ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/CT-UBND
|
Phú Yên, ngày 19
tháng 4 năm 2024
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC PHÁT TRIỂN DU LỊCH TOÀN DIỆN, NHANH VÀ BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
Tỉnh Phú Yên có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn
hóa phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Những năm gần đây, hoạt động du lịch của tỉnh đã
có bước chuyển biến tích cực, nhất là các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ
sở vật chất kỹ thuật và xúc tiến quảng bá du lịch. Một số dự án du lịch đi vào
hoạt động đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động; lượng khách du lịch đến
Phú Yên ngày càng tăng, tác động tích cực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần
quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước và con người Phú Yên đến với du khách, bạn
bè trong nước và quốc tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Phú
Yên vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch
vụ du lịch còn hạn chế. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch từ 3 - 5 sao còn ít.
Chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng; thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí. Liên
kết phát triển du lịch (cả trong và ngoài tỉnh) còn hạn chế. Nguồn nhân lực du
lịch tuy được cải thiện, nhưng vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn,
nghiệp vụ, kỹ năng. Lượt khách du lịch quốc tế đến Phú Yên còn ít; ngày lưu trú
bình quân của khách du lịch còn thấp; doanh thu du lịch còn khiêm tốn.
Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của
Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời
gian tới; UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện một số nội
dung sau:
1. Tiếp tục quán triệt và tổ
chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 06/10/2023 của UBND tỉnh
thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững
trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ
về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
- Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng và
chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo phát triển du lịch trở thành ngành kinh
tế mũi nhọn; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng
cường khả năng thực thi của cấp dưới; tạo chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực trong
hợp tác công - tư; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và
tích cực kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh du lịch đã
được cắt giảm, đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân,
doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành du lịch, hình thành chuỗi
giá trị du lịch, liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị,
nâng cao năng lực, phát huy tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để
phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với phát triển xanh, bền vững,
góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Chủ tịch UBND các huyện, thị
xã, thành phố
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
trong lĩnh vực du lịch; trong đó tăng cường quản lý giá cả, bảo đảm vệ sinh,
môi trường, an toàn thực phẩm và bảo đảm trật tự kỷ cương, an ninh, an toàn, ứng
xử văn minh với khách du lịch. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để
tình trạng người ăn xin lang thang ở các khu di tích, điểm du lịch gây phiền hà
cho du khách; xử lý nghiêm sai phạm gây cản trở sự phát triển bền vững của
ngành du lịch, các tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che các hành vi vi phạm, trục
lợi từ việc chèo kéo, ép giá, quảng cáo sai sự thật... trong hoạt động kinh
doanh du lịch; kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật mọi hành vi vi
phạm, kể cả việc tạm dừng kinh doanh, rút giấy phép; chịu trách nhiệm trực tiếp
nếu để tình trạng vi phạm xảy ra trên địa bàn, gây bức xúc cho khách du lịch.
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng của địa phương phối
hợp, xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, trồng và phát triển hệ
thống cây xanh cảnh quan ở các khu du lịch, các đô thị và vùng nông thôn; bố
trí kinh phí đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp các nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn
phục vụ khách du lịch tại các khu di tích; rà soát, lắp đặt biển báo, biển chỉ
dẫn giao thông rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các
khu di tích, điểm du lịch. Nâng cao ý thức của người dân gắn với giáo dục môi
trường và bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên
nhiên; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh
doanh dịch vụ du lịch thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi
trường.
- Chủ động phối hợp với các Sở, ngành, các doanh
nghiệp kịp thời giải quyết theo thẩm quyền, chỉ đạo xử lý những khó khăn vướng
mắc và đề xuất UBND tỉnh những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể phù hợp với
thực tiễn địa phương, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc,
phát triển toàn diện và đồng bộ ngành du lịch (về thuế, đất đai, cơ chế phối hợp)
trên tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động du lịch và các dịch vụ du lịch,
góp phần thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững.
