Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 4511/QĐ-UBND 2021 đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh sở ngành cấp tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu: 4511/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Đỗ Minh Tuấn
Ngày ban hành: 10/11/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4511/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 10 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐÁNH GIÁ CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CÁC SỞ, BAN, NGÀNH CẤP TỈNH VÀ UBND CẤP HUYỆN (DDCI) TỈNH THANH HÓA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021;

Căn cứ Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 03/02/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Căn cứ Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 28/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 25/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX;

Căn cứ Kế hoạch số 22-KH/TU ngày 23/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Kết luận số 617-KL/TU ngày 04/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) tỉnh Thanh Hóa;

Theo đề nghị của Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tại Văn bản số 206/PTM-CNTH ngày 19/10/2021; của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 8058/SKHĐT-KTĐN ngày 01 tháng 11 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) tỉnh Thanh Hóa, với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG

1. Mục tiêu

- Xây dựng bộ công cụ để thực hiện việc khảo sát, đánh giá năng lực chỉ đạo, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện.

- Cung cấp cho lãnh đạo tỉnh một công cụ hiệu quả để giám sát và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện.

- Tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; từ đó, tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.

- Kết quả chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa là một trong các căn cứ để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và phong trào thi đua của các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

- Tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành trong việc nâng cao chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương.

- Khích lệ và phát huy sự năng động, sáng tạo của cán bộ và các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh.

- Hỗ trợ lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện xác định trọng tâm cải cách, lựa chọn và triển khai các giải pháp kịp thời, phù hợp để cải thiện hiệu quả hoạt động của đơn vị mình.

- Góp phần hoàn thành mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025, thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

2. Yêu cầu

- Phương pháp xây dựng hệ thống chỉ số và tiêu chí đánh giá được lựa chọn tương tự các chỉ số thành phần của PCI, trên cơ sở áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tại tỉnh... và có sự tham vấn của chuyên gia PCI trong suốt quá trình xây dựng, triển khai thực hiện.

- Hệ thống chỉ tiêu được xây dựng theo hướng dễ áp dụng, dễ triển khai để các đơn vị có thể dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn giải pháp cải thiện.

- Kết quả khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, minh bạch; làm căn cứ để các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các tổ chức liên quan tiếp thu ý kiến góp ý của nhà đầu tư, doanh nghiệp, từ đó đề ra các giải pháp cải thiện thiết thực, hiệu quả.

- Kết quả khảo sát, điều tra là một trong những căn cứ để xem xét, so sánh chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

3. Nguyên tắc xây dựng

Bộ chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa được xây dựng dựa trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc sau: Sát thực tế; gắn trách nhiệm cụ thể; khả thi; chính xác, khoa học và minh bạch; có ý nghĩa; bảo mật.

II. CÁC CHỈ SỐ THÀNH PHẦN VÀ BẢNG HỎI KHẢO SÁT

1. Các chỉ số thành phần và tiêu chí đánh giá của chỉ số thành phần

Bộ chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa được xây dựng gồm các chỉ số thành phần như sau:

(1) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin.

(2) Tính năng động và vai trò của người đứng đầu.

(3) Chi phí thời gian.

(4) Chi phí không chính thức.

(5) Cạnh tranh bình đẳng.

(6) Hỗ trợ doanh nghiệp.

(7) Thiết chế pháp lý.

(8) Tiếp cận đất đai.

Trong đó: Các chỉ số từ (1) đến (7) được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ (1) đến (8) được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm UBND cấp huyện.

2. Bảng hỏi khảo sát

- Phiếu khảo sát sẽ được xây dựng gồm hai loại:

+ Mẫu A: Dùng để khảo sát ý kiến doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) về các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

+ Mẫu B: Dùng để khảo sát ý kiến doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) về UBND cấp huyện.

- Phiếu khảo sát gồm 3 phần:

+ Phần 1 - Thông tin chung: Là những câu hỏi chung liên quan đến thông tin về doanh nghiệp.

+ Phần 2 - Năng lực điều hành và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Là những câu hỏi triển khai về 8 chỉ số thành phần DDCI tỉnh Thanh Hóa.

