ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2767/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long, ngày
31 tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN QUAN HỆ LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Chỉ thị số 37-CT/TW
ngày 03/6/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo
xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định số
416/QĐ-TTg ngày 25/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai
thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về
tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến
bộ trong tình hình mới;
Căn cứ Kế hoạch số 219-KH/TU
ngày 21/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số
37-CT/TW, ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây
dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 176/TTr-SLĐTBXH ngày
14/8/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Đề án Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Long đến năm 2030.
Điều 2. Giao
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn
thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị,
cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án được phê duyệt tại Điều
1 của Quyết định này.
Điều 3. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ LĐTBXH;
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, PCT phụ trách VX;
- PVP phụ trách VX;
- Phòng VHXH;
- Báo, Đài PTTH Vĩnh Long;
- Lưu VT, 3.21.02.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Quyên Thanh
|
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN QUAN HỆ LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG ĐẾN
NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 2767/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 của UBND tỉnh Vĩnh
Long)
Phần 1
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ
XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. ĐẶC ĐIỀM
TÌNH HÌNH
Tỉnh Vĩnh Long nằm ở trung tâm
vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiên 1.525,73 km2, gồm
08 đơn vị hành chính: thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và các huyện: Long
Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm và Bình Tân. Tỉnh có hệ thống sông rạch
dày, thuận tiện cho việc canh tác nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt, đặc biệt
nằm trong vùng tứ giác phát triển cây ăn trái lớn của Đồng bằng sông Cửu Long;
có tiềm năng phát triển cây lúa, màu, cây ăn quả lớn, phục vụ cho nhu cầu trong
nước và xuất khẩu; có tiềm năng lớn về phát triển du lịch (du lịch sinh thái,
du lịch lịch sử văn hóa, hội nghị, hội thảo, thương mại,...); có truyền thống
và tiềm năng về đào tạo với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học
chuyên nghiệp, dạy nghề, cơ sở vật chất và kỹ thuật tốt. Lực lượng lao động dồi
dào và có trình độ, kinh tế đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp, ứng dụng
công nghệ cao cùng với sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp trên địa
bàn tỉnh.
Tỉnh Vĩnh Long có dân số
1.029.630 người, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 590.347 người; lao động
từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế là 576.314 người, tỷ lệ
thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 2,85%, trong đó tỷ lệ thất
nghiệp khu vực thành thị là 3,79%. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, thủy
sản là 42% và lao động phi nông nghiệp là 58%.
II. KẾT QUẢ
THỰC HIỆN XÂY DỰNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG
1. Củng cố,
kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, bố trí biên chế
Về thực hiện Nghị quyết số
18-NQ/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, bố
trí biên chế chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý tổ chức đại diện người lao
động và quản lý, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động tại cơ quan quản lý nhà nước
về lao động ở địa phương theo quy định: Các cơ quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh,
huyện trong công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh thực
hiện tốt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn,
hoạt động hiệu lực, hiệu quả, qua đó đã bố trí biên chế chuyên trách thực hiện
nhiệm vụ quản lý tổ chức đại diện người lao động và quản lý, hỗ trợ phát triển
quan hệ lao động tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương theo quy
định. Cụ thể: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: 02 công chức; Phòng Lao động
- Thương binh và Xã hội 08 huyện, thị xã, thành phố: mỗi đơn vị 01 công chức;
Ban quản lý các khu công nghiệp phân công 02 công chức và Liên đoàn Lao động tỉnh:
01 công chức.
2. Công
tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động
Để tạo điều kiện thuận lợi cho
các doanh nghiệp và người lao động trong việc cập nhật các thông tin liên quan
đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Từ năm
2019 đến nay, các ngành đã phối hợp tổ chức hơn 141 cuộc tuyên truyền, phổ biến
chính sách pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, công đoàn cho người
lao động và người sử dụng lao động, nhất là doanh nghiệp dân doanh và doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 14.282 lượt người tham gia.
