ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1813/KH-UBND
|
Ninh Thuận, ngày
29 tháng 4 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI TỔ CÔNG NGHỆ SỐ CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Công văn số
793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn
thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương; Ủy ban nhân
dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại
các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Đưa nền tảng số, công nghệ số,
kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển
đổi số, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng
số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số
mạnh mẽ hơn.
b) Tổ công nghệ số cộng đồng là
lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh
tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn,
thôn, khu phố, tổ dân phố.
c) Thành lập Tổ công nghệ số cộng
đồng tại thôn, khu phố, tổ dân phố… để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về
chuyển đổi số.
2. Yêu cầu
a) Triển khai có hiệu quả nền tảng
số, công nghệ số đến từng ngõ, gắn với cuộc sống của người dân. Các nội dung phải
phù hợp với đặc thù của địa phương; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách
đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
b) Mỗi xã, phường, thị trấn
thành lập 01 Tổ công nghệ số cộng đồng và tùy theo đặc thù, mỗi thôn, khu phố,
tổ dân phố… có thể có 01 Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ triển khai nền tảng
số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân.
c) Mỗi cơ sở giáo dục thành lập
Tổ công nghệ số để triển khai thực hiện các chủ trương và nhiệm vụ của ngành đến
trực tiếp cha mẹ học sinh.
II. NỘI DUNG
TRIỂN KHAI
1. Nhiệm vụ
Tổ công nghệ số cộng đồng
a) Thực hiện theo sự hướng dẫn,
điều phối chung của Sở Thông tin và Truyền thông, huy động sự tham gia của các
doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại địa bàn trong việc
hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người
dân.
b) Tham gia hiệu quả vào Mạng
lưới công nghệ số cộng đồng trên phạm vi toàn quốc do Bộ Thông tin và Truyền
thông điều phối chung.
c) Thực hiện báo cáo thường
xuyên công tác triển khai việc sử dụng nền tảng số, công nghệ số để chính quyền
các cấp nắm bắt, chỉ đạo và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
2. Thành lập
Tổ công nghệ số cộng đồng
a) Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố chỉ đạo thành lập 100% Tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, phường,
thị trấn. Trong đó, tùy theo đặc thù thôn, khu phố, tổ dân phố thành lập 01 Tổ
công nghệ số cộng đồng.
b) Tổ công nghệ số cộng đồng từ
3-5 người (ưu tiên lựa chọn những người trẻ, có kiến thức về công nghệ thông
tin), gồm các thành phần sau:
- Cán bộ, công chức xã, phường,
thị trấn phụ trách (tùy vào tình hình thực tế tại địa phương quyết định).
- Trưởng thôn, khu phố.
- Đại diện Chi đoàn thanh niên
thôn, khu phố.
- Đại diện Hội Phụ nữ thôn, khu
phố.
- Nhân sự của các doanh nghiệp
bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin.
3. Bồi dưỡng,
tập huấn nghiệp vụ cho Tổ công nghệ số
a) Sở Thông tin và Truyền thông
chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp
công nghệ số bồi dưỡng, tập huấn Tổ công nghệ số cộng đồng về các chủ trương,
chính sách, pháp luật về chuyển đổi số; chuyển giao hướng dẫn cài đặt, sử dụng
nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.
b) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn
thường xuyên, nhiều lần để Tổ công nghệ số cộng đồng thành thạo các bước cài đặt,
hướng dẫn sử dụng, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về nền tảng số, công nghệ số để lan
tỏa, hướng dẫn đến người dân.
4. Hoạt động
của Tổ công nghệ số cộng đồng
a) Chính quyền số
- Thông tin, tuyên truyền sâu rộng
các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chuyển
đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, khu phố, tổ dân phố...
- Tuyên truyền, hướng dẫn, phổ
biến cho người dân về việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
- Phối hợp với các điểm Bưu điện
đẩy mạnh việc hướng dẫn, tuyên truyền người dân trong việc sử dụng dịch vụ bưu
chính công ích.
- Hướng dẫn người dân cài đặt
và sử dụng các ứng dụng như: Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường, Ninh Thuận
Tourism, PC-Covid, sổ sức khỏe điện tử, …và các nền tảng, dịch vụ tương tác với
chính quyền khác.
b) Kinh tế số
- Hỗ trợ đưa 100% sản phẩm OCOP
tại địa phương lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
- Hướng dẫn hỗ trợ cài đặt các
cửa hàng số cho hộ gia đình tại thôn, khu phố, tổ dân phố có sản phẩm nông sản
để tham gia mua bán trên các sàn thương mại điện tử; khuyến khích các hộ gia
đình đã mua và bán trên các sàn thương mại điện tử làm đầu tàu dẫn dắt các hộ
gia đình có nhu cầu tham gia.
- Triển khai hướng dẫn, hỗ trợ
cài đặt các cửa hàng số cho hộ gia đình tại thôn, khu phố, tổ dân phố có tài
khoản thanh toán điện tử, ví điện tử.
- Tuyên truyền vận động hỗ trợ sản
xuất kinh doanh tham gia sàn thương mại điện tử, có tài khoản thanh toán điện tử.
