chỉ tiêu hiệu quả kinh tế -
xã hội của dự án bao gồm: giá trị hiện tại ròng kinh tế (ENPV); tỷ số lợi ích
trên chi phí về kinh tế (BCR); tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR). Việc tính toán
các chỉ tiêu trên thực hiện theo quy định tại Phần IV mẫu số 01 Phụ lục II và
Phần IV mẫu số 01 Phụ lục III, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP
ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
2. Lợi ích kinh tế - xã hội của
dự án
Lợi ích kinh tế - xã hội của dự
án bao gồm các nhóm dưới đây:
a) Nhóm lợi ích có thể định lượng
và quy đổi được thành tiền, bao gồm: lợi ích do giảm chi phí vận hành phương tiện,
lợi ích do tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hoá, hành khách.
b) Nhóm lợi ích có thể định lượng
nhưng không định giá được, bao gồm: lợi ích do cải thiện về môi trường do giảm
thiểu tác động môi trường về khí thải, bụi, tiếng ồn, lợi ích do thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế, gia tăng việc làm, tăng cường năng lực lưu thông hành khách,
hàng hóa, lợi ích do giảm tai nạn giao thông.
c) Nhóm lợi ích chỉ có thể định
tính, bao gồm: lợi ích do tăng tính kết nối giữa các khu vực, lợi ích do tạo việc
làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân vùng dự án.
d) Đơn vị lập báo cáo nghiên cứu
tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi có thể bổ sung các lợi ích khác ngoài
các lợi ích nêu tại điểm a, b, c khoản 2 Điều này, đảm bảo phù hợp với loại hợp
đồng, tính chất đặc thù của từng lĩnh vực, dự án và các quy định của pháp luật
có liên quan.
e) Trường hợp không đủ điều kiện
xác định các yếu tố lợi ích có thể định lượng và quy đổi được thành tiền để
tính toán các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đơn vị lập báo cáo
nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi có thể đánh giá về hiệu quả
kinh tế - xã hội của dự án trên cơ sở các nhóm yếu tố còn lại.
Điều 4.
Khung lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư
1. Chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu
của nhà đầu tư
Chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu
có tính đến yếu tố rủi ro và lạm phát được xác định theo công thức:
i
= iv + f
Trong đó:
i: chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu
của nhà đầu tư;
iv: lãi vay huy động
vốn đầu tư, được xác định trên cơ sở tham khảo lãi suất cho vay trung hạn, dài
hạn của ít nhất 03 ngân hàng thương mại; lãi suất vốn vay của dự án tương tự để
làm cơ sở lập phương án tài chính trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo
nghiên cứu khả thi (nếu có). Lãi vay huy động vốn đầu tư được xác định tại thời
điểm gần nhất trong vòng 03 tháng trước thời điểm lập báo cáo nghiên cứu tiền
khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi;
f: tỷ lệ lạm phát, được xác định
trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng CPI trung bình của 10 năm gần nhất theo công bố
của Tổng cục Thống kê Việt Nam và có xem xét loại trừ các năm có CPI biến động
lớn.
2. Khung lợi nhuận trên vốn chủ
sở hữu của nhà đầu tư
Căn cứ quy định pháp luật, điều
kiện kinh tế - xã hội và đặc thù dự án, đơn vị chuẩn bị dự án lập mức lợi nhuận
trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tại phương án tài chính trong báo cáo nghiên
cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi đảm bảo trong khung lợi nhuận sau
đây:
a) Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu
của nhà đầu tư tối đa không vượt quá mức chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu (i) quy
định tại khoản 1 Điều này;
b) Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu
của nhà đầu tư tối thiểu không thấp hơn lãi vay huy động vốn đầu tư (iv) quy định
tại khoản 1 Điều này.
Điều 5. Chỉ
số đánh giá chất lượng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng do doanh nghiệp dự án
cung cấp
Chỉ số đánh giá chất lượng của
công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng do doanh nghiệp dự án cung cấp bao gồm mức độ
đáp ứng của công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng do doanh nghiệp dự án cung cấp đối
với các quy định về khảo sát, thiết kế, xây dựng, khai thác và bảo trì theo
tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng đối với mỗi dự án và theo các quy định pháp luật
về chất lượng công trình. Việc đánh giá mức độ đáp ứng được thực hiện theo quy
định của pháp luật chuyên ngành.
Điều 6. Thời
hạn khấu hao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng
Thời hạn khấu hao công trình, hệ
thống cơ sở hạ tầng của dự án thực hiện theo quy định tại khoản
5 Điều 1 Thông tư 147/2016/TT-BTC ngày 13 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài
chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2013 của Bộ
Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Quy
định chuyển tiếp
1. Trường hợp dự án đã được cấp
có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án trước
ngày Thông tư này có hiệu lực thì đơn vị lập dự án có trách nhiệm cập nhật các
nội dung tại báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Thông tư này mà không
dẫn đến thay đổi chủ trương đầu tư.
2. Trường hợp dự án đã được cấp
có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án trước ngày Thông tư
này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quyết định chủ trương đầu tư, quyết
định phê duyệt dự án.
Điều 8. Hiệu
lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2022.
2. Trường hợp các văn bản quy
phạm pháp luật viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp
dụng các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế
đó.
Điều 9. Tổ
chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh
tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng
các Cục thuộc Bộ Giao thông vận tải, Giám đốc các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ
Giao thông vận tải, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 9;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL; Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp);
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Công báo;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, ĐTCT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Duy Lâm
|