Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 215/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 215/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 01/03/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Mục tiêu phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 01/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 215/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Theo đó, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đặt ra một số mục tiêu cụ thể như sau:

- Đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 150 - 170 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 260 - 280 triệu TOE.

- Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15 - 20% năm 2030 và 65 - 70% năm 2045.

- Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105 - 115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160 - 180 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 400 - 420 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 250 - 280 kgOE/1.000 USD GDP.

- Xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Xem thêm tại Quyết định 215/QĐ-TTg ngày 01/3/2024.

- Tầm nhìn đến năm 2045:

+ Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia;

+ Hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

+ Các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu;

+ Hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao;

+ Chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Để thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng phù hợp với thẩm quyền theo quy định của Chính phủ.

- Giám sát chặt chẽ tình hình cân đối cung cầu năng lượng, tiến độ thực hiện các chương trình, dự án năng lượng trọng điểm.

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

- Tổ chức đàm phán ký kết hợp tác, trao đổi năng lượng với các nước láng giềng và tham gia của Việt Nam vào hệ thống năng lượng liên kết giữa các nước trong khu vực.

- Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, tăng cường thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài uy tín, kinh nghiệm vào phát triển dầu khí trong nước tại các khu vực nước sâu xa bờ.

- Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các điều kiện cần thiết (pháp lý, hạ tầng kỹ thuật,…) cho việc phát triển thị trường điện và thị trường khí, than cạnh tranh hiệu quả.

- Chỉ đạo nghiên cứu, chế tạo trong nước thiết bị của các dự án nhà máy nhiệt điện than, thủy điện, điện mặt trời, điện gió,… các thiết bị khai thác và vận chuyển dầu mỏ, khí đốt và than.

- Chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ cho các dự án năng lượng.

Xem thêm tại Quyết định 215/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/3/2024.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 215/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Bộ Công Thương tại Tờ trình số 7069/TTr-BCT ngày 08 tháng 11 năm 2022 và các Văn bản số 1643/BCT-DKT ngày 22 tháng 3 năm 2023, số 3872/BCT-DKT ngày 21 tháng 6 năm 2023, số 6137/BCT-DKT ngày 06 tháng 9 năm 2023 và số 9266/BCT-DKT ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Chiến lược phát triển năng lượng) với các nội dung như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

3. Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện. Phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương.

4. Đẩy nhanh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên để đảm bảo nguồn trữ lượng tài nguyên năng lượng sơ cấp phục vụ nhu cầu nền kinh tế quốc dân chính xác, tin cậy; đầu tư phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước kết hợp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, các nguồn vốn khác cho công tác điều tra cơ bản địa chất, thăm dò tài nguyên theo quy hoạch, kế hoạch. Thông tin, dữ liệu địa chất, tài nguyên nguồn năng lượng hoá thạch phải được tổng hợp đầy đủ, toàn diện, được quản lý tập trung, thống nhất và minh bạch trên nền tảng công nghệ số.

5. Nghiên cứu đầu tư hiệu quả ra nước ngoài để khai thác tài nguyên năng lượng sơ cấp (đặc biệt chú ý đối với những loại năng lượng mà Việt Nam phải nhập khẩu và đưa về Việt Nam sử dụng nhằm giảm dần khối lượng phải nhập khẩu) phù hợp theo Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị.

6. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng.

7. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. Tăng cường kiểm toán năng lượng; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 150 - 170 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 260 - 280 triệu TOE.

- Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15 - 20% năm 2030 và 65 - 70% năm 2045.

- Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105 - 115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160 - 180 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 400 - 420 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 250 - 280 kgOE/1.000 USD GDP.

- Xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN.

- Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu xăng dầu cả nước; phấn đấu mức dự trữ xăng dầu đạt 75 - 80 ngày nhập ròng sau năm 2030. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khoảng 15 - 20 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 10 - 15 tỷ m3 vào năm 2045.

- Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7 - 10% vào năm 2030 và khoảng 14 - 20% vào năm 2045.

- Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15 - 35% vào năm 2030, lên mức 70 - 80% vào năm 2045.

- Tầm nhìn đến năm 2045: bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Phân ngành dầu khí

a) Lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí

- Tìm kiếm, thăm dò dầu khí

+ Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; nâng cao hệ số thu hồi, tận thu các mỏ nhỏ, khối sót cận biên.

+ Rà soát, chủ động và triển khai hiệu quả trong các dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài.

+ Tập trung đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò tại các khu vực nước nông, truyền thống: các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai - Thổ Chu, sông Hồng, đặc biệt 03 khu vực: bể Cửu Long, Mã Lai - Thổ Chu, Nam bể sông Hồng và Trung tâm bể Nam Côn Sơn; song song với công tác tận thăm dò, thăm dò mở rộng đối tượng truyền thống nhằm bổ sung trữ lượng và đưa vào phát triển khai thác sử dụng hệ thống hạ tầng cơ sở có sẵn dần chuyển hướng nghiên cứu thăm dò các đối tượng tìm kiếm thăm dò mới, các bể trầm tích mới và các dạng hydrocarbon phi truyền thống (tầng chứa chặt sít, khí than, khí nông, khí đá phiến sét, khí hydrate,…) để bổ sung trữ lượng phục vụ khai thác lâu dài.

+ Tiếp tục mở rộng thăm dò tại khu vực nước sâu, xa bờ như khu vực bể Phú Khánh, bể Tư Chính - Vũng Mây,… Tiến hành đo đạc khảo sát, thu thập các số liệu địa chấn - địa vật lý để nghiên cứu đặc điểm cấu trúc địa chất và đánh giá tiềm năng dầu khí tại khu vực nước sâu, xa bờ khi điều kiện thuận lợi.

+ Đối với dầu khí đá phiến, khí hydrate (băng cháy): tích cực nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về địa chất và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để mở rộng phạm vi khảo sát; sớm triển khai đánh giá tổng thể, đẩy nhanh khai thác thử nghiệm khi điều kiện cho phép.

- Khai thác dầu khí

+ Thực hiện tốt công tác quản lý các mỏ dầu khí, tối ưu và duy trì khai thác có hiệu quả các mỏ dầu khí đã đưa vào khai thác.

+ Phát triển và đưa các mỏ đã có phát hiện dầu khí vào khai thác hợp lý và có hiệu quả để sử dụng tài nguyên dầu khí trong nước lâu dài, tập trung tại các khu vực tiềm năng như nước sâu xa bờ, đối tượng dầu khí phi truyền thống. Nghiên cứu xây dựng phương án hợp tác, cơ chế khai thác chung tại những vùng chồng lấn.

+ Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các giải pháp nâng cao thu hồi dầu tại các mỏ.

+ Thúc đẩy phát triển, khai thác mỏ nhỏ/cận biên áp dụng công nghệ mới, kết nối để sử dụng tối đa cơ sở hạ tầng đã đầu tư và chính sách khuyến khích của Nhà nước.

+ Tiếp tục triển khai công tác phát triển, đưa vào khai thác cùng với việc triển khai công tác tận thăm dò các dự án khí Lô B, mỏ khí Cá Voi Xanh, các mỏ thuộc dự án khí Tây Nam và mỏ Báo Vàng, Báo Trắng. Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hai dự án khí lớn: dự án Lô B&48/95 và 52/97 và dự án Cá Voi Xanh.

+ Nghiên cứu sử dụng hiệu quả nguồn khí tự nhiên có hàm lượng CO2 cao để có được lợi ích đồng thời từ việc: (i) sử dụng nguồn hydrocabon; (ii) sử dụng CO2 và (iii) chứng chỉ giảm phát thải (khi thị trường chứng chỉ giảm phát thải phát triển).

+ Ứng dụng các giải pháp giảm đốt bỏ và rò rỉ khí ra môi trường và nghiên cứu tích hợp sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo.

b) Lĩnh vực công nghiệp khí

- Phát triển lĩnh vực công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu: khai thác - thu gom - vận chuyển - chế biến - dự trữ - phân phối khí và xuất nhập khẩu sản phẩm khí.

- Thúc đẩy các dự án vận chuyển khí thiên nhiên (đặc biệt là các dự án gắn với khai thác mỏ khí Lô B, Cá Voi Xanh...), sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý nguồn khí thiên nhiên trong nước.

- Phát triển thị trường tiêu thụ khí theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và từng bước hội nhập với thị trường khí khu vực và thế giới.

- Triển khai đầu tư xây dựng kho cảng LNG và nhập khẩu khí thiên nhiên (LNG, nhập khẩu bằng đường ống) để phục vụ cho nhu cầu phát triển của các nhà máy điện, công nghiệp và dân dụng. Ưu tiên tìm kiếm các nguồn khí nhập khẩu thông qua việc sử dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có, đồng thời, thúc đẩy quan hệ quốc tế để có được các nguồn nhập khẩu khí (LNG, nhập khẩu bằng đường ống) từ các nước có nguồn cung và thuận lợi về thương mại, vận tải, sẵn sàng nhập khẩu LNG từ năm 2023.

- Vận hành an toàn và hiệu quả các hệ thống đường ống thu gom, vận chuyển, xử lý, chế biến khí hiện hữu. Tiếp tục khai thác, thu gom tối đa khối lượng khí từ các mỏ khí có trữ lượng lớn, đồng thời, tăng cường thu gom các mỏ khí có trữ lượng nhỏ, các mỏ biên nhằm đảm bảo thu gom tối đa các nguồn khí thông qua các đường ống sẵn có tại các bể sông Hồng, Cửu Long, Nam Côn Sơn và Mã Lai - Thổ Chu.

- Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh và khuyến khích các nhà thầu đầu tư xây dựng hệ thống thu gom khí ngoài khơi để kết nối với các hệ thống đường ống hiện có. Nghiên cứu triển khai xây dựng đường ống nhập khẩu khí từ các mỏ của các nước lân cận vào hệ thống đường ống hiện có và đường ống sẽ xây dựng mới trong tương lai.

- Đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển mỏ, khai thác, thu gom khí bằng hệ thống đường ống tại các mỏ chưa có hệ thống thu gom, mở rộng phạm vi thu gom khí (CNG, LNG...) từ các mỏ không có khả năng thu gom khí bằng đường ống (mỏ nhỏ, mỏ cận biên, khí có hàm lượng CO2 cao,... đặc biệt là các mỏ khí đồng hành).

- Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý khí, đường ống vận chuyển khí đến nhà máy xử lý khí để cung cấp khí cho trung tâm nhiệt điện, các nhà máy chế biến sâu khí, hộ tiêu thụ công nghiệp.