+ Phần 3 - Những thông tin bổ sung: Các câu hỏi của phần này triển khai tìm hiểu những đánh giá của doanh nghiệp về những nội dung bổ sung và dùng để phân tích sâu hơn những vấn đề tỉnh quan tâm.

III. ĐỐI TƯỢNG ĐÁNH GIÁ, CHỌN MẪU, PHƯƠNG PHÁP KHẢO SÁT

1. Đối tượng được đánh giá

Gồm 52 đơn vị (25 đơn vị sở, ban, ngành cấp tỉnh và 27 đơn vị cấp huyện) trong tỉnh, cụ thể:

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh: (1) Sở Kế hoạch và Đầu tư, (2) Sở Tài nguyên và môi trường, (3) Sở Giao thông vận tải, (4) Sở Xây dựng, (5) Sở Công Thương, (6) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (7) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, (8) Sở Khoa học và Công nghệ, (9) Sở Y tế, (10) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, (11) Sở Giáo dục và Đào tạo, (12) Sở Tài chính, (13) Sở Tư pháp, (14) Sở Thông tin và Truyền thông, (15) Sở Nội vụ, (16) Sở Ngoại vụ, (17) Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, (18) Ban Dân tộc, (19) Cục Thuế tỉnh, (20) Cục Hải quan tỉnh, (21) Bảo hiểm xã hội tỉnh, (22) Thanh tra tỉnh, (23) Văn phòng UBND tỉnh, (24) Cục Quản lý thị trường tỉnh, (25) Kho bạc Nhà nước tỉnh.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố: (1) Thành phố Thanh Hóa, (2) Thành phố Sầm Sơn, (3) Thị xã Bỉm Sơn, (4) Thị xã Nghi Sơn, (5) Huyện Hà Trung, (6) Huyện Hậu Lộc, (7) Huyện Hoằng Hóa, (8) Huyện Nga Sơn, (9) Huyện Quảng Xương, (10) Huyện Nông Cống, (11) Huyện Đông Sơn, (12) Huyện Triệu Sơn, (13) Huyện Thiệu Hóa, (14) Huyện Yên Định, (15) Huyện Vĩnh Lộc, (16) Huyện Thọ Xuân), (17) Huyện Như Thanh, (18) Huyện Như Xuân, (19) Huyện Thạch Thành, (20) Huyện Cẩm Thủy, (21) Huyện Thường Xuân, (22) Huyện Ngọc Lặc, (23) Huyện Lang Chánh, (24) Huyện Bá Thước, (25) Huyện Quan Hóa, (26) Huyện Quan Sơn, (27) Huyện Mường Lát.

2. Cách thức chọn mẫu và phương pháp lấy mẫu

2.1. Nguồn cung cấp mẫu

Nguồn mẫu được tập hợp từ: (1) Danh sách các doanh nghiệp đang hoạt động do Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa cung cấp; (2) Danh sách các hợp tác xã đang hoạt động do Liên minh Hợp tác xã tỉnh cung cấp; (3) Danh sách các doanh nghiệp mới thành lập do Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp; (4) Danh sách các doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp do Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cung cấp; (5) Danh sách các doanh nghiệp có tương tác với các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong năm do các sở, ban, ngành cung cấp; (6) Danh sách các tổ hợp tác, hộ kinh doanh do UBND cấp huyện cung cấp.

2.2. Phân loại và lựa chọn mẫu

Thực hiện qua 4 bước cơ bản sau:

Bước 1: Hiệu chỉnh mẫu

- Rà soát để tránh sự trùng lặp trong danh sách mẫu, đảm bảo mỗi mẫu chỉ xuất hiện 1 lần trong danh sách.

- Hiệu chỉnh và bổ sung các thông tin liên quan tới mẫu cho đúng với thực tế và đầy đủ các trường thông tin phục vụ phân loại.

Bước 2: Phân tầng, phân lớp, phân loại mẫu

Tập hợp mẫu sẽ được phân tầng, phân lớp, phân loại theo các tiêu chí chủ yếu sau: Địa bàn hoạt động; lĩnh vực hoạt động, ngành nghề kinh doanh chính; quy mô doanh nghiệp; số năm hoạt động.

