ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1888/QĐ-UBND
|
Sơn La, ngày 02
tháng 8 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH PHƯƠNG ÁN TRỒNG RỪNG THAY THẾ KHI CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG SANG MỤC
ĐÍCH KHÁC BẰNG HÌNH THỨC NỘP TIỀN VÀO QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG CỦA TỈNH
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày
03/12/2004; Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/01/2014 của
Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện trồng rừng thay thế diện
tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác;
Căn cứ Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN ngày
06/7/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành định mức
kinh tế kỹ thuật cho trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng;
Căn cứ Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày
15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về trồng rừng
thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác;
Căn cứ Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016
của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định và quản lý chi đầu tư xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 23/2016/TT-BNNPTNT ngày
30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn thực hiện một
số nội dung Quy chế Quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tại Tờ trình số 362/TTr-SNN ngày 13/7/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Phương án trồng
rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các
chủ đầu tư nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh trên địa bàn tỉnh
Sơn La.
(có Phương án kèm
theo)
Điều 2. Phương án này là cơ sở
để các đơn vị chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác xây dựng phương
án trồng rừng thay thế và nộp tiền khi không có điều kiện tự tổ chức trồng rừng.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và đầu tư, Tài
chính; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm;
Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh; các đơn vị nộp tiền trồng rừng
thay thế; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế
Quyết định số 2758/QĐ-UBND ngày 25/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành
phương án trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền đối với các chủ đầu tư có
chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- Các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, Phú 65 bản.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lò Minh Hùng
|
PHƯƠNG ÁN
TRỒNG RỪNG THAY THẾ KHI CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG
SANG MỤC ĐÍCH KHÁC BẰNG HÌNH THỨC NỘP TIỀN VÀO QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1888/QĐ-UBND ngày 02/8/2018 của UBND tỉnh
Sơn La)
Phần thứ nhất
SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ PHÁP
LÝ
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG PHƯƠNG
ÁN
Thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;
Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ
và Phát triển rừng và các Văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi mục đích sử
dụng rừng sang mục đích khác, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã
chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và phải thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế
khoảng 2.309,42ha với 61 dự án các loại (xây dựng thủy điện, khai thác
khoáng sản, an ninh quốc phòng, tái định cư, làm đường giao thông, du lịch,…)
Để thực hiện tốt việc quản lý công tác trồng rừng
thay thế trên địa bàn toàn tỉnh, ngày 15/10/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban
hành phương án trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền đối với các chủ đầu
tư có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác kèm theo Quyết định số
2758/QĐ-UBND. Tính đến 30/6/2017, toàn tỉnh đã thực hiện trồng rừng thay thế được
1.878,81ha (Trong đó, tự trồng được 126,64ha; trồng rừng bằng nguồn ngân
sách Nhà nước đối với các công trình công cộng được 324,53ha; Nộp tiền vào quỹ
bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để trồng rừng được 1.427,64ha). Diện tích
chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế là 430,61ha (thuộc các dự án
như: Thủy điện Nậm Sọi, Thủy điện Nậm Công, Thủy điện Nậm Chanh, Nậm Trai 3, Nậm
Khốt, Đường dây 110 KV Sơn La - Sông Mã, Mỏ đồng Sao Tua,...) do nhiều
nguyên nhân khác nhau như: không thực hiện đúng thời gian nộp tiền theo phương
án trồng rừng thay thế đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hoặc cố tình
không thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế, đã thay đổi chủ đầu tư hoặc tạm dừng
dự án,...
Để quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng
rừng sang mục đích khác, công tác trồng lại rừng khi chuyển mục đích sử dụng rừng,
Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Quản lý, bảo vệ và phát triển
rừng; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 về Chương trình
hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban
Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công
tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 Quy định về trồng rừng
thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đặc biệt, ngày
11/15/2017, Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 đã được Quốc hội ban hành và có hiệu
lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Trong đó, có quy định: Không chuyển diện tích
rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trên phạm vi cả nước (trừ
các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án phục vụ yêu
cầu phát triển kinh tế - xã hội cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định);
Chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích
khác phải trồng rừng thay thế bằng diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối
với rừng trồng, bằng ba lần diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng
tự nhiên; Số tiền nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh bằng diện
tích rừng phải trồng thay thế nhân với đơn giá cho 01 ha rừng trồng do Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh quyết định; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng tiền
đã nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng ở cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay
thế trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của
tỉnh, đến năm 2020, tỉnh Sơn La cần chuyển 502,17ha rừng tự nhiên, tương đương
với 107 dự án (trong đó nhóm 14 dự án đã được duyệt là 155,65ha; dự án trung
hạn đến năm 2020 là 346,52ha). Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Văn bản báo cáo
Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để cho phép được chuyển đổi.
