Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 8922/VPCP-KSTT Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Cao Huy
Ngày ban hành: 04/12/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8922/VPCP-KSTT
V/v trả lời kiến nghị, đề xuất của các bộ, địa phương, cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2024

Kính gửi:

- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Tổ công tác) với 03 bộ, 08 địa phương về công tác cải cách TTHC ngày 26 tháng 11 năm 2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ - Cơ quan thường trực Tổ công tác có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xử lý các kiến nghị, đề xuất của các bộ, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Hội đồng tư vấn) tại Thông báo kết luận số 537/TB-VPCP ngày 29 tháng 11 năm 2024.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Tổ trưởng Tổ công tác, Văn phòng Chính phủ - Cơ quan thường trực Tổ công tác trân trọng đề nghị các bộ, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi thẩm quyền được giao nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất (chi tiết tại Phụ lục kèm theo) và có văn bản trả lời trực tiếp cho các bộ, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn trước ngày 31 tháng 12 năm 2024. Đồng thời, gửi đến Văn phòng Chính phủ - Cơ quan thường trực Tổ công tác để theo dõi, tổng hợp./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTgTT Nguyễn Hòa Bình (để b/c);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tổ công tác cải cách TTHC của TTgCP;
- Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của TTgCP;
- VPCP: BTCN, PCN Cao Huy (để b/c);
- Lưu: VT, KSTT (02).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Cao Huy

PHỤ LỤC I

TỔNG HỢP ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA CÁC BỘ, ĐỊA PHƯƠNG
(Kèm theo Công văn số: 8922/VPCP-KSTT ngày 04 tháng 12 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ)

Số TT

Bộ, ngành, địa phương kiến nghị

Nội dung đề xuất, kiến nghị

I

Kiến nghị với Bộ Công an

1.

Bộ Quốc phòng

Kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo C06 sớm có phương án chia sẻ dữ liệu công dân trong độ tuổi nhập ngũ và trong độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị để phục vụ công tác tuyển quân hằng năm của Bộ Quốc phòng và để cơ quan quân sự các cấp giải quyết các TTHC thuộc lĩnh vực nghĩa vụ quân sự.

2.

Nhiều cơ quan chức năng của bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là khối cơ quan tư pháp, công an cấp phường, xã, chưa kịp thời cập nhật giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền ký văn bản, gây khó khăn trong việc chứng thực giấy tờ, văn bản.

3.

UBND Tp. Hồ Chí Minh

Kiến nghị Bộ Công an hiệu chỉnh Hệ thống tra cứu thông tin tạm giữ giấy phép lái xe được tích hợp trên Cổng DVCQG xác định được người dân đang vi phạm an toàn giao thông đường bộ đối với loại giấy phép lái xe nào nhằm đảm bảo người dân thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe ôtô, môtô đúng quy định.

4.

UBND Tp Đà Nẵng

Triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp số 81/KHPH- TCTĐA06/CPTWBCĐĐA06/CPĐN ngày 28/7/2023 giữa Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Ban chỉ đạo triển khai Đề án 06 thành phố Đà Nẵng về triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 tại thành phố Đà Nẵng với 43 mô hình điểm. Ngày 07/8/2023, Sở TT&TT đã có Công văn số 1872/STTTT-CNTT ngày 07/8/2023 gửi C06 về hỗ trợ triển khai 21/43 mô hình điểm (đợt 1); trong đó có Mô hình điểm số 24 “Chuẩn hóa xác thực tập trung (SSO) VDXP” và đã tiếp tục có Công văn số 1713/STTTT-CNTT ngày 23/7/2024 và Công văn số 1832/STTTT-CNTT ngày 05/8/2024 gửi C06 đề nghị hỗ trợ, kiểm tra ATTT, hướng dẫn để cấp bộ key chính thức kết nối Cổng đăng nhập xác thực tập trung thành phố Đà Nẵng với Nền tảng định danh và xác thực điện tử VneID. Tuy nhiên, đến nay thành phố Đà Nẵng vẫn chưa nhận được bộ key chính thức

Kính đề nghị Bộ Công an sớm cung cấp bộ khóa chính thức để kết nối Cổng đăng nhập xác thực tập trung thành phố Đà Nẵng với Nền tảng định danh và xác thực điện tử VNeID; từ đó cho phép người dân có thể sử dụng mọi dịch vụ, tiện ích số trên địa bàn thành phố bằng duy nhất tài khoản VNeID, mà không phải đăng ký lại tài khoản mới.

II

Kiến nghị với Bộ Công Thương

5.

Bộ Quốc phòng

Kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

III

Kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải

6.

UBND tỉnh Hải Dương

Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Hải Dương để đồng bộ, kết nối chia sẻ dữ liệu từ Hệ thống dữ liệu do Bộ quản lý (cấp đối giấy phép lái xe) sang Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh giúp tỉnh theo dõi, quản lý, giám sát, đánh giá và khai thác, tái sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC.

IV

Kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư

7.

UBND Tp Cần Thơ

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc kết nối với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của địa phương để công chức không phải thực hiện trên 02 hệ thống. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ file kết quả giải quyết hồ sơ đã ký số, tạo thuận lợi cho địa phương trong việc khai thác, tái sử dụng kết quả.

8.

UBND tỉnh Tây Ninh

Các TTHC liên quan đến lĩnh vực đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý Khu kinh tế cấp tỉnh, sau khi tiếp nhận trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, sau đó tỉnh vẫn phải nhập lên Hệ thống của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nghĩa là phải nhập 02 lần cho một TTHC). Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, có giải pháp kết nối, đồng bộ với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh để hạn chế, giảm thiểu việc cập nhật TTHC trên cả 02 Hệ thống

9.

UBND tỉnh Hải Dương

Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh Hải Dương để đồng bộ, kết nối chia sẻ dữ liệu từ Hệ thống dữ liệu do Bộ quản lý (Hệ thống đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh) sang Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh giúp tỉnh theo dõi, quản lý, giám sát, đánh giá và khai thác, tái sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC.

V

Kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường

10.