Bước 3: Mã hóa và trộn mẫu

Sau bước 1 và bước 2, tập hợp mẫu sẽ được mã hóa và trộn. Lúc này, nhìn vào mẫu đã được mã hóa, không thể biết chính xác đó là doanh nghiệp nào mà chỉ biết các thông tin theo các tiêu chí đã được đề cập ở bước 2.

Bước 4: Lựa chọn mẫu khảo sát

Dự kiến sẽ lựa chọn 4.000 mẫu để gửi phiếu khảo sát, tập trung vào đối tượng chủ yếu là doanh nghiệp; các đối tượng hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sẽ được xem xét với mức độ phù hợp.

Cơ cấu mẫu khảo sát sẽ được tính toán để phân bổ phù hợp với cơ cấu, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động theo các tiêu chí đã đề cập ở bước 2. Sau khi đã có được số lượng và cơ cấu mẫu phân bổ theo các tiêu chí, việc chọn mẫu sẽ được tiến hành bằng máy mà không có sự tác động một cách chủ quan của nhóm khảo sát.

Mỗi doanh nghiệp sẽ được gửi 3 phiếu (1 phiếu chính và 2 phiếu phụ để doanh nghiệp tự lựa chọn sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện mà doanh nghiệp tương tác nhiều nhất, có nhiều thông tin nhất). Như vậy sẽ có khoảng 12.000 phiếu được gửi đi. Đồng thời 2 loại phiếu khảo sát sẽ được công khai trên trang web của đơn vị được giao triển khai Đề án, để các doanh nghiệp không được gửi phiếu nhưng có nhu cầu thì vẫn được tham gia. Việc khảo sát qua trang website, email sẽ được đẩy mạnh để tăng dần qua từng năm.

Đối với mỗi đơn vị được đánh giá, phải đảm bảo tối thiểu nhận về 20 phiếu khảo sát đã hoàn chỉnh thì mới thực hiện tính điểm, xếp hạng.

3. Phương pháp khảo sát

- Mẫu phiếu dùng để khảo sát, đánh giá được xây dựng riêng cho 02 đối tượng được khảo sát, đánh giá gồm: Mẫu A: Dùng để khảo về các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Mẫu B: Dùng để khảo sát về UBND cấp huyện.

- Phương pháp khảo sát chính được thực hiện bằng phiếu khảo sát dưới dạng bảng hỏi gửi tới đối tượng khảo sát qua đường bưu điện và phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các cấp để gửi/thu phiếu khảo sát của các doanh nghiệp có liên hệ thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp; công khai phiếu khảo sát trên website của Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa để các doanh nghiệp không được gửi phiếu vẫn có thể tham gia trả lời.

- Liên lạc và/hoặc gặp trực tiếp đơn vị được gửi phiếu để hướng dẫn, giải thích các câu hỏi; đôn đốc, vận động các doanh nghiệp tham gia khảo sát một cách khách quan, trung thực; duy trì hòm thư điện tử và đường dây nóng hỗ trợ khảo sát.

- Sau khi nhận lại phiếu khảo sát, nhóm khảo sát sẽ liên lạc lại bằng điện thoại, hoặc gặp gỡ trực tiếp để làm rõ, làm sạch dữ liệu, hoặc bổ sung thông tin (nếu cần).

- Mục tiêu phấn đấu đạt số lượng phản hồi khoảng 30% số thư gửi đi. Trường hợp chưa đủ số lượng phản hồi theo yêu cầu thì tiến hành gặp gỡ trực tiếp để vận động hoặc tiếp tục lựa chọn mẫu gửi bổ sung.

IV. XỬ LÝ DỮ LIỆU, TỔNG HỢP BÁO CÁO VÀ CÔNG BỐ KẾT QUẢ

1. Xử lý số liệu

1.1. Chuẩn bị dữ liệu, mã hóa dữ liệu và nhập liệu

- Chuẩn bị dữ liệu: Làm cho dữ liệu có giá trị đồng thời hiệu chỉnh về dữ liệu, cấu trúc cho hợp lý.

