HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/2018/NQ-HĐND
|
Hậu Giang,
ngày 06 tháng 7 năm 2018
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ TÌNH HÌNH KINH
TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ
PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH 6 THÁNG CUỐI NĂM 2018
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
KHÓA IX KỲ HỌP THỨ CHÍN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Sau khi nghe Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo
tình hình thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kinh tế - xã hội,
quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh
tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2018; Báo cáo thẩm tra của
các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân
tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang
thống nhất đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -
xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2018, với những nội dung chủ yếu
sau:
Trong 6 tháng đầu năm, được sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và Nhân dân
trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến và đạt được những
kết quả quan trọng:
(1) Sau 2 năm tăng trưởng kinh tế
bị chậm lại do ảnh hưởng của thiên tai, nay kinh tế của tỉnh đã phục hồi, tăng
trưởng kinh tế đạt 8,01%, cao hơn kế hoạch đề ra là 6,8%, đặc biệt khu vực I có
mức tăng ấn tượng 5,77% và khu vực II tăng 16,14% đều cao hơn kế hoạch (kế hoạch
là 11%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá tích cực, GRDP bình quân đầu người
đạt 36 triệu đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ; đời sống Nhân dân được cải
thiện.
(2) Lĩnh vực nông nghiệp đạt kết
quả khá toàn diện, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng, sản
xuất của nông dân trúng mùa, trúng giá. Tái cơ cấu trong nông nghiệp bước đầu
phát huy hiệu quả, tiếp tục thực hiện chuyển đổi
cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả kém sang các loại cây trồng, vật nuôi có
giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Công tác thanh tra,
kiểm tra vật tư nông nghiệp, chất lượng nông sản và vệ sinh an toàn thực phẩm
nông, lâm, thủy sản được thực hiện thường xuyên, liên tục. Từ đó, kịp thời phát
hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Việc thực
hiện liên kết theo chuỗi giá trị được triển khai khá tích cực, từ đó sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái
đã có chuyển biến tốt. Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được các địa
phương tập trung thực hiện theo kế hoạch.
(3) Lĩnh vực công nghiệp tăng mạnh
trong hơn 2 năm qua; số lượng dự án thu hút đầu tư trong nước tăng; phát triển doanh nghiệp chuyển biến
khá, quy mô nguồn vốn của doanh nghiệp tăng dần, cho thấy môi trường kinh
doanh tiếp tục được cải thiện; giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, thu ngân sách đạt khá; đầu tư công tiếp tục được
tái cơ cấu, nợ đọng xây dựng cơ bản được kéo giảm theo lộ trình.
(4) Các lĩnh vực lao động, việc
làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi
trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được đặc biệt quan tâm và đạt
những kết quả tốt. Hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực.
(5) An
ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm, số vụ tội phạm giảm so với cùng
kỳ; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền và đấu tranh phòng, chống
tham nhũng được chú trọng.
Bên cạnh những
mặt đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn một số vấn đề tồn tại và khó
khăn chủ yếu là:
(1) Sản xuất nông nghiệp còn phân tán, quy mô vùng nguyên liệu và cây ăn
trái nhỏ, hiệu quả thấp, chưa tạo được môi trường liên kết vững chắc giữa sản
xuất, chế biến và tiêu thụ; việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa
hiệu quả; xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu nguồn lực; Đề án về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thực hiện
còn chậm, do gặp khó khăn về nguồn vốn tín dụng.
(2) Sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu
nhỏ còn rất thấp.
Việc thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp ngoài tỉnh,
các doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế, chưa có hình thức phù hợp để mời gọi đầu
tư hiệu quả vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, không
có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng khu cụm công nghiệp chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc triển khai dự án của nhà đầu tư. Chất lượng nguồn nhân lực yếu, chưa đáp ứng được
theo nhu cầu của doanh nghiệp, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín
dụng kết quả vẫn còn hạn chế. Một số dự án triển khai chậm,
tiến độ kéo dài, do các nhà đầu tư không có năng lực thực hiện dự án, có dự án
kéo dài trên 10 năm vẫn chưa được xử lý.
