BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 216/TCT-PC
V/v xử phạt hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 01 năm 2025
|
Kính gửi:
|
- Cục Thuế tỉnh Ninh Bình;
- Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa;
- Cục Thuế thành phố Huế;
- Cục Thuế thành phố Cần Thơ;
- Cục Thuế Thành phố Hà Nội;
- Cục Thuế tỉnh Bình Dương;
- Cục Thuế tỉnh Hưng Yên;
- Cục Thuế tỉnh Yên Bái.
|
Tổng cục Thuế nhận được các Công văn số
2787/CTNBI-TTKT3 ngày 14/6/2023 của Cục Thuế tỉnh Ninh Bình, Công văn số
5081/CTKHH-NVDTPC ngày 13/7/2023 của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa. Công văn số
1059/CTTTH-TTK1 ngày 10/7/2023 của Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế, Công văn số
5047/CTYBA-TTKT ngày 23/10/2023 của Cục Thuế thành phố Cần Thơ, Công văn số
3172/CTYBA-TTKT ngày 25/10/2023 của Cục Thuế tỉnh Yên Bái, Công văn số
84350/CTHN-TTKT2 ngày 30/11/2023 của Cục Thuế Thành phố Hà Nội, Công văn số
2683/CTBDU-TTKT4 ngày 3/7/2024 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương và Công văn số
2965/CTHYE-TTKT3 ngày 16/7/2024 của Cục Thuế tỉnh Hưng Yên vướng mắc về việc xử
phạt phạm vi hành chính lĩnh vực thuế, hóa đơn. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có
ý kiến như sau:
- Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi,
bổ sung năm 2020) quy định:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
6. Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá
nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện
hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử
lý.”
“Điều 4. Thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm
hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
1. Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định
các nội dung sau đây:
a) Hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm
hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức
xử phạt, mức xử phạt biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi
vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền
cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành
chính; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc
phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước;”
“Điều 10. Tình tiết tăng nặng
1. Những tình tiết sau đây là tình tiết tăng nặng;
b) Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm;
l) Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc
trị giá hàng hóa lớn;”
“Điều 23. Phạt tiền
2. Chính phủ quy định khung tiền phạt hoặc mức
tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể theo một trong các phương
thức sau đây, nhưng khung tiền phạt cao nhất không vượt quá mức tiền phạt tối
đa quy định tại Điều 24 của Luật này”
“Điều 24. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực
1. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản
lý nhà nước đối với cá nhân được quy định như sau:
c) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng: phòng cháy, chữa
cháy; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; bổ trợ tư pháp; y tế dự
phòng; phòng, chống HIV/AIDS; giáo dục; văn hóa; thể thao; du lịch; quản lý
khoa học, công nghệ; chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo trợ, cứu
trợ xã hội; phòng chống thiên tai; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; quản lý và bảo
tồn nguồn gen; sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng; thú y; kế toán;
kiểm toán độc lập; phí, lệ phí; quản lý tài sản công; hóa đơn; dự trữ quốc
gia; điện lực; hóa chất; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ; đăng ký kinh doanh;
đ) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng: đê điều; khám
bệnh, chữa bệnh; mỹ phẩm; dược, trang thiết bị y tế; chăn nuôi; phân bón; quảng
cáo; đặt cược và trò chơi có thưởng; quản lý và bảo vệ công trình giao thông;
công nghệ thông tin; viễn thông; tần số vô tuyến điện; an ninh mạng; an toàn
thông tin mạng; xuất bản; in; thương mại; hải quan, thủ tục thuế; kinh
doanh xổ số; kinh doanh bảo hiểm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý
vật liệu nổ; điện lực;”
“Điều 52. Nguyên tắc xác định và phân định thẩm
quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những
người được quy định tại các điều từ 38 đến 51 của Luật này là thẩm quyền áp
dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp
phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và
được xác định theo tỉ lệ phần trăm quy định tại Luật này đối với chức danh đó...
2. Thẩm quyền phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều
này được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với
từng hành vi vi phạm cụ thể.”