Bên cạnh đó, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, Ban Quản lý các
khu công nghiệp tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Phòng Lao động - Thương binh và
Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền các quy định mới của Bộ
luật Lao động năm 2019, Luật Công đoàn, các chính sách về bảo hiểm tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp trên Báo Vĩnh Long (30 bài, tin, ảnh) trên Đài Phát
thanh Truyền hình Vĩnh Long và Đài truyền thanh 08 huyện, thị xã thành phố. Đồng
thời phát hành 10.300 sổ tay, 90.000 tờ rơi tuyên truyền các quy định về an
toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người
lao động tại các doanh nghiệp… Tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Tháng hành
động An toàn vệ sinh lao động như treo băng rôn với các khẩu hiệu về an toàn vệ
sinh lao động trên các trục đường chính của thành phố Vĩnh Long; thuê xe loa cổ
động tuyên truyền trên một số tuyến đường nội ô thành phố Vĩnh Long, khu công
nghiệp Hòa Phú, tuyến công nghiệp Cổ Chiên.
3. Công
tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về lao động, công đoàn
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến
06 tháng đầu năm 2024: Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức
12 cuộc thanh, kiểm tra về việc chấp hành quy định pháp luật về lao động, an
toàn vệ sinh lao động, BHXH, BHYT, BHTNLĐ- BNN đối với 66 đơn vị doanh nghiệp
trên địa bàn tỉnh. Qua công tác thanh, kiểm tra đã có 236 kiến nghị yêu cầu các
doanh nghiệp khắc phục tồn tại, hạn chế và phạt vi phạm hành chính đối với 17
doanh nghiệp với số tiền: 473.358.226 đồng. Chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát
điều tra Công an huyện Tam Bình đối với 01 doanh nghiệp; chuyển hồ sơ sang cơ
quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đối với 01 doanh nghiệp với hành
vi vi phạm trốn đóng BHXH, BHYT, BHTNLĐ-BNN cho người lao động.
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội đã phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu
công nghiệp tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Phòng Lao động - Thương binh
và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát chính sách pháp luật
về lao động, tiền lương, bảo hiểm, công đoàn, an toàn vệ sinh lao động, chăm
sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại 127 doanh nghiệp.
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thực hiện đăng ký nội quy lao động,
thỏa ước lao động tập thể, chính sách cho người lao động, an toàn vệ sinh lao động,
phòng chống cháy nổ cho 91 lượt doanh nghiệp.
4. Kiện
toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế hòa giải, trọng tài lao động
Tình hình rà soát, sắp xếp, tuyển
chọn và bổ nhiệm hòa giải viên lao động: Hòa giải viên lao động được Ủy ban
nhân dân tỉnh bổ nhiệm năm 2016, theo Quyết định số 2914/QĐ-UBND, ngày
01/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bổ nhiệm hòa giải viên lao động, với
tổng số 28 người (kiêm nhiệm). Đến năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
đã tham mưu kiện toàn đội ngũ Hòa giải viên lao động của tỉnh, Ủy ban nhân dân
tỉnh ban hành Quyết định 2451/QĐ-UBND, ngày 30/10/2023 về bổ nhiệm hòa giải
viên lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, nhiệm kỳ là 05 năm kể từ ngày
01/11/2023, với tổng số 28 người (kiêm nhiệm).
Tình hình bổ nhiệm trọng tài
viên lao động và thành lập Hội đồng trọng tài lao động: năm 2015, Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành Quyết định số 1445/QĐ-UBND về việc thành lập hội đồng trọng
tài, với 05 thành viên (kiêm nhiệm). Đến năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội kiện toàn Hội đồng trọng tài lao động và bổ nhiệm trọng tài viên lao động
của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định 2455/QĐ-UBND về việc bổ nhiệm
trọng tài viên lao động và thành lập Hội đồng trọng tài lao động tỉnh Vĩnh
Long, nhiệm kỳ là 05 năm tính từ ngày 01/11/2023, gồm 15 người (kiêm nhiệm).
5. Thúc đẩy
cơ chế tham vấn ba bên ở địa phương tham gia hoạch định chính sách và giải quyết
các vấn đề quan hệ lao động trên địa bàn
Từ năm 2019 đến nay, trên địa
bàn tỉnh Vĩnh Long đã có 07 vụ tranh chấp lao động tập thể giữa người lao động
và người sử dụng lao động. Khi vụ việc xảy ra, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị có liên quan (Ban Quản lý
các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động) thực hiện tương tác của cơ quan nhà nước,
bên sử dụng lao động và bên lao động với tư cách là những đối tác bình đẳng và
độc lập để tìm kiếm giải pháp giải quyết tốt các vấn đề tranh chấp giữa người
lao động và người sử dụng lao động. Qua thực hiện, các vụ tranh chấp đã được giải
quyết.