(3) Một số công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn chậm
tiến độ, trong đó có một số công trình thiếu vốn. Công tác giải phóng mặt bằng
từng lúc còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư công. Công tác đầu tư xây dựng chợ tuy đạt được những kết quả nhất định nhưng
vẫn còn khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư vào các chợ vùng sâu, vùng xa.
(4) Chất lượng dịch vụ chưa được cải thiện nhiều; mức
tiêu dùng trong Nhân dân còn thấp; tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng
giả, hàng kém chất lượng, kinh doanh trái phép ngày càng xuất hiện với nhiều
hình thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp; vấn đề vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm
vẫn còn diễn ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; chất lượng môi trường,
nhất là môi trường nước đang có xu hướng bị ô nhiễm.
(5) Tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí. Đời sống của một số cán bộ
bán chuyên trách ở xã, ấp còn khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả
điều hành của chính quyền cấp cơ sở; số lượt người khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh và số đơn thư khiếu nại tăng so cùng kỳ.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua phương hướng, nhiệm vụ phát
triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2018, trong đó cần
tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Tiếp tục triển khai thực
hiện Chương trình số 05/CTr-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân
dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số
35-KH/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao
chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh
tế tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông
nghiệp, thủy sản theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo
quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với lúa gạo, trái cây và thủy
sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhằm tăng năng suất,
chất lượng nông thủy sản hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của những
sản phẩm chủ lực trong tỉnh; ứng dụng cơ giới hóa
trong sản xuất nhằm tiết giảm chi phí; rà soát điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù
hợp để nâng cao thu nhập của nông dân. Tập trung chỉ đạo
các chương trình, đề án, dự án trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng
giống, thực hiện nghiêm ngặt các
quy định về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh
trên cây trồng, vật nuôi. Tập trung huy động nhiều nguồn lực cho xây dựng
nông thôn mới, cánh đồng lớn, khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp đầu tư
vào nông nghiệp. Triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống
lụt bão, sạt lở, xâm nhập mặn.
2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu
tư. Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 08 tháng 5 năm 2017
của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến
năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” và tập trung thực hiện Chương trình hành
động của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15
tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp
chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia
năm 2018 và những năm tiếp theo, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hậu
Giang. Chương trình của UBND tỉnh về thực hiện Nghị
quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển
doanh nghiệp đến năm 2020. Các sở, ngành và địa phương chủ động giải quyết
nhanh về các thủ tục liên quan đến dự án của các nhà đầu tư đã có phê duyệt chủ
trương. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư tại các khu, cụm công
nghiệp, thu hút đầu tư phát triển chợ; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh
nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, liên kết hợp tác, tận dụng cơ hội thuận
lợi, tranh thủ sự giúp đỡ đầu tư từ các nguồn vốn ODA, NGO, FDI để thu hút vốn
đầu tư trong và ngoài nước; đẩy mạnh xã hội hóa để có đủ nguồn lực thực hiện
các dự án giao thông, xây dựng khu dân cư đô thị, nước sạch, điện nông thôn, xử
lý rác, nhà ở cho người nghèo, người có công.
3. Tăng cường quản lý đầu tư
và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính
phủ. Kiểm soát chặt chẽ các kế hoạch điều chỉnh, bổ sung vốn. Hạn chế việc phát
sinh danh mục mới ngoài kế hoạch phân bổ. Tập trung đẩy
nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn
vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước,
vốn trái phiếu Chính phủ, vốn
các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA; thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu
tư công và các quy định về quản lý vốn đầu tư, xử lý nợ đọng
xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, giải quyết kịp thời các vướng mắc,
khó khăn trong xây dựng cơ bản. Chủ động kêu gọi thu hút
các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước.
