Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Báo cáo 1446/BC-BGTVT tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Kỳ tháng 01 năm 2024) do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu: 1446/BC-BGTVT Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Nguyễn Duy Lâm
Ngày ban hành: 06/02/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1446/BC-BGTVT

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2024

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA, TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Kỳ tháng 01 năm 2024)

Kính gửi:

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo;
- Các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo;
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo.

Năm 2023, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 05 phiên họp Ban Chỉ đạo và cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp kiểm tra hiện trường các công trình, dự án; đã chỉ đạo, ban hành nhiều chỉ thị, công điện, văn bản để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ. Ngay trong những ngày đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông và tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) cho các dự án. Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự phối hợp chặt chẽ có trách nhiệm, sự nỗ lực triển khai của các bộ, ngành, địa phương, ngành GTVT đã đạt được nhiều kết quả: nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại từ lâu tại một số dự án đã được tập trung xử lý; công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án đã được đẩy nhanh, nhiều dự án đã được khởi công trong năm 2023 như cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, 03 dự án trục Đông - Tây, đường Vành đai của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, An Hữu - Cao Lãnh, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa…, nhiều công trình dự án đã được khánh thành đưa vào sử dụng (7 DATP dài 412 km thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km, Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40 km) phát huy hiệu quả đầu tư. Với các dự án mới triển khai, các tỉnh đã tập trung lực lượng để tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), nhanh hơn so với các dự án trước đây; các đơn vị thi công nỗ lực tổ chức thi công với phương châm vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ ngủ khẩn trương, thi công 3 ca 4 kíp, đa số đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra; kết quả giải ngân của các dự án đều đạt ở mức cao hoặc vượt yêu cầu.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 106/2023/QH15 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã hoàn thành một phần Dự án đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đã có hướng dẫn về sử dụng điều phối vật liệu khai thác từ nền đào để đắp trong phạm vi Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Bộ GTVT đã triển khai thí điểm sử dụng cát biển cho các dự án giao thông và hoàn thành công tác theo dõi, đánh giá. Bộ Tài chính đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sửa đổi Thỏa thuận vay VN14-P3 cho dự án Bến Lức - Long Thành[1]. Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đã phối hợp tổ chức Hội nghị trao đổi về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng VLXD cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia[2].

Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo), trên cơ sở báo cáo của các địa phương, đơn vị liên quan, Bộ GTVT tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các dự án đến nay như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

1. Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án

a) Công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT)

Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Ninh Bình, Bình Dương đã phê duyệt/phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án Hòa Bình - Mộc Châu, Hữu Nghị - Chi Lăng, Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình theo hình thức PPP và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh.

Tỉnh Bình Phước đã hoàn chỉnh hồ sơ chủ trương đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thay mặt Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư[3]; theo đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Chính phủ đang tham mưu Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến.

Nhìn chung công tác lập, phê duyệt BCNCTKT đã được các cơ quan, đơn vị chủ động, tích cực triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu, còn một số dự án tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch như dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài[4], dự án đường sắt đô thị tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo[5].

b) Công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT)

Bộ GTVT và tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với Bộ KHĐT, Hội đồng thẩm định liên ngành để thẩm định dự án Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc.

Tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Tiền Giang, thành phố Hà Nội và Bộ GTVT đã phê duyệt/phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án Hòa Bình

- Mộc Châu đoạn qua Hòa Bình, Hữu Nghị - Chi Lăng, dự án thành phần (DATP) 3 Đường Vành đai 4 Hà Nội, DATP 2 Cao Lãnh - An Hữu và dự án Mỹ An - Cao Lãnh.

2. Công tác thực hiện đầu tư các dự án

a) Công tác GPMB

Các địa phương đã tích cực, quyết liệt triển khai để hoàn thành công tác GPMB đáp ứng tiến độ triển khai thi công[6]. Tuy nhiên, công tác xây dựng các khu tái định cư[7], di dời đường điện cao thế triển khai chậm so với yêu cầu. Tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk (DATP 2 thuộc Dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột), tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị (dự án Vạn Ninh - Cam Lộ), thành phố Đà Nẵng (dự án Hòa Liên

- Túy Loan), tỉnh Tuyên Quang (dự án Tuyên Quang - Hà Giang), tỉnh Kiên Giang (dự án Hậu Giang - Cà Mau) chậm so với kế hoạch đề ra. Riêng tỉnh Đồng Nai[8] (dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh) triển khai rất chậm.

b) Về VLXD thông thường

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025:

- Với các DATP từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa: UBND các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 17/17 mỏ cát, 55/55 mỏ đất. Các nhà thầu khai thác được 14/17 mỏ cát[9] với trữ lượng khoảng 4,82 triệu m³ (91%) và 43/55 mỏ đất[10] với trữ lượng khoảng 33,55 triệu m³ (75%), cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công. Các mỏ còn lại đang được các nhà thầu, địa phương thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, dự kiến có thể khai thác chậm nhất vào tháng 03/2024.

