Kính gửi: UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương
Trong bối cảnh nền kinh tế
số và xã hội số đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu xây dựng và quảng bá thương hiệu
trực tuyến, mở rộng kết nối giao thương, kinh doanh trực tuyến thông qua các nền
tảng thương mại điện tử, website, giao dịch thư điện tử (email) trở nên cần thiết.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia[1], Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến
năm 2025[2] xác định
các quan điểm, nhiệm vụ phát triển: (1) Phát triển mỗi người dân thành một
doanh nhân số, mỗi doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thành một doanh nghiệp
số, ứng dụng công nghệ số để kinh doanh trên môi trường mạng. (2) Dịch vụ trực
tuyến của các cơ quan nhà nước, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp,
giáo dục, y tế, thương mại điện tử của Việt Nam sử dụng tên miền quốc gia
“.vn”. (3) Triển khai Chương trình hỗ trợ các cơ sở, cửa hàng bán lẻ chuyển đổi
số; Chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất
kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.;
Chỉ số Đổi mới sáng tạo
toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ (WIPO)[3] phản ánh môi trường kinh doanh, năng lực cạnh
tranh của các quốc gia được tính toán trên nhiều nhóm chỉ số, trong đó có nhóm
chỉ số Sáng tạo trực tuyến, lấy tên miền quốc gia “.vn” là một trong thành
tố cấu thành chỉ tiêu đánh giá của Nhóm chỉ số sáng tạo trực tuyến (cụ thể; tên
miền ccTLDs trên 1.000 dân số có độ tuổi từ 15-69 tuổi).
Quy hoạch hạ tầng thông
tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số
36/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ) xác định định hướng phát triển:
Tên miền “.vn” là thương hiệu quốc gia, đạt tối thiểu 1 triệu tên miền, chiếm
tối thiểu 60% tên miền sử dụng ở Việt Nam; Việt Nam đứng thứ nhất ASEAN, thuộc
nhóm 10 nước dẫn đầu Châu A, nhóm 20 - 30 nước dẫn đầu thế giới về tên miền.
Đề án “Xác định Bộ chỉ số
đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” (Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày
20/5/2022) xác định “Số lượng tên miền .vn” là một trong các chỉ số đánh giá
phát triển Kinh tế số, DTI cấp tỉnh.
Việc đảm bảo cho người
dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện diện tin cậy, an toàn trên không gian mạng
với tên miền quốc gia “.vn” là vấn đề quan trọng. Tên miền quốc gia thể hiện chủ
quyền quốc gia trên không gian mạng, tên miền quốc gia “.vn” không chỉ là địa
chỉ trực tuyến của cá nhân, tổ chức, hay doanh nghiệp mà còn là một phần quan
trọng trong việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu trực tuyến và mở rộng
thị trường, là một kênh quảng bá hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng
quy mô cung cấp dịch vụ, kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh thị trường số ngày
càng trở nên cạnh tranh khốc liệt giúp dễ dàng tiếp cận và tương tác với khách
hàng, người dùng cả trong và ngoài nước. Việc sử dụng tên miền “.vn” góp phần
khẳng định bản sắc văn hóa và tăng cường niềm tin từ người tiêu dùng, giúp họ dễ
dàng tìm kiếm và truy cập thông tin một cách nhanh chóng và an toàn.
Trên thế giới, ở các nước
phát triển, số lượng tên miền, tỷ lệ doanh nghiệp SME, MSME có website rất cao,
tiêu biểu là khu vực Châu Âu (70%-90%); Khu vực Châu Á: India (2022): Doanh
nghiệp nhỏ (31,14%), Doanh nghiệp vừa (53,19%); Hàn Quốc (2022): Doanh nghiệp
nhỏ (68%), Doanh nghiệp vừa (79,26%); Indonesia (2022): Doanh nghiệp nhỏ
(30,67%), Doanh nghiệp vừa (54,97%).
Tại Việt Nam, theo báo
cáo Chỉ số thương mại điện tử (EBI) năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp có website chỉ
đạt 44% (bao gồm cả tên miền quốc tế và tên miền “.vn”), số lượng doanh nghiệp
có tên miền, website ở các địa phương còn rất thấp, hiện chỉ tập trung phần lớn
ở Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh[4].