UBND tỉnh Hải Dương

Thực hiện Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ Quy định chi tiết một số Điều của Luật Đất đai có giao cho địa phương quy định thủ tục hành chính (tại khoản 7 Điều 43, khoản 2, Điêu 46, khoản 4, Điều 53, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để ban hành điều kiện, trình tự, thủ tục thẩm định để giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất cho cá nhân).

Căn cứ vào Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020): “4. Quy định thủ tục hành chính trong ... quyết định của UBND, ..., trừ trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này”.

Như vậy, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP giao cho địa phương quy định TTHC/bộ phận tạo thành TTHC là chưa phù hợp quy định. Tỉnh Hải Dương gặp vướng mắc trong đánh giá tác động TTHC có trong dự thảo Quy định của tỉnh.

Về kiến nghị, đề xuất: Đề nghị Bộ TNMT và các cơ quan có liên quan hướng dẫn để địa phương thực hiện đảm bảo đúng quy định hiện hành.

VI

Kiến nghị với Bộ Tư pháp

11.

Bộ Ngoại giao

Bộ Ngoại giao xin đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm, sớm cung cấp cho Bộ Ngoại giao phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung dễ đưa vào triển khai theo quy định. Mặt khác, một số quy định pháp luật liên quan đến giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, hợp pháp hóa lãnh sự... cần được điều chỉnh để bảo đảm đồng bộ với yêu cầu cung cấp dịch vụ công toàn trình của Chính phủ.

12.

UBND Tp Đà Nẵng

Hiện nay, Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp yêu cầu Hệ thống giải quyết TTHC thành phố định kỳ (khoảng 1 giờ) gọi API để cập nhật thông tin trạng thái hồ sơ và kết quả giải quyết (Giấy khai sinh, Trích lục khai tử). Điều này dẫn đến thông tin trạng thái và kết quả giải quyết hồ sơ khai sinh, khai tử đồng bộ lên phần mềm dịch vụ công liên thông chưa kịp thời và ảnh hưởng đến hiệu năng hệ thống (hệ thống địa phương phải gọi API nhiều lần thay vì hệ thống Bộ Tư pháp gọi một lần); đồng thời, cách thực hiện này là chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 14 Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ

Kính đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu giải pháp để Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung tự động chuyển thông tin trạng thái hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC về Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh để bảo đảm hiệu năng của hệ thống, tính kịp thời của việc xử lý hồ sơ và đúng theo quy định tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ.

13.

UBND Tp Cần Thơ

Cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp có liên quan đến việc thực hiện TTHC của địa phương chưa thực hiện việc kết nối với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của địa phương; do đó, công chức tiếp nhận, giải quyết TTHC tại địa phương còn phải thực hiện trên 02 hệ thống. Đề nghị Bộ Tư pháp thực hiện việc kết nối với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của địa phương để công chức không phải thực hiện trên 02 hệ thống.

14.

UBND tỉnh Tây Ninh

Đối với 02 nhóm TTHC liên thông về đăng ký khai sinh/khai tử thì Hệ thống nghiệp vụ của Bộ Tư pháp hoạt động không ổn định nên khi Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đẩy thông tin hồ sơ sang thì bị lỗi, hoặc không thể lấy được trạng thái hồ sơ. Trong khi đó, thời gian giải quyết của nhóm thủ tục liên thông rất ngắn. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết của các hồ sơ của 2 nhóm TTHC liên thông về đăng ký khai sinh/khai tử, ảnh hưởng đến chỉ số tiến độ giải quyết hồ sơ của tỉnh. Bên cạnh đó, do hệ thống nghiệp vụ của Bộ Tư pháp không có chức năng bóc tách dữ liệu, nên khi trả hồ sơ cán bộ tiếp nhận hồ sơ của địa phương phải thực hiện thao tác bóc tách dữ liệu theo quy định của Văn phòng Chính phủ. Đề xuất Bộ Tư pháp đẩy thêm thông tin trường dữ liệu của các kết quả hồ sơ liên thông (số, trích yếu, ngày ban hành, hiệu lực...) sang Hệ thống của tỉnh khi trả hồ sơ để đơn giản hoá thao tác cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ của địa phương.

15.

UBND tỉnh Hải Dương

Kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với tỉnh Hải Dương để đồng bộ, kết nối chia sẻ dữ liệu từ Hệ thống dữ liệu do Bộ quản lý (Hệ thống Hộ tịch) sang Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh giúp tỉnh theo dõi, quản lý, giám sát, đánh giá và khai thác, tái sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC.

VII

Kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông

16.

Bộ Quốc phòng

Kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dự án sửa đổi Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

VIII

Kiến nghị với Bộ Tài chính

17.

Bộ Quốc phòng

Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ đội Biên phòng hoàn thành triển khai “Thủ tục biên phòng điện tử cửa khẩu biên giới đất liền đối với người điều khiển, người đi trên phương tiện, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh” trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, tạo thuận lợi cho các hoạt động lưu thông cửa khẩu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng chủ trương cải cách TTHC của Chính phủ.

IX

Kiến nghị với Bộ Xây dựng và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

18.

UBND TP Hà Nội

Thủ tục lấy ý kiến đối với các dự án khu đô thị, khu nhà ở:

Trình tự, thủ tục thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020; Điều 33 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, lấy ý kiến thẩm định của các đơn vị có liên quan để thẩm định chủ trương để trình UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án trước khi thực hiện đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư. Theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở quy định: “Ngoài nội dung quy định tại khoản 5 Điều này, cơ quan chủ trì thẩm định còn phải lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về việc xác định dự án thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh hoặc không thuộc khu vực này, làm cơ sở đưa vào nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư dự án để xác định dự án thuộc diện được phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở hoặc không được phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở”.

Vì vậy, để tạo thuận lợi trong việc triển khai quy trình thủ tục đối với các dự án khu đô thị, khu nhà ở, kiến nghị xem xét tính cần thiết để bỏ quy định này hoặc phân cấp, uỷ quyền cho cơ quan quốc phòng, công an ở địa phương đối với nội dung thẩm định quy định tại Khoản 6, Điều 15, Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ.