- Với DATP đoạn Cần Thơ - Cà Mau: các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cung cát đắp được 16,02 triệu m³, còn 2,98 triệu m³ chưa xác định được nguồn[11]. Đã hoàn thành thủ tục cấp mỏ vật liệu, nâng công suất mỏ được 10,42 triệu m³[12]. Đang hoàn thiện thủ tục cấp 06 mỏ với trữ lượng 5,6 triệu m³, dự kiến khai thác trong tháng 02/2024[13]. Thực tế đến nay nhà thầu mới khai thác[14] được hơn 2 triệu m³; công suất khai thác của các mỏ hiện nay rất thấp do các địa phương khống chế trữ lượng khai thác theo thời gian tại báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh: đất đắp, đá cơ bản đáp ứng nhu cầu; đang triển khai các thủ tục để khai thác. Riêng với nguồn cung cấp cát khoảng 9,3 triệu m³ gặp nhiều khó khăn;[15] chưa xác định đủ nguồn, các chủ đầu tư đang tổng hợp nhu cầu để tiếp tục làm việc với các tỉnh.

Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: tổng nhu cầu cát đắp khoảng 31,3 triệu m³; tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ mới xác định nguồn khai thác cát từ An Giang khoảng 5 triệu m³ (38%) nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục khai thác[16]; tỉnh An Giang đang triển khai khai thác để thi công và tỉnh Sóc Trăng đang hoàn thiện thủ tục khai thác 07 mỏ cát của tỉnh.

Các dự án Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội[17], Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột[18], Biên Hòa - Vũng Tàu[19] nguồn VLXD cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, để đáp ứng tiến độ triển khai thi công cần đẩy nhanh thủ tục khai thác.

c) Công tác triển khai thi công

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020: đã khánh thành thêm dự án cầu Mỹ Thuận 2 và dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ[20] vào ngày 24/12/2023 nâng tổng số đường cao tốc lên 1.892 km trong đó riêng năm 2023 là 475 km; các chủ đầu tư, nhà thầu đang tích cực triển khai 02 dự án còn lại đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT[21] để hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ[22].

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025: mặc dù năm đầu triển khai còn vướng mắc nhiều về mặt bằng và VLXD nhưng các nhà thầu đã tập trung thi công, đến nay đạt 20.889/98.372 tỷ đồng (21,2% giá trị hợp đồng); giá trị giải ngân năm 2023 được 47.199/47.881 tỷ đồng, đạt 99%. Một số đoạn tiến độ thi công chậm hơn so với kế hoạch do vướng mắc về nguồn VLXD, đặc biệt 02 dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

05 dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây và đường vành đai: mặc dù đã khởi công từ tháng 6/2023 nhưng hiện nay còn một số gói thầu chưa triển khai (như dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua Đồng Nai, Bình Dương, dự án Vành đai 4 Hà Nội đoạn qua Bắc Ninh[23]). Với các gói thầu đã khởi công tiến độ triển khai chậm so với kế hoạch do các vướng mắc về GPMB, nguồn VLXD, trừ các gói thầu do Thành phố Hồ Chí Minh và Long An (Vành đai 3), Hà Nội (Vành đai 4), Bà Rịa - Vũng Tàu (Biên Hòa - Vũng Tàu), Đắk Lắk và Khánh Hòa (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) làm cơ quan chủ quản triển khai cơ bản đáp ứng kế hoạch.

Dự án Bến Lức - Long Thành đang triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ[24], sản lượng thi công đạt khoảng 11.799 tỷ đồng (79%).

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và dự án Bến Thành - Suối Tiên: Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang rà soát, tháo gỡ các vướng mắc trong hợp đồng, thực hiện đào tạo nhân sự, hoàn tất các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu công trình, chứng nhận an toàn hệ thống để phấn đấu vận hành đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội và dự án Bến Thành - Suối Tiên[25] vào tháng 7/2024.