Từ những lý do trên, nhằm thắt chặt công tác chuyển
đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế; điều tiết việc trồng rừng thay
thế trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành Phương án “Trồng
rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác bằng hình thức
nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La để đáp ứng
tình hình thực tế về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.
II. CƠ SỞ PHÁP LÝ
Luật Lâm nghiệp năm 2017 (thay thế Luật Bảo vệ
và Phát triển rừng năm 2004);
Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/01/2014 của Thủ tướng
Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng
chuyển sang mục đích sử dụng khác
Căn cứ Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày
15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định về trồng rừng
thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Căn cứ Thông tư số 23/2016/TT-BNNPTNT ngày
30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn thực hiện một
số nội dung Quy chế Quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh.
Căn cứ Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN ngày 6/7/2005 của
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành định mức kinh
tế kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng; Quyết
định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn về việc Ban hành Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.
Căn cứ Quyết định số 3118/QĐ-UBND ngày 20/11/2009 của
Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt quy trình và định mức kinh tế kỹ thuật
xây dựng đường băng cản lửa trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng áp dụng
trên địa bàn tỉnh Sơn La;
Căn cứ Quyết định số 709/QĐ-UBND ngày 25/3/2016 của
Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt danh mục giống cây trồng Lâm nghiệp khuyến
khích sử dụng trồng rừng, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn
2016 - 2020);
Căn cứ số 1076/QĐ-UBND ngày 05/5/2016 Ủy ban nhân
dân tỉnh về việc ban hành giá giống cây trồng phục vụ cho các chương trình, dự
án trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch của tỉnh;
Căn cứ Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 của
UBND tỉnh Ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
với các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong thực
hiện trồng rừng thay thế đối với các Chủ đầu tư có chuyển đổi mục đích sử dụng
rừng nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh.
Phần thứ hai
MỤC TIÊU, NỘI DUNG
PHƯƠNG ÁN
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác chuyển
đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và trồng rừng thay thế trên địa
bàn tỉnh Sơn La theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Thủ
tướng Chính phủ. Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức chỉ đạo, quản lý,
kiểm tra giám sát việc triển khai trồng rừng thay thế. Đồng thời hỗ trợ các đơn
vị có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thực hiện nghĩa vụ trồng
rừng thay thế theo quy định.
- Tập trung nguồn lực tài chính trồng rừng thay thế
cho công tác thiết lập rừng tập trung, liền vùng, liền khoảnh gắn với việc xây
dựng vùng nguyên liệu tre, gỗ phục vụ các nhà máy chế biến và xây dựng hệ thống
rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh.
- Là cơ sở pháp lý cho các Dự án có chuyển đổi mục
đích sử dụng rừng sang mục đích khác cho những năm tiếp theo thực hiện nghĩa vụ
trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng phương án chung cho trồng rừng thay thế
khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác bằng hình thức nộp tiền vào
Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh; Điều tiết việc trồng rừng thay thế trên địa
bàn tỉnh Sơn La.
- Tiếp tục chăm sóc, bảo vệ rừng trồng và bàn giao
cho các chủ quản lý: 1.878,81ha rừng đã trồng.
- Đến hết năm 2018, hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng
thay thế và tổ chức trồng rừng thay thế đối với 430,61ha diện tích còn lại và
các diện tích rừng được chuyển đổi mục đích sử dụng mới theo quy định của pháp
luật.
II. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN
1. Quy mô, địa điểm thực hiện trồng rừng thay thế
- Quy mô diện tích trồng rừng thay thế khoảng
800ha. Diện tích cụ thể được xác định bằng phương án trồng rừng thay thế của
các đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Địa điểm trồng rừng: tại các huyện thành phố theo
điều tiết của tỉnh thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp theo quy hoạch 3 loại rừng của
tỉnh.
2. Đối tượng, phạm vi thực hiện
a) Đối tượng thực hiện
- Các tổ chức, cá nhân (gọi tắt là chủ đầu tư)
có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thực hiện nghĩa vụ trồng rừng
thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, bao gồm:
+ Chủ đầu tư được UBND tỉnh cho phép chuyển mục
đích sử dụng rừng trước năm 2017 nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay
thế theo quy định của pháp luật (có hoặc chưa có phương án trồng rừng thay
thế được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt).
Lưu ý: Đối với các đơn vị đã được Ủy
ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền
vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh (đã thực hiện chuyển đổi mục đích sử
dụng rừng sang mục đích khác) nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay
thế hoặc đã thực hiện một phần nghĩa vụ trồng rừng thay thế (các lần tiếp
theo đã đến hạn mà chưa nộp) thì thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế
theo Phương án này và đơn giá trồng rừng thay thế do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định
hiện hành.