- Tăng cường quản lý di tích, bảo tồn, phát huy giá
trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo, kêu gọi xã hội hoá đầu
tư dịch vụ phát huy giá trị các di tích để phục vụ phát triển du lịch bền vững;
khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường
du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm “Mỗi người
dân là một đại sứ du lịch”.
- Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phát động phong trào
người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch, tham gia xây dựng môi
trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Tập trung tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện
Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ
yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa
bàn tỉnh; Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về đầu
tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi
nhọn của tỉnh vào năm 2030.
- Đẩy mạnh liên kết vùng, hình thành mô hình liên kết
giữa các địa phương, đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch để hình thành các
động lực tăng trưởng du lịch; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch liên kết giữa
các địa phương, có sự tham gia của các Hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp
du lịch theo phương châm “Một cung đường - nhiều điểm đến”, hình thành sản
phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương, chú trọng liên kết giữa
du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị; hợp tác chặt chẽ trong phát triển
sản phẩm, thị trường, truyền thông quảng bá và triển khai các chiến dịch kích cầu
du lịch; tăng cường tổ chức các hoạt động, sự kiện có quy mô lớn hằng năm mang
thương hiệu của Phú Yên để thu hút du khách.
- Chủ động đổi mới phương thức, công cụ, đẩy mạnh ứng
dụng công nghệ số trong công tác xúc tiến, quảng bá theo hướng chuyên nghiệp và
hiệu quả; phát huy hiệu quả công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin
truyền thông, mạng xã hội, website, quảng bá trực quan, các ấn phẩm du lịch; tổ
chức các hoạt động xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp định hướng
phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch của tỉnh; huy động mạnh mẽ sự tham gia
của Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch; tăng cường phối hợp với các
ngành liên quan kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, giữ
chân khách du lịch. Chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường
khách nội địa theo các sản phẩm chuyên đề có thể mạnh, như: du lịch biển đảo,
du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, lấy du
lịch sinh thái, du lịch biển đảo làm mũi nhọn; thu hút khách các thị trường quốc
tế như: Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Âu, Ấn Độ, Trung
Đông..., chú trọng thị trường các nước đã được miễn visa, có khả năng chi trả cao,
nghỉ dưỡng dài ngày, nhất là thị trường khách Hàn Quốc, Nhật Bản.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng
hệ thống cơ sở dữ liệu và kết nối dữ liệu với các ngành khác; phát triển cơ sở
dữ liệu về quản trị và kinh doanh du lịch trên nền tảng số dùng chung; xây dựng,
hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi
xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du
lịch gắn với chuyển đổi số.
- Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, các kỹ năng
cần thiết cho cộng đồng tham gia kinh doanh, khai thác các dịch vụ phục vụ du lịch.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân, cộng đồng dân cư, các
tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch thực hiện
đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm,
thái độ ứng xử văn minh. Phấn đấu xây dựng mỗi người dân Phú Yên là một đại sứ
du lịch đại diện cho hình ảnh và nét đẹp văn hóa truyền thống của Phú Yên.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại
các địa phương trong tỉnh, nhất là vào thời điểm lễ hội, ngày lễ tết, tháng cao
điểm, các khu di tích, các công trình văn hóa, điểm du lịch tập trung đông
khách du lịch; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện
nghiêm việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham
mưu UBND tỉnh triển khai các mô hình quản trị, hợp tác công tư trong phát triển
các dự án, các loại hình du lịch; kịp thời triển khai các cơ chế, chính sách ưu
đãi nhằm huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh
nghiệp lớn cho đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; thu hút các tổ chức,
nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch.
- Hỗ trợ, tháo gỡ, các khó khăn vướng mắc nhằm tạo
điều kiện cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia kinh doanh và cung cấp dịch
vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn.
