HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
14/2018/NQ-HĐND
|
Nghệ An, ngày
12 tháng 12 năm 2018
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHÍNH SÁCH
KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ
57/2018/NĐ-CP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng
6 năm 2015;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm
2014;
Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17
tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp
đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ
trình số 8806/TTr-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2018; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh
tế -Ngân sách và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại
kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định chính sách tiếp cận, hỗ
trợ tín dụng cho doanh nghiệp; mức vốn ngân sách tỉnh để thực hiện các chính
sách hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính
phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp,
nông thôn (sau đây gọi là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Doanh nghiệp
được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và có dự án đầu tư
quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều 3 Nghị định số
57/2018/NĐ-CP.
2. Các
cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách theo quy
định tại Nghị quyết này.
Điều 3. Chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín
dụng
Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào
nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định
số 57/2018/NĐ-CP được ngân sách tỉnh hỗ trợ
lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành như sau:
1. Mức hỗ trợ:
Bằng chênh lệch lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại so với lãi suất tín
dụng đầu tư của Nhà nước tính trên số
dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ.
2. Căn cứ để xác định chênh lệch lãi suất hỗ trợ:
a) Mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại
làm cơ sở để ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất là mức lãi suất cho
vay thấp nhất của các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, có hoạt động cho vay các khoản vay vốn phục vụ lĩnh
vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ được ngân hàng thương
mại niêm yết công khai tại các điểm giao dịch.
b) Mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước làm căn
cứ cấp bù chênh lệch lãi suất là mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước công
bố áp dụng cho từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
3. Thời gian hỗ trợ lãi suất tính
từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại:
a) Tối đa 08 năm đối với dự án
nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; tối đa 06 năm đối với dự án nông nghiệp ưu
đãi đầu tư; tối đa 05 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư.
b) Trường hợp dự án của doanh
nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 08
năm.
c) Dự án mà doanh nghiệp tham gia
liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất
của sản phẩm.
4. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi
suất: Tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.
5. Phương thức hỗ trợ
a) Ngân sách tỉnh cấp trực tiếp cho doanh nghiệp
chênh lệch lãi suất vay mà doanh nghiệp được hỗ trợ
và được thực hiện theo hồ sơ thanh toán thực tế giữa doanh nghiệp với
ngân hàng thương mại trên cơ sở hợp đồng đã ký.
b) Không thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với
các khoản vay (gốc và lãi) quá hạn tính từ thời điểm quá hạn.
6. Vốn cấp bù chênh lệch lãi suất:
Vốn cấp bù chênh lệch lãi suất được bố trí từ ngân sách tỉnh theo quy định tại Điều 4 Nghị
quyết này.
Điều 4. Nguồn và mức vốn thực hiện chính sách
1. Ngân sách tỉnh dành tối thiểu 5% vốn chi ngân
sách tỉnh hàng năm (bao gồm chi đầu tư phát triển và chi thường
xuyên) cho ngành nông nghiệp để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ khả
năng cân đối vốn của từng giai đoạn và hàng năm, nhu cầu hỗ trợ của doanh
nghiệp, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định tổng mức vốn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP hàng năm và 05 năm của tỉnh.
Điều 5. Cơ chế thực hiện chính sách
1. Ưu tiên hỗ
trợ cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại địa bàn các huyện, thị xã miền Tây
của tỉnh (bao gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế
Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Anh Sơn, Tân
Kỳ, Nghĩa Đàn, Thanh Chương và thị xã Thái Hòa) như sau:
a) Ngân sách tỉnh dành tối thiểu 65% tổng mức vốn
kế hoạch 05 năm thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn các huyện, thị xã
miền Tây.
b) Trường hợp
mức vốn bố trí kế hoạch trong năm không đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, thì ưu tiên bố
trí vốn trước cho các doanh
nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn các huyện, thị xã trên địa bàn miền Tây.
2. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án đầu tư đảm bảo điều kiện được hỗ trợ
theo quy định thì được ưu tiên xem xét hỗ trợ trước.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển
khai thực hiện Nghị quyết này.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân
dân, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này được Hội đồng nhân
dân tỉnh Nghệ An khóa XVII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2018,
có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 và thay thế Nghị quyết số
148/2014/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số
chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 đến năm 2020./.