PHỤ LỤC II

TỔNG HỢP ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
(Kèm theo Công văn số: 8922/VPCP-KSTT ngày 04 tháng 12 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ)

STT

Thành viên HĐTV kiến nghị

Nội dung đề xuất, kiến nghị

I

Kiến nghị, đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông

1

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) xem xét điều chỉnh dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy (dự thảo Nghị định) đang trình Chính phủ theo hướng cho phép tổ chức tạo lập được cung cấp chữ ký điện tử cho tổ chức, cá nhân khác để sử dụng trong giao dịch với chính cơ quan, tổ chức đó, để đảm bảo phù hợp trên tinh thần triển khai Luật Giao dịch điện tử 2023, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, người dân và xã hội bởi trên thực tế các Ngân hàng không kinh doanh và chỉ được phép áp dụng trong phạm vi hoạt động của ngân hàng với các khách hàng và đối tác của mình.

Trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo Bộ TTTT tại các văn bản số 338/TB-VPCP ngày 20/7/2024 và 6730/VPCP-KSTT ngày 20/9/2024. Nhưng đến nay, Bộ TTTT vẫn trình Chính phủ dự thảo theo hướng không cho phép tổ chức tạo lập được cung cấp chữ ký điện tử cho tổ chức, cá nhân khác để sử dụng trong giao dịch với chính cơ quan, tổ chức đó. Việc dự thảo Nghị định quy định như vậy là chưa phù hợp với qui định của Luật Giao dịch điện tử 2023 và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các TCTD cũng như làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử với các TCTD.

Với lượng giao dịch phát sinh/1 ngân hàng lên tới 100 triệu giao dịch/năm, nếu phải thực hiện theo quy định tại dự thảo Nghị định, khi thực hiện toàn bộ các giao dịch như tiền gửi, cấp tín dụng, giao dịch ngoại tệ…, khách hàng sẽ phải sử dụng chữ ký số tương ứng với 1,5 triệu chữ ký số/dự kiến cho 1 ngân hàng). Trong khi đó, mỗi ngân hàng đầu tư hệ thống công nghệ với chi phí rất lớn phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu giao dịch của hàng chục triệu khách hàng cùng lúc, với độ an toàn, bảo mật cao cho khách hàng. Với các tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự một CA công cộng, việc cho phép Ngân hàng được tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng miễn phí cho khách hàng của mình cũng sẽ làm giảm thiểu chi phí cho người dân và xã hội, thúc đẩy phát triển chuyển đổi số theo chiến lược của Chính phủ.

2

Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam

Trong thời gian qua, Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành các văn bản chấn chỉnh các hành vi lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép, đưa thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gợi ý, gây sức ép, thậm chí là đe dọa để sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo hoặc thu lợi bất chính. Đặc biệt, tình trạng “báo hóa” Tạp chí, “tư nhân hóa”, “lợi ích nhóm” báo chí diễn ra ở nhiều cơ quan Tạp chí, thường là các Tạp chí ở các Hiệp hội, tổ chức xã hội. Những vấn đề này khá nhức nhối, việc ngăn chặn, xử lý gặp nhiều khó khăn do các thuật ngữ này chưa được lượng hóa, chưa có quy định chi tiết trong Luật báo chí.

Tuy nhiên, thực tế tình trạng nêu trên vẫn chưa được xử lý, giải quyết triệt để, dứt điểm, một số nguyên nhân chủ yếu là:

- Vai trò chưa phát huy đúng mức: Báo chí còn hạn chế trong việc phản biện, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến” trong nội bộ. Một số nhà báo có biểu hiện suy thoái, thiếu trung thực, còn chạy theo lợi ích cá nhân và xu hướng giật gân để thu hút công chúng.

- Bất cập trong quản lý nhà nước: Quy định pháp lý chưa cập nhật, không đáp ứng kịp với sự phát triển của công nghệ và xu hướng hội tụ truyền thông. Quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ trong quản lý và bổ nhiệm người đứng đầu. Công tác quản lý hoạt động tạp chí còn bất cập do chồng chéo giữa Luật Báo chí và các quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

- Thách thức từ cơ chế thị trường: Cơ chế thị trường gây ra nhiều tác động tiêu cực, khiến một số nhà báo sa vào các hành vi thiếu đạo đức, lợi dụng vai trò báo chí để đe dọa, trục lợi. Một số cơ quan báo chí chuyển đổi thành tổ chức kinh doanh, làm ảnh hưởng đến giá trị nghề nghiệp.

Do vậy, đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông một số nội dung sau:

- Tăng cường quản lý nhà nước: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí để tạo hành lang pháp lý phù hợp, nâng cao hiệu quả quản lý và điều chỉnh quy hoạch báo chí đến năm 2025. Tăng cường vai trò của Đảng và Nhà nước trong chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí, đặc biệt là phát huy vai trò của các cơ quan chủ quản.

- Đổi mới mô hình tổ chức báo chí: Sắp xếp lại hệ thống báo chí để giảm thiểu chồng chéo, đầu tư có trọng điểm cho các cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện, có vai trò định hướng dư luận xã hội.

- Nâng cao đạo đức nghề nghiệp: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đạo đức và năng lực chuyên môn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đảm bảo chất lượng chính trị và nghiệp vụ. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong báo chí, tránh để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu.

- Ứng dụng công nghệ và phát triển báo chí số: Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ trong phát hành và quản lý thông tin. Khuyến khích phát triển báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, đáp ứng nhu cầu của độc giả trong thời đại số.

II

Kiến nghị, đề xuất với Bộ Ngoại giao

3

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam

Bộ máy và thủ tục hành chính rườm rà để xin thị thực đến Việt Nam dẫn đến số lượng du khách giảm, từ đó bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế. Kiến nghị:

- Mở rộng danh sách quốc gia miễn thị thực: Tăng số lượng quốc gia miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam, bao gồm tất cả các nước EU và các thị trường chiến lược khác, để đơn giản hóa thủ tục đi lại và thu hút nhiều khách du lịch hơn.