5. Sở Giao thông vận tải
- Tiếp tục triển khai Phương án phát triển kết cấu
hạ tầng đường thủy nội địa tạm thời trên địa bàn tỉnh Phú Yên (Quyết định số
89/QĐ-UBND ngày 21/01/2021 của UBND tỉnh). Tăng cường công tác quản lý nhà nước,
bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch bằng
phương tiện đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn Cảng Hàng không Tuy Hòa, các nhà ga, bến
xe phổ biến, tuyên truyền cho nhân viên, hành khách nâng cao ý thức giữ gìn vệ
sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng và bảo đảm an toàn cho
người và hành lý tại đơn vị; tăng cường các phương tiện kỹ thuật, hỗ trợ cung cấp
thông tin, quảng bá du lịch Phú Yên và hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm
du lịch tại Cảng Hàng không, ga đường sắt, bến xe; làm đầu mối tham mưu UBND tỉnh
trong công tác phối hợp đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa.
- Tham mưu đề xuất UBND tỉnh nội dung làm việc, kiến
nghị các Hãng Hàng không có chính sách ưu tiên giảm giá vé phù hợp để kích cầu
du lịch; có kế hoạch mở thêm các tuyến bay mới từ Phú Yên đi một số tỉnh, thành
phố trong nước và hướng tới một số quốc gia; tăng tần suất các chuyến bay tại Cảng
Hàng không Tuy Hòa đến/đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi
cho việc khai thác, đón khách du lịch trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển
khách du lịch quốc tế đến Phú Yên.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ
chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhân viên phục vụ, lái xe (taxi, ô
tô vận chuyển khách du lịch, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ điện) để nâng
cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng
dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các
tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch; nâng cao ý thức của người dân gắn
với giáo dục môi trường và bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, cảnh
quan thiên nhiên.
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát,
xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động kinh doanh dịch vụ
du lịch; công tác bảo vệ môi trường tại các khu di tích, điểm du lịch; xử lý
nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu di tích, các điểm du lịch,
các điểm dừng chân không thực hiện đúng các quy định về vệ sinh, môi trường và
các tổ chức, cá nhân có hành vi làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà
soát về đất đai các dự án lĩnh vực du lịch dịch vụ, triển khai thực hiện chính
sách về thí điểm thực hiện khai thác du lịch kết hợp trên diện tích đất sản xuất
nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm không thay đổi kết cấu,
hiện trạng, tính chất, môi trường và mục đích sử dụng đất (sau khi Bộ Tài
nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn). Hướng dẫn, xác định các loại đất
nông nghiệp được kết hợp tổ chức hoạt động du lịch, phù hợp với quy hoạch sử dụng
đất, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng có sẵn trang trại, vườn trồng
cây lâu năm kết hợp làm du lịch (sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản
hướng dẫn).
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND
các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số
200/KH-UBND ngày 11/11/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình
Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Ngoại vụ
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương
tham mưu tăng cường lồng ghép các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch, ngoại giao
văn hóa trong các hoạt động đối ngoại của tỉnh. Đẩy mạnh công tác thông tin
tuyên truyền đối ngoại, quảng bá hình ảnh Phú Yên, các giá trị tự nhiên và văn
hóa, con người thông qua các ấn phẩm truyền thông đối ngoại. Xây dựng Đề án
Công viên địa chất Phú Yên hướng đến Công viên địa chất toàn cầu UNESCO nhằm
xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển
du lịch quốc tế, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản một cách bền vững.
Duy trì, thúc đẩy quan hệ hợp tác, giới thiệu thông tin về văn hóa, du lịch Phú
Yên đến các đối tác quốc tế.
9. Sở Công Thương
Tổ chức, tham gia các chương trình xúc tiến thương
mại trong và ngoài nước; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép
với việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Phú Yên trong chương trình Hội
chợ xúc tiến thương mại, gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch; quảng bá
thương hiệu, du lịch Phú Yên trong phát triển các loại hình hạ tầng thương mại
phục vụ du lịch.
10. Sở Thông tin và Truyền
thông
- Tham mưu triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc
gia. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện ứng dụng chuyển đổi
số cho ngành du lịch tỉnh; kết hợp tuyên truyền thông tin đối ngoại với hoạt động
xúc tiến quảng bá du lịch địa phương ra nước ngoài. Phối hợp các nhà mạng cung
cấp hệ thống wifi công cộng, 5G miễn phí tại một số khu, điểm du lịch trên địa
bàn tỉnh.