6. Tình
hình quan hệ lao động ở địa phương, trong các khu công nghiệp có đông lao động,
nhiều doanh nghiệp
Quan hệ lao động trong các
doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và trong khu công nghiệp
thời gian qua tương đối ổn định, phát triển hài hòa. Phần lớn doanh nghiệp quan
tâm thực hiện đúng các quy định về chính sách pháp luật đối với người lao động,
tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một
số doanh nghiệp tuân thủ chưa nghiêm pháp luật về lao động, chưa đảm bảo hài
hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, đây là nguyên nhân
chính dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động xảy ra trong thời gian qua.
7. Theo
dõi, nắm bắt tình hình vận động, thành lập tổ chức đại diện người lao động tại
doanh nghiệp
- Tình hình thành lập của công
đoàn cơ sở: Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở là một trong những
nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tổ chức công đoàn, trong những năm qua các cấp
công đoàn trong tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên,
thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, trong tổ chức thực hiện đảm bảo quy
trình, thủ tục theo quy định. Từ năm 2019 đến nay, có 18 công đoàn cơ sở doanh
nghiệp được thành lập, với 14.037 đoàn viên công đoàn.
- Tình hình thành lập tổ chức của
người lao động: tỉnh Vĩnh Long chưa có tổ chức của người lao động tại doanh
nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
III. ĐÁNH
GIÁ CHUNG
1. Thuận lợi
Qua kết quả triển khai thực hiện
công tác xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình
mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy
Đảng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp về xây dựng quan hệ lao động hài
hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp
luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh
nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến người sử dụng lao động và người
lao động.
Các doanh nghiệp quan tâm thực
hiện đúng các quy định của pháp luật lao động như: ký kết hợp đồng lao động,
đăng ký nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang lương, bảng
lương, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, mở các lớp
huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người quản lý, người làm công
tác an toàn lao động, thực hiện đúng các chính sách quy định riêng đối với lao
động nữ.
Nội dung về quan hệ lao động tại
các doanh nghiệp được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 và một số luật
khác có liên quan, như: Luật Công đoàn; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Bảo hiểm
xã hội và các văn bản quy phạm về pháp luật lao động ... đã tạo hành lang pháp
lý để người sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ
trong quan hệ lao động, tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hòa và ổn
định, góp phần phát triển kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động.
Đồng thời, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước về lao động thực hiện tốt vai
trò và chức năng quản lý nhà nước, thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, thanh
tra việc thực hiện pháp luật lao động, là cơ sở để giải thích, giải quyết tranh
chấp lao động khi có phát sinh trong quan hệ lao động.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc
thực thi pháp luật lao động được duy trì thường xuyên. Qua đó, đã kịp thời
tuyên truyền, nhắc nhở và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của
pháp luật về lao động.
2. Hạn chế, khó khăn
Quan hệ lao động ở một số doanh
nghiệp chưa hài hòa do trong việc thực hiện chính sách tiền lương, tiền thưởng,
nghỉ phép năm,… cho người lao động dẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc.
Về phía người lao động, phần lớn
lao động phổ thông sự hiểu biết về chính sách pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật
lao động, tác phong công nghiệp còn hạn chế dẫn đến việc thực hiện chưa đúng
các quyền và nghĩa vụ khi tham gia quan hệ lao động và tranh chấp lao động.
Chất lượng của công đoàn cơ sở
tại một số doanh nghiệp còn thấp, còn phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Việc
thực hiện pháp luật lao động của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm; cơ chế đối thoại,
thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể còn hạn chế. Các giải quyết
tranh chấp lao động thông qua hòa giải, đàm phán chưa được doanh nghiệp quan
tâm đúng mức.
IV. THỰC
TRẠNG DOANH NGHIỆP VÀ LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.586
doanh nghiệp đang hoạt động, với 98.280 lao động (có 05 doanh nghiệp có vốn nhà
nước trên 50%, có 3.362 doanh nghiệp dân doanh, có 44 doanh nghiệp có vốn đầu
tư nước ngoài và 175 hợp tác xã).
- Trong các khu công nghiệp: có
45 doanh nghiệp, với 47.170 lao động.
- Ngoài khu công nghiệp: có
3.541 doanh nghiệp, với 51.110 lao động.