Dự án Cảng Hàng không Quốc tế (CHKQT) Long Thành:

- Các gói thầu đã tổ chức thi công như gói thầu 5.10 nhà ga hành khách, gói thầu xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay đã được Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai bám sát tiến độ.

- Các gói thầu chưa khởi công thuộc DATP 1 xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước, DATP 4 xây dựng các công trình thiết yếu đang được các cơ quan chủ quản triển khai các thủ tục đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư.

Gói thầu nhà ga hành khách T3 CHKQT Tân Sơn Nhất được ACV triển khai thi công bám sát tiến độ đề ra, đến nay giải ngân đạt 2.477/10.825 tỷ đồng (23%).

Dự án Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang triển khai bám sát tiến độ, sản lượng thực hiện đến nay đạt 222/2.316 tỷ đồng (9,5%) giá trị hợp đồng, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện công tác chuẩn bị, huy động máy móc, nhân lực.

Dự án Cao Lãnh - An Hữu: DATP 1 của Đồng Tháp đạt 218/2.540 tỷ đồng (8,6%) giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ so với kế hoạch; DATP 2 đang triển khai thiết kế kỹ thuật.

II. MỘT SỐ TỒN TẠI, KHÓ KHĂN

1. Về giải phóng mặt bằng

Công tác GPMB đặc biệt là xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật tại một số địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kiên Giang còn chậm, đặc biệt tỉnh Đồng Nai rất chậm. Các tỉnh có dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua đã nỗ lực triển khai, tuy nhiên chưa hoàn thành theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ[26].

Đối với công tác chuyển mục đích sử dụng rừng tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025: các tỉnh chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng với phần tăng thêm so với Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 ngày 11/7/2022 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất lúa (Nghị quyết số 273) theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công đặc biệt là khu vực tỉnh Bình Định, Khánh Hòa[27]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng hợp từ các địa phương nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất lúa và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Hiện Bộ TN&MT đang xin ý kiến các cơ quan liên quan về Dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết số 273. Tuy nhiên, nếu không được UBTV Quốc hội phê duyệt điều chỉnh trong tháng 3/2024 sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ GPMB và thi công của các dự án.

2. Về vật liệu xây dựng

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025: một số mỏ đất chưa thỏa thuận được với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất, các chủ sở hữu đưa ra giá cao hơn nhiều so với giá nhà nước bồi thường hiện nay, chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng nên mới chỉ đưa vào khai thác được 43/55 mỏ đất[28]; công suất khai thác tại các mỏ đã cấp thuộc tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long chưa đáp ứng tiến độ thi công; tỉnh An Giang, Vĩnh Long vẫn chưa bố trí đủ nguồn cung theo phân bổ của Thủ tướng Chính phủ cho dự án Cần Thơ - Cà Mau.

Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Lức - Long Thành, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chưa xác định đủ nguồn cát đắp.

Bộ TN&MT đã tổ chức bàn giao cho tỉnh Sóc Trăng kết quả dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long”, để tổ chức khai thác. Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với các cơ quan của tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh để triển khai thủ tục giao mỏ cho nhà thầu, hiện nay các địa phương còn lúng túng trong triển khai các thủ tục khai thác cát biển[29] và có văn bản gửi Bộ TN&MT đề nghị hướng dẫn[30].

3. Về triển khai thi công

Công tác triển khai thi công của một số dự án chậm so với kế hoạch đề ra do vướng GPMB, thiếu nguồn VLXD (03 dự án cao tốc trục Đông - Tây và 02 đường vành đai do 14 địa phương làm cơ quan chủ quản, tuy nhiên chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang có khối lượng thi công đáp ứng yêu cầu; 02 DATP đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau chậm so với kế hoạch do thiếu cát đắp).

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

Tiến độ triển khai các dự án trong năm 2024 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tiền đề để hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch đề ra, đặc biệt là các dự án hoàn thành trong năm 2025. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó cần ưu tiên tập trung triển khai các nhiệm vụ sau:

1. Các địa phương

- Giải quyết dứt điểm công tác GPMB theo tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân (đặc biệt các dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai); phối hợp với EVN, Bộ Công Thương hoàn thành thỏa thuận, thẩm định phương án và tổ chức di dời đường điện cao thế.

- Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025: các địa phương cần phải tập trung tối đa để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý I năm 2024 đây là điều kiện tiên quyết để hoàn thành dự án năm 2025.

- Tỉnh Đồng Nai bổ sung nhân lực, sớm hoàn thành các khu tái định cư, chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ GPMB, các dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Biên Hòa - Vũng Tàu[31], đường kết nối CHKQT Long Thành.

- Các địa phương tập trung phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ VLXD thông thường theo cơ chế đặc thù, đáp ứng tiến độ thi công; đặc biệt tham gia cùng chủ đầu tư, nhà thầu làm việc, thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, “ép giá”; có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, “ép giá”, đầu cơ đất khu vực mỏ.

- Tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh chỉ đạo các cơ quan phối hợp với các chủ đầu tư để triển khai các thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu khai thác cát biển làm VLXD cho các dự án giao thông theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 106/2023/QH15.

- Tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp khẩn trương xác nhận bản đăng ký với 06 mỏ[32] nhà thầu đã trình để khai thác trong tháng 02/2024; rà soát các mỏ đang khai thác, các khu vực mỏ mới trên địa bàn (đặc biệt tỉnh An Giang và Vĩnh Long), ưu tiên các mỏ gia hạn, nâng công suất để cung ứng cho dự án và giao thêm các mỏ mới cho các nhà thầu triển khai thủ tục khai thác bảo đảm đủ công suất để đến ngày 30/6/2024 cung cấp đủ về công trường khối lượng cát đã được Thủ tướng Chính phủ giao; chỉ đạo các cơ quan đơn vị rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục để có thể khai thác trước ngày 15/3/2024.

- Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng phối hợp Bộ KHĐT hoàn thành thẩm định BCNCTKT dự án Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; thẩm định BCNCKT các dự án Tân Phú - Bảo Lộc.

- Tỉnh Bình Phước phối hợp với Bộ GTVT, giải trình ý kiến của cơ quan thuộc Quốc hội và UBTV Quốc hội để sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành.

- Tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ lập thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, Hòa Bình - Mộc Châu, Cao Lãnh - An Hữu để sớm khởi công.

- Thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư DATP 3 Vành đai 4 Hà Nội.

- Các tỉnh, thành phố[33] đôn đốc các nhà thầu khẩn trương thi công toàn bộ các gói thầu đã khởi công đáp ứng kế hoạch đề ra.

2. Bộ Giao thông vận tải

- Chỉ đạo Chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục bảo đảm đủ trữ lượng và công suất để có thể khai thác các mỏ thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đáp ứng tiến độ yêu cầu.

- Tăng cường kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công “3 ca 4 kíp” bảo đảm hoàn thành 02 DATP đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ[34], đôn đốc các nhà thầu triển khai thi công các DATP thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu đúng kế hoạch đề ra.

- Phối hợp với Bộ KHĐT hoàn thành thẩm định BCNCKT dự án Dầu Giây - Tân Phú.

3. Bộ TN&MT sớm hoàn thành Báo cáo của Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và trình UBTV Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết trong tháng 02/2024; hỗ trợ hướng dẫn về trình tự, nguyên tắc đàm phán trong thỏa thuận, bồi thường để khai thác các mỏ VLXD[35]; hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; kịp thời hướng dẫn các địa phương về thủ tục khai thác cát biển làm VLXD.

4. Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ để các địa phương công bố giá làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt giá thanh toán cho nhà thầu.

5. Bộ KHĐT, Hội đồng thẩm định sớm hoàn thành Báo cáo thẩm định để Bộ GTVT, tỉnh Lâm Đồng phê duyệt dự án đầu tư cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc.

6. Bộ Tài chính sớm hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh, gia hạn các khoản vay ODA của các Nhà tài trợ cho dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.

7. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh thủ tục để di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án.

8. Văn phòng Chính phủ sớm trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành; tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

9. Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chỉ đạo ACV, VEC kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ các dự án cảng hàng không, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành; chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sớm bàn giao mặt bằng tại dự án Biên Hòa - Vũng Tàu.

Bộ GTVT kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo, các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Lê Anh Tuấn;
- Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy;
- Văn phòng Chính phủ;
- Danh sách cơ quan, địa phương kèm theo;
- Lưu: VT, CQLXD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Duy Lâm



[1] Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 29/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

[2] Tổ chức ngày 29/01/2024 tại Bộ Xây dựng và kết nối đến các địa phương.