Để phổ cập tên miền quốc
gia “.vn”, đưa chính sách vào thực tiễn, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
một cách thiết thực, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và ban hành “Chương
trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện hiện trực
tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia “.vn” ở các
tỉnh, thành phố trên cả nước” (gọi tắt là Chương trình Hiện diện trực tuyến
với tên miền quốc gia “.vn”).
Chương trình này hướng đến
hai đối tượng được ưu tiên: (1) miễn phí tên miền “biz.vn” cùng các dịch vụ số
(website, email...) cho doanh nghiệp mới thành lập 01 năm, hộ kinh doanh có giấy
đăng ký kinh doanh; (2) miễn phí tên miền “id.vn” cùng các dịch vụ số (website,
email, CV online/blog ...) cho giới trẻ tuổi 18-23. Chương trình không chỉ góp phần
nâng cao nhận thức và khuyến khích việc sử dụng tên miền quốc gia “.vn” mà còn
là một trong những chỉ số đầu vào quan trọng tạo nên chỉ số Thương mại điện tử
(TMĐT), chỉ số chuyển đổi số của mỗi địa phương (DTI). Thực tế, việc phát triển
tên miền “.vn” sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng chỉ số chuyển đổi số, chỉ
số TMĐT, từ đó nâng cao thứ hạng và sự cạnh tranh của tỉnh trên bản đồ số quốc
gia và quốc tế.
Bộ Thông tin và Truyền
thông đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Triển khai chương trình
tại địa phương: giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối triển khai, phối
hợp với đơn vị liên quan tại địa phương và Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm
Internet Việt Nam (VNNIC) để triển khai rộng rãi chương trình đến người dân,
doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong tỉnh, thành phố
2. Tuyên truyền và khuyến
khích sử dụng tên miền “.vn”: Tổ chức các chiến dịch thông tin, tuyên truyền
trên các phương tiện truyền thông địa phương để nâng cao nhận thức về tầm quan
trọng của việc sử dụng tên miền quốc gia “.vn”.
Chương trình này là một phần
trong chiến lược lớn của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm thực hiện mục tiêu
phát triển kinh tế số và xã hội số của quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông
kính đề nghị các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp tích cực
và hiệu quả trong việc triển khai chương trình này.
Thông tin chi tiết liên hệ:
Phòng Phát triển dịch vụ, Trung tâm Internet Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền
thông, Điện thoại: 024.5564944 (số lẻ 700), Email: [email protected]./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Vụ KTS-XHS;
- Cục CĐS quốc gia;
- Cục Thông tin cơ sở;
- Báo điện tử VietNamNet;
- Lưu: VT, VNNIC (64).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Huy Dũng
|
Tài liệu gửi kèm:
- Chương trình thúc đẩy,
hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện hiện trực tuyến tin cậy, an
toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia “.vn”.
- Hướng dẫn triển khai chương
trình.
HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI
CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY, HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP, HỘ
KINH DOANH HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN TIN CẬY, AN TOÀN VỚI CÁC DỊCH VỤ SỐ SỬ DỤNG TÊN
MIỀN QUỐC GIA .VN Ở CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRÊN CẢ NƯỚC
(Gọi tắt là Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn”)
(Kèm công văn số 2091/BTTTT-VNNIC ngày 30 tháng 5 năm 2024 của Bộ Thông tin
và Truyền thông)
I. ỦY
BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ
1. Chỉ
đạo, ban hành văn bản triển khai Chương trình
- Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương (UBND) chỉ đạo, ban hành Quyết định về việc triển
khai Chương trình, lồng ghép phù hợp với chương trình chuyển đổi số, phát triển
kinh tế số, xã hội số: xác định mục tiêu, nguồn lực, kế hoạch triển khai, phân
công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị-xã hội
có liên quan trực tiếp tham gia gồm Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công
thương, Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo
dục và Đào tạo, Sở Sở Lao động- Thương binh và Xã hội các Tổ chức chính trị- xã
hội gồm: Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân ...
- UBND giao Sở Thông tin
và Truyền thông (Sở TTTT) chủ trì, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai chương
trình, làm đầu mối chính, phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị
-xã hội... trong địa bàn tỉnh, thành phố.
2.