+ Chủ đầu tư có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng
sang mục đích khác và có phương án trồng rừng thay thế được UBND tỉnh phê duyệt
từ năm 2018 trở đi.
- Các đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ
trồng rừng thay thế đối với nguồn kinh phí do các chủ đầu tư nộp vào Quỹ Bảo vệ
và phát triển rừng tỉnh.
- Đối tượng đất lâm nghiệp trồng rừng thay thế: Đất
lâm nghiệp chưa có rừng đã giao cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng bản và các
tổ chức theo quy hoạch 03 loại rừng của tỉnh hiện hành là rừng Phòng hộ và rừng
đặc dụng.
b) Phạm vi thực hiện: Áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh
đối với các hoạt động có liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục
đích khác và thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật.
3. Cơ cấu loài cây, phương thức và định mức trồng
rừng thay thế
3.1. Cơ cấu loài cây trồng
Tập trung trồng chủ yếu một số loài cây bản địa,
cây đa mục đích, cây lâm sản ngoài gỗ, cây cho giá trị kinh tế, phù hợp với điều
kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng nơi trồng rừng (theo Quyết định số
709/QĐ-UBND ngày 25/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt danh mục
giống cây trồng Lâm nghiệp khuyến khích sử dụng trồng rừng, phát triển rừng
trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020), Trong đó:
- Loài cây gỗ, gồm: Sơn tra, Thông mã vĩ, Giổi
xanh, Xoan Nhừ, Xoan Đào, Trám, Sấu, Tếch, Macca,...;
- Tre: Gồm các loại tre bản địa như: Luồng, Lùng,
Măng ngọt, Măng đắng...
3.2. Mật độ và phương thức trồng
- Mật độ trồng:
+ Mật độ trồng rừng cây gỗ: 1.600 cây/ha.
+ Mật độ trồng rừng tre: 400 cây/ha.
- Phương thức trồng: Với mục tiêu là phục hồi các hệ
sinh thái rừng đa loài Tây Bắc đã và đang bị suy thoái và nâng cao giá trị kinh
tế rừng, đem lại nguồn thu nhập từ rừng cho người dân và chủ rừng trong vùng dự
án. Trong đó, tập trung vào 02 phương thức trồng rừng thuần loài, hỗn loài (tùy
thuộc vào điều kiện lập địa khu vực dự kiến trồng rừng, mục đích phòng hộ hoặc
bảo tồn)
3.3. Đơn giá trồng rừng thay thế
- Thực hiện theo khung định mức và Dự toán trồng rừng
thay thế cho 01 ha được áp dụng theo Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN ngày 6/7/2005
của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành định mức
kinh tế kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng;
Thông tư số 23/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn về Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quy chế Quản lý đầu tư xây dựng
công trình lâm sinh.
- Đối với đơn giá nhân công, cây giống: Tùy thuộc
vào thời điểm Chủ đầu tư có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục
đích khác đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế
mà xác định đơn giá hiện hành theo quy định của pháp luật.
(Chi tiết có phụ lục khung định mức và dự toán
bình quân kèm theo)
4. Thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế
Thực hiện theo khoản 1, khoản 2, Điều 4, Thông tư số
23/2017/TT- BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
về Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục
đích khác.
5. Tiếp nhận tiền trồng rừng thay thế
Thực hiện theo điểm a, Khoản 5, Điều 4, Thông tư số
23/2017/TT- BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
về Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục
đích khác. Cụ thể:
- Hình thức nộp tiền: Chuyển khoản hoặc nộp tiền mặt
tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La.
+ Tên tài khoản: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh
Sơn La;
+ Số tài khoản: 102010002048741 tại Ngân hàng
Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, Chi nhánh Sơn La.
+ Địa chỉ: Số 93, Đường Nguyễn Lương Bằng, Phường
Quyết Thắng, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La.
6. Điều tiết và sử dụng tiền trồng rừng thay thế
- Việc điều tiết trồng rừng thay thế thực hiện theo
điểm a, Khoản 6, điều 4, Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển
mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
- Việc sử dụng tiền trồng rừng thay thế theo điểm
b, đ, e, Khoản 5, điều 4, Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển
mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
7. Tổ chức thực hiện phương án trồng rừng thay
thế
Việc tổ chức trồng rừng thay thế được thực hiện
theo điểm c, Khoản 6, điều 4, Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định về trồng rừng thay thế khi
chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và Thông tư số
23/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về
Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quy chế Quản lý đầu tư xây dựng công trình
lâm sinh.
