BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1398/QĐ-BCT
|
Hà Nội, ngày 20
tháng 5 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH KẾ HOẠCH CAO ĐIỂM GIÁM SÁT, KIỂM TRA, XỬ LÝ CÁC HÀNH VI BUÔN LẬU, GIAN LẬN
THƯƠNG MẠI, HÀNG GIẢ VÀ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 40/2025/NĐ-CP ngày 26 tháng
02 năm 2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15 tháng 5
năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy
lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu
trí tuệ;
Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm
2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Cục Quản lý và Phát triển thị
trường trong nước.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Kế hoạch cao điểm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu,
gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình
mới.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ,
Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Cục trưởng Cục
Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTTgCP Bùi Thanh Sơn (để b/c);
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- VPTT Ban Chỉ đạo 389 quốc gia;
- UBND các tỉnh, thành phố (iMOIT);
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố (iMOIT);
- KHTC, PC, VP, TTTN, TMĐT, XNK;
- Lưu: VT, TTTN(ChinhIt).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Sinh Nhật Tân
|
KẾ HOẠCH
CAO
ĐIỂM GIÁM SÁT, KIỂM TRA, XỬ LÝ CÁC HÀNH VI BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI, HÀNG
GIẢ VÀ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1398/QĐ-BCT ngày 20/5/2025 của Bộ trưởng Bộ
Công Thương)
Nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số
13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống
buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới (Chỉ thị số
13/CT-TTg); Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh
ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm
quyền sở hữu trí tuệ (Công điện số 65/CĐ-TTg), Bộ Công Thương ban hành Kế
hoạch Cao điểm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương
mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới (sau
đây gọi là Kế hoạch) với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tổ chức triển khai hiệu quả, kịp thời chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg , Công điện số 65/CĐ-TTg ; tập trung
đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận
thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) để bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức
khỏe cho Nhân dân, góp phần phục vụ đất nước phát triển nhanh, bền vững.
- Kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi
vi phạm pháp luật theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; tập trung kiểm
tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong buôn lậu, gian lận thương
mại, hàng giả và xâm phạm quyền SHTT.
- Tạo chuyển biến đột phá trong công tác chống buôn
lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT gắn với quá trình sắp xếp
đơn vị hành chính các cấp; nâng cao năng lực quản lý, phân định trách nhiệm, chức
năng, nhiệm vụ, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống
trong quản lý nhà nước.
- Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy
phạm pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc để thực hiện được mục tiêu ngăn chặn,
đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình hạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả,
xâm phạm quyền SHTT.
2. Yêu cầu
- Bám sát tinh thần, nội dung Chỉ thị số 13/CT-TTg ,
Công điện số 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo thực hiện đúng trọng
tâm, trọng điểm, thực chất, không hình thức.
- Nắm vững diễn biến tình hình thị trường, công tác
quản lý địa bàn, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương,
thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất,
buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt
là các địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng
Yên, Thanh Hóa, Phú Yên, Đà Nẵng, Huế, Hồ Chí Minh, Long An, An Giang, Tây
Ninh, Cần Thơ... từ đó chỉ ra nguyên nhân vi phạm, các sơ hở, bất cập trong quy
định mà các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật để kiến nghị các giải pháp khắc
phục với cơ quan có thẩm quyền.
- Tập trung kiểm tra trên môi trường thương mại điện
tử (TMĐT), xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất,
kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, nhất là các sản phẩm
sữa, thuốc tân dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe...
- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức
năng có liên quan, đảm bảo thông tin thông suốt, xử lý kịp thời các tình huống
phát sinh trên thị trường.
- Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính
trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện,
báo cáo kết quả theo đúng thời hạn quy định, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của
người đứng đầu các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch.
- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý
thức tự giác chấp hành của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người
tiêu dùng.
II. NHIỆM VỤ CHUNG
1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số
13/CT-TTg , Công điện số 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo
của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận
thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT.
2. Bám sát diễn biến của thị trường, tăng cường thu
thập, phân tích thông tin về diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa, đặc biệt là
các mặt hàng thiết yếu, dễ bị lợi dụng để đầu cơ, buôn lậu như các sản phẩm sữa,
thuốc tân dược, dược liệu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc
lá, phân bón, thực phẩm chế biến, thực phẩm từ động vật... Chủ động phát hiện
những biến động bất thường, những vấn đề nổi cộm của thị trường, từ đó có
phương án kiểm tra, kiểm soát kịp thời.
3. Tập trung giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường
và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các mặt hàng thiết yếu phục
vụ đời sống nhân dân, nhất là các sản phẩm sữa, thuốc tân dược, dược liệu, mỹ
phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm chế biến, thực phẩm từ động thực vật...
trên các kênh buôn bán nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, nhất là các sàn TMĐT và
các trang mạng xã hội, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn
gốc, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền SHTT.
4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa
trong quản lý, xây dựng hệ thống thu thập, chia sẻ dữ liệu, thông tin thị trường
dùng chung trong toàn ngành Công Thương và kết nối với các cơ quan chức năng
khác nhằm kịp thời nắm bắt, dự báo nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, đặc
biệt là trong lĩnh vực TMĐT.