[3] Tờ trình số 695/TTr-CP ngày 20/12/2023 của Chính phủ.

[4] UBND TP Hồ Chí Minh trình tại Tờ trình số 3062/UBND-DA ngày 31/8/2022; Hội đồng thẩm định liên ngành có thông báo số 27/TB-BKHĐT ngày 30/6/2023. UBND TP Hồ Chí Minh giải trình bổ sung tại văn bản số 4375/UBND-DA ngày 09/9/2023 và văn bản số 297/UBND-DA ngày 17/01/2024.

[5] UBND thành phố Hà Nội có Tờ trình số 05/TTr-UBND ngày 10/01/2024.

[6] Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã bàn giao được 688,76/721,25km đạt 95,5%, tỷ lệ mặt bằng có thể triển khai thi công 669,19/721,25km đạt 92,8%.

[7] Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 85/148 khu tái định cư.

[8] Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu: DATP1 chưa bàn giao, DATP2 đạt 13%; Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh: DATP 4 đạt 6%.

[9] Còn lại 03 mỏ đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Quảng Ngãi 01 mỏ, Bình Định 02 mỏ).

[10] Tỉnh Quảng Trị còn 02 mỏ, Quảng Ngãi còn 05 mỏ, Bình Định còn 01 mỏ, Phú Yên còn 04 mỏ.

[11] Tỉnh An Giang 1 triệu m³; tỉnh Vĩnh Long 1,98 triệu m³.

[12] Đang khai thác các mỏ với tổng trữ lượng 6,6 triệu m³, các mỏ còn lại dự kiến khai thác trong tháng 02/2024.

[13] (i) Tỉnh An Giang đã hoàn thành thủ tục cấp mỏ 1,6 triệu m³; đang hoàn thiện các thủ tục đối với 05 mỏ với trữ lượng 4,4 triệu m³, dự kiến có thể khai thác vào giữa tháng 02/2024; (ii) tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành thủ tục nâng công suất các mỏ đang khai thác (trữ lượng 0,977 triệu m³) và 07 mỏ mới (trữ lượng 6,023 triệu m³); đã khai thác 05 mỏ (trữ lượng 3,523 triệu m³); 02 mỏ với trữ lượng 2,5 triệu m³ sẽ khai thác vào giữa tháng 02/2024; (iii) tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành thủ tục cấp 03 mỏ với trữ lượng 1,82 triệu m³; đã khai thác 01 mỏ với trữ lượng 0,5 triệu m³, 02 mỏ mới với trữ lượng 1,32 triệu m³ sẽ khai thác vào giữa tháng 2/2024; đang hoàn thiện thủ tục đối với 01 mỏ nhà thầu đã trình với trữ lượng 1,2 triệu m³, dự kiến có thể khai thác trong tháng 02/2024.

[14] Tỉnh An Giang khoảng 0,4 triệu m³; tỉnh Đồng Tháp 1,6 triệu m³.

[15] Ngày 14/12/2023 UBND thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với UBND các tỉnh có nguồn cát trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre).

[16] UBND TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị hỗ trợ 8,2 triệu m³ cát, trong đó: Vĩnh Long hỗ trợ Hậu Giang 1,8 triệu m³ và Cần Thơ 0,8 triệu m³. Đồng Tháp hỗ trợ Hậu Giang 2,6 triệu m³. Tiền Giang hỗ trợ Cần Thơ 3 triệu m³.

[17] Tổng nhu cầu vật liệu đất đắp khoảng 1,87 triệu m³; cát đắp khoảng 5,53 triệu m³. Hà Nội chủ động nguồn vật liệu đắp, tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh sử dụng nguồn đất, cát từ các địa phương lân cận.

[18] Tổng nhu cầu vật liệu đất đắp khoảng 3,6 triệu m³; cát đắp khoảng 1,7 triệu m³; nguồn cung cấp VLXD trong khu vực đáp ứng nhu cầu; đã trình 12 mỏ đất, 06 mỏ đá, 03 mỏ cát, tuy nhiên mới xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác của 01 mỏ đất, 01 mỏ đá tại Khánh Hòa.

[19] Tổng nhu cầu đất đắp 6 triệu m³, cát 0,52 triệu m³; nguồn cung cấp VLXD trong khu vực đáp ứng nhu cầu tuy nhiên trong khu vực đang triển khai đồng loạt các dự án có thể gây thiếu hụt về công suất cung cấp đất đắp.