- Hoàn thiện hệ thống đồng bộ cung cấp khí thiên nhiên, LNG, CNG, LPG trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho năng lượng, phân bón, công nghiệp, giao thông vận tải và sinh hoạt dân dụng. Tiếp tục phát triển hệ thống vận chuyển đường ống khí thiên nhiên thấp áp cho nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ công nghiệp dọc tuyến ống dẫn khí, khu dân cư ở các thành phố lớn.

- Tận dụng hệ thống hạ tầng vận chuyển khí để vận chuyển hỗn hợp khí thiên nhiên và hydro, amoniac hoặc sử dụng khí để sản xuất hydro ngay tại nơi có nhu cầu tiêu thụ.

- Đầu tư nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ hợp lý nhằm tận thu khí đang bị đốt bỏ tại các giàn khai thác, tách các sản phẩm có giá trị cao như ethane, propane/butane (LPG), condensate tại các nhà máy xử lý khí nhằm nâng cao giá trị nguồn tài nguyên dầu khí.

c) Lĩnh vực chế biến dầu khí

- Phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí để đáp ứng nhu cầu trong nước, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn đầu tư từ xã hội để phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư.

- Tập trung tích hợp lọc dầu - hóa dầu, sử dụng các công nghệ lọc dầu hiện đại để chuyển dịch linh hoạt cơ cấu sản phẩm trong tương lai theo hướng giảm sản phẩm lọc dầu, tăng sản phẩm hoá dầu, hóa chất nhằm phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng, nâng cao giá trị gia tăng cho nguyên liệu dầu khí, tạo ra các nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp trong nước, hướng tới xuất khẩu, giảm tỷ trọng nhập siêu.

- Duy trì vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả các nhà máy lọc hóa dầu hiện hữu, các nhà máy chế biến condensate; đa dạng hóa sản phẩm của các nhà máy.

- Tập trung duy trì sự ổn định trong sản xuất, cung ứng xăng dầu, phân bón và các nguyên, nhiên liệu khác nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tính cạnh tranh, đổi mới và phát triển.

- Chủ động nghiên cứu các giải pháp thay thế/bổ sung nguồn nguyên liệu thiếu hụt bằng các nguồn nguyên liệu/năng lượng ổn định khác cho các nhà máy chế biến dầu khí.

- Thường xuyên nghiên cứu thực hiện việc đầu tư cải tiến/nâng cấp để phù hợp với xu hướng thay đổi thị trường sản phẩm cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe (như các nhà máy lọc dầu,...). Nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm mới hóa dầu/hóa chất chuyên dụng có giá trị gia tăng cao.

- Tận dụng vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng đã được đầu tư để phát triển các nhà máy theo chuỗi chế biến sâu, các nhà máy và cơ sở cung cấp dịch vụ. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng các chuỗi vận chuyển - tồn chứa - sản xuất và kinh doanh dầu thô, xăng dầu. Triển khai hoàn thành Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

- Nghiên cứu, đề xuất và triển khai công tác đầu tư xây dựng các dự án lọc hóa dầu/hóa chất mới gắn với các trung tâm chế biến dầu khí tại các khu vực tiềm năng.

- Nghiên cứu sản xuất hydro, sản xuất năng lượng tái tạo: tích hợp với nhà máy lọc hóa dầu, hóa chất, phân bón, sử dụng làm nhiên liệu cho pin nhiên liệu, định hướng hoàn thiện chuỗi giá trị hydro khâu sau.

d) Lĩnh vực vận chuyển, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí

- Phát triển hợp lý hệ thống phân phối xăng dầu nhằm bảo đảm lưu thông và bình ổn thị trường, đáp ứng toàn bộ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.

- Tăng cường các giải pháp gia tăng dự trữ chiến lược về dầu thô và xăng dầu.

- Khuyến khích sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học, nhiên liệu mới nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường.

2. Phân ngành công nghiệp than

a) Về thăm dò và khai thác than

- Tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than hiện có; đẩy mạnh việc thăm dò các mỏ mới, đảm bảo công tác thăm dò luôn đi trước một bước. Phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than Bể than Đông Bắc, hoàn thành công tác thăm dò đến đáy tầng than Bể than An Châu nhằm xác minh và nâng cấp trữ lượng than đảm bảo đủ độ tin cậy theo quy định để huy động vào thiết kế khai thác.

- Đổi mới và áp dụng công nghệ thăm dò, khai thác than tiên tiến, đặc biệt đối với những khu vực nằm ở độ sâu lớn, điều kiện địa chất phức tạp. Nâng cao chất lượng công tác đánh giá trữ lượng và tài nguyên than.

- Tích cực tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư lựa chọn công nghệ, phương pháp thăm dò thích hợp để thăm dò Bể than sông Hồng trong giai đoạn đến năm 2030. Phấn đấu hoàn thành thăm dò một phần diện tích và điều tra, đánh giá xong tài nguyên Bể than sông Hồng trong giai đoạn 2031 - 2045.

- Tập trung phát triển, duy trì các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí “Mỏ xanh, Mỏ hiện đại, Mỏ sản lượng cao, Mỏ an toàn”. Phát triển sản lượng khai thác theo hướng bền vững; khai thác an toàn, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên than. Tăng cường cơ giới hóa, hiện đại hóa trong khai thác than; nâng cao hệ số thu hồi than sạch trong khai thác hầm lò.

- Đầu tư một số đề tài/đề án/dự án nghiên cứu khai thác thử nghiệm tại Bể than sông Hồng để lựa chọn công nghệ khai thác hợp lý.

- Khuyến khích các địa phương có các điểm than trữ lượng nhỏ đầu tư khai thác để phục vụ nhu cầu tại chỗ; chú trọng công tác khai thác than bùn làm nhiên liệu và phân bón phục vụ nhu cầu của ngành nông, lâm nghiệp.

- Đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư nước ngoài để thăm dò, khai thác than (loại than Việt Nam phải nhập khẩu) bảo đảm hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật.

- Phấn đấu sản lượng than thương phẩm khai thác (không bao gồm than bùn) giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 45 - 50 triệu tấn/năm và giảm dần trong giai đoạn 2031 - 2045 (đạt khoảng 38 - 40 triệu tấn vào năm 2045).

- Phấn đấu đưa vào vận hành khai thác thử nghiệm tại Bể than sông Hồng trước năm 2040 để tiến tới khai thác quy mô công nghiệp trước năm 2050 (nếu thử nghiệm thành công).

b) Về sàng tuyển và chế biến than

- Phát triển công tác sàng tuyển và chế biến than theo hướng nâng cao tỷ lệ sàng tuyển và chế biến than tập trung trong toàn ngành; đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng than phù hợp theo thị trường theo từng giai đoạn.

- Duy trì, cải tạo các nhà máy sàng tuyển, trung tâm chế biến than hiện có kết hợp việc duy trì hợp lý các cụm sàng mỏ; đầu tư xây dựng mới nhà máy sàng tuyển tập trung theo từng khu vực để đảm bảo yêu cầu chế biến than.

- Chế biến than sản xuất trong nước kết hợp với pha trộn than nhập khẩu theo hướng tối đa chủng loại than cho sản xuất điện; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đa dạng hoá sản phẩm theo thị trường, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

- Thực hiện công tác sàng tuyển và chế biến than tại các mỏ địa phương phù hợp với nhu cầu tiêu thụ, công suất các dự án mỏ; xây dựng các cơ sở chế biến than bùn tập trung với công nghệ tiên tiến theo hướng ưu tiên chế biến ra các sản phẩm có chất lượng sử dụng cho ngành nông, lâm nghiệp và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

c) Về thị trường than

- Hình thành thị trường than với nhiều người bán và nhiều người mua, đa dạng hóa nguồn than (than sản xuất trong nước, pha trộn, nhập khẩu,...) và đầu mối cung cấp than cho các hộ tiêu thụ trong giai đoạn đến năm 2030; phấn đấu vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc thị trường than sau năm 2030.

- Hoàn thành việc nghiên cứu, thí điểm áp dụng chỉ số giá than quốc tế phù hợp cho tham chiếu giá than nhập khẩu phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Xuất khẩu, nhập khẩu than phù hợp nhu cầu thị trường và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện, trong đó có xem xét đến việc dự trữ than.

d) Về công tác an toàn và bảo vệ môi trường

- Thực hiện tiêu chí mỏ “An toàn - Hiện đại - Thân thiện với môi trường”; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để kiểm soát hữu hiệu các yếu tố rủi ro trong sản xuất than.

- Phát triển ngành than trở thành ngành kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển bền vững, hài hòa, thân thiện với môi trường, cộng đồng và các ngành kinh tế khác; phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy; bảo vệ nước dưới đất; phòng, chống sụt, lún đất,... Nghiên cứu khai thác và sử dụng hiệu quả đất đá thải mỏ để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường.

- Bảo vệ môi trường ngành than gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

đ) Về công tác phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất - kinh doanh than

- Xây dựng mới, hoàn thiện các công trình trên mặt bằng phù hợp nhu cầu sử dụng của từng dự án khai thác, sàng tuyển, chế biến than và bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, môi trường, phòng chống thiên tai, hiệu quả sản xuất than, đáp ứng linh hoạt nhu cầu phát triển quỹ đất trong tương lai.

- Tổ chức hệ thống vận tải phù hợp năng lực sản xuất than từng khu vực với công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, hiệu quả kinh tế.

- Cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các cảng nội địa tại các vùng sản xuất than phục vụ xuất, nhập và pha trộn than với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.

- Nghiên cứu cải tạo, mở rộng cảng chuyên dùng hiện có của các hộ tiêu thụ để có thể trực tiếp nhập khẩu, trung chuyển than cho các tàu có trọng tải phù hợp khi chưa hình thành cảng tập trung tại các khu vực.

- Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xuất, nhập khẩu than; triển khai nhanh việc xây dựng hệ thống cảng, kho dự trữ và trung chuyển than quy mô lớn theo khu vực với loại hình cảng hợp lý, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics đồng bộ, công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường để phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu, pha trộn than đáp ứng nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện.

3. Phân ngành điện

a) Về phát triển nguồn điện

- Phát triển đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý để đảm bảo an ninh năng lượng, nâng cao tính tự chủ của ngành điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà.

- Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu: giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp. Thực hiện chuyển dịch năng lượng bám sát xu thế phát triển công nghệ và giá thành trên thế giới.

- Phát triển nguồn điện cân đối theo vùng, miền, hướng tới cân bằng cung - cầu nội vùng. Bố trí hợp lý các nguồn điện ở các địa phương trong vùng nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện, đảm bảo tin cậy cung cấp điện tại chỗ, giảm tổn thất kỹ thuật, giảm truyền tải điện đi xa.

- Phát triển nguồn điện mới với công nghệ hiện đại đi đôi với đổi mới công nghệ các nhà máy đang vận hành. Tiến tới dừng hoạt động với các nhà máy không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.

- Đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển nguồn điện nhằm tăng cường cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế.

b) Về phát triển lưới điện

- Phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện, nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kết nối khu vực. Phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế.

- Phát triển lưới điện truyền tải 500 kV và 220 kV bảo đảm khả năng giải tỏa công suất các nhà máy điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Phát triển lưới điện truyền tải điện có dự phòng lâu dài, tăng cường sử dụng cột nhiều mạch, nhiều cấp điện áp đi chung để giảm diện tích chiếm đất. Khuyến khích xây dựng các trạm biến áp truyền tải kết hợp cung cấp điện cho phụ tải lân cận.

- Lưới điện truyền tải 500 kV giữ vai trò xương sống trong liên kết các hệ thống điện vùng miền và trao đổi điện năng với các nước trong khu vực. Giới hạn truyền tải liên miền ở mức hợp lý, giảm truyền tải điện đi xa, hạn chế tối đa xây dựng mới các đường dây truyền tải liên miền trước năm 2030.

- Xây dựng lưới điện 220 kV bảo đảm độ tin cậy, các trạm biến áp trong khu vực có mật độ phụ tải cao thiết kế theo sơ đồ đảm bảo vận hành linh hoạt. Xây dựng các trạm biến áp 220 kV đủ điều kiện vận hành tự động không người trực. Đẩy mạnh xây dựng các trạm biến áp GIS, trạm biến áp 220/22 kV, trạm ngầm tại các trung tâm phụ tải.

- Nghiên cứu ứng dụng hệ thống Back-to-Back, thiết bị truyền tải điện linh hoạt để nâng cao khả năng truyền tải, giảm thiểu diện tích chiếm đất. Tổ chức nghiên cứu công nghệ truyền tải điện xoay chiều và một chiều điện áp trên 500 kV.

- Định hướng sau năm 2030 sẽ phát triển các đường dây truyền tải siêu cao áp một chiều kết nối khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Bắc Bộ để khai thác mạnh tiềm năng điện gió ngoài khơi. Nghiên cứu các kết nối xuyên châu Á - Thái Bình Dương.

c) Về liên kết lưới điện khu vực

- Tiếp tục nghiên cứu hợp tác, liên kết lưới điện với các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các nước ASEAN ở các cấp điện áp 500 kV và 220 kV để tăng cường khả năng liên kết hệ thống, trao đổi điện năng, tận dụng thế mạnh tài nguyên của các quốc gia.

- Thực hiện liên kết lưới điện với Lào bằng các tuyến đường dây 500 kV, 220 kV để nhập khẩu điện từ các nhà máy điện tại Lào theo biên bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết giữa hai Chính phủ.

- Duy trì liên kết lưới điện với các nước láng giềng qua các cấp điện áp 220 kV, 110 kV, trung thế hiện có; nghiên cứu thực hiện giải pháp hòa không đồng bộ giữa các hệ thống điện bằng trạm chuyển đổi một chiều - xoay chiều ở cấp điện áp 220 - 500 kV.

- Xây dựng các công trình đấu nối các dự án xuất khẩu điện có hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc phòng.

4. Phân ngành năng lượng mới và tái tạo

- Khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện.

- Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

- Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều, hải lưu; triển khai một số mô hình ứng dụng, tiến hành khai thác thử nghiệm để đánh giá hiệu quả.

- Nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới.

- Thúc đẩy việc phát triển của các dạng năng lượng tái tạo bao gồm nhiên liệu sinh học, hydro, amoniac và các nhiên liệu tổng hợp có nguồn gốc từ hydro sử dụng trong sản xuất điện, giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không), công nghiệp (thép xanh, hóa chất, lọc hóa dầu), tòa nhà dân dụng và thương mại (nhiệt) nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng và từng bước phi các-bon hóa nền kinh tế. Xây dựng lộ trình công nghệ cho sản xuất, sử dụng nhiên liệu hydro và các nhiên liệu có nguồn gốc từ hydro; pin nhiên liệu (fuel cell) sử dụng cho hoạt động giao thông vận tải và các mục đích khác.

- Nghiên cứu các dạng năng lượng mới, như năng lượng sóng biển, địa nhiệt,...

5. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng; thiết lập hệ thống đánh giá và chứng nhận Công trình hiệu quả năng lượng; thiết lập tiêu chuẩn, đánh giá và dán nhãn năng lượng cho sản phẩm vật liệu xây dựng có yêu cầu cách nhiệt sử dụng trong công trình xây dựng.

- Nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế chính sách, quy định pháp luật đối với mô hình kinh doanh dịch vụ tiết kiệm năng lượng (ESCO).

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Tổ chức đào tạo, hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các đối tượng liên quan.

- Đẩy mạnh việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá thực hiện việc tuân thủ pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản dưới Luật.

- Xây dựng sổ tay hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Tăng cường tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Tìm kiếm, huy động, triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật, dự án hỗ trợ đầu tư liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Nghiên cứu xây dựng và đề xuất, thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên cơ sở huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ việc triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam.

- Nghiên cứu bổ sung, hiệu chỉnh về cơ chế, chế tài cụ thể trong việc giám sát kế hoạch sử dụng điện đối với các cơ sở tiêu thụ nhiều năng lượng (kể cả các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm), thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về cơ chế, chính sách

- Phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo, kết nối với thị trường khu vực và thế giới. Xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ,…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, sử dụng mặt nước,... Đổi mới chính sách tài chính theo hướng khuyến khích, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; khuyến khích các dự án đầu tư năng lượng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp năng lượng tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh. Hoàn thiện chính sách thuế khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo.

- Xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hoá, bảo đảm độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và hạn chế việc làm tăng chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế và thực hiện chính sách về tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu đầu tư và cung cấp năng lượng.

- Sửa đổi, hoàn thiện các pháp luật chuyên ngành về dầu khí, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành năng lượng phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường. Nghiên cứu, thực hiện luật hoá việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát và điều phối điện lực. Nghiên cứu xây dựng, bổ sung nội dung về năng lượng tái tạo trong Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm tạo nền tảng pháp lý vững chắc, minh bạch, thuận lợi tạo đà cho phát triển bền vững năng lượng mới và tái tạo.

- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng, đặc biệt trong phân ngành điện, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ và linh hoạt, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và một số ngành khác. Rà soát, điều chỉnh và sớm ban hành các quy hoạch liên quan đến phát triển năng lượng theo Luật Quy hoạch.

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển công nghiệp chế tạo và dịch vụ phục vụ ngành năng lượng theo hướng tăng cường nội lực, hướng đến xuất khẩu; ưu tiên phát triển các ngành chế tạo máy, thiết bị điện, dầu khí, dịch vụ dầu khí. Hoàn thiện khung pháp lý, khuyến khích và đẩy mạnh triển khai mô hình các công ty dịch vụ năng lượng. Khẩn trương xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách khuyến khích nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong ngành năng lượng; bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nội địa hoá đối với các nhà máy điện nói riêng và dự án năng lượng nói chung. Hoàn thiện chính sách đặt hàng sản xuất của Nhà nước để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thực hiện những công trình, dự án phức tạp, kỹ thuật cao trong ngành năng lượng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

- Tăng cường phân công, phân cấp quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực năng lượng; giải quyết kịp thời những vướng mắc và rào cản về chính sách, luật pháp.

- Triển khai xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch. Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước làm công cụ điều tiết của Nhà nước đối với thị trường, đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng và an ninh quốc gia.

- Ban hành quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió ngoài khơi, các dự án sản xuất hydro/amoniac sử dụng điện gió ngoài khơi, dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi.

- Ban hành thí điểm, tiến tới xây dựng chính thức cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ đồng bộ với sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh. Nghiên cứu xây dựng quy định thu phí đối với các hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA).

- Tổ chức nghiên cứu, đánh giá tiềm năng các nguồn năng lượng phi truyền thống.

2. Về tái cơ cấu và khuyến khích đầu tư

- Cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh; áp dụng các mô hình và thông lệ quản trị tiên tiến, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc tế, triệt để thực hiện công khai, minh bạch hoá trong hoạt động; chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hạ tầng năng lượng quốc gia. Hoàn thiện các quy định về đánh giá các nguồn lực, tài sản phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn; xử lý, tái cơ cấu triệt để các dự án, doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ trong lĩnh vực năng lượng. Nghiên cứu, triển khai thí điểm cơ chế bán có thời hạn hoặc cho thuê dài hạn đối với các nhà máy điện, kho nhiên liệu, nhà máy lọc dầu,... thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước.

- Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách; bảo đảm đầy đủ vốn cho các doanh nghiệp năng lượng nhà nước thực hiện các mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường. Tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng. Đẩy nhanh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành điện; xây dựng cơ chế đầu tư thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính để bảo đảm tiến độ các công trình điện.

- Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện. Rà soát, điều chỉnh các quy định về kiểm soát và điều phối thị trường điện lực. Có cơ chế khuyến khích phát triển các nhà máy điện sản xuất tại chỗ, tự cung cấp trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất,...

- Đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện. Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước.

- Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xuất, nhập khẩu năng lượng, kết nối khu vực. Xác định danh mục hạ tầng năng lượng có thể dùng chung và xây dựng cơ chế dùng chung phù hợp với cơ chế thị trường. Xoá bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý trong sử dụng cơ sở vật chất và dịch vụ hạ tầng năng lượng; có cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện. Thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Tăng cường thu hút vốn FDI và vốn của các thành phần kinh tế khác trong nước bằng việc đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài; ưu tiên các dự án FDI có thể thanh toán bằng tiền trong nước hoặc thanh toán bằng đổi hàng và không yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ; cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án.

- Đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển năng lượng, đảm bảo quốc phòng, an ninh và cạnh tranh trong thị trường năng lượng. Tăng cường kêu gọi, sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế (ví dụ JETP, AZEC,…), các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh,...

- Tăng cường quản trị rủi ro trong quá trình triển khai đầu tư và vận hành các dự án, đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.

- Đa dạng hóa các hình thức vay vốn để thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng: tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, thuê tài chính, thuê khoán, đấu thầu một số hoạt động mỏ.

- Tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, bao gồm: vốn viện trợ phát triển chính thức ưu đãi, viện trợ phát triển chính thức không ưu đãi, vay thương mại nước ngoài.

- Từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp năng lượng thông qua các giải pháp: nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp năng lượng, bảo đảm có tích lũy, đảm bảo tỷ lệ vốn tự có cho đầu tư phát triển theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế; tiến tới nguồn huy động vốn chính cho các dự án đầu tư từ vốn tự tích lũy của các doanh nghiệp.

3. Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

- Xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực tổng thể và các chương trình đào tạo cho những khâu then chốt của ngành năng lượng. Tăng cường đào tạo đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu. Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo về năng lượng hạt nhân đi đôi với đào tạo nâng cao.

- Ban hành chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nguồn nhân lực trình độ cao trong và ngoài nước về làm việc trong lĩnh vực năng lượng; hình thành các nhóm khoa học và công nghệ mạnh đủ giải quyết các nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực năng lượng.

- Tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và quốc tế để phát triển nguồn nhân lực.

- Thông qua các dự án đầu tư để đào tạo, tiếp nhận các công nghệ mới, hiện đại.

- Chú trọng đào tạo nghề để có đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ lành nghề đủ khả năng nắm bắt và sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại.

4. Về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ

- Hình thành cơ chế liên kết giữa lực lượng nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực năng lượng. Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển; xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ở phạm vi vùng, địa phương trong lĩnh vực năng lượng, mở rộng mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Tiếp tục triển khai Chương trình khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2030 về lĩnh vực năng lượng, trọng tâm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong quản lý, khai thác, sản xuất, phân phối, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; công nghệ tiên tiến trong khai thác nguồn năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, hydro xanh; làm chủ công nghệ chế tạo các thiết bị lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ năng lượng tiên tiến, thân thiện với môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam...

- Thực hiện chuyển dịch năng lượng, trong đó trọng tâm là chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và năng lượng mới; tăng quy mô bể hấp thụ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thu giữ các-bon.

- Xây dựng quy chế tài chính về môi trường, bảo đảm tính đủ các chi phí về môi trường, xã hội trong đầu tư và giá thành sản phẩm. Tăng cường phòng ngừa, kiểm soát các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn môi trường theo quy định của pháp luật. Thông tin tuyên truyền kịp thời và đầy đủ về công tác bảo vệ môi trường trong ngành năng lượng.

- Hoàn thiện khung chính sách, rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, có xét đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến việc tái chế, sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất năng lượng. Từng bước áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị trong ngành năng lượng cũng như những ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng.

- Xây dựng và triển khai Đề án tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn vào chiến lược phát triển các doanh nghiệp năng lượng. Phát triển hệ thống quản lý và xử lý chất thải trong sản xuất năng lượng với công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện nước ta; bảo đảm năng lực tự xử lý các nguồn thải trong các doanh nghiệp năng lượng. Có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường gắn với ngành năng lượng.

- Rà soát, điều chỉnh và bổ sung những nội dung liên quan đến ngành năng lượng trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, Chiến lược biển Việt Nam và các chiến lược khác có liên quan.

- Cơ cấu lại các ngành tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài để giảm thiểu cường độ năng lượng. Có chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và có hiệu quả về kinh tế - xã hội.

- Rà soát, điều chỉnh phân bố các nguồn tiêu thụ năng lượng linh hoạt theo hướng phân tán, hạn chế việc tập trung quá mức vào một số địa phương, kết hợp chặt chẽ với phân bố lại không gian phát triển công nghiệp và đô thị trên phạm vi cả nước, từng vùng và địa phương.

- Rà soát, hoàn thiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020 - 2030. Triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng hiệu quả năng lượng đối với những lĩnh vực, ngành và sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng cao. Có chính sách khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong công nghiệp và giao thông; thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện năng phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành, có trình độ cao, có khả năng dẫn dắt, định hướng cả một nhóm/tập thể các nhà khoa học dành công sức, tâm huyết cho những lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn (khai thác mỏ nhỏ/cận biên, xử lý/chế biến/tàng trữ CO2, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo - AI); tăng cường các biện pháp nhằm gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo và ứng dụng.

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu để từng bước đưa vào áp dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí bảo vệ môi trường.

- Tăng cường, củng cố tổ chức quản lý môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.

- Thực hiện đầy đủ công tác theo dõi, quan trắc, đo đạc và quản lý các chỉ tiêu môi trường; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của doanh nghiệp năng lượng.

- Đẩy mạnh nghiên cứu các dạng năng lượng mới, như năng lượng sóng biển, địa nhiệt, hydro xanh, amoniac xanh...; xây dựng các chiến lược về các dạng năng lượng mới khác.

5. Về hợp tác quốc tế

- Thực hiện chính sách đối ngoại năng lượng linh hoạt, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi. Tăng cường quan hệ quốc tế về năng lượng trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực phù hợp với xu thế hội nhập, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, các quan hệ chính trị - ngoại giao thuận lợi để phát triển năng lượng.

- Đa dạng hóa, đảm bảo nguồn nhập khẩu năng lượng dài hạn thông qua ký kết các thỏa thuận, hiệp định thương mại và xúc tiến nhập khẩu. Song song với đó khuyến khích đầu tư, khai thác tài nguyên năng lượng ở nước ngoài để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư dự án năng lượng ở nước ngoài, trước hết là với các dự án nguồn điện tại một số nước láng giềng để chủ động nhập khẩu điện về Việt Nam. Mở rộng quan hệ đối tác với các công ty đầu tư năng lượng, phát triển công nghệ năng lượng tiên tiến.

- Tích cực tham gia hợp tác năng lượng tại tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) và khu vực Đông Nam Á (ASEAN); liên kết lưới điện, hoàn thiện cơ chế mua bán điện với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia. Tiếp tục nghiên cứu kết nối hệ thống khí trong khu vực, triển khai thực hiện khi điều kiện cho phép.

- Tăng cường nhận thức, hiểu biết trong nước và hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy áp dụng, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Luật Biển và các điều luật quốc tế liên quan đến các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở ngoài khơi.

- Đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế, khuyến khích và thu hút các đối tác thuộc mọi thành phần kinh tế ở trong nước và nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực năng lượng.

- Tăng cường tham gia các diễn đàn, hội nghị, tổ chức quốc tế và khu vực để nâng cao năng lực, cập nhật công nghệ, tận dụng tri thức và các trợ giúp của quốc tế, chú trọng tăng cường kênh hợp tác với các cơ quan/tổ chức đứng đầu các nước.

- Mở rộng hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đa dạng hoá các phương thức hợp tác để tận dụng chuyển giao công nghệ và nguồn kinh phí từ các đối tác nước ngoài và xây dựng chuỗi cung ứng trong nước đối với thiết bị năng lượng.

- Tranh thủ các hợp tác quốc tế về hỗ trợ Việt Nam khi tiếp cận và sử dụng các nguồn “tài chính khí hậu”, phù hợp với nội dung “quốc tế hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng” mà Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng phù hợp với thẩm quyền theo quy định của Chính phủ.

- Giám sát chặt chẽ tình hình cân đối cung cầu năng lượng, tiến độ thực hiện các chương trình, dự án năng lượng trọng điểm.

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

- Tổ chức đàm phán ký kết hợp tác, trao đổi năng lượng với các nước láng giềng và tham gia của Việt Nam vào hệ thống năng lượng liên kết giữa các nước trong khu vực.

- Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, tăng cường thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài uy tín, kinh nghiệm vào phát triển dầu khí trong nước tại các khu vực nước sâu xa bờ.

- Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các điều kiện cần thiết (pháp lý, hạ tầng kỹ thuật,…) cho việc phát triển thị trường điện và thị trường khí, than cạnh tranh hiệu quả.

- Chỉ đạo nghiên cứu, chế tạo trong nước thiết bị của các dự án nhà máy nhiệt điện than, thủy điện, điện mặt trời, điện gió,… các thiết bị khai thác và vận chuyển dầu mỏ, khí đốt và than.

- Chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ cho các dự án năng lượng.

2. Các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để triển khai đúng tiến độ các dự án trong Quy hoạch năng lượng quốc gia; đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và địa phương.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án năng lượng trên địa bàn; tham gia xây dựng, góp ý, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng mới và tái tạo.

- Tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược, cập nhật và điều chỉnh các quy hoạch liên quan của địa phương để tránh chồng lấn với các quy hoạch phát triển phân ngành năng lượng hiện nay và trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa tài nguyên nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển các ngành công nghiệp trong nước.

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án phát triển năng lượng theo quy định.

- Bố trí quỹ đất các công trình năng lượng được phê duyệt; tăng cường công tác quản lý đất đai, ưu tiên bố trí đất cho các dự án năng lượng.

4. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng

Chủ động xây dựng, điều chỉnh các Chiến lược, kế hoạch phát triển của Tập đoàn phù hợp Chiến lược phát triển năng lượng; tăng cường huy động nguồn vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm về năng lượng.

a) Tập đoàn Điện lực Việt Nam

- Giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo nhiệm vụ được giao. Chịu trách nhiệm đầu tư các công trình lưới điện truyền tải theo quy định trong Luật Điện lực và các quy định pháp luật liên quan khác.

- Thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục giảm tổn thất điện năng; áp dụng chương trình tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng.

- Tiếp tục nâng cao năng suất lao động, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, giảm nhẹ ô nhiễm môi trường trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh bán điện.

- Đẩy mạnh thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức của xã hội, khách hàng sử dụng điện để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

- Nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược tại Quyết định này và triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược.

b) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

- Phối hợp với liên danh nhà thầu để có các phương án khai thác tối ưu các nguồn khí từ các mỏ khí Lô B, Cá Voi Xanh,... cũng như các dự án cơ sở hạ tầng thuộc lĩnh vực khí đã được quy hoạch, bao gồm dự án kho cảng nhập khẩu LNG.

- Tăng cường tìm kiếm, thăm dò và khai thác các nguồn khí trong nước để cung cấp cho các ngành công nghiệp.

- Phối hợp với các tổ chức quốc tế có năng lực, công nghệ để triển khai các dự án năng lượng mới/năng lượng sạch, tận dụng tối đa hạ tầng công nghiệp sẵn có.

- Nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược tại Quyết định này và triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược.

- Thúc đẩy đầu tư các dự án nguồn điện theo nhiệm vụ được giao.

c) Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc

- Tiếp tục chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển bền vững ngành than; thực hiện tốt vai trò là những đầu mối chủ đạo trong việc cung cấp than sản xuất trong nước cho các ngành kinh tế, đặc biệt là cho sản xuất điện; chủ động và tích cực tìm kiếm các nhà cung cấp than uy tín trên thế giới có nguồn than ổn định dài hạn để đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu.

- Khai thác, chế biến, cung ứng than theo định hướng phát triển phân ngành than được duyệt; đảm bảo cung cấp đủ than cho các hộ tiêu thụ theo đúng hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký, đặc biệt là đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện theo các hợp đồng mua bán/cung cấp than dài hạn, trung hạn, ngắn hạn ký với chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than.

