ỦY
BAN NHÂN DÂN
QUẬN PHÚ NHUẬN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 853/KH-UBND
|
Phú
nhuận, ngày 15 tháng 9 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI TẠI QUẬN GIAI ĐOẠN
2017 - 2025
Thực hiện Kế hoạch số 4902/QĐ-UBND
ngày 07/8/2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe
người cao tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2025, Ủy ban nhân dân
quận xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu tổng quát:
Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người
cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương
trình hành động quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh
sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
2. Mục tiêu cụ thể: (Chỉ tiêu phấn đấu đạt vào năm 2025).
Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào
toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Chỉ tiêu 1: 100% lãnh đạo, các cấp ủy
đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội quận, phường được
cung cấp thông tin về già hóa dân số, thực trạng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người
cao tuổi; ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Chỉ tiêu 2: 100% người cao tuổi hoặc
người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số,
quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và các kiến thức chăm sóc sức
khỏe người cao tuổi.
Mục tiêu 2: Nâng cao sức khỏe của người cao tuổi trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ
năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe
ban đầu của người cao tuổi.
- Chỉ tiêu 1: 80% người cao tuổi có khả
năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc.
- Chỉ tiêu 2: 80% người cao tuổi được
khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức
khỏe.
- Chỉ tiêu 3: Tuổi thọ trung bình của
người dân quận là 76,3 tuổi vào năm 2020 và 76,4 tuổi vào năm 2025 (theo chỉ
tiêu chung của thành phố).
Mục tiêu 3: Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng
cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà...).
- Chỉ tiêu 1: 95% người cao tuổi khi
bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
- Chỉ tiêu 2: Bệnh viện quận có tổ chức
khoa Lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi.
- Chỉ tiêu 3: 100% người cao tuổi có
thẻ bảo hiểm y tế.
Mục tiêu 4: Đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người
cao tuổi tại gia đình, cộng đồng.
- Chỉ tiêu 1: 100% người cao tuổi
không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng.
- Chỉ tiêu 2: Tăng ít nhất 02 lần (so
với năm 2017) số người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không còn khả năng
tự chăm sóc, không có người trợ giúp tại nhà và điều kiện chi trả được chăm sóc
trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung.
II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI
GIAN THỰC HIỆN:
1. Đối tượng:
- Đối tượng thụ hưởng: người cao tuổi,
gia đình có người cao tuổi.
- Đối tượng tác động: các cấp ủy đảng,
chính quyền, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội quận, phường; cán bộ y tế,
dân số; các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Đề án và cộng đồng người cao tuổi
sinh sống trên địa bàn.
2. Thời gian thực hiện kế hoạch: Từ nay đến năm 2025 và chia làm 2 giai đoạn
2.1. Giai đoạn 1 từ năm 2017 đến
2020: Tập trung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng
đồng:
- Tăng cường các hoạt động truyền
thông thay đổi hành vi; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý sức khỏe
người cao tuổi tại Trạm Y tế 15 phường; tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho
người cao tuổi tại các cơ sở y tế.
- Thực hiện các quy chuẩn chuyên môn,
kỹ thuật trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, hướng dẫn sử dụng
bảo hiểm y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Thực hiện thí điểm xây dựng phường
phù hợp với người cao tuổi.
2.2. Giai đoạn 2 từ năm 2021 đến
2025:
- Sơ kết kết quả thực hiện giai đoạn 1;
lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của Đề án triển khai thực hiện có hiệu quả
trong giai đoạn 1; nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người
cao tuổi, ưu tiên các mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi tại
cộng đồng; tạo môi trường thân thiện cho người cao tuổi thông qua việc thúc đẩy
phong trào xây dựng phường phù hợp với người cao tuổi.
III. NỘI DUNG CỤ
THỂ:
1. Tăng cường
truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội
đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi:
- Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận
thức của hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn về thực trạng của quá
trình “Già hóa dân số” và mục tiêu chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò của người
cao tuổi. Lồng ghép, cung cấp thông tin, nội dung về vấn đề “Già hóa dân số”
trong các phong trào, cuộc vận động của quận, phường.
- Thường xuyên truyền thông giáo dục
trong các hội nghị, hội thảo, hội thi... và trên các phương tiện thông tin đại
chúng, các sản phẩm truyền thông (tài liệu, băng rôn, khẩu hiệu...) nhằm thay đổi
hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và
phát huy vai trò của người cao tuổi. Nâng cao ý thức, nghĩa vụ, trách nhiệm phụng
dưỡng người cao tuổi của gia đình có người cao tuổi; kính trọng, không kỳ thị,
coi tuổi già là gánh nặng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của
gia đình và toàn xã hội.
- Thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kiến
thức, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với người cao tuổi và
gia đình có người cao tuổi trên địa bàn. Thí điểm và nhân rộng mô hình tư vấn
và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi qua sử dụng mạng thông tin điện tử
(internet), viễn thông.
- Tích cực giám sát việc thực hiện
các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi theo đúng quy định pháp luật;
nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chủ động tự lo cho tuổi
già khi còn trẻ bao gồm việc mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.
2. Xây dựng, phát
triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi:
- Triển khai thí điểm phong trào phường
phù hợp với người cao tuổi tại một số phường theo hướng dẫn của Trung ương.
Đánh giá kết quả thực hiện thí điểm và nhân rộng đối với các phường còn lại.
3. Củng cố, hoàn thiện
hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người
cao tuổi:
- Nâng cao năng lực thực hiện chăm
sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại các y tế cơ sở công lập và ngoài
công lập trên địa bàn. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ
sở y tế công lập theo quy hoạch. Tổ chức Chiến dịch chăm sóc sức khỏe người cao
tuổi tại Trạm y tế 15 phường để khám sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người
cao tuổi và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi.
- Bệnh viện quận thành lập khoa Lão
khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi. Phân
công đội ngũ y, bác sĩ tập huấn kiến thức về lão khoa đo thành phố tổ chức.
4. Thực hiện mô
hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi:
- Phấn đấu đến năm 2025 có 100% Trạm
Y tế phường xây dựng và duy trì hoạt động của đội ngũ chăm sóc sức khỏe định kỳ
cho người cao tuổi tại gia đình thông qua mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ (từ
10-15 người/phường) nhằm thực hiện quản lý sức khỏe người cao tuổi (theo dõi,
thăm tại nhà); lồng ghép với quản lý sức khỏe cộng đồng, quản lý các bệnh mạn
tính không lây và phát triển mô hình Bác sĩ gia đình tham gia chăm sóc sức khỏe
người cao tuổi trên địa bàn.
- Đảm bảo đến năm 2025 có ít nhất 70%
tổng số phường xây dựng và duy trì hoạt động Câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người
cao tuổi để tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về rèn luyện thân thế, nâng cao sức
khỏe và phòng bệnh; cung cấp một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi
đơn giản, dễ thực hiện cho người nhà người cao tuổi; thực hiện chăm sóc sức khỏe
tinh thần thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể
thao... và lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe vào các loại hình câu lạc bộ của
người cao tuổi khác.
III. KINH PHÍ THỰC
HIỆN:
- Nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ
công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và từ vận động nguồn lực hỗ trợ, bổ
sung kinh phí nhằm nâng cao chất lượng triển khai các hoạt động của Đề án theo
yêu cầu thực tế.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
1. Phòng Y tế:
- Chủ trì phối hợp với các đơn vị có
liên quan như: Ban Tuyên giáo Quận ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, Hội
Liên hiệp Phụ nữ quận, Quận đoàn, Ban đại diện Hội Người cao tuổi quận, phòng
Lao động - Thương binh và Xã hội, phòng Văn hóa và Thông tin, phòng Tài chính -
Kế hoạch, Ban chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận, Ban công
tác Người cao tuổi quận, Bệnh viện quận, Trung tâm y tế quận triển khai thực hiện
các nội dung theo Kế hoạch đề ra.
- Phân công trách nhiệm từng thành
viên Ban chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận trong việc tổ chức
thực hiện Kế hoạch theo hướng dẫn của Thành phố.
- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện
cho Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Y tế, Ủy ban nhân dân quận theo quy định.
2. Ủy ban nhân
dân 15 phường:
Căn cứ tình hình thực tế tại địa
phương, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên
địa bàn; triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, các nội dung phù hợp với
tình hình thực tế tại phường.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án
chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại quận giai đoạn 2017 - 2025. Đề nghị Thủ
trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan thuộc
quận và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường triển khai thực hiện theo các nội
dung và tiến độ thời gian nêu trên./.
Nơi nhận:
- UBND/TP;
- Sở Y tế;
- Chi cục DS - KHHGD/TP;
- TT/QU;
- TT/UBND quận (CT, PCT/VX);
- Ban Tuyên giáo Quận ủy;
- UBMTTQVN quận; Hội LHPN; Quận đoàn;
- Ban đại diện Hội NCT quận;
- PYT, PLĐTBXH, PVHTT, PTCKH,
- TV/BCĐ DS-KHHGĐ Quận;
- TV/Ban công tác NCT quận;
- Bệnh viện quận, Trung tâm Y tế quận;
- VP/HĐND và UBND quận (CVP, đ/c Bình (PCVP);
- UBND 15 phường;
- Lưu: VT, TH.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đông Tùng
|