THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 673/TTg-CN
V/v triển
khai các nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc
vào cuối năm 2025 nhằm hưởng ứng phong trào thi đua.
|
Hà Nội, ngày 05 tháng 9
năm 2024
|
Kính gửi:
|
- Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Quốc phòng,
Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông;
- Tổng Thanh
tra Chính phủ;
- Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Chủ tịch Ủy
ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú
Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Thành
phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà
Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng.
|
Ngày 18 tháng 8 năm 2024, tại tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động Phong
trào thi đua “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”. Đây
là phong trào có ý nghĩa rất thiết thực để phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị
quyết Đại hội lần thứ XIII và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội
lần thứ XIV của Đảng.
Tại lễ khánh thành Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng
Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra các bài học kinh nghiệm để tổ chức
triển khai thành công dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài qua
nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết thi
công khó khăn, bất lợi, thiếu thốn vật
tư, thiết bị…, cụ thể là:
Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung,
quyết liệt, khoa học đi cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, động
viên, chia sẻ chân thành, kịp thời.
Thứ hai, việc phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản
phẩm, kết quả phải cân đong, đo, đếm được để từ đó dễ kiểm tra, dễ giám sát và dễ
đánh giá.
Thứ ba, phải phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động cả
hệ thống chính trị từ cấp ủy, chính quyền địa phương
các cấp, các bộ, ngành liên quan đến mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã
hội cùng vào cuộc với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, “tiền hô hậu ủng,
nhất hô bá ứng”.
Thứ tư, bên cạnh đó, cũng cần làm tốt công tác tuyên
truyền, vận động người dân, tạo sự đồng thuận, đồng lòng để người dân tự nguyện
bàn giao đất ở, nơi sản xuất, cùng với chính quyền, đơn vị thi công tham gia
thi công các công trình, dự án.
Thứ năm, chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải thực hiện
dự án với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng
tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương, huy động
mọi lực lượng tại chỗ có đủ năng lực tham gia; các nhà thầu chính tạo điều kiện,
hợp tác để các doanh nghiệp, nhà thầu địa phương lớn mạnh, có thêm kinh nghiệm
với tinh thần “cùng làm, cùng hưởng và cùng thắng và cùng phát triển”. Tăng cường
công tác hiệp đồng giữa các lực lượng, giữa các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt
chẽ giữa các cơ quan, đơn vị bảo đảm khoa học, hiệu quả công việc;
Thứ sáu, xây dựng phong trào thi đua sôi nổi, kịp thời động
viên, khen thưởng, tạo không khí hăng say làm việc, thi đua đạt thành tích, tất
cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và vì sự phát triển của đất nước; các Ban Quản
lý dự án, các nhà thầu tư vấn, thi công xây lắp, cung cấp vật tư thiết bị và
các đơn vị liên quan làm việc với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua
gió bão”, “chỉ bàn làm, không
bàn lùi”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn
trương”, “làm việc liên tục 24/7”, “3 ca, 4 kíp”, “làm xuyên tết, xuyên ngày
nghỉ, xuyên ngày lễ” nỗ lực hoàn thành và đóng điện các Dự án.
Đây chính là những kinh nghiệm quý báu cần được các bộ, ngành, địa
phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn; các cán bộ, công nhân, người lao
động tiếp thu, học hỏi để nỗ lực triển khai thành công hoàn thành 3.000 km đường
bộ cao tốc vào năm 2025.
Thời gian từ nay đến cuối năm 2025 không còn nhiều
(khoảng 16 tháng), trong khi khối lượng công việc cần phải tập trung tháo gỡ và
tổ chức triển khai rất lơn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực sự tích
cực, nỗ lực, cố gắng tham gia phong trào thi đua thực chất và hiệu quả. Hưởng ứng
phong trào thi đua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các đơn vị triển
khai một số nhiệm vụ quan trọng như sau:
1. Nhiệm vụ chung
Các bộ, ban, ngành, các địa phương căn cứ chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền phải thực sự vào cuộc hết sức trách nhiệm thực
hiện các công việc được giao liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng đường bộ
cao tốc, tập trung cao độ cho các dự án có kế hoạch hoàn thành cuối năm 2025 bảo
đảm mục tiêu cả nước có 3.000km đường cao tốc; phải coi đây là nhiệm vụ chính
trị trọng tâm, hàng đầu để thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, có kết quả các
nhiệm vụ được giao với tinh thần xuyên suốt: tư tưởng phải thông, quyết tâm phải
cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm
việc nào dứt việc đó, phân công rõ nhiệm vụ, cơ quan chủ trì thực hiện, thời
gian, tiến độ, kết quả cụ thể. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc, đặc biệt đối với công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng
khu tái định cư, cung ứng vật liệu xây dựng... cho các dự án. Trong mọi trường
hợp khó khăn, vướng mắc, các lực lượng tham gia dự án cần phối hợp chặt chẽ để
giải quyết nhanh nhất, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, tất cả vì mục
tiêu chung, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án, các
nhà thầu thi công, các. cơ quan, đơn vị tiếp thu, học hỏi những bài học kinh
nghiệm nêu trên và từ thực tiễn tổ chức thi công các dự án cao tốc thời gian qua, căn cứ các điều kiện cụ thể của
từng dự án, cần xây dựng Kế hoạch tổng thể, kế hoạch chi tiết (có phân công rõ
người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, có
tiến độ hoàn thành cụ thể), nhất là các hạng mục, công trình yêu cầu kỹ thuật
phức tạp, công trình cầu lớn, hầm lớn, công trình phải xử lý nền... và tập
trung tổ chức chỉ đạo thực hiện; xây dựng, ban hành các tiêu chí thi đua phù hợp,
tập trung vào những nhiệm vụ khó, nhiệm vụ trọng tâm. Định kỳ hằng tháng, các
nhà thầu thi công, Ban Quản lý dự án báo cáo cơ quan chủ quản để gửi Bộ Giao
thông vận tải tổng hợp, báo cáo tại phiên họp thường kỳ của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự
án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Bộ Giao thông vận tải với vai trò là cơ quan thường
trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm
ngành Giao thông vận tải, phát huy hơn nữa tính chủ động theo dõi, nắm bắt tình
hình, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ đôn đốc các nhiệm vụ được giao, kịp thời
tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm
tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả.
b) Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức
năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương cân đối, bố trí vốn bảo đảm, kịp thời, đáp
ứng tiến độ các dự án và theo đúng quy định.
c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín
dụng thu xếp vốn theo các hợp đồng tín
dụng cho chủ đầu tư các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đáp
ứng tiến độ các dự án.
d) Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản
lý nhà nước về tài nguyên, kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện nhanh
các thủ tục để bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng, đất, đá, cát, sỏi... phục vụ
thi công công trình.
đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động nắm
bắt, tháo gỡ, hướng dẫn các địa phương thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng,
bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống
thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và đúng quy định pháp luật.
e) Bộ Xây dựng tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa
phương công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng đầy đủ, sát với biến động của thị trường; kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những
khó khăn vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, hợp đồng xây dựng; tổ chức kiểm tra về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng đối Với các
dự án kịp thời, đúng tiến độ.
g) Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại
doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm tốt công tác di dời
đường điện cao thế đáp ứng tiến độ triển khai các dự án.
h) Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ căn cứ chức năng
nhiệm vụ và thẩm quyền thực hiện tốt công tác thanh kiểm tra, phòng chống tham
nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống thông thầu, mua bán thầu.
i) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm ổn định chính trị,
trật tự an toàn
xã hội và hỗ trợ
triển khai các dự án với các công việc trong phạm vi thẩm quyền.
k) Bộ Nội vụ làm đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc
phong trào thi đua bảo đảm thiết thực,
hiệu quả, tránh hình thức. Tổ chức sơ kết phong trào thi đua đợt 1 vào tháng 12
năm 2024; đợt 2 vào tháng 6 năm 2025 và tổng kết phong trào thi đua vào cuối
tháng 12 năm 2025.
l) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án
cao tốc đang triển khai, có mỏ vật liệu cung cấp cho các dự án: Cần huy động cả
hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự
lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền, phát huy
vai trò người đứng đầu, tuyên truyền vận động, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt
bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, trong đó chú trọng việc đầu tư xây dựng các khu
tái định cư, bảo đảm người dân có nơi ở mới tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở
cũ; phối hợp với các nhà đầu tư, nhà thầu thi công làm tốt công tác tuyên truyền,
vận động, hỗ trợ, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân địa phương,
tạo sự phấn khởi, gắn bó mật thiết với nhân dân. Các địa phương có nguồn vật liệu,
nhất là các địa phương khu vực phía Nam phải khẩn trương hơn, tích cực hơn
trong việc đẩy nhanh triển khai các thủ tục cấp mỏ, nâng công suất, bảo đảm công
suất khai thác, đáp ứng tiến độ thi công các dự án, chủ động hỗ trợ cho địa phương
đang thiếu nguồn cung ứng vật liệu.
m) Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi
công: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, áp dụng các tiến
bộ khoa học, cải tiến kỹ thuật, huy động tối đa máy móc, phương tiện, tổ chức thi công hợp lý, liên tục “3 ca 4
kíp”, “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”. Đồng thời,
nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường,
an toàn lao động, tạo cảnh quan không gian phát triển của dự án sau khi hoàn
thành sạch, đẹp; chủ động phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
liên quan.
n) Các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền,
nêu gương, biểu dương người tốt việc tốt trên công trường, các điển hình tiên
tiến, tiêu biểu, cách làm hay, đổi mới, hiệu quả; thông tin truyền thông phải khách
quan, trung thực, phản ánh đúng tình hình, kết quả thực hiện của các địa phương, các công trình./.
Nơi nhận:
- Như
trên;
- Thủ tướng,
các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Kiểm toán
nhà nước;
- Tập đoàn
Điện lực Việt Nam;
- Đài truyền
hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Thông tấn xã Việt Nam; Báo Nhân dân;
- VPCP: BTCN,
các PCN: Cao Huy, Nguyễn
Sỹ Hiệp; Trợ
lý của TTg, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: NN, QHĐP,
KTTH, TH;
- Lưu: VT,
CN(2).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trần Hồng Hà
|