ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1219/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 20 tháng 5 năm 2020
|
QUYẾT
ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHỤC HỒI, KÍCH CẦU PHÁT
TRIỂN DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2020-2021”
ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Chỉ thị số
11/CT-TTg , ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ,
giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã
hội ứng phó với dịch Covid-19;
Căn cứ Nghị quyết số
03/2020/NQ-HĐND , ngày 08 tháng 5 năm 2020 của HĐND tỉnh về giảm phí tham quan
các điểm di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế;
Xét đề nghị của Giám
đốc Sở Du lịch.
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Đề án “Phục hồi, kích cầu phát triển du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn
2020-2021 (kèm theo).
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Du lịch, Thủ trưởng các Sở, ban,
ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và các cơ
quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh: CT, các PCT;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh;
- Bảo hiểm Xã hội tỉnh;
- Ngân hàng NN Việt Nam CN TT Huế;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Hiệp hội Du lịch tỉnh;
- Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Đài TRT, Báo Thừa Thiên Huế;
- VPUBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, DL.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Phan Ngọc Thọ
|
ĐỀ
ÁN
PHỤC HỒI, KÍCH CẦU PHÁT TRIỂN DU LỊCH THỪA
THIÊN HUẾ (GIAI ĐOẠN 2020-2021)
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 1219/QĐ-UBND ngày 20/5/2020 của UBND tỉnh Thừa
Thiên Huế)
PHẦN
I: CƠ SỞ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1.
Cơ sở chính trị, pháp lý
- Chỉ thị số
11/CT-TTg , ngày 04/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp
cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng
phó với dịch Covid-19;
- Công điện số
01/CĐ-BKHĐT, ngày 03/4/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về biện pháp bảo đảm sức
khoẻ nhân dân, an sinh xã hội và nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản
xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giữ gìn an ninh trật tự và
ổn định xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19;
- Chỉ thị số
44-CT/TU, ngày 12/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 giảm
thiểu tác động của dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh,
bảo đảm an sinh xã hội và sức khỏe nhân dân, phấn đấu thực hiện các mục tiêu,
nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 ở mức cao nhất.
2.
Sự cần thiết phải xây dựng đề án
Phát huy những kết
quả đạt được trong năm 2019, ngay từ đầu năm 2020, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế
đã triển khai các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã được Ban Chỉ đạo Du
lịch tỉnh thông qua. Kết quả đạt được trong tháng 1/2020 hết sức tích cực, các
chỉ tiêu du lịch đều tăng (so với cùng kỳ, lượng khách đến tăng 22,07%, trong
đó khách quốc tế tăng 33,65%; doanh thu du lịch tăng 14,89%).
Tuy nhiên, những diễn
biến nhanh chóng và phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và trong nước theo
chiều hướng tiêu cực đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch Thừa Thiên Huế. Trong 4
tháng đầu năm 2020, mọi chỉ tiêu về du lịch giảm nhanh chóng; mọi kế hoạch
quảng bá, xây dựng sản phẩm mới trong quý I/2020 và 4 tháng đầu năm đều bị
ngưng trệ. Chỉ trong thời gian ngắn, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đóng băng,
sụt giảm mạnh về lượng khách và doanh thu; nhiều công ty du lịch, khách sạn,
vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm du lịch... tạm dừng hoạt động, một số đơn vị
đứng trước nguy cơ phá sản; hàng ngàn lao động trong ngành du lịch bị cắt giảm,
không có thu nhập...
Chính vì thế, việc
nghiên cứu, khảo sát thiệt hại để từ đó đánh giá đúng thực trạng, đề ra các
giải pháp, gói hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; thực hiện các chương trình kích cầu
để phục hồi và phát triển ngành du lịch trở lại là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
Việc xây dựng đề án với các nhiệm vụ cụ thể dựa trên nghiên cứu, nhận định khoa
học là cơ sở để xác định các mục tiêu trọng tâm, các chương trình trọng điểm
cần phải thực hiện trong những tháng còn lại năm 2020, những tháng đầu năm 2021
để xác định các thị trường ưu tiên, trước mắt, có tính đến phương án lâu dài.
Việc xây dựng đề án
cũng là căn cứ để triển khai các kế hoạch cụ thể; phân công nhiệm vụ cho các
ngành, đơn vị liên quan cùng phối hợp thực hiện, đảm bảo phục hồi và phát triển
ngành du lịch tỉnh nhà một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất đồng thời đảm bảo an
toàn cho du khách cũng như cộng đồng trước nguy cơ lây nhiễm (hoặc tái phát)
của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.
3.
Mục tiêu của đề án
a) Mục tiêu chung: xác định được thực
trạng của ngành du lịch Thừa Thiên Huế trước những tác động, ảnh hưởng của dịch
bệnh Covid-19. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp, gói hỗ trợ doanh nghiệp du
lịch; thực hiện các chương trình kích cầu để phục hồi hoạt động của ngành du
lịch trong năm 2020, phát triển trong năm 2021.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Khảo sát thực tế
các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, dịch vụ du lịch đạt chuẩn và các khu, điểm
du lịch đạt chuẩn… để đánh giá thực trạng của ngành du lịch Thừa Thiên Huế dưới
ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh Covid-19.
- Phân tích các chỉ
tiêu du lịch, so sánh kết quả thực hiện so với 4 tháng đầu năm 2019. Đưa ra các
thiệt hại cụ thể do ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp du lịch và
nguồn lao động trực tiếp trong ngành.
- Đề xuất các giải
pháp, gói hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong thời gian diễn ra dịch bệnh và
trong thời gian tới.
- Dự báo tình hình,
đề xuất các kịch bản, mô hình phục hồi,triển khai các chương trình kích cầu để
phục hồi và phát triển ngành du lịch.
- Tạo sự phối hợp
đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan, ban ngành liên quan với các doanh nghiệp du
lịch - dịch vụ.
4. Đối tượng và phạm
vi thực hiện
- Đối tượng triển
khai của đề án là các doanh nghiệp du lịch kinh doanh lưu trú, lữ hành, vận
chuyển du lịch, dịch vụ du lịch đạt chuẩn cũng như các khu, điểm du lịch đạt
chuẩn trên địa bàn tỉnh.
- Phạm vi thực hiện:
các lĩnh vực, chỉ tiêu liên quan đến ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên
Huế trong giai đoạn 2020 - 2021.