- Tham gia sáng kiến thị thực chung ASEAN: Tham gia sáng kiến thị thực chung ASEAN để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại liền mạch trong khu vực, cho phép khách du lịch đến thăm nhiều quốc gia ASEAN với một thị thực duy nhất, thúc đẩy du lịch và tăng cường hội nhập khu vực.

- Hợp lý hóa quy trình xin thị thực: Đơn giản hóa và hợp lý hóa các thủ tục xin thị thực bằng cách số hóa các quy trình, cung cấp các tùy chọn thị thực điện tử và giảm thời gian xử lý để giúp du khách dễ dàng xin thị thực và đến thăm Việt Nam hơn.

- Tăng cường quan hệ ngoại giao: Tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước chủ chốt để đàm phán các hiệp định thị thực đối ứng cho phép tiếp cận du lịch dễ dàng hơn giữa Việt Nam và các quốc gia đối tác, thúc đẩy trao đổi du lịch và hiểu biết văn hóa.

Thúc đẩy dịch vụ visa khi đến: Mở rộng dịch vụ thị thực khi đến tại các sân bay quốc tế và các điểm nhập cảnh chính để tạo sự thuận tiện cho du khách đến Việt Nam, khuyến khích nhiều du khách chọn Việt Nam làm điểm đến.

4

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam

Vướng mắc tại Quyết định 06/2020/QĐ-TTg ngày 21 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam yêu cầu các đơn vị tổ chức phải phải đăng ký và nhận xác nhận/phê duyệt trước khi tổ chức sự kiện. Việc chờ phê duyệt trước khi tổ chức sự kiện sẽ kéo dài thời gian chờ đợi, ảnh hưởng đến tiến độ của đơn vị tổ chức.

Kiến nghị:

Trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam, nhiều hội thảo hội nghị quốc tế được cộng đồng doanh nghiệp chủ trương tổ chức, chúng tôi kính mong đề xuất Bộ Ngoại giao cân nhắc các đề xuất chính điều chỉnh, sửa đổi Quyết định 06/2020/QĐ-TTg bãi bỏ thủ tục đăng ký và chờ phê duyệt mới được tổ chức cho các hội thảo, hội nghị quốc tế thành hình thức thông báo trên môi trường mạng tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

III

Kiến nghị, đề xuất với Bộ Tài chính

5

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam

Trong những năm qua, Việt Nam đã tạo dựng được vị thế vững chắc của mình trong xuất khẩu một số ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, v.v. sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu. Các tập đoàn lớn trên thế giới, song song với việc mua hàng và đặt gia công từ nhà cung cấp Việt Nam, đã triển khai thiết lập chuỗi cung ứng của mình tại chính Việt Nam, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra hàng triệu việc làm, góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một trong những lý do nổi bật để đạt được điều đó là chính sách hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu mà Chính phủ đã triển khai, trong đó có cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ (XNKTC).

Kể từ khi được áp dụng chính thức vào năm 1998 (cách đây đã 26 năm), các quy định về XNKTC đã giúp hình thành và từng bước phát triển mô hình chuỗi cung ứng sản xuất - xuất khẩu dựa trên sự thông thoáng có kiểm soát về thủ tục và thuận lợi hóa ở tất cả các khâu. Sáng kiến nổi bật này đã góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể về giá cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, do chính sách này chưa được quy định trong Luật mà chỉ được quy định ở Nghị định (Nghị định số 08/2015/NĐ-CP) nên Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đang đề xuất bãi bỏ chính sách này và chỉ áp dụng trở lại khi đã được quy định trong luật. Động thái này đã và đang gây quan ngại sâu sắc cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng đã hình thành trong suốt 26 năm qua bởi hệ lụy là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ tới các chuỗi sản xuất - xuất khẩu hiện hành mà còn cả các chuỗi dự kiến sẽ hình thành trong tương lai gần.

Kiến nghị:

Trước mắt tiếp tục cho phép áp dụng cơ chế XNKTC như đề cập tại điểm c, khoản 1 Điều 35 Nghị định 08/2015, và đồng thời mở rộng đối tượng áp dụng theo hướng cho phép cả “thương nhân đã có hiện diện” lẫn “thương nhân chưa có hiện diện” được tham gia cơ chế XNKTC.

Về lâu dài, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật hiện hành để tạo căn cứ pháp lý vững chắc cho hoạt động XNKTC áp dụng cho các chuỗi sản xuất - xuất khẩu trong thời gian tới.

IV

Kiến nghị, đề xuất với Hà Nội

6

Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam

- Trụ sở bỏ trống sau sáp nhập:

Sau quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính, nhiều trụ sở công tại Hà Nội bị bỏ trống, gây lãng phí tài sản công. Cụ thể, có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.

Ví dụ: Trụ sở công bỏ trống sau sáp nhập: Giai đoạn 2023-2025, Hà Nội có kế hoạch giảm 61 xã, phường. Việc sắp xếp các trụ sở, tài sản công cần được thực hiện đúng quy định, hiệu quả, tránh lãng phí.

- Sử dụng không hiệu quả tài sản công:

Một số trụ sở, cơ sở nhà đất công không được khai thác, sử dụng hiệu quả, dẫn đến tình trạng lãng phí. Việc sắp xếp, xử lý các trụ sở này còn chậm trễ, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Ví dụ: Đất công cho thuê thiếu công khai minh bạch: Số diện tích đất cho thuê thuộc tài sản công của thành phố rất lớn, nhưng với cách cho thuê, quản lý cho thuê, giá cho thuê như hiện nay không được công khai, minh bạch, có thể dẫn đến lãng phí rất lớn nguồn tài sản công, thất thoát về nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Kiến nghị:

- Xây dựng cơ chế đánh giá, kiểm tra định kỳ:

Thiết lập hệ thống giám sát, kiểm kê tài sản công định kỳ để nhanh chóng nhận diện các tài sản chưa sử dụng hiệu quả. Điều này giúp phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp bỏ trống hoặc sử dụng không đúng mục đích.