- Tổ chức công đoàn cơ sở: có
164 doanh nghiệp, với 59.921 đoàn viên công đoàn (trong đó: 05 doanh nghiệp có
vốn nhà nước trên 50%, 123 doanh nghiệp dân doanh, 28 doanh nghiệp có vốn đầu
tư nước ngoài và 08 hợp tác xã).
Vĩnh Long hiện có 02 khu công
nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích trên 385,79 ha: khu công nghiệp Hòa Phú
(giai đoạn 1 và 2) với diện tích 250 ha và khu công nghiệp Bình Minh với diện
tích 135,79 ha đã hình thành và đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy doanh nghiệp đạt
98%, 02 khu công nghiệp này đã thu hút 68 dự án đang triển khai thực hiện,
trong đó có 43 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm gần 63,24% tổng số dự án),
tổng số vốn FDI đăng ký đạt 1.007,42 triệu USD, đã triển khai thực hiện đạt
683,33 triệu USD.
V. DỰ BÁO
TÌNH HÌNH VÀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN
1. Dự báo tình hình
Một số xu hướng tác động đến sự
phát triển quan hệ lao động của tỉnh trong giai đoạn hiện nay như: yêu cầu về
tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hội
nhập quốc tế và cam kết thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế; sự phát triển
của khoa học công nghệ. Trong những năm tới, hoàn thiện thể thế và phát triển
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục là một trong những nhiệm
vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ
XIII xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục là mô
hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ và đề ra nhiệm vụ phải tiếp tục
hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều
này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về quan hệ lao động để đồng
bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, hội
nhập quốc tế sâu, rộng hơn sẽ tiếp tục là một xu hướng lớn tác động đến quan hệ
lao động nước ta nói chung, cũng như của tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Các cơ chế,
thiết chế về quan hệ lao động sẽ phải tiếp tục được hoàn thiện, vận hành hiệu
quả và phù hợp với cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới. Sự phát triển
của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã
tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Tiến
bộ khoa học công nghệ nhanh chóng và mạnh mẽ sẽ làm thay đổi bản chất của
thương mại, đầu tư và lao động toàn cầu; trực tiếp ảnh hưởng đến cơ hội việc
làm của người lao động, đòi hỏi phải có những cách ứng xử mới phù hợp về quan hệ
lao động.
2. Sự cần thiết ban hành Đề
án
Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW
ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan
hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh
và các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm triển khai các giải pháp nhằm xây dựng
quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, bước đầu đã đạt được một số kết
quả nhất định: Nhận thức của các cấp, các ngành và của người lao động, người sử
dụng lao động về quan hệ lao động từng bước được nâng lên; thúc đẩy phát triển
sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ
lao động; ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp tốt hơn, giảm thiểu
được số vụ vi phạm pháp luật lao động, góp phần đảm bảo quyền lợi công nhân,
người lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện việc thành lập công đoàn, ký thỏa
ước lao động tập thể, đăng ký thang bảng lương, nội quy lao động,... ngày càng
tăng.
Song song với những kết quả
tích cực đã đạt được trong thời gian qua, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp
vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã
hội, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; vai trò của
cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế, thiết chế hỗ trợ phát
triển quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định và vai trò đại diện, bảo vệ
quyền lợi người lao động của tổ chức công đoàn cơ sở trong quan hệ lao động còn
hạn chế; thực hiện quy định về đối thoại và quy chế dân chủ ở cơ sở chưa hiệu
quả, chưa thực chất; thỏa ước lao động tập thể tại một số doanh nghiệp chưa thực
sự là kết quả của quá trình thương lượng,… Nếu không có giải pháp khắc phục kịp
thời những tồn tại, hạn chế sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, an ninh chính
trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, đòi hỏi sự cần thiết phải ban
hành Đề án phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030
với những giải pháp mang tính đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan
chức năng nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ
trong tình hình mới; phát huy đúng và đủ vai trò của cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền trong quản lý, hỗ trợ quan hệ lao động, trung gian, hòa giải, trọng tài
và xử lý các cuộc đình công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về
lao động.
VI. CĂN CỨ
PHÁP LÝ VÀ CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Luật Công đoàn số 12/2012/QH13.
Bộ luật Lao động số
45/2019/QH14.
Luật Việc làm số 38/2013/QH13.
Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày
03/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây
dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới.