Huy động các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tham gia chương
trình
2.1. Sở TTTT:
- Chủ trì, xây dựng kế hoạch
chi tiết triển khai chương trình, làm đầu mối chính, phối hợp với các sở, ban,
ngành, tổ chức chính trị -xã hội, hiệp hội ngành, nghề, tổ công nghệ số cộng đồng
... trong địa bàn tỉnh, thành phố tham gia chương trình
- Theo dõi, giám sát, báo
cáo kết quả triển khai kịp thời cho UBND tỉnh, thành phố.
- Phối hợp với Trung tâm
Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong quá trình triển khai chương
trình tại tỉnh, thành phố.
2.2. Các Sở Công
thương, Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phổ biến và triển khai chương
trình đến tất cả đối tượng gồm doanh nghiệp mới thành lập, hộ kinh doanh có giấy
đăng ký kinh doanh thông qua các hoạt động truyền thông, tổ chức tập huấn, hội
thảo...
- Xác nhận/chia sẻ CSDL
doanh nghiệp mới thành lập, hộ kinh doanh có giấy đăng ký kinh doanh để xác thực
đối tượng được hưởng ưu đãi miễn phí.
- Theo dõi, giám sát, định
kỳ báo cáo kết quả triển khai kịp thời cho Sở TTTT.
2.3. Sở Giáo dục và
Đào tạo, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội
- Phổ biến và triển khai chương
trình đến khối sinh viên các trường đại học, cao đẳng; giao các trường đại học,
cao đẳng, trường đào tạo nghề triển khai chương trình thông qua các hoạt động của
trường kết nối với sinh viên.
- Theo dõi, giám sát, định
kỳ báo cáo kết quả triển khai kịp thời cho Sở TTTT.
2.4. Các Tổ chức chính
trị- xã hội (Tỉnh đoàn, hội nông dân), các hiệp hội ngành, nghề, tổ công nghệ số
cộng đồng.
- Phổ biến và triển khai chương
trình đến các đoàn viên, thanh niên, các thành viên đang sinh hoạt trong hội
Nông dân, các hội ngành, nghề trong tỉnh, thành phố
- Đoàn thanh niên: các
đoàn viên thanh niên trong độ tuổi từ đủ 18-23 trực tiếp đăng ký, xây dựng
website cá nhân sử dụng tên miền id.vn; cùng với tổ công nghệ số cộng đồng
tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký, sử dụng,
khai thác hiệu quả website sử dụng tên miền quốc gia “.vn”.
- Theo dõi, giám sát, định
kỳ báo cáo kết quả triển khai kịp thời cho Sở TTTT.
3. Tổ
chức hội thảo, tập huấn
- Triển khai hội thảo, tập
huấn cho người dân và doanh nghiệp về lợi ích và cách thức đăng ký sử dụng tên
miền quốc gia “.vn”, với sự tham gia của các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị
- xã hội, hội ngành, nghề địa phương. Khung chương trình, tài liệu tập huấn phối
hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) để triển
khai đồng bộ.
4. Hoạt
động truyền thông
- Qua các kênh truyền
thông địa phương (báo chí, truyền hình, truyền thanh) triển khai các hoạt động
truyền thông sâu, rộng đến các đối tượng hưởng ưu đãi của chương trình (gồm
thông cáo báo chí, phóng sự, mô hình điển hình, nội dung truyền thông trong suốt
thời gian triển khai)
- Mỗi Sở, ban, ngành, tổ
chức chính trị-xã hội tại tỉnh, thành phố cần thực hiện truyền thông về chương
trình ưu đãi đến các đối tượng do đơn vị mình quản lý (phạm vi nội bộ và trên
các phương tiện truyền thông)
- Hoạt động truyền thông
cần tham khảo tư liệu truyền thông của chương trình tại địa chỉ
https://hiendienonline.tenmien.vn
5.
Theo dõi, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch
- Sở TTTT thiết lập hệ thống
theo dõi và đánh giá hiệu quả triển khai chương trình từ mỗi Sở, ban, ngành, tổ
chức chính trị - xã hội, hội ngành, nghề trong tỉnh, thành phố, từ đó kịp thời đề
xuất với UBND điều chỉnh kế hoạch triển khai cho phù hợp, hiệu quả.
- Tổng hợp đánh giá chỉ số
DTI, phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh, thành phố.