- Đẩy mạnh quy trình xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập:

Xây dựng quy trình cụ thể để xử lý các trụ sở công còn dôi dư sau sáp nhập hoặc cải tổ hành chính. Đơn cử như chuyển giao cho các cơ quan khác có nhu cầu sử dụng, hoặc lập hồ sơ đấu giá cho thuê để tăng nguồn thu ngân sách.

- Cơ chế đấu giá, cho thuê linh hoạt:

Đưa ra các cơ chế cho thuê linh hoạt, thu hút doanh nghiệp hoặc cá nhân thuê lại các tài sản công để sử dụng vào mục đích thương mại, giáo dục, y tế, hoặc văn hóa. Quá trình cho thuê cần thực hiện công khai, minh bạch qua các hình thức đấu giá để tối đa hóa nguồn thu.

- Sắp xếp và tái cấu trúc trụ sở công hợp lý:

Đề xuất các đơn vị hành chính, cơ quan công quyền có thể chia sẻ hoặc sử dụng chung các trụ sở, giảm số lượng tài sản công cần bảo trì, bảo dưỡng, từ đó tối ưu chi phí và giảm lãng phí.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công:

Xây dựng hệ thống quản lý tài sản công trực tuyến giúp các cơ quan, đơn vị nhanh chóng kiểm soát, báo cáo tình trạng sử dụng tài sản. Hệ thống này có thể cung cấp thông tin về vị trí, diện tích, mục đích sử dụng, và trạng thái của từng trụ sở, từ đó giúp cơ quan quản lý dễ dàng đưa ra quyết định.

- Kêu gọi đầu tư hợp tác công tư (PPP), xã hội hóa:

Khuyến khích các dự án hợp tác công tư, xã hội hóa để nâng cấp, cải tạo những khu đất và trụ sở công, biến chúng thành các trung tâm dịch vụ công, trung tâm văn hóa, hoặc cơ sở thương mại có lợi ích cho cộng đồng và tạo thêm nguồn thu.

- Thúc đẩy công khai, minh bạch thông tin tài sản công:

Công khai các tài sản công chưa sử dụng hoặc lãng phí trên các trang thông tin chính thức để kêu gọi đề xuất từ các đơn vị có nhu cầu hoặc nhà đầu tư quan tâm, qua đó tận dụng các sáng kiến xã hội.

- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm:

Đưa ra các quy định cụ thể, chế tài nghiêm khắc để xử lý những trường hợp quản lý lỏng lẻo, để tài sản công bị lãng phí hoặc hư hỏng nghiêm trọng, đồng thời xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quản lý tài sản công.

- Khuyến khích mô hình sử dụng lại tài sản công cho mục đích giáo dục, y tế và văn hóa cộng đồng:

Chuyển đổi các trụ sở bỏ trống thành cơ sở giáo dục, y tế, thư viện, hoặc trung tâm văn hóa công cộng để phục vụ người dân, thay vì để hoang phí.

7

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam

- Quy trình xin giấy phép kéo dài: Hướng dẫn không rõ ràng và yêu cầu nhiều bước để xin giấy phép xây dựng tốn nhiều thời gian, dẫn đến sự chậm trễ của dự án và tăng chi phí.

- Thủ tục phức tạp, làm việc với nhiều cơ quan chính phủ: Danh sách giấy tờ cần chuẩn bị và các cơ quan phê duyệt nhiều gây nhầm lẫn cho người nộp hồ sơ và việc nộp thêm tài liệu bổ sung thường xảy ra do các trở ngại hành chính.

- Quy định không nhất quán: Sự khác biệt trong việc diễn giải và thực hiện các quy định giữa các tỉnh thành gây nhầm lẫn và chậm trễ.

Kiến nghị:

- Hướng dẫn rõ ràng hơn: Cung cấp các hướng dẫn chi tiết và rõ ràng hơn cho việc xin giấy phép có thể giảm bớt sự nhầm lẫn và sai sót.

- Làm việc với các quan chức chính phủ liên quan để giải quyết các thách thức chung và thúc đẩy cải thiện quy định.

- Tăng cường tính minh bạch trong quy trình cấp phép.

8

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam

Các thủ tục vẫn còn rườm rà và áp đặt gánh nặng chi phí đáng kể cho các công ty.

Đặc biệt, việc hợp pháp hóa giấy tờ ở nước ngoài có thể mất đến một tháng hoặc hơn để hoàn thành và có thể tốn vài trăm đô la Mỹ nếu không muốn nói là nhiều hơn (bao gồm tất cả phí hành chính và phí vận chuyển).

Chúng tôi quan sát thấy rằng Sở KH&ĐT yêu cầu các tài liệu được hợp pháp hóa ngay cả khi nó không được quy định trong luật hoặc quy định.

Ví dụ:

1) Bản sao hợp pháp hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của nhà đầu tư nước ngoài khi nộp hồ sơ xin phê duyệt M&A.

2) Các nhà đầu tư/công dân Pháp được yêu cầu hợp pháp hóa hộ chiếu của họ một cách có hệ thống để làm thủ tục trước Sở KH&ĐT hoặc các cơ quan hành chính tương tự. Tuy nhiên, việc hợp pháp hóa giấy tờ hộ tịch đã được miễn trừ theo Công ước song phương Pháp-Việt Nam ngày 24/2/1999 (Điều 25), phù hợp với Nghị định 111/2011/NĐ-CP về chứng nhận và hợp pháp hóa lãnh sự.

Hơn nữa, trang web của Cục Lãnh sự Việt Nam tuyên bố rõ ràng rằng các tài liệu hộ tịch của Pháp không cần phải được hợp pháp hóa: https://lanhsuvietnam.gov.vn/Lists/BaiViet/B%C3%A0i%20vi%E1% BA%BFt/DispForm.aspx?List=dc7c7d75%2D6a32%2D4215%2Dafe b%2D47d4b ee70eee&ID=755. Ngược lại, Pháp chưa bao giờ yêu cầu hợp pháp hóa giấy tờ hộ tịch của công dân Việt Nam: https://www.diplomatie.gouv.fr/IMG/pdf/leg tableau_recap_du_droi t_conventionnel_-_05-06- 24_cle815a16.pdf

Việc thực thi các yêu cầu như vậy trên thực tế, không có bất kỳ cơ sở pháp lý liên quan nào, dường như mâu thuẫn với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thiếu cơ sở.