PHẦN
II: KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH BỆNH COVID-19 ĐỐI VỚI
NGÀNH DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ
1.
Khái quát thực trạng phát triển ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua
Trong giai đoạn từ
2016 - 2019, với nguồn tài nguyên du lịch và vị trí địa lý thuận lợi cùng sự nỗ
lực của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả tỉnh, ngành
du lịch Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những kết
quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách đến giai đoạn này đạt
khoảng 12%/năm, trong đó cơ cấu khách du lịch quốc tế chiếm tỷ trọng từ 40 -
45%. Doanh thu du lịch tăng bình quân khoảng 14%/năm.
Năm 2019, tổng lượt
khách đến Thừa Thiên Huế đạt 4,817 triệu lượt (tăng 11,18% so cùng kỳ). Trong
đó khách quốc tế đạt 2,186 triệu lượt (tăng 12,06% so với cùng kỳ); khách lưu
trú đạt 2,247 triệu lượt (tăng 7,30%). Doanh thu từ cơ sở lưu trú năm 2019 đạt
4.945 tỷ đồng, tăng 10,54% so với năm 2018; tổng doanh thu từ du lịch đạt 11.300
tỷ đồng.
Trong thị trường
khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế năm 2019, khách du lịch Hàn Quốc tiếp tục dẫn
đầu, chiếm 19,9%. Thị trường khách du lịch Thái Lan quay trở lại và tăng mạnh
so với năm 2017, 2018, chiếm 12,9% và đứng vị trí thứ hai. Một số thị trường
truyền thống Tây Âu, Bắc Mỹ giữ mức tăng trưởng ổn định, đóng góp ở mức cao về
thị phần khách du lịch đến Huế1. So với các địa phương khác trong vùng
cũng như cả nước, tăng trưởng du lịch Thừa Thiên Huế không nóng nhưng bền vững
do vẫn duy trì được thị trường quốc tế truyền thống, chi tiêu tương đối cao,
phù hợp và ổn định với văn hóa, môi trường, chiến lược phát triển của tỉnh.
Hiện trên địa bàn có
667 cơ sở lưu trú, với tổng số 11.508 phòng, 18.801 giường2; 78 công
ty, chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý lữ hành3; 8 điểm
du lịch; 38 doanh nghiệp vận chuyển du lịch và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ
du lịch. Tính đến hết năm 2019, trên địa bàn có khoảng gần 16.000 lao động trực
tiếp trong lĩnh vực kinh doanh du lịch chủ yếu bao gồm: lĩnh vực lưu trú, lữ
hành, hướng dẫn viên, nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch, vận chuyển khách
du lịch. Ngoài ra, có một lượng lao động tham gia gián tiếp vào hoạt động du
lịch như các đơn vị bán hàng, các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái
và một số bộ phận khác liên quan.
2.
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du
lịch Thừa Thiên Huế
Trước khi dịch bệnh
Covid-19 bùng phát rộng khắp, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được
kết quả khả quan, tích cực trên tất cả các chỉ tiêu. Tuy nhiên, những diễn biến
nhanh chóng và phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và trong nước theo chiều
hướng tiêu cực đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch của Việt Nam nói chung và của
Thừa Thiên Huế nói riêng, nhất là sau khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố
dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của vi-rút corona gây
ra là “đại dịch toàn cầu”và Việt Nam công bố dịch. Cụ thể:
- Tháng 1/2020: lượng khách du lịch
đến Thừa Thiên Huế đạt 479.101 lượt, tăng 22,07% so với cùng kỳ. Trong đó khách
quốc tế đạt 264.075 lượt, tăng 33,65%; khách lưu trú đạt 204.323 lượt, tăng
11,75% (khách quốc tế lưu trú đạt 113.215 lượt, tăng 18,03%). Tổng doanh thu từ
du lịch đạt khoảng 1.018 tỷ đồng, tăng 12,3%. Thị trường khách du lịch quốc tế
khá tốt với Hàn Quốc dẫn đầu, chiếm 17,4%; Thái Lan 14,3%; Đài Loan 8,4%; Mỹ
6,9%; Pháp 6%....
- Tháng 02/2020: lượng khách du lịch
đến Thừa Thiên Huế chỉ đạt 283.098 lượt, giảm 30,56% so với cùng kỳ. Trong đó
lượt khách quốc tế là 174.714, giảm 10,5%. Khách lưu trú chỉ đạt 152.175 lượt,
giảm 12,8%. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 743,376 tỷ đồng (thiệt hại so với dự
kiến khoảng 300 tỷ đồng). So với cùng kỳ giảm 15,46%.
- Tháng 3/2020, lượng khách du lịch
đến Thừa Thiên Huế chỉ còn 92.532 lượt (khách quốc tế: 52.245), giảm 80,87% so
với cùng kỳ. Khách lưu trú: 65.085 lượt, giảm trên 68,13%. Tổng doanh thu từ du
lịch ước đạt 296,080 tỷ đồng, giảm 69,46%. Tổng thiệt hại doanh thu từ du lịch
khoảng hơn 900 tỷ đồng.
- Tháng 4/2020, lượng khách du lịch
đến và lưu trú tại Thừa Thiên Huế ước đạt 5.327 lượt, giảm 98,81% so với cùng
kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 2.279 lượt, giảm 98,86% (lượng khách còn lưu
trú trên địa bàn lúc này chủ yếu là khách ở dài ngày, đi công tác, chuyên gia,
khách quốc tế bị cách ly…). Doanh thu từ du lịch ước đạt 21,774 tỷ đồng, giảm
97,89% so với cùng kỳ. Ước thiệt hại tháng 4/2020 về tổng doanh thu từ du lịch
khoảng hơn 1.100 tỷ đồng.
Biểu
đồ 1: Các
chỉ tiêu du lịch 4 tháng đầu năm 2020
Nhìn tổng thể, 4
tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt 940.069
lượt, giảm 50% so với cùng kỳ. Khách lưu trú ước đạt 426.911 lượt, giảm 44,95%.