- Mã hóa dữ liệu: Quá trình liên quan tới việc nhận diện và phân loại mỗi câu trả lời trên một ký hiệu mặc định (ký hiệu có thể bằng số hoặc bằng chữ).

- Nhập liệu: Dữ liệu điều tra DDCI sau mã hóa sẽ được tiến hành nhập liệu vào form nhập liệu thiết kế trên nền tảng phần mềm xử lý số liệu.

1.2. Xử lý số liệu

- Làm sạch dữ liệu: Để đảm bảo tính chính xác, phù hợp, dữ liệu vẫn cần phải được kiểm tra, làm sạch trước khi trích xuất.

- Trích xuất dữ liệu khảo sát: Việc trích xuất các dữ liệu khảo sát để phục vụ cho việc tổng hợp thành bảng số liệu. Bảng số liệu tổng hợp được dùng để tính điểm và so sánh giữa các đơn vị. Các dữ liệu được trích xuất này là những thống kê mô tả của từng thông số được xây dựng dựa trên các tiêu chí đánh giá và câu hỏi khảo sát.

2. Phương pháp tính điểm

- Tính điểm các thông số: Mỗi chỉ số thành phần có nhiều tiêu chí khác nhau, các tiêu chí này lại có những đơn vị không giống nhau (có thể là %, số ngày, số lần hay không có đơn vị tính mà chỉ là mức độ cảm nhận) nên sẽ được quy chuẩn về một đơn vị đo lường chung là tính điểm trên thang điểm 10. Mỗi chỉ tiêu theo mức trả lời của doanh nghiệp tương ứng: Thực tiễn tốt nhất 10 điểm; thực tiễn xấu nhất: 1 điểm.

- Tính điểm chỉ số thành phần: Sau khi tính được điểm của mỗi thông số; việc tính điểm các Chỉ số thành phần sẽ được thiết kế để tính toán tự động.

- Trọng số và tính toán chỉ số DDCI tổng hợp: Điểm số DDCI tổng hợp là bình quân gia quyền của tất cả điểm chỉ số thành phần. Trọng số trong công thức tính bình quân gia quyền được lựa chọn theo mức độ quan trọng, tầm ảnh hưởng của từng chỉ số thành phần đối với công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương.

Căn cứ tầm quan trọng của chỉ số đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; các chỉ số đã được gán trọng số cao có tác động nâng đỡ các chỉ số thấp; bám sát cơ cấu trọng số của PCI, trọng số của các chỉ số thành phần như sau:

Bảng 1: Trọng số đánh giá các sở, ban, ngành

Tên chỉ tiêu

Trọng số

Tính minh bạch

20%

Tính năng động và vai trò của người đứng đầu

15%

Chi phí thời gian

10%

Chi phí không chính thức

15%

Cạnh tranh bình đẳng

10%

Hỗ trợ doanh nghiệp

20%

Thiết chế pháp lý

10%

Điểm tổng hợp các sở ngành

100%

Bảng 2: Trọng số đánh giá các huyện, thị xã, thành phố

Tên chỉ tiêu

Trọng số

Tính minh bạch

20%

Tính năng động và vai trò của người đứng đầu

15%

Chi phí thời gian

5%

Chi phí không chính thức

15%

Cạnh tranh bình đẳng

5%

Hỗ trợ doanh nghiệp

20%

Thiết chế pháp lý

5%

Tiếp cận đất đai

15%

Điểm tổng hợp các huyện thị, thành phố

100%

3. Tổng hợp dữ liệu cuối cùng và viết báo cáo phân tích

Việc xếp hạng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện theo thứ tự điểm số tổng hợp từ cao đến thấp. Bên cạnh việc tổng hợp điểm từ phiếu khảo sát, cơ quan chủ trì viết báo cáo đánh giá còn phân tích các thông tin từ những câu hỏi tham khảo không tính điểm trong bộ phiếu điều tra và từ các cuộc phỏng vấn, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp. Các báo cáo tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, báo cáo cải cách hành chính của tỉnh sẽ là cơ sở phân tích, so sánh đưa ra nhận định kết quả cuối cùng đảm bảo tính khách quan, sát thực nhất. Các bảng khác tổng hợp kết quả của từng chỉ số thành phần và tiêu chí đánh giá cũng sẽ được trình bày cụ thể để làm tư liệu cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện trong tỉnh tham khảo và có hướng cải thiện tình hình.