Kiến nghị:

Nên loại bỏ yêu cầu hợp pháp hóa các tài liệu không cần thiết mà không có cơ sở pháp lý hợp lệ. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần đảm bảo rằng bất kỳ yêu cầu hợp pháp hóa tài liệu nào cũng phù hợp với các thỏa thuận quốc tế và khung pháp lý hiện hành. Định nghĩa “giấy tờ nước ngoài” tại Nghị định 111/2011/NĐ-CP cần được làm rõ để chỉ bao gồm các văn bản chính thức do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ban hành. Các tài liệu riêng tư như POA, báo cáo tài chính hoặc hợp đồng theo luật pháp nước ngoài nên được loại trừ. Chúng tôi kỳ vọng rằng các biện pháp sẽ được triển khai nhằm giảm thiểu gánh nặng hành chính và chi phí phát sinh cho các nhà đầu tư và công dân nước ngoài, đồng thời đảm bảo sự thống nhất trong việc ban hành và thực thi các quy định của các cơ quan chức năng khác nhau.

V

Kiến nghị, đề xuất với Thành phố Hồ Chí Minh

9

Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam

- Trụ sở dôi dư sau sáp nhập:

Thực hiện Nghị quyết 1111 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức, TP.HCM dôi dư 75 trụ sở công. Mặc dù các địa phương đã có phương án xử lý, nhiều nơi vẫn đang bỏ trống, gây lãng phí.

- Đất công bỏ trống:

Nhiều khu đất công nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM bị bỏ hoang, không được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đất đai và thất thu ngân sách.

10

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam

Thủ tục xuất nhập cảnh kéo dài do quầy nhập cảnh ở một vài thời điểm không hoạt động hết công suất, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách và gây ra hậu quả tiêu cực cho toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh du lịch cũng như hình ảnh của Thành phố Hồ Chí Minh trên toàn cầu.

Khuyến nghị:

• Đảm bảo đủ nhân viên phụ trách xuất nhập cảnh, đặc biệt là vào thời gian cao điểm

• Nâng cao các dịch vụ cơ bản tại sân bay như phòng chờ, khu vực lấy hành lý, quầy check-in, nhà vệ sinh và hệ thống điều

• Sử dụng phân tích dữ liệu thời gian thực (real-time data analytics) để theo dõi luồng hành khách và xác định những điểm bất cập trong quá trình xử lý xuất nhập cảnh.

• Triển khai các chương trình được phê duyệt trước (ví dụ: Global Entry), ứng dụng hộ chiếu trên điện thoại và xây dựng các làn ưu tiên.

• Triển khai chương trình tạo cho cán bộ hải quan và nhập cảnh về quản lý chất lượng dịch vụ và quản lý trải nghiệm khách hàng nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi và tăng sự hài lòng của hành khách tại sân bay.

11

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn phụ thuộc vào hồ sơ bản cứng trong quy trình nộp công bố và quảng cáo mỹ phẩm, chưa áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Hiện nay tại Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp đã nộp công bố và quảng cáo mỹ phẩm trên Cổng dịch vụ công, nhưng vẫn phải gửi thêm bản cứng đến Sở Y tế . Thời gian phê duyệt, trả kết quả dựa trên bản cứng, quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ bị trùng lặp và kéo dài, tạo khối lượng lớn công việc cho cả Sở Y tế trong việc xử lý, giải quyết thủ tục hành chính và cho cả doanh nghiệp trong việc chuẩn bị, theo dõi hồ sơ.

Doanh nghiệp nhận thấy Cổng dịch vụ công mà Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng chỉ cần tích hợp thêm 1 số tính năng nhỏ (ví dụ tính năng nộp bổ sung hồ sơ trực tuyến sau khi Sở Y tế đã tiếp nhận và có yêu cầu sửa đổi bổ sung) là đã có thể triển khai trực tuyến toàn bộ. Như vậy việc bỏ hồ sơ bản cứng và chuyển sang hồ sơ trực tuyến là khả thi trong thời gian gần.

Chúng tôi muốn lưu ý rằng, quy trình công bố mỹ phẩm nhập khẩu tại Cục Quản lý Dược đã được triển khai trực tuyến hoàn toàn, áp dụng ký số điện tử trên Hệ thống một cửa quốc gia liên kết với hệ thống hải quan, hay một số Sở Y tế như Sở Y tế tỉnh Bình Phước cũng không còn yêu cầu nộp bản cứng mà áp dụng hồ sơ trực tuyến mức độ 4. Như vậy Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể triển khai hồ sơ mỹ phẩm trực tuyến mức độ 4, không có vướng mắc về quy định hay yêu cầu quản lý.

Việc số hóa hoàn toàn quy trình tiếp nhận hồ sơ công bố và quảng cáo mỹ phẩm của Sở Y tế sẽ mang lại nhiều lợi ích. Hiện tại, các công ty phải nộp hồ sơ bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp, tạo gánh nặng hành chính không cần thiết cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Một hệ thống kỹ thuật số hoàn chỉnh sẽ hợp lý hóa quy trình và tăng hiệu quả cho tất cả các bên liên quan.

Kiến nghị:

Kính đề nghị Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho hồ sơ công bố và quảng cáo mỹ phẩm, áp dụng hoàn toàn quy trình trực tuyến (nộp, tiếp nhận, nộp phí, xử lý, ký số điện tử, trả kết quả) không yêu cầu nộp hồ sơ bản cứng song song. Cần triển khai trong thời gian sớm nhất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ số hóa để tránh tạo thêm công việc hành chính cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Phối hợp với Cục Quản lý Dược để xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung.

