BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4854/BTTTT-CBC
V/v chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo
chí để sách nhiễu, hoạt động trái
pháp luật
|
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2021
|
Kính gửi:
|
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Hội Nhà báo
Việt Nam;
- Các cơ quan
chủ quản báo chí;
- Tổng biên tập các cơ quan báo chí.
|
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được nhiều thông tin, phản ánh về việc có một số cơ quan báo chí,
trong đó chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, lợi dụng danh
nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương.
Đó là
tình trạng một số cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên có hành
vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với nhiều cách thức gây phiền hà
như: Gửi văn bản yêu cầu giải trình, cung cấp thông tin, cử nhà báo, cấp giấy
giới thiệu cho phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp về những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; yêu
cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu
như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép
bằng cách liên tục gọi điện,
nhắn tin... Đặc biệt, có hiện
tượng một số nhà báo, phóng viên, cộng tác viên lợi dụng việc nắm được
những thông tin nội bộ một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai
sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gợi ý, gây sức ép, thậm chí là đe dọa để sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo hoặc thu lợi bất chính; vòi vĩnh cơ quan, doanh nghiệp,
cá nhân, nhất là trong giai đoạn gần Tết Nguyên đán và những ngày lễ lớn.
Đây là những hoạt động thiếu chuẩn
mực, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp
luật; ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp và gây bức xúc
cho cơ quan, doanh nghiệp, địa phương; làm tổn hại nghiêm trọng đến uy
tín, hình ảnh của những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính. Hiện tượng
này đã tồn tại âm ỉ một thời gian, nhưng gần đây có chiều
hướng gia lăng, biến tướng phức tạp.
Một phần nguyên nhân là do sự suy thoái, yếu kém về đạo
đức; sự buông lỏng quản lý, giáo dục của cơ
quan chủ quản, cơ quan báo chí; lãnh đạo
cơ quan báo chí thiếu kiểm soát để một bộ phận phóng viên, cộng tác
viên không thực chất hoạt động nghiệp vụ, lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi. Bên cạnh đó, không loại trừ nguyên nhân là khả năng một số lãnh đạo cơ
quan báo chí tạo sức ép về làm kinh tế, thậm chí là giao, khoán chỉ tiêu doanh thu, quảng cáo cho văn phòng đại diện, nhà
báo, phóng viên, cộng tác viên; từ đó làm ngơ, dung túng để những việc làm nhũng nhiễu
nêu trên diễn ra.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường
kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp
luật về báo chí theo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ
quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, trong đó tập trung về các hành vi
cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích; hành vi người đứng đầu cơ quan
báo chí cử hoặc giao quyền cho cấp dưới
cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích; hành vi nhà báo hoạt động
báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép của
cơ quan đang công tác. Đối với những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm hình sự, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ
chuyển, phối hợp các cơ quan chức
năng xem xét, xử lý.
Nhằm góp
phần chấn chỉnh, hạn chế triệt để tình trạng nhức nhối nêu trên, cần có sự vào cuộc quyết
liệt, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm liên quan. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị:
1. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương:
- Thực hiện và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cơ
sở trực thuộc phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin đối với
những yêu cầu cung cấp thông tin đúng
quy định, đúng tôn chỉ, mục đích, bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan
báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật; kiên quyết không thực hiện hợp đồng truyền thông, quảng cáo khi có dấu hiệu lợi dụng danh
nghĩa báo chí để sách nhiễu, trục lợi.
- Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong trường hợp
phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, lưu lại bằng chứng, kịp thời báo cho cơ quan
chức năng của địa phương (cơ quan công an, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội
Nhà báo cấp tỉnh...) xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, thông báo kết quả xử lý để Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp
với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà
báo Việt Nam có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí.
- Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo
chí tại địa phương; thực hiện trách nhiệm quản lý, kiểm tra hoạt động của Văn
phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn theo quy định; chủ động
phát huy thẩm quyền được pháp luật giao, nhất là
tại Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm,
kể cả đối với hoạt động của cơ quan báo chí của Trung ương.
2. Đối với
cơ quan chủ quản báo chí:
- Chú trọng công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí. Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng, của người đứng đầu
cơ quan chủ quản đối với hoạt động của
cơ quan báo chí trực thuộc.
- Quan tâm sâu sát hơn nữa đối với hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc. Chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện
đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép. Thường
xuyên kiểm tra, giám sát; kiểm điểm, xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng
đầu cơ quan báo chí nếu cơ quan báo chí bị
xử lý vi phạm hoặc để nhà báo, phóng viên, cộng tác viên vi phạm quy định pháp luật.
- Tập trung đầu tư, bảo đảm kinh phí thường xuyên và các điều kiện cần thiết cho hoạt động của
cơ quan báo chí trực thuộc. Hàng năm, bố trí ngân sách, nguồn lực để đặt hàng hoặc hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ chính trị,
thông tin, tuyên truyền.
- Không áp đặt nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan báo chí trực thuộc trái quy định
pháp luật.
- Chỉ đạo cơ quan báo chí trực thuộc xây dựng để thông qua kế hoạch hoạt động theo
năm; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra
tình hình thực hiện.
3. Đối với người đứng đầu cơ quan báo chí:
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương
thông tin và công tác quản lý nhà báo, phóng viên, cộng tác viên. Chỉ đạo cơ
quan báo chí tổ chức thực hiện
đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép.
- Khi yêu cầu cung cấp thông tin hoặc cấp giấy giới
thiệu, nội dung phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; giấy giới thiệu phải ghi rõ làm việc với cơ quan, tổ chức
nào, nội dung gì, thời gian cụ thể. Không cấp
giấy giới thiệu cho người không phải phóng viên cơ quan báo chí; không cấp giấy giới thiệu cho cộng
tác viên nhưng ghi chức danh là phóng viên.
- Đối với
Trưởng văn phòng đại diện, phóng viên thường
trú tại địa phương, do ở xa tòa soạn, cần tuyển chọn kỹ lưỡng những nhân sự có phẩm chất tốt
về chính trị, đạo đức và theo dõi, giám sát hoạt động một cách thường
xuyên, chặt chẽ.
4. Đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam:
- Nâng cao vai trò giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo.
- Chỉ đạo các Hội Nhà báo cấp tỉnh, các liên chi hội, chi hội nhà
báo đẩy mạnh theo dõi, giám sát, kiểm tra và kết luận rõ ràng đối với người làm báo vi phạm Quy định
đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người
làm báo Việt Nam để làm cơ sở xử lý tiếp theo.
Mọi vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề nghị
liên hệ, phản ánh về Cục Báo chí (Địa chỉ: Số 7 Yết Kiêu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Số điện thoại Đường dây nóng: 0865.28.28.28) để trao đổi, hướng dẫn.
Trân trọng./.
Nơi nhận:
- Như
trên;
- Ban Tuyên giáo Trung ương (để b/c);
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (để b/c);
- Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn;
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Lưu: VT,
CBC, BTT (300).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Anh Tuấn
|