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP,
ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Quyết định số 416/QĐ-TTg, ngày
25/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị
số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh
đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình
hình mới.
Kế hoạch số 219-KH/TU, ngày
21/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW,
ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan
hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
Phần 2
MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ GIẢI
PHÁP PHÁT TRIỂN QUAN HỆ LAO ĐỘNG
I. MỤC
TIÊU
1. Mục tiêu chung
Đến năm 2030, xây dựng và vận hành
đồng bộ hệ thống quan hệ lao động của tỉnh phù hợp với cơ chế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích
chính đáng của các bên trong quan hệ lao động; củng cố và kiện toàn bộ máy,
biên chế, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước về
quan hệ lao động đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra trong tình hình
mới, đặc biệt là việc thành lập và quản lý các tổ chức đại diện người lao động
và các vấn đề hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
2. Mục tiêu cụ thể
Bảo đảm triển khai xây dựng, củng
cố và vận hành các thiết chế quan hệ lao động phù hợp với các quy định của Bộ
luật Lao động, Luật Công đoàn, các quy định của pháp luật liên quan và các tiêu
chuẩn, cam kết quốc tế gắn với quan hệ lao động.
Kịp thời kiện toàn, nâng cao hiệu
quả hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động tỉnh. Củng cố, kiện toàn đội ngũ
hòa giải viên lao động của 8/8 huyện, thành phố.
Ít nhất 75% doanh nghiệp có tổ
chức đại diện người lao động đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tổ chức
thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và gửi đến cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền.
Ít nhất 90% doanh nghiệp, tổ chức,
đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật phải thực
hiện thương lượng tập thể, ký kết được thỏa ước lao động tập thể.
Phấn đấu mỗi năm thành lập mới
ít nhất 8 công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước, phát triển mới ít nhất 3.000
đoàn viên công đoàn.
II. PHẠM
VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Phạm vi
- Không gian: Trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Long.
- Thời gian thực hiện: Đến năm
2030.
2. Đối tượng áp dụng
Người lao động, tổ chức đại diện
người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức đại diện của người sử dụng
lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được thành lập theo quy định của pháp luật.
Cơ quan quản lý Nhà nước về
quan hệ lao động cấp tỉnh, cấp huyện. Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng
tài lao động.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân
có liên quan đến việc thực hiện nội dung Đề án.
III. NỘI
DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường sự lãnh đạo,
chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ
Các sở, ban, ngành và UBND các
huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với và cấp ủy Đảng, tổ chức công
đoàn cùng cấp tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức, người lao động nội dung Chỉ thị số 37-CT/TW; nâng cao
nhận thức về vị trí, vai trò của việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định
và tiến bộ gắn với ổn định chính trị, xã hội, môi trường kinh doanh, thu hút đầu
tư, phát triển kinh tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động,
người sử dụng lao động trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; xác định
rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến
bộ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức
chính trị - xã hội. Trên cơ sở đó có các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai
các nhiệm vụ, giải pháp phát triển quan hệ lao động trong thời gian tới, đồng
thời bố trí nguồn lực phù hợp đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm
vụ, giải pháp đề ra.
2. Nâng cao hiệu lực, hiệu
quả quản lý Nhà nước về quan hệ lao động
Tăng cường, củng cố, kiện toàn
tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước về quan hệ lao động ở cấp
tỉnh, cấp huyện. Bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý tổ chức
đại diện người lao động và quản lý hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
Xây dựng chương trình, kế hoạch
và tổ chức triển khai có hiệu quả công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nghiệp
vụ đối với đội ngũ công chức, viên chức, người làm công tác nhân sự tại doanh
nghiệp, hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động để đáp ứng yêu cầu nhiệm
vụ quản lý Nhà nước, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, quản lý tổ chức đại diện
người lao động, thực hiện nhiệm vụ giải quyết tranh chấp lao động, đình công,
thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động phù hợp yêu cầu của Bộ luật Lao động và Chỉ
thị số 37-CT/TW.
Tăng cường công tác tuyên truyền,
phổ biến pháp luật lao động, công đoàn cho người lao động và người sử dụng lao
động, nhất là người lao động, người sử dụng lao động trong các khu công nghiệp,
tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận thông tin
chính thức, nâng cao ý thức giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; đổi mới nội
dung, hình thức tuyên truyền, chú trọng thông tin trên mạng xã hội để tạo sự
chuyển biến thực sự trong việc chấp hành pháp luật của các bên trong quan hệ
lao động.