12

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam

Đối với các công ty đa quốc gia (MNC) có hoạt động kinh doanh với các bên liên kết tại Việt Nam, hải quan đang yêu cầu chứng minh giá nhập khẩu bằng cách sử dụng Phương pháp 4 (phương pháp khấu trừ) bằng cách tham chiếu tỷ lệ chi phí và lợi nhuận từ báo cáo tài chính được nộp cho cơ quan thuế (như được nêu trong điểm 2a và 2c của hướng dẫn 5371 TCHQ-TXNK hướng dẫn tham vấn trị giá hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành). Tuy nhiên, vì báo cáo tài chính liên quan đến toàn bộ công ty chứ không phải ở cấp độ sản phẩm cụ thể, nên sự khác biệt này có khả năng gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Các tính toán kết quả có thể vượt quá giá nhập khẩu thực tế, khiến hải quan nghi ngờ về tính hợp pháp của giá nhập khẩu, ngay cả trong trường hợp hàng hóa là chính hãng.

Chúng tôi khuyến nghị cho phép doanh nghiệp sử dụng báo cáo quản trị hoặc các nguồn tương tự để tính toán thay vì chỉ dựa vào báo cáo tài chính đã nộp cho cơ quan thuế.

13

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam

Nhầm lẫn về cách xác định tên sản phẩm: Thực tế cho thấy hải quan đang gặp khó khăn trong việc xác định tên sản phẩm. Theo quy định tại Điều 11, Nghị định 111/2011/NĐ-CP, tên sản phẩm là tên do nhà sản xuất tự đặt. Trên bao bì sản phẩm có thể bao gồm nhiều yếu tố khác như logo, nhãn hiệu, các nội dung quảng cáo... nhưng những yếu tố này không được coi là cấu thành tên sản phẩm.

Khó khăn trong việc xác định thành phần giữa hồ sơ công bố và nhãn sản phẩm: Đôi khi có sự khác biệt giữa danh mục thành phần được in trên bao bì sản phẩm và danh mục được kê khai trong hồ sơ công bố tại Việt Nam. Quy định của Việt Nam yêu cầu liệt kê thành phần theo danh pháp quốc tế INCI. Tuy nhiên, thông tin trên bao bì thường tuân thủ quy định của nước sản xuất, dẫn đến sự không thống nhất. Ví dụ, quy định của EU có thể yêu cầu ghi nhãn một số chất cụ thể có trong hương liệu trên bao bì, mặc dù về mặt kỹ thuật, những chất này không phải là thành phần và không cần phải kê khai trong hồ sơ công bố tại Việt Nam.

Trong trường hợp này, chúng tôi đề xuất Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho phép doanh nghiệp sử dụng thư xác nhận từ nhà máy/nhà sản xuất là đủ để xác nhận tên sản phẩm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan cho doanh nghiệp. Chấp nhận thư giải trình của nhà sản xuất về yêu cầu ghi nhãn tại nước sở tại.

14

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam

Có sự nhầm lẫn trong việc phân loại một số thiết bị làm đẹp do việc diễn giải sai các quy định về trang thiết bị y tế. Điều này dẫn đến quan niệm sai lầm rằng một số thiết bị làm đẹp nên được phân loại và công bố là trang thiết bị y tế loại A hoặc B. Ví dụ, đèn chiếu sáng thông thường được sử dụng trong máy soi da, không tiếp xúc da, sử dụng ánh sáng thường cũng được phân loại thành thiết bị y tế loại A.

Kiến nghị:

Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế, Bộ Y tế để có hướng dẫn chi tiết và phân loại rõ ràng về thiết bị y tế và thiết bị làm đẹp.

15

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam

Doanh nghiệp chúng tôi chủ yếu thực hiện các thủ tục hành chính trực thuộc Sở Y tế TPHCM trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TPHCM (“Hệ Thống”). Trước khi Công văn số 5062/TB-SYT (ngày 05 tháng 06 năm 2024) có hiệu lực, doanh nghiệp thực hiện đóng phí cho các thủ tục hành chính thực hiện trên Hệ Thống bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng. Lệ phí được chuyển khoản trực tiếp từ tài khoản doanh nghiệp vào tài khoản của Sở Y tế TPHCM. Kể từ ngày 10 tháng 06 năm 2024, Công văn số 5062/TB-SYT có hiệu lực. Sở Y tế TPHCM đóng các tài khoản ngân hàng của Sở và chuyển qua sử dụng hình thức thu phí trực truyến trên Hệ Thống. Với hình thức thanh toán mới này, tại Bước 4 theo hướng dẫn trong phụ lục đính kèm Công văn số 5062/TB-SYT nói trên, doanh nghiệp khi đóng phí chỉ có thể chọn 1 trong 2 cách sau: 1/ Mở app ngân hàng, ví điện tử và quét mã QR. 2/ Nhập tài khoản ngân hàng để thanh toán. Với cả 2 cách này, doanh nghiệp chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác gặp khó khăn như sau:

- Cả 2 cách trên đều phải do con người thực hiện thủ công cho từng hồ sơ, đều cần đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của công ty (bắt buộc người thao tác phải giữ tên đăng nhập & mật khẩu).

- Trong khi đó, tài khoản ngân hàng của công ty (tên đăng nhập & mật khẩu) không được giao cho bất cứ nhân viên/cá nhân nào quản lý, kể cả Kế toán hay phòng Tài chính, vì mục đích quản lý an toàn, tuân thủ và chống rủi ro, tiêu cực. Việc chuyển khoản được thực hiện thông qua một hệ thống mã hóa nội bộ. Tiền được chuyển đi sau khi đặt lệnh giải ngân trên hệ thống nội bộ này. Thời gian để hoàn tất quy trình nội bộ cho một lệnh chuyển tiền là từ 3-5 ngày kể từ ngày yêu cầu thanh toán.

Như vậy, các doanh nghiệp có cùng kiểu quản lý quy trình thanh toán như trình bày ở trên (đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài) không thể thực hiện đóng phí theo hình thức thu phí mới của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TPHCM.