- Tích cực, chủ động tìm kiếm và phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có đủ năng lực, có công nghệ phù hợp nghiên cứu đầu tư lựa chọn công nghệ, lựa chọn phương pháp thăm dò thích hợp để triển khai các đề tài/đề án/dự án khai thác thử nghiệm và tiến tới khai thác công nghiệp hiệu quả Bể than sông Hồng.

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chế biến than thành các dạng năng lượng sạch, sản phẩm khác (dùng cho luyện kim, khí hóa than để sản xuất các loại sản phẩm khí phù hợp phục vụ các ngành năng lượng và công nghiệp,...) nhằm đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ than; đề xuất, tiếp nhận các chương trình/dự án hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững ngành than trong tình hình mới. Xây dựng lộ trình, kế hoạch/chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với từng loại hình, công nghệ khai thác, chế biến than bảo đảm thực hiện các mục tiêu Chiến lược.

- Phối hợp với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài có đủ năng lực để nghiên cứu đầu tư xây dựng các cảng trung chuyển than.

- Thúc đẩy đầu tư các dự án năng lượng theo nhiệm vụ được giao.

- Nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược tại Quyết định này và triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược.

d) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng khác

- Theo thẩm quyền, chức năng được quy định tại điều lệ doanh nghiệp và các quy định của pháp luật tổ chức triển khai cụ thể các nhiệm vụ và giải pháp trong Chiến lược này.

- Nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược tại Quyết định này và triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam;
- Tổng công ty Đông Bắc;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, KTTH, NC, PL, ĐMDN, QHQT, TKBT;
- Lưu: VT, CN, (2b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

THE PRIME MINISTER OF VIETNAM
---------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence-Freedom-Happiness
-----------------

No. 215/QD-TTg

Hanoi, March 01, 2024

 

DECISION

APPROVING VIETNAM’S NATIONAL ENERGY DEVELOPMENT STRATEGY BY 2030 WITH A VISION TOWARDS 2045

THE PRIME MINISTER OF VIETNAM

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on Amendments to the Law on Government Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Resolution No. 55/NQ-TW DATED February 11, 2020 of the Politburo introducing orientations of Vietnam’s National energy development strategy by 2030 with a vision towards 2045;

At the request of the Ministry of Industry and Trade of Vietnam at the Statement No. 7069/TTr-BCT dated November 08, 2022 and the Documents No. 1643/BCT-DKT dated March 22, 2023, No. 3872/BCT-DKT dated June 21, 2023, No. 6137/BCT-DKT dated September 06, 2023 and No. 9266/BCT-DKT dated December 28, 2023 of the Ministry of Industry and Trade of Vietnam regarding approval of the National energy development strategy by 2030 with a vision towards 2045; based on opinions given by relevant ministries, central-government authorities and local governments about the National energy development strategy by 2030 with a vision towards 2045;

HEREIN DECIDES:

Article 1. Vietnam’s National energy development strategy by 2030 with a vision towards 2045 (hereinafter referred to as the “Energy Development Strategy”) is hereby given approval. The Strategy includes the following primary contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. National energy security is both a foundation and an important premise for socio-economic development. Energy development should be fast, sustainable and one jump ahead, ensure protection of ecological environment and climate change adaptation, and be associated with the “net-zero emissions by 2050” goal as well as national defense and security, and considered as one major mission of industrialization and modernization.

2. National energy development must be in line with the socialist-oriented market economy and international integration; facilitate rapid establishment of a consistent, competitive and transparent energy market with diverse types of ownership and businesses; and apply market-based pricing to all types of energy. Encourage and enable all types of ownership, especially private ownership, to participate in energy development; and effectively eliminate subsidization, monopoly, unfair competition and lack of transparency in the energy sector.

3. Generate synchronized and suitable growth, and diversify types of energy; prioritize full and efficient use of renewable energy, new energy and clean energy; extract and use domestic fossil fuels reasonably, focusing on stabilization, regulation and required national energy reserves; prioritize development of gas-fired power, formulate a roadmap to suitable reduction of coal-fired power; and actively import fuels to serve operations of power plants. Optimize distribution from the national power system to all areas based on the comparative advantages of each region or locality.

4. Speed up accurate and reliable baseline surveys, exploration and assessment of resources with the aim of ensuring primary energy resource reserves for the national economy; make investment in sustainable development of Vietnam's energy industry, ensuring national energy security. Prioritize use of state budget-derived funding in combination with mobilization and efficient use of social resources and other funding sources for carrying out geological baseline surveys and exploration of resources according to approved plans or plannings. Information and data on geology and fossil fuels must be adequately and comprehensively consolidated and managed in a centralized, consistent and transparent manner on digital platforms.

5. Conduct study on outward investment in extraction of primary energy resources (especially types of energy which must be imported and transported to Vietnam for use, with a view to gradually reducing energy imports) which should be made effectively in conformity with the Politburo’s Resolution No. 55/NQ-TW dated February 11, 2020.

6. Focus on studying and applying achievements from the fourth industrial revolution to development of all energy subsectors and areas; boost digital transformation in the energy sector; and gradually grasp modern technology and strive for self-production of most energy equipment.

7. Economical and efficient use of energy and environmental protection are the important national policy and responsibility of the whole society. Enhance energy audit; formulate consistent policies and mechanisms and strict and feasible sanctions to encourage investment in and use of energy-efficient and eco-friendly technologies and equipment, contributing to productivity improvement and renovation of growth models.

II. OBJECTIVES

1. General objectives

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Specific objectives

- Meet domestic energy demands and objectives of the 10-year socio-economic development strategy (for 2021 - 2030 period), in which, primary energy is expected to reach around 150 - 170 million toe (tonne of oil equivalent) by 2030 and 260 - 280 million toe by 2045;

- Share of renewable energy in total primary energy supply is expected to reach 15 - 20% in 2030 and 65 - 70% in 2045.

- Total end use energy consumption is expected to reach 105 - 115 million toe by 2030 and 160 - 180 million toe by 2045. Primary energy intensity reaches 400 - 420 kgOE/USD 1.000 GDP by 2030 and 250 - 280 kgOE/USD 1.000 GDP by 2045.

- Build smart and efficient electric power systems which are capable of safely connecting with regional electrical grids; ensure safe electrical supply, and satisfaction of the N-1 criterion in important load zones and of the N-2 criterion in extremely important load zones. By 2030, Vietnam is expected to become one of top-4 ASEAN countries in grid reliability and top-3 ASEAN countries in access to electricity.

- Oil refineries are expected to meet at least 70% of total domestic oil and petrol demand; strategic petroleum reserve covers at least 75 - 80 days of net imports after 2030. Be capable of importing approximately 15 - 20 billion m3 of LNG by 2030 and 10 - 15 billion m3 of LNG by 2045.

- Ratio of energy savings to total end use energy consumption gains approximately 7 - 10% by 2030 and 14 - 20% by 2045 compared to normal development scenario.

- Reduce energy-related greenhouse gas emission by 15 - 35% by 2030 and 70 - 80% by 2045 compared to normal development scenario.

- Vision towards 2045: Ensure national energy security; establish the competitive and transparent energy market in line with the socialist-oriented market economy and in a synchronized manner; ensure sustainable development of energy subsectors, efficient use of resources, environmental protection and adaptation to climate change; develop a synchronized and modern energy infrastructure system with enhanced regional and international connectivity; and achieve the workforce quality, science and technology capacity, and energy sector management capacity of a newly industrialized country.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Petroleum

a) Petroleum exploration and extraction

- Petroleum exploration

+ Boost baseline surveys and exploration to increase petroleum reserves and throughput in potential and offshore areas, which must be associated with protection of sovereignty at sea; increase recovery factor and full extraction of small and marginal fields.

+ Review and proactively and effectively implement overseas petroleum exploration and extraction projects.

+ Focus on boosting exploration at shallow-water and conventional areas, including Cuu Long basin, Nam Con Son basin, Malay-Tho Chu basin, Red River basin, especially these 03 areas: Cuu Long basin, Malay-Tho Chu basin, the southern area of Red River basin and central area of Nam Con Son basin, which should be concurrent with extensive or expanded exploration of conventional objects to increase their reserves and develop existing fundamental infrastructure system-aided extraction, gradually shifting to exploration of new objects, new sediment basins and unconventional hydrocarbons (including tight gas, coal bed methane, shale gas and gas hydrate, etc.) to increase their reserves serving long-term extraction.

+ Continue carrying out exploration at deep-water and offshore areas such as Phu Khanh basin, Tu Chinh - Vung May basin, etc.; conduct surveys and collection of seismic and geophysical data to conduct study into geological characteristics and assessment of petroleum potential in deep-water and offshore areas whenever possible.

+ Regarding shale gas and gas hydrate (methane hydrate): actively conduct geological assessment and study at a deeper degree, and apply scientific and technological advancements to expand scale of surveys; and promptly perform overall assessment and accelerate pilot extraction whenever possible.

- Petroleum extraction

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



+ Develop and carry out reasonable and effective extraction of fields where petroleum deposits are discovered to enable long-term and concentrated use of petroleum resources in potential areas such as deep-water and offshore areas, and unconventional petroleum products. Study cooperation plans or mechanisms for joint extraction in overlapping areas.

+ Continue conducting study into solutions for enhancing recovery of oil from oil fields.

+ Promote development and extraction of small/marginal fields that employ new technologies and should be carried out in a manner that optimizes the use of existing infrastructure facilities and application of State incentive policies.

+ Continue performing development and commercial operation concurrent with extensive exploration of Block B gas project, Ca Voi Xanh (Blue Whale) gas field, fields of Southwest Vietnam gas project, and Bao Vang, Bao Trang gas fields. Focus on speeding up the progress of these two large-scale gas projects: Block B gas project (Lot B&48/95 and Lot. 52/97) and Ca Voi Xanh (Blue Whale) gas project.

+ Conduct study on use of natural gas with high CO2 content which should be effective in order to concurrently benefit from (i) use of hydrocarbons, (ii) use of CO2 and (iii) certified emission reductions (when the market for certified emission reductions develops).

+ Apply solutions for reducing gas flaring and leaks, and study the integration of renewable energy.

b) Gas industry

- Promote the growth of the gas industry which should be complete and synchronized in terms of extraction, collection, transportation, processing, storage, distribution and import of gas products.