- Hỗ trợ các hộ kinh doanh kết
nối với các đơn vị phân phối triển khai việc vận chuyển tối ưu, đảm bảo chất lượng
sản phẩm, thời gian vận chuyển, quy trình đóng gói, bảo quản và phân phối sản
phẩm nông sản.
c) Xã hội số
- Phối hợp tuyên truyền nâng
cao nhận thức cho người dân về việc chuyển đổi số trong các cuộc họp thôn, khu
phố, tổ dân phố trong các chương trình, sự kiện của xã.
- Hỗ trợ các cơ quan, đơn vị quản
lý chuyên ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn,
các chương trình nâng cao nhận thức về chuyển đổi số (các lớp đào tạo sử dụng
công nghệ thông tin, internet cộng đồng, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực
tuyến điện tử, học tập trực tuyến và các ứng dụng thông minh khác…) cho người
dân trên địa bàn thôn, khu phố, tổ dân phố.
- Phối hợp tham gia thực hiện
điều tra xã hội học về chuyển đổi số phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu
cũng như đánh giá tình hình thực hiện chuyển đổi số tại địa phương.
5. Công tác
quản lý, điều hành Tổ công nghệ số cộng đồng
a) Tổ công nghệ số cộng đồng được
quản lý dựa trên các nền tảng số Việt Nam miễn phí và thông dụng như Zalo. Mỗi
Tổ công nghệ số cộng đồng tạo một nhóm Zalo và đặt tên nhóm Zalo theo dạng chuẩn
sau: CNCĐ_<Thôn/khu phố/tổ dân phố>_<Tên xã/phường/thị trấn>_<Tên
huyện/thành phố>.
b) Đối với Tổ công nghệ số cộng
đồng cấp xã: Thực hiện theo sự hướng dẫn, điều phối chung của Ủy ban nhân dân cấp
huyện.
c) Đối với Tổ công nghệ số cộng
đồng cấp thôn: Thực hiện sự hướng dẫn và điều phối chung của Ủy ban nhân dân cấp
xã và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
d) Sở Thông tin và Truyền thông
thực hiện hướng dẫn và điều phối chung Ủy ban nhân dân cấp huyện.
6. Kinh phí
a) Ngân sách nhà nước; xã hội
hóa, huy động đóng góp theo quy định.
b) Kinh phí triển khai Tổ công
nghệ số cộng đồng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh theo phân cấp ngân
sách.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền
thông
a) Phối hợp với các cơ quan,
đơn vị có liên quan tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện Tổ công nghệ số cộng
đồng tại cấp huyện trên địa bàn tỉnh.
b) Hướng dẫn, giao chỉ tiêu cho
Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp
cận, sử dụng các nền tảng số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã
hội số.
c) Hướng dẫn, điều phối, huy động
sự tham gia của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại
địa bàn trong việc hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ
năng số đến với người dân.
d) Đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn
các địa phương báo cáo kết quả triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng báo cáo Ban
Điều hành về chuyển đổi số tỉnh xem xét, chỉ đạo.
đ) Chủ trì, thẩm định, đề xuất
bố trí kinh phí triển khai Kế hoạch tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh
từ nguồn kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin được bố trí hằng năm (nếu
có).
2. Các Sở: Công Thương, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin
và Truyền thông hướng dẫn việc triển khai thương mại điện tử, đưa sản phẩm
OCOP, đưa sản phẩm nông sản hộ gia đình lên sàn thương mại điện tử.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chỉ đạo Phòng Giáo dục và
Đào tạo và các đơn vị trực thuộc Sở thành lập Tổ công nghệ thông tin trong trường
học để triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số ngành giáo dục.
b) Chủ trì tổ chức tuyên truyền,
vận động và nâng cao nhận thức người lao động trong toàn ngành thực hiện tốt
các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của ngành trong việc chuyển đổi số ngành
giáo dục. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin
trong các cơ sở giáo dục nhằm phục vụ tốt cho mục tiêu giáo dục, đào tạo và
cung cấp dịch vụ giáo dục hướng tới sự hài lòng của người dân.
4. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí trong khả năng cân đối ngân
sách tỉnh để tổ chức triển khai kế hoạch theo quy định.
5. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
a) Chỉ đạo người đứng đầu chính
quyền cấp xã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện và chịu
trách nhiệm trước cấp trên về chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao đối với kết quả hoạt
động của Tổ công nghệ số cộng đồng nói riêng, công tác chuyển đổi số nói chung
tại địa phương.
b) Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp xã ban hành Quyết định thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã,
cấp thôn, tổ dân phố.
c) Hàng tháng đánh giá kết quả
hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn cấp huyện báo cáo về Sở
Thông tin và Truyền thông.
6. Các doanh nghiệp bưu
chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh
a) Huy động nguồn lực bồi dưỡng,
tập huấn, chuyển giao sử dụng cho Tổ công nghệ số cộng đồng các bước cài đặt,
hướng dẫn sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số cho người dân theo định
hướng của Sở Thông tin và Truyền thông.
b) Nghiên cứu có cơ chế phối hợp,
hỗ trợ cho các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch triển khai
Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh, để triển khai nhanh, hiệu quả công
tác chuyển đổi số từ cơ sở. Trong quá trình triển khai thực hiện có các khó
khăn, vướng mắc và cần sửa đổi, bổ sung, các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở
Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét,
quyết định./.
Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Mặt trận và tổ chức CT-XH tỉnh;
- Thành viên BĐH Chuyển đổi số;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông;
- VPUB: LĐ, KTTH;
- Lưu: VT.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Long Biên
|