TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5201/CT-TTHT
V/v chính
sách thuế GTGT, TNDN với các hoạt động của Trung tâm hỗ trợ đào tạo quốc tế
|
Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2020
|
Kính gửi: Trung tâm hỗ trợ đào tạo quốc
tế - Cục Hợp tác quốc tế
(Địa chỉ: 23 Tạ Quang Bửu, P Bách Khoa, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
MST: 0108810056)
Trả lời công văn số 104/HTĐTQT ngày 27/11/2019 và hồ
sơ bổ sung của Trung tâm hỗ trợ đào tạo quốc tế hỏi về chính sách thuế GTGT,
TNDN áp dụng đối với các hoạt động Trung tâm thực hiện theo chức năng hoạt động
của Trung tâm, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến
như sau:
- Căn cứ Điều 3 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số
14/2008/QH12 ngày 03/06/2008 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam quy định:
“Điều 3 Thu nhập chịu thuế:
1. Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản
xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định tại khoản 2 điều
này.”
- Căn cứ khoản 1 Điều 1 Luật số 71/2014/QH14 ngày
26/11/2014 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của
các Luật về thuế sửa đổi khoản 2 Điều 3
Luật Thuế TNDN:
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế
thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo
Luật số 32/2013/QH13.
1. Sửa đổi khoản 2 Điều 3 như sau:
“2. Thu nhập khác bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng
vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển
nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng
quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản,
quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật;
thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy
tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ
khó đòi đã xóa nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ;
khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu
nhập khác.
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần
thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài của doanh nghiệp
về Việt Nam thì đối với các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế
hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định; đối với các nước mà Việt
Nam chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp thuế thu nhập
doanh nghiệp ở các nước mà doanh nghiệp chuyển về có mức thuế suất thuế thu nhập
doanh nghiệp thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế thu nhập doanh
nghiệp tính theo Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp của Việt Nam.”.”
- Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) số
13/2008/QH12 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam:
+ Tại Điều 3 quy định về đối tượng chịu thuế GTGT:
“Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh
và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng
quy định tại Điều 5 của Luật này.”
+ Tại Điều 5 quy định về đối tượng không chịu thuế
GTGT:
"13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật.".
- Căn cứ Điều 11 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày
26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN quy định:
“Điều 11. Phương pháp tính thuế
1. Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ
tính thuế bằng thu nhập tính thuế nhân (x) với thuế suất; trường hợp doanh nghiệp
đã nộp thuế thu nhập đối với thu nhập phát sinh ở nước ngoài thì được trừ số
thuế thu nhập đã nộp, nhưng
tối đa không quá số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định của Luật
thuế thu nhập doanh nghiệp.
…
5. Đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp
thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch
vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập
doanh nghiệp mà các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được
chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán
hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:
a) Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền
cho vay): 5%. Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật áp dụng mức
thuế quy định tại Điểm c Khoản này;
b) Đối với kinh doanh hàng hóa là 1%;
c) Đối với hoạt động khác là 2%.ˮ
- Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013
của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số
209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế GTGT:
+ Tại khoản 13 Điều 4 quy định về đối tượng không chịu
thuế GTGT:
“13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm
cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục,
thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao
trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp,
Trường hợp các cơ sở dạy học các cấp từ mầm non đến
trung học phổ thông có thu tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các
khoản thu khác dưới hình thức thu hộ, chi hộ thì tiền ăn, tiền vận chuyển đưa
đón học sinh và các khoản thu hộ, chi hộ này cũng thuộc đối tượng không chịu
thuế.
Khoản thu về ở nội trú của học sinh, sinh viên, học
viên; hoạt động đào tạo (bao gồm cả việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ trong
quy trình đào tạo) do cơ sở đào tạo cung cấp thuộc đối tượng không chịu thuế
GTGT. Trường hợp cơ sở đào tạo không trực tiếp tổ chức đào tạo mà chỉ tổ chức thi, cấp
chứng chỉ trong quy trình đào tạo thì hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ
cũng thuộc đối tượng không chịu thuế. Trường hợp cung cấp dịch vụ thi và cấp
chứng chỉ không thuộc quy trình đào tạo thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.ˮ.
+ Tại Điều 9 quy định về thuế suất thuế GTGT 0%:
“1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ
xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu
phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế
GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng
dẫn tại khoản 3 Điều này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được
bán, cung ứng cho tổ
chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ
chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách
hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
...b) Dịch vụ xuất khẩu bao gồm dịch vụ cung ứng
trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam;
cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng
trong khu phi thuế quan.