Tăng cường quản lý, hỗ trợ tổ
chức của người lao động tại doanh nghiệp: Thiết lập đầu mối đăng ký thành lập tổ
chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp; Xây dựng quy trình nghiệp vụ
đăng ký, quản lý tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp; Hoàn thiện
cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành để xử lý thông tin thẩm định cấp đăng
ký đối với tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp.
Tăng cường công tác phối hợp
tham vấn ba bên về quan hệ lao động: chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý Nhà
nước và các tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động trong giải
quyết những vấn đề liên quan đến lao động, quan hệ lao động ở địa phương.
Đẩy mạnh các hoạt động thanh
tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm
thúc đẩy việc tuân thủ các quy định của pháp luật lao động trong doanh nghiệp;
đồng thời đổi mới nội dung và phương thức thanh tra, kiểm tra để nâng cao ý thức
tuân thủ pháp luật, giảm thiểu các tranh chấp, xung đột, tạo môi trường thuận lợi
cho xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
3. Nâng cao hiệu quả hoạt động
của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động
Xây dựng tổ chức công đoàn thực
sự là tổ chức đại diện người lao động, do người lao động và vì người lao động;
tăng cường trách nhiệm giải trình của tổ chức công đoàn cấp trên với công đoàn
cấp dưới, của tổ chức công đoàn cơ sở với người lao động; lấy sự hài lòng của
người lao động là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của công
đoàn.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
và phát triển đoàn viên, chú trọng thành lập công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà
nước, đa dạng hóa phương thức kết nạp người lao động, bảo đảm tính tự nguyện
khi gia nhập, hoạt động công đoàn.
Không ngừng nâng cao chất lượng,
hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc
của đoàn viên, người lao động trên cơ sở ưu tiên nguồn lực cho hoạt động thương
lượng tập thể, nhất là thương lượng về tiền lương, tăng cường thực hiện đối thoại,
tham vấn tại nơi làm việc, tích cực, chủ động sử dụng các cơ chế theo quy định
để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Triển khai có hiệu quả các biện
pháp hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên, cán bộ công đoàn và tổ chức chức công đoàn cơ sở
trong doanh nghiệp trước sự phân biệt đối xử, can thiệp, thao túng từ phía người
sử dụng lao động nhằm làm suy yếu vai trò của tổ chức công đoàn.
4. Thúc đẩy các hoạt động đối
thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước tập thể và giải quyết tranh chấp lao động
Hỗ trợ xây dựng và tăng cường
năng lực đối thoại, thương lượng cho các chủ thể quan hệ lao động, tập trung mạnh
vào nâng cao năng lực của các tổ chức đại diện người lao động trong đối thoại,
thương lượng tập thể. Đảm bảo các tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng
lao động có đủ năng lực để thực hiện việc đối thoại, thương lượng tập thể thực
chất theo những quy định mới của Bộ luật Lao động, tránh sự can thiệp hành
chính từ phía nhà nước và sự can thiệp thao túng từ phía người sử dụng lao động
đối với tổ chức đại diện người lao động.
Tăng cường ý thức chấp hành
pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm các tranh chấp
phát sinh đều phải được giải quyết nhanh chóng, kịp thời và theo đúng trình tự
thủ tục quy định của pháp luật, Nhà nước không can thiệp, làm thay vai trò của
các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động theo quy định.
5. Nâng cao năng lực và hiệu
quả các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động, đình công
Thường xuyên rà soát, kịp thời
sắp xếp, kiện toàn lại đội ngũ hòa giải viên, trọng tài viên lao động để có đủ
số lượng và chất lượng tham gia vào giải quyết các tranh chấp lao động và hỗ trợ
phát triển quan hệ lao động trong tình hình mới.
Từng bước nâng cao hiệu quả hoạt
động của thiết chế hòa giải viên lao động thông qua việc hỗ trợ, thúc đẩy hòa
giải viên lao động tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp lao động tập thể,
hỗ trợ giải quyết đình công không đúng theo quy định của pháp luật.