5. Sử dụng đa dạng kênh truyền thông bao gồm báo
chí, truyền hình, mạng xã hội, ứng dụng di động để tiếp cận rộng rãi hơn, qua
đó tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết đối với các
tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh về tác hại của buôn lậu, hàng giả, hàng kém
chất lượng, nhất là đối với các đối tượng kinh doanh trên nền tảng TMĐT.
6. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai
hoạt động công vụ của công chức do cấp mình quản lý để kịp thời đôn đốc, chấn
chỉnh hoàn thành nhiệm vụ được phân công, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định;
kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân bao che, tiếp tay cho các hành vi vi
phạm pháp luật; đồng thời, động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân
có thành tích xuất sắc trong công tác.
III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố
- Sớm kiện toàn bộ máy tổ chức, hoạt động của lực
lượng quản lý thị trường (QLTT) tại các địa phương.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối
hợp tổ chức kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất theo khu vực và lĩnh vực trọng
điểm; thường xuyên rà soát, kiểm tra trên khâu lưu thông, nhất là hàng hóa vận
chuyển từ biên giới, cảng hàng không quốc tế vào nội địa; các điểm kinh doanh;
các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị,
chợ đầu mối, cơ sở sản xuất, làng nghề, chú trọng kiểm tra, xử lý các hành vi
vi phạm trong TMĐT.
- Tăng cường phối hợp các cơ quan có liên quan kiểm
tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm, các mặt hàng, ngành nghề kinh doanh có điều
kiện, hạn chế kinh doanh, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, nhất
là các sản phẩm sữa, thuốc tân dược, dược liệu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,
thực phẩm chế biến, thực phẩm từ động thực vật; xử lý nghiêm các hành vi kinh
doanh thực phẩm giả, độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
2. Cục Quản lý và Phát triển thị
trường trong nước
- Chủ trì triển khai Kế hoạch và các Công điện của
Chính phủ, Bộ Công thương đã ban hành có liên quan, Kế hoạch triển khai Đề án về
chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
(Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ); tập trung
cao độ vào công tác kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất theo thẩm quyền và xử
lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu,
sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc
xuất xứ, đặc biệt trong TMĐT.
- Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương chỉ đạo
lực lượng QLTT bám sát địa bàn, diễn biến của thị trường, tăng cường thu thập,
phân tích thông tin về diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa, chú trọng các mặt
hàng thiết yếu, dễ bị lợi dụng để đầu cơ, buôn lậu như các sản phẩm sữa, thuốc
tân dược, dược liệu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá,
phân bón, thực phẩm chế biến, thực phẩm từ động thực vật... Chủ động phát hiện
những biến động bất thường, những vấn đề nổi cộm của thị trường, từ đó có
phương án kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
- Thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành Công
Thương, chịu trách nhiệm kiểm tra từ khâu cấp phép, sản xuất, kinh doanh, lưu
thông hàng hóa thuộc các lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý.
- Thành lập các đoàn công tác làm việc với một số Sở
Công Thương để kịp thời đôn đốc, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá
trình tổ chức triển khai Kế hoạch; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp
thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Xây dựng cơ chế phối hợp
với các Sở Công Thương để chỉ đạo các Chi cục QLTT và các cơ quan có liên quan
trong xử lý các vụ việc vi phạm.
- Đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa làm cơ
sở cho việc định hướng chiến lược hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, chống buôn lậu,
hàng giả; đồng thời, xây dựng hệ thống thu thập, chia sẻ dữ liệu, thông tin thị
trường dùng chung trong toàn ngành Công Thương.
- Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định
sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền kiểm tra, xử phạt của các chủ
thể thuộc lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng theo hướng phân định rõ
trách nhiệm, địa bàn, lĩnh vực, không chồng chéo, không bỏ sót, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ trong tháng 7 năm 2025, cụ thể:
+ Người đứng đầu lực lượng QLTT ở từng cấp chịu
trách nhiệm chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc chấp
hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại
trên thị trường;
+ Các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thuộc
các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra từ cấp phép, sản xuất, kinh
doanh, lưu thông hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý (đặc biệt lưu ý các mặt hàng
thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, sữa, mỹ phẩm thuộc ngành Y tế; gia súc,
gia cầm, động vật, sản phẩm động vật thuộc ngành Nông nghiệp);
+ Quy định cụ thể nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp
xã/ phường trong việc phối hợp với các Sở/ ngành, đơn vị quản lý, kiểm tra,
giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo tổng kết thực
hiện Kế hoạch.
3. Cục Thương mại điện tử và
Kinh tế số
Khẩn trương trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật
TMĐT và tham mưu Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm
2025.
4. Cục Xuất nhập khẩu
Phối hợp cung cấp thông tin về việc cấp Giấy chứng
nhận xuất xứ hàng hóa cho Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước để phục
vụ công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt
các trường hợp có dấu hiệu gian lận nguồn gốc xuất xứ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian triển khai: từ ngày ban hành Kế hoạch
đến hết ngày 20/6/2025.
2. Chế độ báo cáo: Các đơn vị được phân công nhiệm
vụ có trách nhiệm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch hoặc đột xuất
khi có yêu cầu, gửi Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước để tổng hợp,
báo cáo Bộ trưởng.
3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Giám
đốc Sở Công Thương tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động
xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các
nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch này; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả thực
hiện.
4. Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước
chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình
hình, kết quả thực hiện Kế hoạch; tham mưu xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc
phát sinh trong quá trình triển khai./.