Trên cơ sở dữ liệu tổng hợp, cơ quan được giao triển khai Đề án sẽ phối hợp nhóm chuyên gia PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng báo cáo cuối cùng của kết quả khảo sát; chuyển giao dữ liệu và các kết quả khảo sát cho cơ quan được UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ định; tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa đối với việc công bố kết quả khảo sát và các công việc hậu khảo sát. Từ kết quả công bố để tham vấn những giải pháp cần tiếp tục triển khai để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh trong năm tiếp theo.

4. Trình tự, thủ tục công bố kết quả

- Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá hàng năm, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa lập Báo cáo phân tích, đánh giá DDCI tỉnh Thanh Hóa trình UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến.

- UBND tỉnh giao Tổ công tác liên ngành (kiện toàn từ các thành viên của Tổ công tác thẩm định Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện tỉnh Thanh Hóa), để tổ chức rà soát, thẩm định Báo cáo phân tích, đánh giá DDCI tỉnh Thanh Hóa, trình UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến, trước khi tổ chức công bố.

- Trên cơ sở ý kiến của UBND tỉnh, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa hoàn chỉnh Báo cáo phân tích, đánh giá DDCI tỉnh Thanh Hóa (nếu có) và tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá DDCI tỉnh Thanh Hóa.

- Thời gian công bố kết quả khảo sát DDCI tỉnh Thanh Hóa hàng năm được công bố vào Quý I của năm tiếp theo.

V. THỜI GIAN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021 - 2025.

2. Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh hỗ trợ theo khả năng cân đối ngân sách hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Đề án trong giai đoạn 2021 - 2025.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Xây dựng phương án đánh giá, bộ chỉ số và tiêu chí đánh giá; mẫu phiếu khảo sát, phương án khảo sát, phương án tính điểm từ các nguồn dữ liệu để đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh Bộ chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa và xây dựng tiêu chí đánh giá của từng chỉ số đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá và tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố kết quả khảo sát DDCI tỉnh Thanh Hóa hàng năm.

- Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Tổ chuyên gia (độc lập với Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa), trên cơ sở kiện toàn Tổ công tác thẩm định Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện tỉnh Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2187/QĐ-UBND ngày 15/6/2020, để tư vấn, giám sát hoạt động triển khai thực hiện Đề án, thẩm định báo cáo phân tích, đánh giá DCCI tỉnh Thanh Hóa hàng năm, đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong việc đánh giá các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện.

- Phối hợp với Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh Bộ chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025.

- Cung cấp danh sách doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cho Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa để thực hiện khảo sát.

3. Sở Tài chính: Chủ trì hướng dẫn và thẩm định, trình duyệt kinh phí thực hiện Đề án hàng năm, đảm bảo tuân thủ theo các quy định củ a pháp luật hiện hành.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Thanh Hóa: Tuyên truyền về việc triển khai thực hiện Đề án; kịp thời đưa tin trong quá trình khảo sát, điều tra, lấy ý kiến của doanh nghiệp về Bộ chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa.

5. Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan Thanh Hóa, Liên minh các hợp tác xã tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Cung cấp danh sách doanh nghiệp, tổ chức được khảo sát đang hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách trong tỉnh cho Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa để thực hiện khảo sát.

6. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Đóng góp ý kiến để hoàn thiện Bộ Chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa; phối hợp với Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch khảo sát, đánh giá.

7. Đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnh: Phối hợp với Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa trong việc khảo sát, lấy ý kiến doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh; đóng góp ý kiến để hoàn thiện Bộ Chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa trong quá trình thực hiện.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- MTTQ và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh;
- Bí thư huyện ủy, thị ủy, thành ủy;
- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnh;
- Báo Thanh Hóa;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Lưu: VT, THKH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đỗ Minh Tuấn

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 4511/QĐ-UBND ngày 10/11/2021 phê duyệt Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện (DDCI) tỉnh Thanh Hóa

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


781

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.142.210
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!