Kiến nghị:

Cho phép doanh nghiệp được lựa chọn giữa hình thức thu phí trực tuyến mới và hình thức thu phí chuyển khoản như trước đây (doanh nghiệp sẽ xác nhận thanh toán trên Hệ Thống bằng cách tải lên hóa đơn, ủy nhiệm chi, xác nhận của ngân hàng v.v…).

16

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam

Có nhiều sản phẩm có nước xuất xứ khác với nước của nhà sản xuất ghi trên Giấy phép lưu hành. Trong khi giấy phép lưu hành cấp bởi BYT không có thông tin nước xuất xứ, chỉ có thông tin nước của nhà sản xuất. Thực tế khi nhập các sản phẩm như vậy, Hải quan yêu cầu cung cấp giấy phép lưu hành của BYT cấp có thể hiện nước xuất xứ của sản phẩm và không đồng ý thư giải trình của doanh nghiệp.

Kiến nghị Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan liên quan:

-Có công văn hướng dẫn: nước của nhà sản xuất thể hiện trên Giấy phép nhập khẩu và Giấy đăng ký lưu hành có thể khác so với nước xuất xứ theo yêu cầu của Nghị định 111/2021/NĐCP và không phải là căn cứ để xác định xuất xứ khi thông quan.

- Chỉ xem xét thông tin nước xuất xứ trên giấy tờ thông quan như Hóa đơn nhập khẩu, Vận đơn, ...

- Xác định rõ quy định về nước xuất xứ và nước của nhà sản xuất, và có hướng dẫn cụ thể cho Hải quan về sự khác biệt giữa nước xuất xứ và nước của nhà sản xuất.

VI

Kiến nghị, đề xuất với Hải Dương

17

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

Công ty TNHH Bơm Ebara Việt Nam theo chỉ đạo của Thành phố đã di chuyển từ địa điểm nhà máy cũ tại Phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương đến KCN Lai Cách, Cẩm Giàng từ năm 2016. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được bồi thường của UBND tỉnh Hải Dương.

18

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

Chúng tôi là doanh nghiệp ở KCN Tân Trường, Hải Dương. Hiện tại, doanh nghiệp đang tiến hành xin Work Permit và Visa cho người nước ngoài.

Trong quá trình xin Work Permit để làm hồ sơ xin Visa, chúng tôi đang gặp vướng mắc liên quan đến giấy khám sức khỏe khi nộp hồ sơ đến Sở lao động Thương binh Xã hội tỉnh Hải Dương. Phía Sở lao động Thương binh Xã hội tỉnh Hải Dương yêu cầu giấy khám sức khỏe/giấy chứng nhận sức khỏe phải do Bệnh viện nằm trong danh mục Bộ Y tế công bố (bệnh viện có công văn xác nhận của Sở Y tế về việc cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe có yếu tố nước ngoài). Trong khi ở các nơi khác như Hà Nội, giấy khám sức khỏe của các bệnh viện khác nằm ngoài danh mục Bộ Y tế công bố đều được chấp nhận.

Hiện tại, Sở lao động Thương binh Xã hội tỉnh Hải Dương không chấp nhận giấy khám sức khỏe của Bệnh viên tư tên là KUSUMI. Nếu ở Hà Nội, chỉ cần bệnh viên tư giống bệnh viện này gửi bản copy giấy phép hoạt động thì hồ sơ xin cấp Giấy phép lao động sẽ được Cục việc làm chấp nhận.

Đề xuất: Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương chấp nhận Giấy khám sức khỏe từ các bệnh viện khác không nằm trong danh mục Bộ Y tế công bố. Nếu bệnh viện không có danh mục, vui lòng cho phép doanh nghiệp nộp bản sao giấy phép hoạt động của bệnh viện/ Cơ sở y tế đã khám sức khỏe (như phía Cục việc làm đã chấp thuận tại Hà Nội) để chấp thuận sử dụng Giấy khám sức khỏe của bệnh viện này tại Hải Dương.

VII

Kiến nghị, đề xuất với Bà Rịa - Vũng Tàu

19

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam

Theo quy định: các dự án có sử dụng đất, chủ đầu tư phải tuân thủ tiến độ thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các chủ đầu tư dự án khi chậm tiến độ có thể thực hiện thủ tục xin gia hạn. Tuy nhiên, Luật đầu tư 2020 (có hiệu lực từ 1/1/2021) đã giới hạn việc gia hạn này. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 117 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, chủ đầu tư không được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư quá 24 tháng kể từ ngày 01/01/2021 (tức là muộn nhất là ngày 1/1/2023). Như vậy, với những dự án vẫn đang thực hiện dở dang sau ngày 1/1/2023 sẽ gặp vướng mắc do tiến độ thực hiện dự án trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã hết, nên không được cấp phép các thủ tục khác (ví dụ, Giấy phép xây dựng), trong khi trên thực tế các dự án này cũng không thể bị thu hồi.

Để giải quyết tạm thời vướng mắc trên, Chính phủ và Bộ KHĐT cũng đã ban hành hướng dẫn cho các địa phương áp dụng quy định tại Điều 41 Luật đầu tư ( Công văn số 4245/BKHĐT-KTCNDV ngày 6 tháng 6 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Tuy nhiên trên thực tế, nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hướng dẫn này, gây khó khăn cho doanh nghiệp, dẫn tới dự án bị đình trệ, lãng phí nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp.

Kiến nghị:

UBND Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử lý dứt điểm kiến nghị của Công ty cổ phần du lịch Hải Vương (chủ đầu tư dự án khu du lịch Sanctuary Hồ Tràm), áp dụng đúng tinh thần Luật đầu tư và Công văn 4245/BKHĐT-KTCNDV của Bộ KHĐT, điều chỉnh Tiến độ thực hiện dự án trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu doanh nghiệp thỏa mãn các trường hợp được gia hạn theo Công văn 4245/BKHĐT-KTCNDV nêu trên.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 8922/VPCP-KSTT ngày 04/12/2024 trả lời kiến nghị, đề xuất của các bộ, địa phương, cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn do Văn phòng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


223

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.78.249
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!