Doanh thu trực tiếp từ các doanh nghiệp du lịch ước đạt 859 tỷ đồng, giảm 21%
so với cùng kỳ; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 2.079 tỷ đồng, giảm 45% so
với cùng kỳ. Tổng thiệt hại về doanh thu từ du lịch 4 tháng đầu năm 2020 ước
khoảng 2.250 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trực tiếp từ doanh nghiệp du lịch hơn
700 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại của nhà đầu tư như khấu hao tài sản, trả lãi
ngân hàng…) (xem chi tiết ở mục 2.3.4).
3.
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn
Để có cơ sở đánh giá
chính xác tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với ngành du lịch trong
thời gian qua, Sở Du lịch đã tiến hành điều tra, khảo sát bằng hình thức phát
phiếu trực tiếp để khảo sát thực tế 785 doanh nghiệp du lịch - dịch vụ
(lưu trú, lữ hành, dịch vụ vận chuyển du lịch, dịch vụ và điểm đến du lịch đạt
chuẩn) trên địa bàn. Kết quả xử lý và phân tích dữ liệu cho thấy một số vấn đề
như sau:
a) Đối với các cơ sở
lưu trú
Các loại hình lưu trú
du lịch chiếm đa số là nhà khách và nhà nghỉ du lịch (dẫn đầu với tỷ lệ 44,9%,
tiếp đến là khách sạn chiếm 33%, và loại hình homestay chiếm 20,1%). Tuy nhiên,
số lượng phòng ở các khách sạn và resort chiếm đa số: 8.531 phòng trên tổng số
11.508 phòng. Số phòng ở các khách, nhà nghỉ, hộ kinh doanh không lớn, chỉ có
2.977 phòng. Trong số các cơ sở lưu trú được khảo sát, có đến 64,1% là hộ kinh
doanh cá thể, chỉ có 32,7% là doanh nghiệp độc lập. Hình thức sở hữu chính là
doanh nghiệp tư nhân, chiếm đến 81,4%; chỉ có 3,7% cơ sở lưu trú được khảo sát
là công ty cổ phần; 2,2% doanh nghiệp nhà nước; 1,1% doanh nghiệp 100% vốn nước
ngoài. Trong các cơ sở lưu trú, chiếm đa số vẫn là khách sạn dưới 2 sao4.
Hình thức sở hữu chính là doanh nghiệp tư nhân và loại hình hoạt động chiếm đa
số vẫn là nhà nghỉ du lịch; hình thức tổ chức chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể.
Số liệu được cung cấp
từ các cơ sở lưu trú cho thấy, tổng lượt khách 4 tháng đầu năm 2020 đạt 406.492
lượt (chưa tính số lưu trú trong dân, đi thăm thân bằng thị thực du lịch…). Con
số này tương đối chính xác với số liệu của Sở Du lịch quản lý như đã nêu ở trên
(426.911 lượt, giảm 44,95% so với cùng thời điểm năm 2019). Tình hình giảm sút lượt
khách lưu trú dẫn đến doanh thu của các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú du
lịch giảm sút, có đơn vị gần như không có doanh thu.
Về lực lượng lao
động, số liệu khảo sát từ 472 cơ sở lưu trú cho thấy có 89% tổng số lao động bị
ảnh hưởng bởi dịch Covid (6.228 người, bao gồm cả ban giám đốc, trưởng các bộ
phận và nhân viên). Trong đó, nhân viên chịu ảnh hưởng nhiều nhất, 5.376 người
(chiếm 86% số lao động bị ảnh hưởng), tiếp đến là trưởng các bộ phận: 538 người
(xem biểu đồ 2). Đáng chú ý, để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây
ra, đa số các cơ sở lưu trú đều tiến hành các chính sách về nhân sự. Cụ thể, có
2.469 lao động bị giảm lương, giảm công làm; 669 lao động nghỉ không lương có
hỗ trợ; cho thôi việc 936 người (chiếm 16%); nghỉ không lương không hỗ trợ là
1.298 người (12,6%). Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người
lao động trong các cơ sở lưu trú.
Biểu
đồ 2: Tình
hình lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 ở cơ sở lưu trú
b) Đối với các đơn vị
kinh doanh lữ hành
Trong số 48 đơn vị
được khảo sát, khác với các cơ sở lưu trú, hình thức sở hữu của các công ty lữ
hành chủ yếu là công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn (72,9%). Do ảnh hưởng
của dịch bệnh Covid-19, tổng lượt khách quốc tế 4 tháng đầu năm 2020 mà các đơn
vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn trực tiếp khai thác giảm 56,4% và lượng
khách nội địa 4 tháng đầu 2020 giảm đến 93,2% so với cùng kỳ. Sự giảm mạnh của
lượng khách nội địa do dịch bùng phát và chính quyền cảnh báo, hạn chế đi lại.
Sự sụt giảm lượng khách kéo theo doanh thu giảm 66,54% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, có 647
lao động bị ảnh hưởng (gồm ban giám đốc, trưởng các bộ phận, nhân viên và hướng
dẫn viên cơ hữu). Trong đó, nhân viên là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất
(chiếm 63,6% số lao động bị ảnh hưởng). Ở các đơn vị lữ hành, tình trạng cho
thôi việc chỉ chiếm 4% tổng số lao động bị ảnh hưởng, và 23,6% số lao động nghỉ
việc được hỗ trợ. Tuy nhiên số lao động nghỉ việc không được hỗ trợ chiếm đến
41%. Đây cũng là một điều đáng lo ngại khi người lao động không có thu nhập
trong thời gian dịch bệnh diễn ra (xem biểu đồ 3).
Biểu
đồ 3: Tình
hình lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 tại các đơn vị lữ hành
c) Đối với các cơ sở
kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn
Kết quả khảo sát 43
cơ sở dịch vụ đại diện, bao gồm 15 đơn vị vận chuyển du lịch, 17 nhà hàng và
dịch vụ ăn uống, 7 đơn vị kinh doanh đặc sản và quà tặng, 3 đơn vị dịch vụ nghệ
thuật, vui chơi giải trí, 1 dịch vụ chăm sóc sức khỏe và 1 điểm du lịch cho
thấy, hình thức sở hữu chủ yếu của các đơn vị dịch vụ là công ty cổ phần/ TNHH
chiếm 39,5%; tiếp đến là doanh nghiệp tư nhân (23,3%) và hộ cá thể (20,9%).