- Promote implementation of natural gas transport projects (especially those associated with extraction of Block B gas field, Ca Voi Xanh (Blue Whale) gas field, etc.), and economical, efficient and reasonable use of domestic natural gas sources.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Make investment in construction of LNG terminals and import of natural gas (LNG, import via pipelines) to serve development of power, industrial and civil plants. Prioritize search for sources of gas imports using existing infrastructure facilities, and promote international relations to find out sources of gas imports (LNG, import via pipelines) from countries that have available sources of gas supply and favorable commercial and transport conditions, getting ready for LNG import from 2023.

- Maintain safe and efficient operation of existing gas gathering, transport, treatment and processing pipelines. Continue extracting and maximizing collection of gas from large gas fields, while enhancing collection of gas from small and marginal gas fields in order to ensure maximum collection of gas through existing pipelines at Red River basin, Cuu Long basin, Nam Con Son basin and Malay-Tho Chu basin.

- Increase investment in infrastructure facilities, boost and encourage investment in offshore gas gathering systems which are expected to be connected with existing pipelines. Conduct study on construction of pipelines for importing gas from gas fields of neighboring countries into existing pipelines and other pipelines which will be constructed in the near future.

- Accelerate implementation of projects on field development, extraction and collection of gas using pipelines at gas fields where gas gather systems are not available, expand the scope of collection of gas (CNG, LNG...) from gas fields where it is unable to collect gas using pipelines (small or marginal gas fields, gas with high CO2 content, etc., especially associated gas fields).

- Invest in construction of gas processing plants, and pipelines for transporting gas to gas processing plants that shall then supply gas to thermal power centers, gas deep-processing plants, and industrial consumers.

- Establish a complete and synchronized system for supply of natural gas, LNG, CNG, and LPG nationwide to meet fuel demands for energy, fertilizer, industrial, transport and civil activities. Continue developing low-pressure natural gas pipeline systems to distribute gas to industrial consumers along gas pipelines and residential areas in big cities.

- Take full advantage of gas transportation infrastructure systems to transport mixtures of natural gas and hydrogen, ammonia or use gas for producing hydrogen at points of end use.

- Invest in study on and application of reasonable technological solutions for recovering flare gas at oil production platforms, and separating high-value products such as ethane, propane/butane (LPG) and condensate at gas processing plants to enhance the value of petroleum resources.

c) Petroleum processing

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Focus on integration of oil refining and petrochemistry, and use of modern oil refining technologies to flexibly change the product structure in the future towards reducing oil refining products and increasing petrochemicals/chemicals for the purposes of following energy transition trends, enhancing the value added of petroleum materials, and producing raw materials/materials and fuels to serve development of domestic industrial production, aiming for export and reducing trade deficit.

- Maintain safe, stable and efficient operation of existing oil refinery and petrochemical plants and condensate processing plants; diversify products of these plants.

- Focus on maintaining stable production and supply of petrol and oil, fertilizer and other raw materials and fuels to serve socio-economic development, and improve competitiveness, innovation and development.

- Proactively study solutions for dealing shortage of raw materials faced by petroleum processing plants by using alternative or other new stable sources of materials/energy.

- Frequently study investment in innovations/upgrades to be in line with product market trends and increasingly stringent environmental standards (such as oil refineries, etc.). Study investment in and development of new petrochemical/specialized chemical products of high value added.

- Take advantage of geographical location and existing infrastructure facilities to develop plants in the chain of deep processing, plants and service providers. Study and invest in establishment of crude oil/oil and petrol transport - storage - production and trading chains. Accelerate implementation of the project on upgrading and expansion of Dung Quat Oil Refinery, and establishment of the national oil refinery, petrochemistry and energy center at Dung Quoc Economic Zone.

- Study, propose and make investment in construction of new oil refining and petrochemical/chemical projects associated with petroleum processing centers in potential areas.

- Study production of hydrogen and renewable energy: integrated with oil refining, petrochemical, chemical and fertilizer plants, and used as fuels for fuel cells with orientations for completing the next stages of hydrogen value chain.

d) Transport, storage and distribution of petroleum products

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Adopt enhanced solutions for increasing strategic crude oil and petroleum product reserves.

- Encourage the use of biofuels and new fuels to reduce dependence on fossil fuels and protect the environment.

2. Coal industry

a) Coal exploration and mining

- Focus on exploring and upgrading existing coal resources; intensify exploration of new coal mines, and ensure that exploration works are always one jump ahead. Strive to complete the basic exploration to the bottom of the coal bed of Dong Bac coal basin, and complete the exploration to the bottom of the coal bed of An Chau coal basin in order to verify and upgrade coal reserves of required sufficient reliability to be included in mining design.

- Innovate and apply advanced coal exploration and mining technologies, especially in very deep pits or areas with complex geological conditions. Improve quality of assessment of coal reserves and resources.

- Actively find domestic and foreign partners to study, invest in and select appropriate exploration technologies/methods for exploring Red River coal basin for the period up to 2030. Strive to complete exploration of a part of the basin area and complete investigation and assessment of resources of Red River coal basin in the 2031 - 2045 period.

- Focus on developing and maintaining underground mines with high coal reserves according to the “green, modern, high-yield, and safe mine” criteria. Increase sustainable mining throughput; maintain safe, economical and efficient mining of coal resources. Enhance automation and modernization in mining; cleaned coal; improve the recovery rate of clean coal in underground mining.

- Invest in some topics/schemes/projects on pilot mining of Red River coal basin as the basis for selecting appropriate mining technologies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Make enhanced search for opportunities to make outward investment in exploration and mining of coal (of categories which Vietnam must import) in a manner that ensures efficiency and compliance with laws.

- Strive to achieve the commercial coal throughput (excluding peat) of approximately 45 - 50 million tones/year in the period up to 2030. This throughput will gradually fall in the 2031 - 2045 period (to approximately 38 - 40 million tonnes in 2045).

- Strive to start pilot mining of the Red River coal basin by 2040 with the aim of achieving industrial mining scale by 2050 (in case of successful pilot mining).

b) Coal preparation and processing

- Develop coal preparation and processing sectors in the direction of increasing the centralized coal preparation and processing rate throughout the coal industry; and diversifying coal products to meet market demands in each period.

- Maintain and renovate existing coal preparation plants and coal processing centers in combination with reasonable maintenance of ore screening clusters; invest in construction of new centralized coal preparation plants in each region to meet coal processing requirements.

- Carry out processing of domestically produced coal combined with blending of imported coal with the aim of diversifying types of coal supplied for electricity production; make enhanced study on and application of science and technology to carry out market-based product diversification, meet environmental protection requirements, and reduce greenhouse gas emissions.

- Carry out coal preparation and processing works at local mines in a manner that meets consumption demands and is appropriate to capacity of mining projects; build centralized peat processing plants that employ advanced technologies in the direction of processing high-quality products used in agricultural and forestry sectors and meeting environmental protection requirements.

c) Coal markets

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Complete study and pilot application of international coal price indexes which are appropriate to benchmark prices of imported coal, in conformity with specific conditions of Vietnam according to the roadmap for development of a competitive energy market approved by the Prime Minister of Vietnam.

- Carry out coal import and export to meet market demands according to the Government’s direction in order to fully meet domestic coal demands, especially coal used for electricity production, while taking into consideration of coal reserves.

d) Environmental protection and safety

- Follow the “safe - modern - eco-friendly mine” criteria; intensify application of scientific and technological advancements to efficient control of risks in coal production.

- Develop the coal industry into a circular economy sector that is adaptable to climate change; adopt a development model that is sustainable, harmonious and friendly with the environment, communities and other business sectors; prevent and control pollution, deterioration and depletion of water sources; ensure the flow circulation; protect groundwater; prevent and control land subsidence, etc. Study on extraction and efficient use of waste rock and soil from mining to promote the development of circular economy and environmental protection.

- Perform environmental protection tasks which should be associated with reduction of greenhouse gas emissions, towards achievement of the net-zero emissions by 2050.

dd) Development of infrastructure facilities serving coal production and trading

- Build and finish structures on premises to meet demands of each coal mining, preparation and processing project and other requirements regarding landscape, environment, disaster preparedness, efficiency in coal production, and flexibly meet demands for land area development in the future.

- Organize a transport system that is appropriate to coal production capacity of each region and uses modern, eco-friendly and efficient technologies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Renovate and expand existing specialized ports of consumers to directly import or transit coal for ships of appropriate deadweight tonnage when centralized ports are not yet established in regions.

- Attach special importance to construction of infrastructure facilities for coal import and export; accelerate construction of a system of regional large-scale coal bins and transshipment ports with reasonable port model, synchronized technical infrastructure and logistics services, and advanced, modern and eco-friendly technologies to serve import, export and blending of coal for domestic use, especially for electricity production.

3. Electricity

a) Sources of electricity

- Promote synchronized and diversified development of various sources of electricity with a reasonable structure to ensure energy security, enhance energy autonomy and reduce dependence on imported fuels.

- Continue promoting development of sources of renewable energy (hydroelectricity, onshore and offshore wind power, solar power, biomass, etc.), new energy, and clean energy (green hydrogen and ammonia, etc.) in a manner that is appropriate to system safety capacity with reasonable prices, especially self-production and self-consumption of electricity, and rooftop solar power.

- Efficiently extract and use domestic fossil fuels in combination with import in the direction of gradually reducing coal-fired power, prioritizing development of domestic gas-fired power, and developing imported LNG-fired power with an appropriate scale. Carry out energy transition which must closely follow technological trends and prime costs in the world.

- Ensure balanced development of electricity among regions or areas, towards achieving intraregional supply and demand balance. Reasonably arrange electricity sources in localities of each region in order to efficiently use electricity sources, ensure the reliability of on-site electricity supply, reduce technical losses, and minimize long-distance electricity transmission.

- Develop new electricity sources with modern technologies in line with innovation of existing technologies of operating plants. Gradually shut down plants that do not meet environmental standards.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Electrical grids

- Develop transmission systems at the same pace as electricity sources to meet load demands of localities, and employ modern technologies to ensure that these systems satisfy international standards and are ready for regional interconnections. Develop smart electrical grids to integrate renewable energy at a large scale, and ensure safe, stable and economical operation of electrical grids.

- Develop transmission grids of 500 kV and 220 kV in order to meet uncurtailed output of power plants, improve electricity supply reliability, reduce power losses, and meet N-1 criterion in important load zones and N-2 criterion in extremely important load zones. Develop transmission grids with long-term reserve capacity, and intensify use of poles carrying multiple circuits or cables for different voltage levels of electricity in order to reduce areas of land used. Encourage construction of transmission substations which are capable of supplying electricity to adjacent loads.

- Consider 500 kV transmission lines as the backbone in regional electrical grid interconnections and electricity exchanges made with other countries in the region. Impose reasonable interregional transmission limits, reduce long-distance transmission, and minimize construction of new interregional transmission lines before 2030.