- Hướng dẫn các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền
thông, quảng bá giới thiệu tiềm năng và hình ảnh du lịch Phú Yên đến với bạn bè
trong nước và quốc tế; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng
chương trình truyền thông thiết thực, đa dạng hóa các hình thức quảng bá du lịch
có hiệu quả.
11. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp
thời triển khai thực hiện các chính sách về tài chính, thuế và hải quan của Chính
phủ, Bộ Tài chính ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Phú Yên phát triển
du lịch toàn diện, nhanh và bền vững.
12. Công an tỉnh
Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự an
toàn tại các khu di tích, điểm du lịch; chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý
nghiêm các đối tượng có hành vi xâm hại đến tính mạng, tài sản của khách du lịch.
13. Cục Quản lý thị trường
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên
quan tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi
gian lận, không niêm yết giá và bán cao hơn giá đã niêm yết, nâng giá bất hợp
lý, ép giá; kiểm tra các cơ sở bán hàng lưu niệm, quà tặng, bán hàng giả, hàng
kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các
quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng, dịch vụ
tại các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, theo quy định của
pháp luật.
14. Cục Thuế tỉnh
Triển khai các chính sách ưu đãi về kéo dài thời
gian giảm thuế giá trị gia tăng, giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng... để
khuyến khích doanh nghiệp lớn, có tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực du lịch (nếu
có).
15. Báo Phú Yên, Đài Phát
thanh và Truyền hình Phú Yên và các cơ quan thông tấn, báo chí
Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan triển khai hiệu quả công tác tuyên
truyền, quảng bá du lịch, thông tin đối ngoại, chú trọng tuyên truyền các hoạt
động xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch tại các thị trường nước ngoài; đa dạng
hóa hình thức truyền tải để thông tin đến gần hơn với công chúng trong và ngoài
nước.
16. Hiệp hội Du lịch Phú Yên
- Phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối cộng đồng doanh
nghiệp du lịch với các hiệp hội, hội ngành nghề khác liên quan, chủ động trong
việc tham gia, tổ chức các hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch; phối hợp hỗ trợ
doanh nghiệp liên kết hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch, tham gia
các chương trình hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong
việc chuyển đổi các hoạt động phù hợp với du lịch trong tình hình mới, nâng cao
chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch...; kịp
thời tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp du lịch để đề xuất, kiến nghị với
các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc.
17. Các tổ chức, cá nhân cung
cấp dịch vụ du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch
- Thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước;
phát huy tính năng động, sáng tạo, vai trò động lực, chủ động, tham vấn trong
phục hồi du lịch. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác hỗ trợ, cùng nhau vượt qua khó
khăn. Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi
số và đổi mới, sáng tạo. Tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát
huy bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
- Thực hiện nghiêm quy định về quản lý giá, thị trường,
văn minh thương mại, công khai các thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ sản xuất
cung ứng, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không bán hàng giả,
hàng nhái, hàng kém chất lượng.
- Chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản
phẩm, dịch vụ, tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc cải thiện
môi trường văn hóa du lịch; tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch,
chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, góp phần để Du lịch Việt Nam phát
triển nhanh và bền vững.
18. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh
đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác tích cực phối hợp với các Sở,
ngành, địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị; quán triệt, tuyên truyền, phổ
biến sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về
phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu xây dựng thương hiệu
du lịch Phú Yên là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện.
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành
liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch,
tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; định kỳ cuối tháng 6 và tháng 12 hàng
năm báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị này gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả
thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; (b/c)
- Bộ VHTTDL, Cục Du lịch QG VN; (b/c)
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh; (b/c)
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh, Hội, đoàn thể tỉnh;
- Ban Tuyên giáo TU;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Báo PY, Đài PTTH PY;
- HHDL PY, DNDL;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, TH, ĐTXD, KT, TTTT, KGVX (Ta).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đào Mỹ
|