Tổng số lao động tại các đơn vị này là 1.003 người, trong đó có 879 lao động bị
ảnh hưởng bởi dịch Covid. Như vậy số lao động bị ảnh hưởng chiếm đến 87,6%. Đối
tượng nhân viên vẫn là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm 84%; 37,3%
nhân viên nghỉ không lương được hỗ trợ; lao động nghỉ không lương không được hỗ
trợ vẫn chiếm tỷ lệ cao, 33,7%.
Biểu
đồ 4: Lao
động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 tại các đơn vị DVDL
i. Thiệt hại về doanh
thu trực tiếp của các doanh nghiệp du lịch
Trong tháng 2, số
lượng phòng bị hủy khoảng 16 nghìn lượt; số lượng khách hủy 29 nghìn lượt
khách, giá trị thiệt hại về lưu trú khoảng 35 tỷ đồng. Đối với dịch vụ lữ hành,
số lượng tour hủy 230 tour, số lượng khách hủy khoảng 7 nghìn lượt khách, giá
trị thiệt hại 6 tỷ đồng. Cùng với những thiệt hại từ các dịch vụ du lịch đạt
chuẩn, các điểm du lịch đạt chuẩn… thiệt hại trực tiếp của các dịch vụ lưu trú,
lữ hành, dịch vụ trong tháng 2 khoảng gần 50 tỷ đồng.
Trong nữa đầu tháng
3, tình trạng hủy tour, hủy phòng tăng mạnh, hơn 80% các doanh nghiệp du lịch -
dịch vụ tạm dừng hoạt động. Kể từ cuối tháng 3, sau khi có quyết định đóng cửa
các điểm tham quan di tích, danh thắng, bảo tàng...; các cơ sở lưu trú không
được đón khách, hầu hết các doanh nghiệp du lịch dừng hoạt động, ngoại trừ một
số đơn vị duy trì phục vụ khách ở dài hạn (đã lưu trú từ trước dịch). Thiệt hại
về doanh thu tháng 3 của các doanh nghiệp du lịch khoảng 250 tỷ đồng.
Tháng 4, gần 100%
khách hủy phòng và tua tuyến, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch dừng hoạt
động. Thiệt hại trực tiếp từ doanh nghiệp du lịch khoảng 400 tỷ đồng.
Nhìn chung, kết quả
khảo sát đánh giá của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cho thấy tình hình
doanh thu giảm mạnh, không đủ chi phí để vận hành bộ máy hoạt động kinh doanh.
Hầu hết các công ty buộc phải thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự, điều
chỉnh mức lương đối với nhân viên hoặc cho nghỉ không hưởng lương đến hết dịch
Covid-19. Kết quả khảo sát cho thấy có gần 8.000 người lao động cơ hữu bị ảnh
hưởng trực tiếp, tuy nhiên nếu tính cả lực lượng lao động ở một số đơn vị chưa
lấy được thông tin, hướng dẫn viên, lao động theo thời vụ, hợp đồng ngắn hạn…
thì con số này khoảng trên 13.000 người. Thiệt hại về doanh thu trực tiếp trong
các đơn vị kinh doanh du lịch khoảng 700 tỷ đồng.
PHẦN
III: NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH KÍCH CẦU ĐỂ PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN
DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ TRONG GIAI ĐOẠN 2020 - 2021
1.
Dự báo tình hình và mô hình phục hồi
Dự báo: tình hình
kiểm soát dịch bệnh ở trong nước có thể được khống chế hoàn toàn vào cuối tháng
5 hoặc tháng 6, Chính phủ nới dần các biện pháp phong tỏa và các hoạt động kinh
tế dần trở lại bình thường vào cuối quý II. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở
thế giới dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp. Các nước tiếp tục những biện pháp
giãn cách xã hội và các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình
thường bắt đầu vào Quý III/2020 (kịch bản lạc quan); hoặc chỉ dần trở lại bình
thường bắt đầu vào cuối Quý IV/2020/ hoặc đầu năm 2021 (kịch bản bi quan).
a) Về kịch bản và mô
hình phục hồi chung ở Việt Nam:
Dựa trên 2 biến số cơ
bản là diễn biến dịch bệnh và năng lực ứng phó, có thể có nhiều kịch bản tương
ứng với diễn biến khống chế dịch bệnh. Những mô hình hồi phục của ngành du lịch
sẽ tương ứng với các điều kiện xảy ra như sau (các điều kiện này có thể xảy ra
đồng thời hoặc không):
- Kịch bản 1: Dịch kết thúc trong
cuối quý II/2020. Các biện pháp kích thích kinh tế mang lại hiệu quả tốt cho
các doanh nghiệp du lịch. Ngành du lịch phục hồi tương ứng theo mô hình chữ V
(khách nội địa được ưu tiên kích cầu).
- Kịch bản 2: Dịch kết thúc trong
quý III/2020. Kinh tế Việt Nam không bị rơi vào suy thoái nhưng hồi phục chậm.
Ngành du lịch phục hồi tương ứng theo mô hình chữ U (khách nội địa được ưu tiên
kích cầu; các thị trường khách quốc tế gần và an toàn có thể triển khai xúc
tiến vào cuối năm).
- Kịch bản 3: Dịch kết thúc trong
quý IV/2020. Các biện pháp kích thích không đủ hoặc không hiệu quả, có thể có
khủng hoảng kép (từ dịch bệnh dẫn đến khủng hoảng tài chính…). Ngành du lịch
phục hồi chậm, giai đoạn đóng băng ở đáy kéo dài tương ứng theo mô hình chữ L
(dòng khách chủ yếu của các điểm đến là nội địa nhưng không nhiều, không có
khách quốc tế).
- Kịch bản 4: Dịch kết thúc trong
quý II hoặc III/2020 nhưng bùng phát lại vào đầu năm 2021. Ngành du lịch phục
hồi tương ứng theo mô hình chữ W, khó dự báo chính xác.
Ở thời điểm hiện tại,
dù xác xuất mô hình chữ V, chữ U (theo kịch bản lạc quan) là cao nhất, thế
nhưng không nổi trội so với các mô hình khác, có thể theo tỷ lệ 30-30-25-15
tương ứng cho mô hình V, U, L và W.
b) Mô hình phục hồi
đối với ngành du lịch Thừa Thiên Huế
Trên cơ sở phân tích
tình hình và dựa trên những kịch bản giả định của cả nước như đã phân tích, có
thể khẳng định, tình hình hồi phục khách du lịch (nội địa và quốc tế) đến Thừa
Thiên Huế năm 2020 sẽ vẫn phải phụ thuộc vào thời điểm dịch bệnh được khống chế
cả trong nước và trên thế giới.