[20] Đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ không thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

[21] DATP đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo

[22] Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt phấn đấu hoàn thành 30 km từ nút giao QL7 đến nút giao QL46B (đi về thành phố Vinh) trước ngày 30/4/2024. Đoạn còn lại 19 km có đất yếu cần thời gian chờ gia tải nên hoàn thành sau.

[23] Tỉnh Đồng Nai còn 01/03 gói thầu xây lắp, tỉnh Bình Dương còn 01/04 gói thầu xây lắp đang lựa chọn nhà thầu; tỉnh Bắc Ninh đã thi công 01 gói thầu xây lắp, 01 gói thầu xây lắp đang lựa chọn nhà thầu, 01 gói đang chờ Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu.

[24] 04 gói thầu (A2-1, A3, J2, A5) cơ bản hoàn thành; 08 gói thầu (A1-1,A6-1, A6-2, A6-3, A6-4, A6-5, A7, J1) đang thi công; 03 gói thầu (A2-2, A4, J3) đang đấu thầu lại.

[25] Tuyến Bến Thành - Suối Tiên đã chạy thử toàn tuyến vào ngày 29/8/2023.

[26] Tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin gia hạn thời gian hoàn thành công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua địa bàn tỉnh đến ngày 31/3/2024. Văn phòng Chính phủ có phiếu bảo chuyển số 21/PC-VPCP ngày 03/01/2024.

[27] Tỉnh Bình Định (DATP Hoài Nhơn - Quy Nhơn) còn vướng 2,5 km với khối lượng đào khoảng 2,6 triệu m³, tỉnh Khánh Hòa (DATP Vân Phong - Nha Trang) còn vướng khoảng 2,2 km khối lượng đào khoảng 0,9 triệu m³ ảnh hưởng lớn đến việc điều phối vật liệu đắp.

[28] Dự án Vạn Ninh - Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (01 mỏ chờ UBND tỉnh phê duyệt giá trị chi phí trồng rừng thay thế, 01 mỏ chưa thỏa thuận được giá bồi thường mặt bằng); Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, tỉnh Quảng Ngãi (03 mỏ đang thỏa thuận để bồi thường mặt bằng, 02 mỏ chưa thỏa thuận được giá bồi thường mặt bằng và đường vào mỏ); Dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn có 01 mỏ ở Bình Định chưa thỏa thuận được giá bồi thường mặt bằng; Dự án Chí Thạnh - Vân Phong có 04 mỏ ở Phú Yên (01 mỏ đang trả tiền bồi thường mặt bằng, 01 mỏ đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các hộ dân sang cho nhà thầu, 01 mỏ (một phần) đang vướng thủ tục liên quan đến chuyển đổi MĐSD rừng, chờ HĐND tỉnh chấp thuận, 01 mỏ đang vướng thủ tục liên quan đến nộp tiền trồng rừng thay thế do địa phương chưa xác định được quỹ đất trồng rừng thay thế.

[29] Chưa rõ mỏ cát biển có được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, quy định về ranh giới hành chính trên biển, quy định về quản lý hoạt động hàng hải.

[30] Văn bản số 99/STNMT-QLTNB ngày 11/01/2024 của Sở TN&MT tỉnh Trà Vinh

[31] Nguồn nhân lực thực hiện đo đạc, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất hạn chế; địa phương chậm phê duyệt đơn giá bồi thường GPMB (TP Biên Hòa chưa phê duyệt, UBND huyện Long Thành mới phê duyệt ngày 23/11/2023); chậm triển khai các thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; việc triển khai các khu tái định cư phục vụ GPMB chưa đáp ứng yêu cầu.

[32] Tỉnh An Giang 05 mỏ, tỉnh Vĩnh Long 01 mỏ.

[33] Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

[34] Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt phấn đấu hoàn thành 30 km từ nút giao QL7 đến nút giao QL46B (đi về thành phố Vinh) trước ngày 30/4/2024. Đoạn còn lại 19 km có đất yếu cần thời gian chờ gia tải nên hoàn thành sau ngày 30/4/2024.

[35] Bộ GTVT đề nghị tại văn bản số 11336/BGTVT-CQLXD ngày 09/10/2023.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo 1446/BC-BGTVT ngày 06/02/2024 tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Kỳ tháng 01 năm 2024) do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


649

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.137.175
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!