- Build 220 kV electrical grids with sufficient reliability and electrical substations in the region with high load density using diagram-based designs to ensure flexible operation. Build 220 kV electrical substations capable of unmanned, automated operation. Promote construction of GIS substations, 220/22 kV substations, and underground substations near load centers.

- Conduct study on application of back-to-back system and flexible transmission equipment in order to improve transmission capability and minimize areas of land used. Organize study on electric power transmission technologies that use direct current and alternating current with a voltage higher than 500 kV.

- After 2030, develop ultra-high-voltage direct current transmission lines connecting the Mid-Central Vietnam, South Central Coast and Northern Vietnam to maximize offshore wind power generation. Conduct study on electricity connectivity across the Asia - Pacific region.

c) Regional power electrical connectivity

- Continue conducting study on cooperation with countries in Mekong Subregion and ASEAN countries in interconnecting electrical grids of 500 kV and 220 kV voltage levels in order to improve system connection capacity, facilitate power exchange and take advantage of resource strengths of such countries.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Maintain existing 220 kV, 110 kV and medium-voltage electrical grid interconnections with neighboring countries; study solutions for asynchronous electrical grid connections using direct and alternating current transformers at 500 kV and 220 kV voltage levels.

- Build connection structures for highly efficient electricity export projects on the basis of ensured energy security and national defense.

4. New energy and renewable energy

- Encourage and promote robust development of renewable energy sources which will provide alternatives to fossil fuels. Prioritize use of wind and solar energy for electricity generation.

- Encourage investment in construction of power plants converting urban waste, biomass and solid waste into power in connection with environmental protection and development of the circular economy.

- Establish and develop a number of renewable energy centers in suitable regions and localities. Promptly study and perform overall assessment of the potential for geothermal energy and energy from waves, tides and sea currents, and formulate orientations of development of these types of energy; implement a number of application models and perform pilot extraction to evaluate the efficiency.

- Conduct technological research, develop a number of pilot production projects and encourage use of hydrogen energy following the global trend.

- Promote development of types of renewable energy, including biofuels, hydrogen, ammonia and hydrogen-based synthetic fuels used in electricity production, transportation (road transport, railway, waterway and airway), industrial sector (green steel, chemicals and oil refining and petrochemical products), civil and commercial buildings ( with the aims of strongly promoting energy transition and gradually decarbonizing the economy. Develop a technological roadmap for production and use of hydrogen fuel and hydrogen-based fuels, and fuel cells used for transportation and other purposes.

- Conduct study on types of new energy such as wave energy, geothermal energy, etc.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Review and revise a system of technical - economic norms for construction of energy-saving buildings; establish an assessment and certification system for energy-efficient buildings; formulate standards for, and carry out assessment and energy labeling for building materials subject to thermal insulation requirements.

- Study, formulate and promulgate mechanisms, policies and regulations for the energy service company (ESCO) model.

- Review, amend and revise technical regulations and standards for economical and efficient use of energy.

- Provide relevant entities with training and instructions for inspection and assessment of implementation of regulations of law on economical and efficient use of energy.

- Intensify inspection and assessment of compliance with regulations of law on economical and efficient use of energy by individuals and organizations subject to the scope of application of the Law on economical and efficient use of energy and sublaw documents.

- Develop instruction manual for inspection and assessment of implementation of regulations of law on economical and efficient use of energy.

- Intensify receipt of technical assistance, technology transfer and human resource training in economical and efficient use of energy.

- Search for, mobilize and implement technical assistance projects and investment support projects relating to economical and efficient use of energy;

- Conduct study on establishment of a fund for promotion of economical and efficient use of energy on the basis of mobilized domestic and foreign resources to promote economical and efficient use of energy in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IV. TASKS AND SOLUTIONS

1. Mechanisms and policies

- Develop the energy market in a manner that ensures synchronization and interconnection between electricity, coal, petroleum and renewable energy in order to connect with regional and global markets. Remove all barriers to ensure that energy prices are transparent and decided by the market; the State shall regulate as appropriate via market instruments (taxes, fees, funds, etc.) and suitable social security policies. Complete market instruments, policies and mechanisms to facilitate economical and efficient use of energy.

- Review, amend and revise policies on land, compensation for land clearance, use of water surface, etc. Renovate financial policies in a manner that encourages and attracts private investment; encourage implementation of energy PPP projects.

Implement credit policies in a flexible and efficient manner to enable energy enterprises to access funding sources, especially enterprises with green energy projects.

Complete tax policies that encourage production and use of clean and renewable energy. 

- Formulate legal grounds for establishment and efficient use of funds for sustainable energy development and promotion of economical and efficient use of energy in a manner that encourages private sector involvement, ensures financial independence from revenues and expenditures of state budget and reduces operating expenses of enterprises and business establishments. Complete and implement mechanisms and policies on standards for renewable energy share in energy investment and supply.

- Amend specialized laws on petroleum, electricity and economical and efficient use of energy, and other legislative documents on energy in conformity with international practices and in appropriate response to Vietnam’s development situation in the context of intensive and extensive international integration to provide the basis for better implementation of the market mechanism. Study and initiate legislation on regulation of electricity prices and a number of incentives for investment in energy sector. Complete a legal framework for electricity control and regulation. Study on formulation and addition of regulations on renewable energy to the Law on Electricity (as amended) to establish a firm and transparent legal basis that will enable the sustainable development of new energy and renewable energy.

- Improve quality of formulation of energy development strategies and plannings, especially for electricity, ensuring stability, synchronization, flexibility and connection with local and sectoral socio-economic strategies and plans. Review, amend and promptly promulgate energy development plannings in accordance with the Law on Planning.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Promote assignment and delegation of authority to perform state management tasks from central to local government in a manner that ensures effectiveness and efficiency and facilitates energy enterprises of different types of ownership; and promptly deal with policies and laws-related difficulties and barriers.

- Start establishment of a synchronized, competitive and transparent energy market. Promote the leading role of State-owned enterprises as a State tool for regulating the energy market, ensuring energy security and safety, as well as national security.

- Promulgate regulations on authority to make decisions on investment guidelines for offshore wind power projects, projects on production of hydrogen/ammonia using offshore wind power, and projects on export of offshore wind power.

- Promulgate mechanisms for pilot application, with a view to official application, of direct power purchase agreements between renewable energy producers and consumers in line with the Law on Electricity and the roadmap to a competitive electricity market. Conduct study on formulation of regulations on charging fees on direct power purchase agreements (DPPA).

- Conduct study and assessment of potential of unconventional energy sources.

2. Restructuring and investment promotion

- Restructure state-owned energy enterprises in a comprehensive manner, with a focus on key and strong areas; apply advanced management models and practices, improve Vietnam’s international credit rating and ensure complete operational transparency and openness; and focus on increase of efficiency in use of national energy infrastructure. Complete regulations on resource and asset assessment in consistent with international practices and actual circumstances; thoroughly handle and restructure state-owned energy enterprises and projects that perform poorly or suffer loss. Study and pilot mechanisms for fixed-term selling or long-term leasing of power plants, fuel warehouses, oil refineries, etc. of state-owned enterprises.

- Review and amend specific policies and mechanisms for a number of important energy projects, especially urgent electricity projects; ensure adequate capital for state-owned energy enterprises to accomplish strategic objectives and missions connected with national defense and security.

- Create a favorable and transparent environment; publish plannings for and lists of investment projects, remove barriers to attract and encourage private sector investment in domestic and foreign energy projects, and focus on electricity generation projects and electricity wholesale and retail in accordance with the market mechanism. Continue encouraging and attracting large-scale, quality and efficient foreign investment in the energy sector. Accelerate equitization of state-owned electricity enterprises; formulate flexible investment mechanisms and carry out administrative reform to ensure electrical works stay on schedule.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Appropriately accelerate the roadmap to the competitive electricity market, and application of direct power purchase agreements between producers and consumers and energy auction/bidding mechanisms, especially for new and renewable energy projects; and ensure transparency of electricity prices. Draw up incentive mechanisms to attract private investment to the national power transmission system. Operate the national power transmission system independently under the control of the State.

- Provide priority policies for sustainable energy infrastructure development; focus on construction of infrastructure for energy import and export and regional interconnection. Draw up list of shared energy infrastructure and formulate mechanisms for such sharing as appropriate to the market mechanism. Remove all unreasonable barriers and monopolies in use of energy infrastructure facilities and services; adopt policies and mechanisms for investment in construction of non-state power transmission systems. Maximize privatization of investment in and operation and use of energy facilities and services, including the national power transmission system, while ensuring national defense and security.

- Intensify attraction of FDI funds and funds derived from other domestic types of ownership by means of diversified investment forms and enhanced investment promotion which aim at attracting interest from foreign investors; prioritize FDI projects that use local currency or barter and do not require Government’s guarantee; carry out administrative reform to increase investment efficiency and accelerate the progress of investment projects.

- Diversify capital sources and capital mobilization forms, and effectively attract domestic and foreign capital sources to energy sector in such a way to ensure national defense and security, and competition in the energy market. Strengthen appeal to and effective application of international support commitments such as JETP, AZEC, etc., green credit sources, climate lines of credit, green bonds, etc.

- Intensify risk management during investment in and operation of projects, and ensure State capital preservation and growth.

- Diversify lending forms to attract investment to energy projects, including: bank credit, issuance of domestic and international bonds, financial lease, all-inclusive lease contract, and bidding for some mine activities.

- Intensify attraction of foreign investments, including: concessional and non-concessional ODA, and foreign commercial loans.

- Gradually increase energy groups, corporations and enterprises’ capacity to mobilize internal finances by enhancing the efficiency and performance of energy enterprises and ensuring accumulations and equity for development investment as required by domestic and international financial organizations with the aim of making their accumulated capital as the main source of finances for investment projects.

3. Human resource training and development

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Promulgate appropriate preferential policies to attract domestic and foreign experts, scientists and highly-skilled human resources to the energy sector; establish science and technology teams that are qualified enough to perform important energy missions.

- Strengthen cooperation and association with reputable domestic and international training institutions for developing human resources.

- Consider approving investment projects to provide training courses and receive new and modern technologies.

- Focus on vocational training in order to have technical workers and skilled staff that are capable of grasping and proficiently using modern technical means and technologies.

4. Environmental protection and response to climate change, science and technology

- Establish mechanisms for association between scientific - technological developers and researchers, innovators and energy enterprises and training institutions. Draw up incentive mechanisms for energy enterprises to further invest in research and development; establish regional and local energy startup support centers, and expand the national startup network. Continue implementing the national science and technology program in energy sector for the 2021 - 2030 period, with a focus on research on and application of technologies of the fourth industrial revolution and digital transformation to management, extraction, production, distribution, and economical and efficient use of energy; research on and application of advanced technologies to use of solar energy, wind energy, biomass, and green hydrogen; grasp technologies for manufacturing of green and renewable energy equipment, and advanced and eco-friendly energy storage equipment which are appropriate to Vietnam’s conditions, etc.