Cá nhân ở nước ngoài là người nước ngoài không cư trú
tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và ở ngoài Việt Nam trong thời
gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ. Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan là
tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh và các trường hợp khác theo quy định của
Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp cung cấp dịch vụ mà hoạt động cung cấp vừa
diễn ra tại Việt Nam, vừa diễn ra ở ngoài Việt Nam nhưng hợp đồng dịch vụ được
ký kết giữa hai người nộp thuế tại Việt Nam hoặc có cơ sở thường trú tại Việt
Nam thì thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với phần giá trị dịch vụ thực hiện ở
ngoài Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho hàng hóa nhập khẩu
được áp dụng thuế suất 0% trên toàn bộ giá trị hợp đồng. Trường hợp, hợp đồng
không xác định riêng phần giá trị dịch vụ thực hiện tại Việt Nam thì giá tính thuế
được xác định theo tỷ lệ (%) chi
phí phát sinh tại Việt Nam trên tổng chi phí.
Cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ là người nộp thuế tại Việt
Nam phải có tài liệu chứng minh dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam.
...đ) Các hàng hóa, dịch vụ khác:
- Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước
ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
- Hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế
GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn
tại khoản 3 Điều này;
- Dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung cấp cho tổ
chức, cá nhân nước ngoài.
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
b) Đối với dịch vụ xuất khẩu:
- Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân
ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
- Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua
ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
Riêng đối với dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung
cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, để được áp dụng thuế suất 0%, ngoài các
điều kiện về hợp đồng và chứng từ thanh toán nêu trên, tàu bay, tàu biển đưa
vào Việt Nam phải làm thủ tục nhập khẩu, khi sửa chữa xong thì phải làm thủ tục
xuất khẩu.”
+ Tại Điều 11 quy định về thuế suất thuế GTGT 10%:
“Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ
không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11
được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu,
sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại.”
- Căn cứ Thông tư số 133/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008
của Bộ Tài chính hướng dẫn suất chi đào tạo cho lưu học sinh nước ngoài (diện Hiệp định) đang học tập
tại các trường đại học của Việt Nam.
- Căn cứ Thông tư số 24/2018/TT-BTC ngày 12/03/2018 của
Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào và
Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam.
Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến
như sau:
Trường hợp Trung tâm hỗ trợ đào tạo quốc tế là đơn vị
sự nghiệp đăng ký kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, thuế TNDN theo
phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, có phát sinh các khoản thu nhập từ các hoạt
động thì Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn về nguyên tắc như sau:
- Thuế GTGT: đối với các hoạt động giảng dạy, đào tạo
theo quy định của pháp luật về giáo dục, đào tạo thì thuộc đối tượng không chịu
thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC. Các
hoạt động khác nếu không quy định tại Điều 4, Điều 10 Thông tư số
219/2013/TT-BTC thì thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 10%. Trường hợp
các hoạt động này thực hiện ở nước ngoài nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại
Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế
GTGT 0%, trường hợp cung cấp dịch vụ mà hoạt động cung cấp vừa diễn ra tại Việt
Nam, vừa diễn ra ở ngoài Việt Nam nhưng hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa hai
người nộp thuế tại Việt Nam hoặc có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì thuế suất
0% chỉ áp dụng đối với phần giá trị dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam, nếu hợp
đồng không xác định riêng phần giá trị dịch vụ thực hiện tại Việt Nam thì giá
tính thuế được xác định theo tỷ lệ (%) chi phí phát sinh tại Việt Nam trên tổng
chi phí.
Đối với hoạt động quản lý nội trú và giải quyết chế
độ cho lưu học sinh (diện Hiệp định) sử dụng nguồn ngân sách nhà nước chi cho
giáo dục theo hợp đồng ký với các cơ sở đào tạo để thực hiện nhiệm vụ chi học
bổng và tổ chức ăn nghỉ cho lưu học sinh theo đúng mức chi đào tạo cho lưu học
sinh (diện Hiệp định) theo quy định của các Thông tư 133/2008/TT-BTC và Thông
tư số 24/2018/TT-BTC về chế độ
cho lưu học sinh nước ngoài, nếu đây không phải hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản
xuất, kinh doanh, tiêu dùng ở Việt Nam thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của
thuế GTGT.
- Thuế TNDN: Đối với các hoạt động giảng dạy, đào tạo
theo quy định của pháp luật về giáo dục, đào tạo thì Trung tâm phải kê khai,
tính nộp thuế TNDN theo tỷ lệ quy định đối với giáo dục tại khoản 5 Điều 11 Nghị
định số 218/2013/NĐ-CP.
Đối với các hoạt động khác thì kê khai, tính nộp thuế
TNDN theo tỷ lệ quy định đối với dịch vụ tại khoản 5 Điều 11 Nghị định số
218/2013/NĐ-CP.
Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ, chính trị của Nhà
nước, sử dụng vốn Ngân sách (không thuộc thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh
doanh hàng hóa dịch vụ và thu nhập khác theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế Thu
nhập doanh nghiệp) thì không thuộc thu nhập chịu thuế TNDN.
Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị
Trung tâm hỗ trợ đào tạo quốc tế liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm tra số 7 để
được hướng dẫn cụ thể.
Cục Thuế
TP Hà Nội trả lời để Trung tâm hỗ trợ đào tạo quốc tế được biết và thực hiện./.
Nơi
nhận:
- Như
trên;
- Phòng TKT7;
- Phòng DTPC;
- Lưu: VT, TTHT(2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Nguyễn
Tiến Trường
|