ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 831/QĐ-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 17 tháng 4 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT HỖ TRỢ DỰ ÁN PHÁT TRIỂN LIÊN KẾT THEO CHUỖI GIÁ TRỊ GẮN
VỚI SẢN XUẤT, TIÊU THỤ SẢN PHẨM RAU CỦ QUẢ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày
05/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp
tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 43/2017/TT-BTC
ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính về Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016
- 2020;
Căn cứ các Nghị quyết của Hội đồng
nhân dân tỉnh: số 59/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 về ban hành quy định mức chi
công tác phí và mức chi hội nghị tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh
Lâm Đồng; số 104/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 về việc phê duyệt chính sách hỗ
trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;
Căn cứ Quyết định số
46/2016/QĐ-UBND ngày 19/8/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng về ban hành định mức chi
đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước tại tỉnh
Lâm Đồng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 10/TTr-SNN ngày 16/01/2019 và
Giám đốc Sở Tài chính tại Văn bản số 786/STC-HCSN ngày 09/4/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt hỗ trợ Dự án phát triển liên kết theo
chuỗi giá trị gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả; cụ thể như sau:
1. Tên dự án: Dự án phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất, tiêu thụ
sản phẩm rau, củ, quả.
2. Chủ trì dự án: Hợp tác xã DVNN Tổng hợp An Phú.
- Người đại diện theo pháp luật: Lê
Văn Ba; chức vụ: Giám đốc.
- Địa chỉ: Tổ 4, thôn Trung Hiệp, xã
Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
- Giấy đăng ký kinh doanh số: 42E
0010, do UBND huyện Đức Trọng cấp ngày 29/11/2016.
3. Phạm vi thực hiện dự án: Tại các huyện: Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà.
4. Cơ quan quản lý dự án: Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.
5. Thời gian thực hiện: Năm 2019 - 2020.
6. Mục tiêu dự án:
6.1. Mục tiêu chung: Nâng cao chất lượng
các sản phẩm từ rau, củ, quả của Hợp tác xã DVNN Tổng hợp An Phú và các hộ dân
tham gia liên kết; hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất,
chế biến đến tiêu thụ sản phẩm rau củ quả, đảm bảo tính bền vững, tăng khả năng
cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia liên kết trên địa
bàn các huyện: Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà.
6.2. Mục tiêu cụ thể:
a) Năm 2019: Hợp tác xã DVNN Tổng hợp
An Phú liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau quả với 29 hộ sản
xuất; diện tích 25 ha, sản lượng đạt 3.500 tấn/năm.
b) Năm 2020: Mở rộng liên kết thêm 31
hộ sản xuất; tổng số hộ liên kết 60 hộ; diện tích 40 ha, sản lượng đạt 7.000 tấn/năm.
c) Các sản phẩm của Hợp tác xã và các
hộ tham gia liên kết được đóng gói, dán nhãn và tem truy xuất nguồn gốc và tiêu
thụ 100% thông qua hợp đồng, ổn định, bền vững.
7. Nội dung thực hiện và cơ chế hỗ
trợ:
7.1. Hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết:
a) Nội dung hỗ trợ: Xây dựng dự án
liên kết; xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường
và xây dựng hợp đồng liên kết với các hộ dân.
b) Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100%
kinh phí thực hiện.
7.2 Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết:
a) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ mua sắm và
lắp đặt các trang thiết bị phục vụ liên kết nhằm mục đích giảm thiểu tổn thất
sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm khi gia nhập thị trường, cụ thể: Máy
rửa rau công suất 2.5 KW; Băng tải, lưới inox kèm quạt thổi tách nước; máy đóng
gói rau tự động và hạ tầng để đầu tư xây dựng nâng cấp nhà xưởng sơ chế - đóng
gói, bảo quản sản phẩm với quy mô 750 m2.
b) Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% kinh
phí thực hiện và 70% kinh phí do hợp tác xã đối ứng thực hiện.
7.3. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn:
a) Đối tượng đào tạo, tập huấn: Toàn
bộ các hộ dân tham gia liên kết và nhân viên Hợp tác xã DVNN Tổng hợp An Phú.
b) Nội dung tập huấn: Nâng cao năng lực,
giúp Hợp tác xã và các thành viên tham gia liên kết nắm bắt về cách thức thực
hiện chuỗi giá trị, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng kế hoạch sản
xuất kinh doanh, tổ chức thực hiện sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao
vào quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng.
c) Số lượng: 02 lớp.
d) Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100%
kinh phí thực hiện.
7.4. Hỗ trợ hạt giống, bao bì, nhãn
mác sản phẩm:
a) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ hạt giống
rau các loại có chất lượng đảm bảo để phát triển sản xuất; hỗ trợ mua bao bì
đóng gói, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc.
b) Ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% kinh
phí thực hiện và 30% kinh phí do hợp tác xã, hộ dân đối ứng thực hiện.
7.5. Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng
khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ
theo chuỗi:
a) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ áp dụng
quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP và quy trình chế biến
an toàn theo tiêu chuẩn HACCP thông qua việc thuê đơn vị tư vấn thực hiện và cấp
giấy chứng nhận cho nông hộ và hợp tác xã.
b) Ngân sách nhà nước hỗ trợ 40% kinh
phí và Hợp tác xã, các hộ tham gia liên kết đối ứng 60% kinh phí thực hiện (Hợp
tác xã chịu trách nhiệm huy động nguồn vốn đối ứng).
