CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRONG NGÀNH Y TẾ NĂM 2024
Năm 2024, dự báo tình hình thiên tai sẽ phức tạp,
diễn biến bất thường dưới tác động của El Nino. Để giảm thiểu thiệt hại về người
và tài sản trong thiên tai, thảm họa (nếu có) và làm tốt công tác chăm sóc, bảo
vệ sức khỏe nhân dân, cứu nạn cứu hộ, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau
thiên tai; Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế và Sở
Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện tốt những nội dung cụ thể như
sau:
1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung
ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Chỉ thị số 09/CT-
TTg ngày 01/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính
phủ về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia;
Quyết định số 3544/QĐ-BYT ngày 21/07/2021 của
Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của
Ngành Y tế giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.
2. Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy và lực lượng thường
trực tham gia phòng chống thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trong ngành y
tế các cấp; đảm bảo dự trữ vật chất (thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y
tế) cho vùng trọng điểm thiên tai và sẵn sàng khi có tình huống; kiện toàn đội
hỗ trợ y tế khẩn cấp (EMT) về tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ và trang bị.
3. Cập nhật phương án phòng chống thiên tai, thảm họa
và ứng phó với các tình huống khẩn cấp của đơn vị theo các cấp độ rủi ro thiên
tai.
4. Xây dựng các phương án bảo đảm cấp cứu, vận chuyển,
thu dung, điều trị; phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và
bệnh nhân đến nơi an toàn trong các trường hợp thiên tai, thảm họa lớn, có nguy
cơ đe dọa đến tính mạng của người dân và cơ sở y tế; đặc biệt đối với người cao
tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng ưu tiên khác.
5. Thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực cấp cứu
ngoại viện, trực hậu cần và báo cáo thường xuyên, đột xuất theo quy định; duy
trì các hình thức thông tin liên lạc không để xảy ra mất liên lạc trong thiên
tai, đặc biệt trong mùa mưa bão. Tổ chức thực hiện quyết liệt, nghiêm túc Chỉ
thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng
Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; kiểm
tra toàn bộ hệ thống báo cháy, phương tiện phòng cháy chữa cháy, phương tiện
tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và những nơi có nguy cơ cháy nổ gây mất an
toàn trong đơn vị. Phối hợp hiệp đồng với các đơn vị trong tổ chức cấp cứu,
phân loại, vận chuyển, điều trị kịp thời các nạn nhân do sự cố, cháy nổ, tai nạn
(nếu có) gây ra, nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về tính mạng và sức khỏe của
nhân dân.
6. Tăng cường kết hợp quân dân y trong ứng phó với
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phát huy vai trò của đội xung kích phòng chống
thiên tai tại cơ sở; phân công nhiệm vụ cụ thể trước, trong và sau thiên tai; tổ
chức tập huấn, huấn luyện trong chỉ huy điều hành, phối hợp lực lượng trong các
tình huống thiên tai, thảm họa; huấn luyện cho người dân biết tự chăm sóc và
chăm sóc sức khỏe lẫn nhau trong thiên tai và hướng dẫn các kỹ năng phòng ngừa,
ứng phó với các loại hình thiên tai, thảm họa phổ biến.
7. Tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch
bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em và phụ nữ có
thai, quản lý các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính; các cơ sở y tế trong vùng bị ảnh
hưởng cần sớm đưa vào hoạt động để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
không bị gián đoạn.
8. Vụ Kế hoạch - Tài chính (Văn phòng thường trực
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp
với Văn phòng Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức
các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức đoàn kiểm tra độc lập, giám sát việc thực
hiện công tác bảo đảm y tế trong phòng, chống thiên tai, thảm họa tại các đơn vị,
địa phương; chú trọng các khu vực trọng điểm thường xảy ra thiên tai, bão lũ.
9. Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra toàn diện việc bảo đảm y tế phòng chống
thiên tai, thảm họa của các đơn vị trực thuộc phù hợp với tình hình thực tế tại
địa phương; tổ chức tổng kết, sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm hằng năm, hoặc đột
xuất sau các đợt lũ, lụt, thiên tai, thảm họa và báo cáo về Bộ Y tế (qua Vụ Kế
hoạch - Tài chính/Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và
tìm kiếm cứu nạn) để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên
tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc xin
liên hệ với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm
cứu nạn Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch - Tài chính), địa chỉ số 138A Giảng Võ, Ba Đình,
Hà Nội, Điện thoại 024.62732027./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Các đ/c Thứ trưởng;
- VPTT Ban chỉ đạo QG về PCTT;
- VP UBQGƯPSCTT & TKCN;
- BCH PCTT & TKCN các tỉnh/TP trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ;
- Sở Y tế các tỉnh/Tp. trực thuộc TW;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế; Báo SK& ĐS;
- Lưu: VT, KH-TC.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|