- Đối với khách du
lịch nội địa,
mô hình phục hồi có thể theo hình chữ V (suy giảm xuống đáy rồi tăng trở
lại tương đương mức suy giảm ban đầu) hoặc hình chữ U (suy giảm xuống
đáy rồi kéo dài giai đoạn này một thời gian và sau đó phục hồi tương ứng). Cả
hai mô hình này thuộc kịch bản lạc quan và phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ kiểm
soát bệnh dịch của Việt Nam cũng như các giải pháp phục hồi, chương trình kích
cầu được chính quyền và doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế đưa ra. Trong trường
hợp theo kịch bản thứ 3 ở trên, mô hình phục hồi tương ứng theo chữ L - giai
đoạn đóng băng kéo dài, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn sẽ gặp nhiều khó
khăn, các chỉ tiêu tăng trưởng ngành du lịch chạm đáy.
- Đối với khách du
lịch quốc tế, dựa
theo tình hình diễn biến của dịch bệnh hiện tại, rất khó để khách quốc tế đến
Thừa Thiên Huế trong quý III hoặc đầu quý IV của năm 2020. Sau khi dịch được
khống chế hoàn toàn trên toàn thế giới, khách quốc tế sẽ không kịp để chuẩn bị
kế hoạch cho chuyến đi vào cuối năm. Đặc biệt tâm lý e ngại di chuyển quốc tế
(độ trễ sau dịch) vẫn sẽ diễn ra. Vì vậy, đối với khách quốc tế, mô hình chữ L
(thời gian suy giảm ở đáy kéo dài, mất nhiều thời gian) gần như chắc chắn
sẽ diễn ra trong năm 2020.
Do đó, có thể dự báo
thị trường khách ở Thừa Thiên Huế trong thời gian tới như sau: thị trường khách
nội địa hồi phục đầu tiên, thời gian phục hồi chậm, bắt đầu từ tháng 5, 6 và
tăng nhẹ trở lại trong khoảng tháng 8. Khách công vụ, khách lẻ đi tự do sẽ là
những nhóm khách đầu tiên; khách đi du lịch theo đoàn với số lượng lớn sẽ chậm
hơn, khi tình hình dịch bệnh đã được khống chế hoàn toàn. Đối với khách quốc
tế, tùy theo tình hình dịch bệnh và khống chế dịch trên thế giới, thị trường
khách quốc tế ở gần (trong khu vực) có thể bắt đầu phục hồi nhưng dự báo thời
gian sớm nhất cũng phải cuối năm 2020, đầu 2021.
Chính vì thế, nếu
theo mô hình chữ V, hoặc U thì tháng 5 và 6/2020 được xác
định là thời gian trọng tâm bắt đầu để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và
các chương trình kích cầu cho thời gian còn lại của năm 2020 và 2021; đồng thời
cho mở lại các đơn vị lưu trú, các đơn vị lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch,
các điểm du lịch, di tích, thắng cảnh… để phục vụ khách nội địa.
Tóm lại, xác định đúng mô
hình phục hồi sẽ giúp việc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm,
trọng điểm, đạt hiệu quả cao.Trên cơ sở dự báo về xu hướng thị trường chung đối
với tình hình dịch bệnh hiện nay, trong ngắn hạn (từ tháng 05 đến hết năm
2020), du lịch Thừa Thiên Huế sẽ tập trung:
- Về thị trường: tập trung chủ yếu
là thị trường khách du lịch nội địa. Trước hết khách nội tỉnh đến khách ngoại
tỉnh (chú trọng hơn đối với khách hai đầu Bắc, Nam, khách lẻ, gia đình). Tiến
hành xúc tiến, khai thác thị trường khách quốc tế gần, an toàn vào giai đoạn
cuối năm nếu tình hình dịch bệnh được khống chế sớm.
- Về sản phẩm, dịch
vụ du lịch:
bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, trong thời gian này tập trung nâng
cao chất lượng và đa dạng các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, MICE; tổ
chức có chất lượng các lễ hội, sự kiện hấp dẫn, có điểm nhấn như Festival Huế
2020, Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế - Kinh đô áo dài, VnExpress Marathon Huế 2020,
các Ngày hội Lân, Sen, Diều…; phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm an toàn sức
khỏe, phòng chống dịch bệnh gắn với môi trường thiên nhiên sinh thái, an toàn
và trong lành.
- Về thời gian: Tập trung việc thực
hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bắt đầu từ tháng 5, 6/2020. Thu hút khách
nội địa xác định trọng tâm trong tháng 8 trở đi - khoảng thời gian tổ chức
nhiều hoạt động, sự kiện lớn. Các chương trình kích cầu công bố sớm và kéo dài
đến hết năm 2020.
c) Những thuận lợi và
khó khăn
* Thuận lợi:
- Các điểm di tích,
di sản do các đơn vị Nhà nước đang khai thác, quản lý là chủ yếu… thuận lợi để
xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu. Đây là một trong những ưu thế
trong so sánh với các điểm đến cạnh tranh khác.
- Nhiều doanh nghiệp
trong giai đoạn diễn ra dịch đều xem đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội.
Theo kết quả khảo
sát, trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, từ tháng 2 đến tháng 4/2020,
vẫn có 32,5% cơ sở lưu trú tiến hành cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật,
trang thiết bị tiện nghi và đào tạo nguồn nhân lực.
Các đơn vị lữ hành
trong mùa dịch mặc dù đóng cửa nhưng vẫn có nhiều hoạt động để chuẩn bị cho
thời gian hoạt động sau dịch: 66,7% tiến hành nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ mới;
56% liên kết để nghiên cứu thị trường mới; 50% tổ chức xây dựng kế hoạch xúc
tiến cho giai đoạn tới. Còn lại là một số hoạt động như đào tạo nguồn nhân lực
(45,8%), tái cơ cấu (31,25%), nâng cấp cơ ở vật chất kỹ thuật (16,7%).