- Carry out energy transition, with a focus on transition from fossil fuels to renewable energy and new energy; increase capacity of carbon sinks and promote application of carbon capture technologies.

- Develop financial regulations concerning the environment and ensure sufficient calculation of all socio-environmental costs in investment and prime costs. Enhance prevention and control of entities posing high risks of environmental pollution; strictly handle violations against regulations on environmental safety in accordance with regulations of law. Promptly provide adequate information on environmental protection in the energy sector. 

- Complete the policy framework, review and amend national regulations and standards for energy in line with international standards and regulations while taking into account the national standards and regulations related to recycling and use of waste generated from energy production. Gradually implement incentive and mandatory measures for innovation of energy technology and equipment as well as energy-intensive industries and sectors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Review and amend contents related to the energy sector in the national climate change strategy, national green growth strategy, Vietnam's sustainable development strategy, Vietnam's marine strategy and other relevant strategies.

- Restructure energy-intensive industries, especially foreign investments, to minimize energy intensity. Adopt incentive policies to facilitate growth of less energy-intensive industries that have socio-economic efficiency.

- Review and adjust energy distribution in a flexible and dispersed manner, avoid excessive distribution to certain localities in closed connection with redistributing industrial and urban space throughout the country and in each region and locality.

- Review and complete the national program for economical and efficient use of energy for the 2020 - 2030 period. Apply mandatory standards and regulations in combination with sanctions concerning efficient use of energy for energy-intensive industries and products. Provide incentive policies for consumers of clean and renewable energy, especially for industrial and transport activities; promote development and use of electric vehicles following the global trend.

- Strengthen technological research, application and transfer; develop a leading and high-quality scientific and technological staff that is capable of leading and providing orientations for a group/collective of scientists dedicated to key science and technology fields (extraction of small/marginal fields, CO2 treatment/processing/storage, digital transformation, and artificial intelligence); intensify implementation of measures for a closer connection between scientific research and training and application.

- Promote scientific research and international cooperation in environmental protection and response to climate change with the aim of gradually applying new technologies to increase efficiency in environmental protection and reduce costs thereof.

- Intensify and strengthen management of environmental affairs by environmental authorities and energy enterprises.

- Fully carry out monitoring, surveys, measurement and management of environmental indicators; inspect energy enterprises’ compliance with regulations on environmental protection.

- Boost research on types of new energy such as wave energy, geothermal energy, green hydrogen, green ammonia, etc.; formulate strategies for other new energy types.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Adopt flexible, efficient, fair and mutually beneficial foreign energy policies. Enhance international relations in terms of energy in all subsectors as appropriate to integration trends, and seize opportunities arising from political - foreign relations and trade agreements for energy development.

- Diversify and ensure long-term energy import sources by means of signed import promotion and trade agreements/treaties while encouraging outward investment and extraction of foreign energy resources to ensure national energy security; provide support mechanisms for outward energy investment for Vietnam’s enterprises, which shall first begin with electricity projects in neighboring countries to facilitate electricity import. Promote partnerships with advanced energy technology/energy investing companies.

- Actively participate in energy cooperation with the Greater Mekong Subregion (GMS) and ASEAN; carry out electrical grid interconnections, and complete mechanisms for electricity trading with China, Laos and Cambodia. Continue conducting study on a regional gas connection system and adopt this system when possible.

- Increase the people’s awareness and understanding of, and promote international cooperation in application and compliance with international laws, especially the Law of the Sea and international laws governing offshore petroleum exploration and extraction.

- Promote international cooperation and integration, encourage and attract domestic partners of all types of ownership and foreign investors to the energy sector.

- Increase participation in international and regional forums, conferences and organizations to improve capacity, stay updated on latest technologies, make the best use of international aids and knowledge, and focus on strengthening cooperation channels with leading authorities/organizations of foreign countries.

- Promote international cooperation in scientific research and technological development, diversify cooperation modes to take advantage of technology transfer and funding sources of foreign partners, and establish a domestic supply chain for energy equipment.

- Court international cooperation regarding support for Vietnam when accessing and using “climate finance” sources in conformity with the Prime Minister’s “international cooperation and support for Vietnam in energy transition” statement announced at the COP26 Summit.

Article 2. Implementation organization

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Play the leading role and cooperate with relevant Ministries, regulatory authorities and provincial governments in performing the following tasks:

- Study and propose mechanisms and policies for implementation of the Energy Development Strategy within its jurisdiction in accordance with the Government's regulations.

- Closely monitor the energy supply and demand balance, and the progress of key energy programs/projects.

- Study and propose incentive policies and mechanisms for investment in renewable energy projects.

- Organize negotiations on energy cooperation and exchange with neighboring countries, and Vietnam’s participation in regional integrated energy system.

- Study and propose incentive policies and mechanisms to attract resources of reputable and experienced foreign investors to domestic petroleum development in deep-water and offshore areas.

- Speed up formulation and completion of necessary conditions (regarding legislation, technical infrastructure, etc.) for development of perfectly competitive electricity, gas and coal markets.

- Direct research and domestic production of equipment for coal-fired thermal power plants, hydroelectricity, solar and wind power plants, etc., and equipment used for extraction and transport of petroleum, gas and coal.

- Play the leading role in studying and proposing amendments to legislative documents, mechanisms and policies to facilitate the execution of energy projects on schedule.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Fully perform their functions, tasks and powers to keep the projects defined in the National energy planning on schedule; propose mechanisms, policies and solutions for dealing with difficulties or barriers to achieve objectives of the planning in a manner that ensures consistency and synchronization with the 10-year socio-economic development strategy (for 2021 - 2030 period), and sectoral and local socio-economic development plans.

3. People’s Committees of provinces or central-affiliated cities shall:

Play the leading role and cooperate with relevant Ministries, regulatory authorities and provincial governments in performing the following tasks:

- Formulate mechanisms and facilitate investors’ execution of energy projects in their provinces; engage in formulation, provide opinions, or devise breakthrough mechanisms and policies to encourage and promote robust development of new and renewable energy.

- Organize the implementation of the Strategy, update and amend their local plannings to ensure that they will not overlap with plannings for development of energy subsectors in force and those to be developed in the future, and enable maximum use of resources to ensure national energy security and development of domestic industries.

- Play the leading role and cooperate with project owners in performing land clearance, compensation, relocation and resettlement tasks to serve the execution of energy projects as prescribed.

- Allocate land areas for execution of approved energy works; intensify land management, and prioritize allocation of land to energy projects.

4. Energy enterprises shall:

Proactively formulate and amend development strategies and plans of energy groups in conformity with the Energy Development Strategy; intensify mobilization of capital from domestic and foreign organizations to execute investment projects, especially key energy projects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Hold the leading role in maintaining stable and safe supply of power for socio-economic development. Make investments in power source and electrical grid projects in a synchronous manner within the ambit of its assigned tasks. Assume responsibility to make investments in transmission grid works as prescribed by the Law on Electricity and relevant laws.

- Adopt solutions to continue reducing power loss; implement programs on economical use of power in production and daily activities.

- Continue enhancing labour productivity, apply advanced and modern technologies, and minimize environmental pollution in electricity generation, transmission, distribution and trading.

- Boost implementation of programs for increasing social and consumer awareness about economical and efficient use of electricity.

- Conduct study on tasks and solutions for implementing the Strategy set forth in this Decision, and perform specific tasks within the ambit of its assigned tasks and functions to achieve the objectives of the Strategy.

b) Vietnam Oil and Gas Group (Petrovietnam) shall:

- Cooperate with bidding consortiums to develop plans for optimal extraction of gas from Block B and Blue Whale gas fields, etc., and optimal operation of gas sector-related infrastructure projects under approved plannings, including imported LNG terminal projects.

- Intensify exploration and extraction of domestic gas sources to supply for industries.

- Cooperate with international organizations that have appropriate competencies and technologies for execution of new/clean energy projects in a manner that takes the best use of existing industrial infrastructure.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Promote investment in power source projects within the ambit of its assigned tasks.

c) Vietnam National Coal and Mineral Industries Holding Group (Vinacomin), Dong Bac Corporation shall:

- Hold the leading role in assuring sustainable development of coal industry; fulfill their role as the primary suppliers of domestically produced coal for economic sectors, especially for electricity production; proactively and actively search for foreign reputable coal suppliers that are capable of ensuring stable and long-term supply of coal to diversify sources of imported coal.

- Extract, process and supply coal following approved orientations for development of coal subsectors; ensure sufficient supply of coal for consumers under signed coal trading/supply contracts, especially supply of coal for electricity production under long-term, medium-term and short-term coal trading/supply contracts signed with coal-fired thermal power plant owners.

- Proactively and actively search for and cooperate with domestic and foreign organizations and individuals that have appropriate competencies and technologies to conduct study on and invest in appropriate exploration technologies/methods for executing topics/schemes/projects on pilot mining, with a view to achieving industrial mining scale, of the Red River coal basin.

- Do research on and apply science and technology to processing of coal into clean energy types and other products (used in metallurgy, gasification of coal to produce gas products suitable for energy and industrial sectors, etc.) in order to diversify processed coal products; propose and receive technical assistance programs/projects to transition to sustainable coal business models in the new situation. Develop specific roadmaps and plans/programs to promote scientific and technology research/application as appropriate to each coal mining/processing type or technology to ensure achievement of objectives of the Strategy.

- Cooperate with domestic and foreign investors that have appropriate competencies to conduct study on and invest in construction of coal transshipment hubs.

- Promote investment in energy projects within the ambit of their assigned tasks.

- Conduct study on tasks and solutions for implementing the Strategy set forth in this Decision, and perform specific tasks within the ambit of their assigned tasks and functions to achieve the objectives of the Strategy.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Organize performance of specific tasks and solutions set out in this Strategy within the ambit of their functions and powers defined in their corporate charters and relevant regulations of laws.

- Conduct study on tasks and solutions for implementing the Strategy set forth in this Decision, and perform specific tasks within the ambit of their assigned tasks and functions to achieve the objectives of the Strategy.

Article 3. This Decision comes into force from the date on which it is signed.

Article 4. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Chairpersons of People’s Committees of provinces or central-affiliated cities, Chairpersons of Boards of Members and General Directors of EVN, Petrovietnam, Petrolimex, Vinacomin, Dong Bac Corporation and relevant authorities are responsible for the implementation of this Decision.

 

 

PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Tran Hong Ha

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 215/QĐ-TTg ngày 01/03/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.921

DMCA.com Protection Status
IP: 13.58.38.184
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!