4. Thực hiện tốt công tác thu,
chi ngân sách nhà nước, tập trung khai thác hiệu quả các nguồn thu. Tăng cường
các biện pháp chống thất thu thuế, tập trung thu dứt điểm các khoản nợ thuế.
Nâng cao công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế theo hướng đổi mới về nội
dung và đa dạng về hình thức; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế,
chính sách để đẩy nhanh tiến độ các dự án có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ chi ngân sách địa phương, thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy
quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp
công, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách theo đúng dự toán phân bổ đã
được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không bổ sung các đề án, chương trình, ban
hành các chính sách mới hoặc nâng định mức làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa xác định được nguồn đảm bảo;
chấp hành đúng các chế độ chính sách theo quy định.
5. Tiếp tục
triển khai có hiệu quả các giải pháp đổi mới căn bản giáo dục và đào
tạo, nâng cao chất lượng dạy và học. Tiếp tục triển khai đề án trường đạt
chuẩn Quốc gia và Kế hoạch xây dựng trường học đạt tiêu chí nông thôn
mới giai đoạn 2016 - 2020. Ứng dụng và nhân rộng các mô hình khoa học
- công nghệ vào sản xuất và đời sống, ưu tiên các dự án, đề tài
phục vụ nông nghiệp và thu hút đầu tư. Tiếp tục đầu tư hoàn thành các
dự án y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Tiếp tục thực
hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng
của người bệnh; phòng, chống hiệu quả dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra.
Nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ của bảo hiểm y tế, nâng tỷ lệ
bao phủ của bảo hiểm y tế đạt 82,5% dân số.
6. Tiếp tục củng cố, nâng chất
và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin và truyền
thông gắn với xây dựng nông thôn mới và phường, thị trấn văn minh đô thị.
Nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, tuyên truyền, báo chí, phát thanh
- truyền hình để tuyên truyền tốt hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã
hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. Đẩy mạnh quảng bá, xúc
tiến du lịch.
7. Nâng cao hiệu quả đào tạo
nghề, nhất là đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp và lao động nông thôn, giải
quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính
sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với
người có công. Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về
công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nước, đẩy nhanh tiến độ xây dựng
các dự án nước sạch, xử lý nước thải, chú trọng xử lý rác thải hợp tiêu
chuẩn môi trường.
8. Đẩy mạnh cải cách hành
chính, nhất là lĩnh vực đất đai. Tập trung giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố
cáo; tổ chức tốt công tác đối thoại. Hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nâng cao năng
lực, hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền; chấn
chỉnh phong cách lề lối làm việc của cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng hội
nghị, chất lượng ban hành văn bản, đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật; tiếp
tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và phòng, chống
tham nhũng.
9. Nâng cao hiệu quả hoạt động
đối ngoại. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Tích cực tham gia thực
hiện liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển kinh tế và thích
ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố,
doanh nghiệp, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; Kiên Giang, Bạc Liêu,
Sóc Trăng, mời gọi đầu tư từ Hà Nội, một số tỉnh phía bắc và doanh nghiệp nước
ngoài.
10. Phát động phong trào toàn
dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, trấn áp tội phạm, các tệ nạn xã hội,
giảm số vụ tội phạm và kiềm chế tai nạn giao thông. Tổ chức huấn luyện,
diễn tập cho lực lượng quân sự, lực lượng vũ trang, đảm bảo trang bị kỹ thuật kịp
thời, tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện năm 2018 đạt yêu cầu, thực
hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng địa phương.
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện
Nghị quyết theo quy định.
Thường trực Hội đồng nhân dân,
các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Hậu Giang Khóa IX Kỳ họp thứ Chín thông qua ngày 06 tháng 7 năm
2018 và có hiệu lực từ ngày 16 tháng 7 năm 2018./.
Nơi nhận:
- UBTVQH, VPQH,
VPCP;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Ban Đảng Tỉnh ủy;
- VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- HĐND, UBND, UBMTTQVN cấp huyện;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Huỳnh Thanh Tạo
|