Đối với các cơ sở
kinh doanh dịch vụ du lịch, kết quả khảo sát cho thấy trong thời gian diễn ra
dịch, 34,9% tiến hành một số hoạt động như đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng kế
hoạch xúc tiến (27,9%), nghiên cứu thị trường mới (27,9%), nghiên cứu sản phẩm
dịch vụ và nâng cấp cơ sở vật chất (25%) và tái cơ cấu (14%).
- Thừa Thiên Huế có
các sản phẩm, điểm du lịch để thu hút khách nội địa đa dạng, phong phú, với đầy
đủ các loại hình du lịch. Nếu xây dựng các tua du lịch trọn gói hợp lý, sẽ thu
hút được nhiều du khách.
- Việc khống chế dịch
bệnh Covid-19 trên địa bàn được triển khai nghiêm túc, có hệ thống y tế chất
lượng cao, mang lại cảm giác an toàn cho du khách.
- Ứng dụng đô thị
thông minh tích hợp được nhiều tiện ích cho du khách, cơ sở lưu trú (khai báo y
tế, xuất mã QR code chứng nhận đang lưu trú ở Thừa Thiên Huế để nhận các gói
khuyến mãi, các chương trình kích cầu…).
* Khó khăn:
- Các địa phương
trong nước đều tập trung kích cầu du lịch nội địa.
- Số lượng khách mà
các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh còn ít, phụ thuộc khá
nhiều vào lữ hành hai đầu.
- Sản phẩm du lịch
tại các điểm đến ở khu vực miền Trung khá đa dạng nhưng có tình trạng khai thác
trùng lặp về loại hình.
2.
Các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt (triển khai trong năm 2020)
a) Triển khai các cơ
chế, gói hỗ trợ doanh nghiệp
* Kiến nghị với Trung
ương:
- Miễn hoặc giảm 50%
thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du
lịch.
- Giảm 50% tiền thuê
đất năm 2020 cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Giảm/ gia hạn tiền thuê
mặt nước của Quý I, II/2020 (theo thời hạn được quy định tại Nghị định số
41/2020/NĐ-CP , ngày 08/4/2020 của Chính phủ).
- Gia hạn thời gian
nộp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp qua quý II/2021.
- Đề xuất Bộ Công
thương xem xét điều chỉnh giá điện cho các cơ sở kinh doanh du lịch ngang bằng
với giá điện của các cơ sở sản xuất từ tháng 5/2020 trở đi.
- Đề nghị Ngân hàng
Nhà nước khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt với
các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch (khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho
vay…).
- Đề nghị Chính phủ
chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành việc chi trả sớm chế độ bảo hiểm thất
nghiệp cho người lao động thất nghiệp và gói trợ cấp xã hội cho người lao động
tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương.
- Đề nghị Bộ Giao
thông Vận tải và Cục Hàng không tăng cường thêm tần suất các chuyến bay nội địa
đến Thừa Thiên Huế, xem xét giảm giá vé và các loại phí cho hành khách đến Huế.
Giảm chi phí cho các hãng bay tại sân bay Phú Bài.
- Đề nghị Bộ Giao
thông Vận tải xem xét giảm phí đường bộ cho xe vận chuyển du lịch đến hết năm
2020.
* Ở cấp tỉnh:
- Giảm giá nước cho
các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ngang bằng với giá nước của các cơ sở sản
xuất trong 3 tháng 5, 6, 7 năm 2020.
- Hỗ trợ công tác
truyền thông, quảng bá cho các doanh nghiệp du lịch quảng bá sản phẩm du lịch -
dịch vụ.
- Hạn chế thanh tra,
kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp du lịch trong thời
gian còn lại của năm 2020 để tập trung vào các hoạt động kinh doanh.
- Triển khai ứng dụng
phần mềm đăng ký lưu trú thống nhất cho các cơ sở lưu trú, đảm bảo liên thông
giữa các cơ quan công an, du lịch, thuế và thống kê. Giảm thiểu thời gian và số
lần khai báo khách lưu trú cho doanh nghiệp.
b) Triển khai các
chương trình kích cầu du lịch
* Đối tượng (thị
trường) kích cầu:
Trong giai đoạn này,
tập trung chủ yếu là thị trường khách du lịch nội địa. Khuyến khích khách nội
tỉnh sử dụng các dịch vụ và các điểm đến trong tỉnh. Chú trọng nguồn khách
ngoại tỉnh ở các địa phương gần, tập trung xúc tiến, quảng bá nguồn khách từ
hai đầu Bắc, Nam, khách lẻ, gia đình. Tùy theo tình hình thực tế, có thể tiến
hành xúc tiến, khai thác khách quốc tế ở thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Úc và
New Zealand,... nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
* Thời gian kích cầu:
từ
tháng 5/2020 đến hết năm 2020
* Các chương trình
kích cầu chủ yếu:
- Tổ chức Hội
nghị lữ hành toàn quốc vào cuối tháng 5/2020 để kết nối với các doanh
nghiệp kinh doanh lưu trú và dịch vụ du lịch. Công bố các gói kích cầu của tỉnh
tại Hội nghị đồng thời giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới của địa phương…
- Triển khai gói kích
cầu của chính quyền trong năm 2020 tại các điểm di tích do Trung tâm Bảo tồn Di
tích Cố đô Huế quản lý với các hình thức:
+ Mở cửa miễn phí
vào tham quan Đại Nội và các điểm di tích từ ngày 30/4/2020 - 07/5/2020 (đã
triển khai).
+ Giảm 50% phí tham
quan các điểm di tích từ ngày 8/5/2020 - 31/7/2020. Tùy thuộc vào tình hình
khôi phục của thị trường khách du lịch, các tháng còn lại năm 2020 để tiếp tục
thực hiện kích cầu bằng việc giảm phí tham quan các điểm di tích.
+ Tăng các chương
trình biểu diễn miễn phí ở Đại Nội, ít nhất là 01 chương trình biểu diễn nghệ
thuật 1 ngày tại một khung giờ cố định trong thời gian từ ngày 15/7/2020 đến
hết năm 2020.
+ Nghiên cứu thực
hiện chính sách giảm trừ phí tham quan tại các điểm di tích lịch sử văn hóa Huế
nhằm kích cầu, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Thừa Thiên
Huế.
- Xây dựng và triển
khai gói kích cầu của các doanh nghiệp, kết hợp với gói kích cầu của chính
quyền.
+ Vận động các đơn vị
vận chuyển hàng không, đường sắt giảm giá vé đến Huế trong năm 2020.