8. Tiến độ thực hiện
- Năm 2018: Rà soát, đôn đốc các đơn vị đã được
chuyển đổi mục đích sử dụng rừng chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế
theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng
đối với các phương án đã và đang được thực hiện theo kế hoạch phân bổ vốn của Ủy
ban nhân dân tỉnh.
- Từ năm 2019 trở đi: Căn cứ vào nhu cầu thực tế của
các đơn vị được UBND tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế bằng hình thức
nộp tiền. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp trình UBND tỉnh phân
bổ kế hoạch và kinh phí hàng năm để tổ chức thực hiện.
Phần thứ ba
TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC
HIỆN PHƯƠNG ÁN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, triển khai thực
hiện hiệu quả Phương án trồng rừng thay thế này trên địa bàn tỉnh; Đồng thời phối
hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện
việc trồng rừng thay thế tại cơ sở và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí
trồng rừng thay thế. Định kỳ (01 năm) báo cáo kết quả thực hiện phương án này
trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt các phương án trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư số
23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về
Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích
khác.
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh
điều tiết việc tổ chức trồng rừng thay thế theo điểm a, Khoản 6, điều 4, Thông
tư số 23/2017/TT- BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục
đích khác và Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 của UBND tỉnh Ban hành
Quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các cơ quan có
liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong thực hiện trồng rừng thay
thế đối với các Chủ đầu tư có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nộp tiền vào Quỹ
bảo vệ và phát triển rừng tỉnh.
- Chủ trì thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ
thuật và dự toán trồng rừng thay thế đối với nguồn kinh phí do các Chủ đầu tư nộp
vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh; kiểm tra, giám sát và công nhận
thành rừng đối với các công trình trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông
tư số 23/2016/TT- BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quy chế Quản lý đầu tư xây dựng
công trình lâm sinh.
2. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh
- Tiếp nhận nguồn kinh phí trồng rừng thay thế do
các chủ đầu tư có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy
định của pháp luật và phương án trồng rừng thay thế được Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh phê duyệt. Theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư nộp tiền trồng rừng thay
thế theo phương án được duyệt; Xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng
thay thế cho các chủ đầu tư; chuyển kinh phí trồng rừng thay thế cho các đơn vị
được giao trách nhiệm thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư
số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn trình UBND tỉnh giao nhiệm vụ, phân bổ kinh phí cho Ban quản lý rừng hoặc
đơn vị, tổ chức có chức năng để trồng rừng thay thế đối với nguồn kinh phí do
Chủ đầu tư nộp vào Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tham gia theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ trồng rừng
thay thế đối với các chủ đầu tư có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; Theo dõi,
kiểm tra, giám sát trồng rừng đối với các đơn vị thực hiện trồng rừng thay thế
theo quy định tại Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017.
3. Sở Tài chính
Chủ trì thẩm định và phê duyệt quyết toán nguồn
kinh phí trồng rừng thay thế nộp vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng theo quy định
hiện hành.
4. Các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn thẩm định phương án trồng rừng thay thế đối với các chủ đầu tư có chuyển đổi
mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc lĩnh vực và địa bàn quản lý.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ trì lựa
chọn, bố trí quỹ đất cho trồng rừng thay thế đối với các công trình có chuyển đổi
mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn (bao gồm các diện tích phải
trồng rừng thay thế của các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục
đích khác nhưng chưa thực hiện trồng rừng thay thế).
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng kiểm tra, giám sát việc tổ chức trồng rừng
thay thế trên địa bàn huyện, thành phố quản lý.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển
nông thôn tổ chức nghiệm thu và bàn giao rừng trồng thay thế hết thời gian đầu
tư theo quy định của pháp luật; Tiếp nhận diện tích rừng trồng thay thế, quản
lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.
5. Các chủ đầu tư có chuyển đổi mục đích sử dụng
rừng sang mục đích khác và các đơn vị được giao thực hiện trồng rừng thay thế
- Các chủ đầu tư có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng
sang mục đích khác thực hiện nghiêm nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định
tại Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 và các quy định có liên quan
về Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
- Các đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện
trồng rừng thay thế có trách nhiệm thực hiện các quy định về trồng rừng theo
quy định tại Thông tư số 23/2016/TT-BNN&PTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông
nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung quản lý công trình lâm
sinh và các quy định của Bộ Tài chính về thanh toán, quyết toán vốn trồng rừng
thay thế.
Trên đây là Phương án Trồng rừng thay thế khi chuyển
mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các đơn vị có nhu cầu nộp tiền.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có gì vướng mắc phát sinh cần sửa đổi, bổ
sung trong Phương án này, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có
liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động có kiến bằng văn bản gửi
về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem
xét, giải quyết kịp thời./.