II.
CÁC SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
1.
Lập Kế hoạch triển khai chương trình chi tiết
- Xây dựng kế hoạch chi
tiết: Bao gồm mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình, nguồn lực, và các chỉ số đánh giá
hiệu quả.
- Xác định rõ ràng các hoạt
động, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp tham gia triển khai chương trình.
2.
Phối hợp với các đơn vị liên quan
- Tạo lập mạng lưới phối
hợp triển khai: Bao gồm các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Tổ Công nghệ số cộng đồng,
đoàn thanh niên.
- Ký kết các chương trình
phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp và hội ngành, nghề để huy động nguồn lực
và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chương trình.
3.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền và hỗ trợ tư vấn đăng ký sử dụng.
- Thực hiện các chiến dịch
tuyên truyền: Qua các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, sự kiện
cộng đồng để nâng cao nhận thức về lợi ích của việc sử dụng tên miền quốc gia
“.vn”. Đưa thông tin chính thức lên website của Tỉnh, các Sở, ban, ngành.
- Tổ chức tập huấn, hội
thảo dành cho người dân, doanh nghiệp về cách đăng ký và sử dụng tên miền
“biz.vn”, “id.vn” qua môi trường trực tuyến tại địa chỉ https://hiendienonline.tenmien.vn. cũng như về an toàn, bảo mật thông tin trực tuyến.
4.
Hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn
- Thiết lập điểm hỗ trợ
trực tiếp tại Sở TTTT và các điểm hỗ trợ tại cộng đồng để giúp người dân và
doanh nghiệp trong quá trình đăng ký và sử dụng tên miền.
5.
Theo dõi, đánh giá và cáo cáo
- Theo dõi tiến độ triển
khai các hoạt động trong chương trình, đánh giá hiệu quả và đề xuất điều chỉnh
kế hoạch khi cần thiết.
- Định kỳ báo cáo UBND tỉnh,
thành phố kết quả triển khai chương trình theo kế hoạch triển khai tại tỉnh,
thành phố; định kỳ báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (đầu mối VNNIC) về tiến
độ, kết quả triển khai và những vấn đề phát sinh, đề xuất giải pháp.
6.
Xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu danh bạ website ở tỉnh.
- Phát triển cơ sở dữ liệu
danh bạ website về người dân, doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng tên miền
“biz.vn”, “id.vn” để từ đó có thể theo dõi, hỗ trợ và phát triển, sử dụng các dịch
vụ số phù hợp, hiệu quả.
7.
Thông tin và đầu mối liên hệ:
7.1 Thông tin tư liệu:
- Website chính thức của chương
trình: https://hiendienonline.tenmien.vn
- Các tài liệu hỗ trợ
truyền thông: https://tenmien.vn/tai-lieu-truyen-thong
- Các khóa đào tạo
webinar online: https://academy.vnnic.vn/chuyen-muc/tai-nguyen-internet
7.2 Đầu mối liên hệ:
Trung tâm Internet Việt Nam.
Phụ trách toàn bộ
chương trình và Khu vực miền Bắc.
Ông Thái Hữu Lý
Trưởng Phòng Phát triển
dịch vụ
Trung tâm Internet Việt
Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông
Điện thoại:
093.456.8879
Email: [email protected]
|
Khu vực miền
Trung
Ông Hoàng Xuân Hiếu
Trưởng Chi nhánh Trung
tâm Internet Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông tại TP. Đà Nẵng
Điện thoại:
090.357.8999
Email: [email protected]
|
Khu vực miền Nam
Ông Đỗ Quang Trung
Trưởng Chi nhánh Trung
tâm Internet Việt Nam- Bộ Thông tin và Truyền thông tại TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại:
091.846.4189
Email:
[email protected]
|
[3]
https://www.wipo.int/global_innovation_index/en. Chỉ số GII là một bộ công cụ
đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh
mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng
tạo của các quốc gia.,
[4]
Số lượng tên miền quốc gia ".vn" tại địa phương: một trong các chỉ
tiêu đầu vào tính chỉ số Kinh tế số của tỉnh trong bộ chỉ số CĐS của địa phương
và cũng là đầu vào để tính toán chỉ số Thương mại điện tử (EBI) của tỉnh, thành
phố.