+ Vận động các cơ sở
lưu trú thực hiện chương trình “Nghỉ 3 đêm trả tiền 2 đêm”.
+ Vận động các đơn vị
kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch, dịch vụ vận chuyển, các khu/ điểm đến du
lịch (trừ các điểm di tích đã giảm 50% giá vé) cam kết giảm giá tối thiểu 20%
trên giá công bố hoặc khuyến mãi các sản phẩm, dịch vụ khác có giá trị tương
đương.
+ Tổ chức liên kết
các nhà cung cấp dịch vụ trong tỉnh liên kết với nhau để hình thành, cung cấp
các chương trình, sản phẩm trọn gói hấp dẫn, giá cả ưu đãi cho khách đến Thừa
Thiên Huế. Thành lập những liên minh kích cầu những sản phẩm thu hút 2 chiều:
cả khách đến Huế và khách từ Huế đi (có những chính sách hỗ trợ, ủng hộ các
liên minh này).
+ Các doanh nghiệp
đăng ký gói kích cầu trên website visithue.vn để công bố rộng rãi cho du
khách và các đơn vị lữ hành, vận chuyển.
- Kết nối với Đà
Nẵng, Quảng Nam để hình thành các gói kích cầu, chương trình tour ưu đãi liên
kết miền Trung.
c) Xây dựng, phát
triển các sản phẩm du lịch mới
Bên cạnh việc nâng
cao chất lượng và làm mới các sản phẩm, dịch vụ đang có, tập trung xây dựng và
đưa vào phục vụ các sản phẩm, dịch vụ mới trong giai đoạn này. Ưu tiên phát
triển loại hình du lịch MICE và các loại hình du lịch đảm bảo an toàn sức khỏe,
phòng chống dịch bệnh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Ngoài ra, tập trung
phát triển, tổ chức có chất lượng các lễ hội, sự kiện hấp dẫn, có điểm nhấn để
thu hút du khách như:
+ Festival Huế 2020;
+ Lễ hội Huế - Kinh
đô ẩm thực;
+ Lễ hội Huế - Kinh
đô áo dài;
+ Vnexpress Marathon
Huế 2020;
+ Các lễ hội khác
như: Ngày Hội Lân quốc tế Huế, Ngày hội Hiphop Huế…
d) Triển khai công
tác xúc tiến quảng bá tập trung, hiệu quả
- Ưu tiên và quan
trọng hàng đầu là tập trung nguồn lực quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế - điểm
đến an toàn và thân thiện. Đẩy mạnh chiến dịch truyền thông về điểm đến Thừa
Thiên Huế thông qua truyền thông, báo chí, qua các ứng dụng du lịch thông minh.
Chú trọng quảng bá có hiệu quả qua các kênh của mạng xã hội, chú trọng các
Fanpage có lượt follow lớn5…
- Tăng cường hợp tác
công tư, phối hợp với các doanh nghiệp lớn, tạo nguồn lực đủ mạnh để tạo hiệu
quả cao trong các hoạt động xúc tiến quảng bá. Ưu tiên tập trung kinh phí xúc
tiến, quảng bá thị trường nội địa trong năm 2020.
- Huy động nguồn lực
tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip, blogger, người nổi tiếng đến Huế du
lịch, quay clip quảng bá, khẳng định thông điệp Huế thực sự đã trở lại là điểm
đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn hàng đầu trong khu vực với nhiều sản phẩm,
dịch vụ du lịch phong phú, hấp dẫn.
- Tập trung quảng bá
những sản phẩm, dịch vụ chiến lược như Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế - Kinh đô áo
dài, Festival 4 mùa, Festival Huế 2020 kết hợp với giới thiệu các sản phẩm,
dịch vụ mới của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn (du lịch y tế -
chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, cộng đồng, khai thác du lịch biển, đầm
phá, suối, thác…).
- Liên kết với Đà
Nẵng và Quảng Nam quảng bá chương trình “3 địa phương - một điểm đến”.
- Tham gia các chương
trình kích cầu du lịch nội địa, khai thác thị trường quốc tế mới của Tổng cục
Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội,
Thành phố Hồ Chí Minh.
e) Đảm bảo an toàn
cho du khách đến Huế và cộng đồng, đảm bảo môi trường xanh, sạch, thân thiện.
- Triển khai áp dụng
bộ tiêu chí an toàn đối với dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực du lịch để các cơ
sở lưu trú; các khu/ điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận
chuyển, nhà hàng, biểu diễn nghệ thuật, giải trí trên địa bàn tỉnh để các đơn
vị đảm bảo an toàn trong khai thác, kinh doanh.
- Tiếp tục thực hiện
việc cơ sở lưu trú đăng ký và khai báo y tế cho du khách đến Thừa Thiên Huế qua
mạng theo phần mềm đã được xây dựng. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống
dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn cho khách du lịch và cộng đồng dân cư. Ngăn
ngừa sự tái phát của dịch bệnh.
- Đẩy mạnh triển khai
Chương trình Ngày Chủ nhật xanh, huy động sự tham gia tích cực của các cơ sở
kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm đến trên địa bàn tỉnh từ thành thị đến
nông thôn gắn với chỉnh trang vỉa hè, các tuyến đường chính trên địa bàn thành
phố. Đảm bảo thông thoáng, an toàn, hấp dẫn và tiện nghi, phục vụ tốt cho người
dân và khách du lịch.
3.
Các nhiệm vụ, giải pháp lâu dài (triển khai thực hiện vào cuối năm 2020, năm
2021)
- Tiếp tục thúc đẩy
mạnh mẽ việc ứng dụng các giải pháp về du lịch thông minh nhằm tối ưu hóa hiệu
quả công tác quản lý lưu trú, xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường, tạo ra
nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch. Tích hợp và liên thông
dữ liệu lưu trú thống nhất giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trên hệ thống
Huế-S nhằm quản lý tốt về lưu trú, cư trú, y tế, doanh thu, thuế, thống kê.
- Đẩy mạnh số hóa các
điểm đến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ
thực tế ảo... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá du
lịch…
- Đa dạng hóa các sản
phẩm, dịch vụ tại các điểm di tích để kéo dài thời gian tham quan, trải nghiệm
của du khách. Từ đó, kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách du
lịch.