“Điều 67. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành
chính
1. Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều
hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 01 quyết
định xử phạt, trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành
vi vi phạm hành chính.”
- Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 5/12/2020
của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định:
“Điều 5. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về
thuế, hóa đơn
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi
vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ các trường hợp
sau:...”
“Điều 6. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng
trong lĩnh vực thuế, hóa đơn
1. Tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ theo
quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Vi phạm hành chính với số tiền thuế (số tiền
thuế thiếu, số tiền thuế trốn hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn)
từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa, dịch vụ từ 500.000.000 đồng
trở lên được xác định là vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn theo quy định
tại điểm l khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vi
phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về
hóa đơn có quy mô lớn theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 10
Luật Xử lý vi phạm hành chính.”
“Điều 35. Nguyên tắc xác định và phân định thẩm
quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm về thủ tục thuế,
vi phạm hành chính về hóa đơn của những người được quy định tại Điều
32, 33, 34 Nghị định này áp dụng đối với một hành vi vi phạm của tổ chức.
Trường hợp phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm thủ tục thuế, vi phạm
hành chính về hóa đơn và hành vi tại Điều 19 Nghị định này
thì thẩm quyền xử phạt cá nhân bằng 1/2 thẩm quyền xử phạt tổ chức...”
1. Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định mức tiền
phạt của một hành vi vi phạm hành chính cụ thể do Chính phủ quy định nhưng
khung tiền phạt cao nhất không vượt quá mức tiền phạt tối đa theo từng lĩnh vực
quản lý nhà nước quy định tại Điều 24 Luật này. Đối với việc
xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày
19/10/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày
16/11/2021) đã quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính và khung tiền
phạt tương ứng với từng hành vi vi phạm. Trường hợp người nộp thuế bị xử phạt
nhiều hành vi vi phạm hành chính về thủ tục thuế, hóa đơn trong cùng một lần xử
phạt thì chỉ ban hành một quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt
đối với từng hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức đó. Theo Khoản
2 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền phạt tiền được xác định
căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm
cụ thể. Số tiền phạt tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính là tổng mức tiền
phạt cụ thể của từng hành vi vi phạm và không bị giới hạn bởi mức tiền phạt tối
đa quy định tại điểm c, điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm
hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) nêu trên.
2. Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định tình tiết
tăng nặng “vi phạm hành chính có quy mô lớn” được xem xét áp dụng khi xử phạt đối
với một hành vi vi phạm có số lượng hoặc giá trị lớn. Quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã cụ thể hóa khái
niệm “quy mô lớn” đối với hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn là vi phạm hành
chính từ 10 số hóa đơn trở lên.
Theo đó, đối với trường hợp trong cùng một lần xử
phạt vi phạm hành chính, người nộp thuế thực hiện hành vi vi phạm hành chính
nhiều lần về hóa đơn và theo quy định bị xử phạt về từng hành vi vi phạm thì
không bị áp dụng tình tiết tăng nặng “ vi phạm hành chính có quy mô lớn”. Trường
hợp người nộp thuế thực hiện một hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn (với số
lượng hóa đơn vi phạm là từ 10 số hóa đơn trở lên) thì bị xử phạt đối với một
hành vi vi phạm và bị áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính có quy mô
lớn”.
3. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa
đổi, bổ sung năm 2020), quy định “vi phạm hành chính nhiều lần” là một tình tiết
tăng nặng và được xem xét áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện
hành vi hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này
nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý. Khoản 1 Điều 6
Nghị số 125/2020/NĐ-CP quy định tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ áp
dụng theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, trường hợp
người nộp thuế thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính giống nhau và bị xử
phạt về từng hành vi vi phạm thì từ hành vi thứ hai trở đi được xác định là trường
hợp vi phạm hành chính có tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần”
theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm
hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Tổng cục Thuế trả lời để các Cục Thuế được biết và
thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCT Mai Sơn (để b/c);
- Cục CST, PC, Thanh tra (BTC);
- Cục TTKTT, Cục KTNB, Vụ KK, Cục Thuế DNL, Vụ DNNCN;
- Lưu: VT, PC(2b).
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Lê Văn Hải
|