7.6. Kinh phí quản lý: Thực hiện đánh
giá, lựa chọn danh mục dự án, đánh giá dự án liên kết; hướng dẫn, kiểm tra,
nghiệm thu, theo dõi đánh giá, sơ kết, tổng kết dự án (ngân sách nhà nước hỗ trợ
100% kinh phí thực hiện).
IV. Kinh phí thực hiện:
1. Tổng kinh phí thực hiện: 8.305.850.000 đồng (Tám tỷ ba trăm lẻ năm triệu tám trăm năm mươi
ngàn đồng chẵn). Trong đó:
a) Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ:
3.002.263.000 đồng.
b) Kinh phí do Hợp tác xã DVNN Tổng hợp
An Phú và các hộ dân tham gia dự án đối ứng: 5.303.587.000 đồng.
(Chi tiết tại phụ lục kèm theo)
2. Phân kỳ nguồn vốn ngân sách nhà
nước hỗ trợ:
a) Năm 2019: 2.426.565.000 đồng.
b) Năm 2020: 575.698.000 đồng.
3. Nguồn kinh phí thực hiện: Từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và
nguồn vốn phân bổ thực hiện các chương trình, đề án của ngành nông nghiệp năm
2019 và năm 2020.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Hợp tác xã DVNN Tổng hợp An
Phú:
a) Là đơn vị chủ trì thực hiện dự án;
có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, nhân lực, cơ sở vật chất, lựa chọn hộ
tham gia liên kết thực hiện các nội dung, hạng mục đảm bảo đạt các mục tiêu dự
án được phê duyệt; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý dự án (Chi cục Quản lý
Chất lượng nông lâm sản và thủy sản) để được hướng dẫn thực hiện các hồ sơ, thủ
tục hỗ trợ, nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí đúng quy định.
b) Thực hiện quy trình sản xuất đúng
theo các tiêu chuẩn (VietGAP, HACCP) sau khi được chứng nhận; tổ chức tập huấn
để nâng cao năng lực, kiến thức về chuỗi và quy trình kỹ thuật cho các hộ dân
tham gia liên kết.
c) Chịu trách nhiệm huy động các nguồn
lực của Hợp tác xã và của các hộ liên kết đảm bảo đủ kinh phí đối ứng thực hiện
các hạng mục hỗ trợ, quản lý sử dụng nguồn kinh phí được hỗ trợ đúng quy định.
d) Sử dụng đúng mục đích và vận hành,
bảo quản các thiết bị, máy móc được hỗ trợ đúng quy định.
đ) Tổ chức các hoạt động khảo sát,
tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại để mở rộng quy mô kinh
doanh, tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm; tổ chức liên kết sản xuất theo kế hoạch
đề ra và thu mua toàn bộ các sản phẩm đạt chất lượng cho các hộ liên kết theo
đúng yêu cầu của hợp đồng liên kết.
e) Phối hợp với chính quyền địa
phương trong việc triển khai xây dựng và phát triển quy mô dự án trên địa bàn;
hàng năm tiến hành rà soát, khảo sát, ký kết hợp động liên kết đối với các hộ mới
để mở rộng liên kết; chủ động phát triển số hộ tham gia liên kết so với mục
tiêu dự án trong khả năng quản lý của Hợp tác xã.
2. Chi cục Quản lý Chất lượng nông
lâm sản và thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Là cơ quan quản lý dự án; có trách
nhiệm kiểm tra, giám sát đơn vị chủ trì dự án thực hiện các nội dung hỗ trợ
đúng quy định; hướng dẫn đơn vị chủ trì thực hiện dự án các hồ sơ, thủ tục hỗ
trợ, nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ, mua sắm máy móc thiết bị đảm
bảo đúng quy định.
b) Hàng năm, phối hợp với Văn phòng
Điều phối nông thôn mới tỉnh đề xuất kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nguồn
kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) gửi Sở
Tài chính tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh phân bổ thực hiện dự án.
d) Phối hợp với đơn vị chủ trì dự án,
các địa phương liên quan tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện dự
án; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện sau khi kết thúc dự án.
3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm tổng hợp,
đề xuất UBND phân bổ kinh phí thực hiện dự án; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên
quan sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ đúng quy định.
4. Ủy ban nhân dân các huyện Đức
Trọng, Dương và Lâm Hà:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn trong việc kiểm tra, giám sát; đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện
để đơn vị chủ trì dự án (Hợp tác xã DVNN Tổng hợp An Phú) và các hộ tham gia
triển khai thực hiện dự án trên địa bàn.
Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh;
Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện: Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà; Chánh Văn phòng Điều phối
nông thôn mới tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và
thủy sản; Giám đốc Hợp tác xã DVNN Tổng hợp An Phú; Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị liên quan và các hộ nông dân tham gia liên kết căn cứ Quyết định thi hành kể
từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- LĐVP
- Lưu: VT, NN.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm S
|