- Có kế hoạch và
chiến lược quảng bá đến các thị trường trọng điểm quốc tế trong tương lai gần.
Nghiên cứu các thị trường ít chịu ảnh hưởng của Covid-19 để khởi động lại ngành
du lịch hậu dịch bệnh, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế. Đa dạng hóa thị
trường, đẩy mạnh khai thác thị trường khách quốc tế có kết nối đường bay thuận
tiện, tốc độ tăng trưởng cao.
- Xây dựng Đề án
riêng về quảng bá du lịch với tư vấn chuyên nghiệp, kinh phí đủ lớn để triển
khai thực hiện. Tập trung quảng bá theo chủ đề như Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế -
Kinh đô áo dài…
- Tái định vị thương
hiệu du lịch Thừa Thiên Huế thông qua việc thay đổi logo, slogan của ngành du
lịch, hướng đến “Huế - Xứ sở hạnh phúc”. Tiếp tục quảng bá qua các video
clip chuyên nghiệp, hình ảnh đẹp về văn hóa, con người và danh lam, thắng cảnh
của vùng đất.
- Hỗ trợ tổ chức các
chương trình đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ cho nhân
viên các doanh nghiệp để hỗ trợ đảm bảo chất lượng nhân sự và đồng thời nâng
cao nhận thức về quy định hoạt động, kỹ năng nghề trong xu hướng mới thay đổi
của ngành.
- Hỗ trợ xây dựng các
điểm đến về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với suối thác, biển và đầm
phá, mô hình du lịch homestay. Tư vấn nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tạo ra
các sản phẩm hấp dẫn, khác biệt.
- Liên kết hợp tác
với một số doanh nghiệp lữ hành lớn để hình thành một số chuỗi sản phẩm, tour
tuyến mới đến Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung và đồng hành quảng bá dẫn
dắt thị trường.
PHẦN
IV: TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thành lập Tổ công tác
trực thuộc Ban Chỉ đạo Du lịch tỉnh do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm
Tổ trưởng để thường xuyên chỉ đạo, cập nhật tình hình, có biện pháp hướng dẫn
các đơn vị trong ngành triển khai các hoạt động phòng, chống dịch theo sát diễn
biến tình hình chung.
2. Phân công trách
nhiệm các đơn vị
2. Phân công trách
nhiệm các đơn vị:
a) Sở Du lịch:
- Là cơ quan chủ trì
tham mưu và triển khai Đề án phục hồi, kích cầu phát triển Du lịch sau dịch
bệnh Covid-19.
- Trên cơ sở Đề án,
tham mưu Kế hoạch triển khai nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, kích cầu du lịch Huế
trong năm 2020.
- Phối hợp chặt chẽ
với các cơ quan quản lý du lịch Trung ương và địa phương hướng dẫn các doanh
nghiệp du lịch tích cực triển khai các chương trình kích cầu du lịch quốc tế và
nội địa.
- Chủ trì, phối hợp
với Hiệp hội Du lịch tỉnh kết nối, xây dựng các chương trình kích cầu du lịch
của doanh nghiệp.
b) Các cơ cở kinh
doanh dịch vụ du lịch
- Phối hợp triển khai
đồng bộ các hoạt động liên quan về thực hiện các gói kích cầu du lịch đảm bảo
hiệu quả, thống nhất.
- Chủ động làm mới,
xây dựng sản phẩm, tái đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, đào tạo lại lao
động nhằm phục vụ tốt nhu cầu khách du lịch.
c) Ủy ban Nhân dân
các huyện, thị và thành phố Huế
- Đảm bảo an ninh
trật tự, an toàn cho du khách tại các điểm đến trên địa bàn quản lý.
- Nâng cao chất
lượng, xây dựng các sản phẩm, điểm đến mới nhằm đa dạng, phong phú các loại
hình dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách du lịch.
d) Trung tâm Bảo tồn
Di tích Cố đô Huế:
- Chủ trì tham mưu,
thực hiện các nội dung kích cầu tại các điểm di tích do đơn vị quản lý.
- Phối hợp với Sở Tài
chính đẩy nhanh thực hiện chiết khấu phần trăm cho các công ty, đại lý, văn
phòng du lịch đặt vé cho khách.
- Thực hiện tốt việc
đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách theo Bộ tiêu chí về đón khách tại các
điểm di tích trên địa bàn.
đ) Hiệp hội Du lịch
tỉnh:
- Phối hợp với Sở Du
lịch kết nối, xây dựng các chương trình kích cầu của doanh nghiệp.
- Vận động các doanh
nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tham gia chương trình kích cầu của tỉnh
Thừa Thiên Huế trong năm 2020 và năm 2021. Chú trọng việc minh bạch, công khai,
thống nhất về giá cả công bố đối với các sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách
du lịch.
- Trong quá trình
triển khai thực hiện các chương trình kích cầu, tổng hợp những khó khăn, vướng
mắc đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ kịp thời.
e) Hiệp hội doanh
nghiệp tỉnh: Vận động các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực khác cùng tham
gia để đồng hành, cung cấp giá ưu đãi sản phẩm, nguyên vật liệu cho các doanh
nghiệp du lịch thực hiện chương trình kích cầu.
g) Sở Công Thương:
Xây dựng các sản phẩm hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ nhu cầu
khách du lịch nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, gia tăng chi tiêu
của du khách. Tổ chức các hội chợ thương mại, tháng bán hàng khuyến mại trong
dịp Festival Huế 2020.
h) Sở Văn hóa và Thể
thao: tổ chức triển khai các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao nhằm tạo ra các
sản phẩm, điểm đến hấp dẫn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ kích cầu
du lịch trên địa bàn.
i) Trung tâm Festival
Huế: tổ chức thực hiện tốt Festival Huế 2020, tạo điểm nhấn về sự kiện, lễ hội
chính trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút khách du lịch đến Huế tham quan, trải
nghiệm sau dịch bệnh.
k) Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp
với Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
thẩm định các chương trình kích cầu của chính quyền.
- Tham mưu, bố trí
kinh phí triển khai các nhiệm vụ hoạt động của Đề án.
l) Các Sở, ban,
ngành, đơn vị có liên quan căn cứ vào nhiệm vụ được phân công tại Đề án này (theo
phần phụ lục) chủ động, phối hợp với cơ quan chủ trì triển khai thực hiện.