Từng bước đưa thiết chế Hội đồng
trọng tài lao động vận hành trong thực tiễn thông qua việc thúc đẩy giải quyết
các vụ việc tranh chấp lao động cá nhân thông qua Hội đồng trọng tài lao động;
hướng dẫn, hỗ trợ trọng tài viên lao động tham gia các hoạt động hỗ trợ phát
triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu các giải pháp giải
quyết các cuộc tranh chấp lao động tập thể, đình công từ can thiệp hành chính
trực tiếp của cơ quan quản lý Nhà nước sang giải quyết thông qua các cơ chế,
thiết chế quan hệ lao động (thương lượng, hòa giải, trọng tài...) theo luật định;
từng bước đưa các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công được tiến hành theo
đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm giải quyết hài hòa lợi ích các bên, giảm thiểu
các tranh chấp phát sinh.
Chủ động triển khai các biện
pháp bảo đảm an ninh, an toàn tại các cuộc tranh chấp lao động tập thể và đình
công, không để đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, gây rối an ninh trật
tự; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tranh chấp lao động, đình công để vi phạm
pháp luật.
6. Tiếp tục triển khai thực
hiện có hiệu quả các chính sách liên quan đến quan hệ lao động
Tiếp tục triển khai thực hiện
có hiệu quả các chính sách về đầu tư phát triển nhà ở xã hội, xây dựng các công
trình phúc lợi xã hội (trường học, nhà mẫu giáo, các thiết chế văn hóa), các
thiết chế công đoàn, các biện pháp cải thiện và nâng cao đời sống vật chất,
tinh thần cho người lao động,... để hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng quan hệ
lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Phần 3
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
- Kinh phí thực hiện Đề án này
được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của các sở, ngành, địa phương và
các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).
- Khuyến khích các doanh nghiệp,
tổ chức đại diện cho người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động,
các cá nhân tham gia hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện Đề án.
II. PHÂN
CÔNG NHIỆM VỤ
1. Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội
Là cơ quan thường trực, tham
mưu cho UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan,
các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; định
kỳ hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai kịp
thời các quy định của pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ
sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, trong đó tập trung vào những nội
dung vi phạm thường xảy ra tranh chấp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên
quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh
kiện toàn, bổ nhiệm lại hòa giải viên lao động; bổ nhiệm trọng tài viên lao động
và thành lập Hội đồng trọng tài. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của
pháp luật về đối thoại tại nơi làm việc, giải quyết tranh chấp lao động.
Hướng dẫn, đôn đốc các doanh
nghiệp tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật lao động.
Phát triển và hoàn thiện hệ thống
thông tin thị trường lao động để phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về quan
hệ lao động và hỗ trợ các bên trong quá trình đối thoại, thương lượng tập thể.
2. Đề nghị
Liên đoàn Lao động tỉnh
Chủ trì, phối hợp triển khai thực
hiện các giải pháp: nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong
phát triển quan hệ lao động; thúc đẩy hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết
thỏa ước tập thể trong doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hoạt động
chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
Chỉ đạo công đoàn cấp trên trực
tiếp cơ sở xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các giải pháp nhằm thành lập
mới công đoàn cơ sở, kết nạp mới đoàn viên công đoàn theo Đề án này. Phối hợp
chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện các
nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.
Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng
yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
3. Sở Kế
hoạch và Đầu tư
Tổ chức đối thoại giữa chính
quyền với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết kịp thời những khó
khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và các nhà đầu tư liên quan đến quan hệ lao động.
4. Sở Tài
chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố
trí kinh phí để triển khai thực hiện Đề án theo quy định hiện hành.
Hướng dẫn sử dụng kinh phí thực
hiện Đề án theo quy định hiện hành của Nhà nước và thực hiện thanh tra, kiểm
tra việc quản lý và sử dụng kinh phí.
5. Sở Nội
vụ
Hướng dẫn các cơ quan liên quan
rà soát, điều chỉnh vị trí việc làm, bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước
về quan hệ lao động sau khi có hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, đảm bảo thực
hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về quan hệ lao động.
6. Sở
Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn,
báo chí của tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác công tác tuyên
truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của
Nhà nước và của tỉnh về quan hệ lao động đến mọi tầng lớp nhân dân, người lao động,
người sử dụng lao động để tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.
7. Sở Xây
dựng
Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp
huyện và các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp phát triển nhà ở xã hội
cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ,
thể dục, thể thao nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động.
9. Công an
tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với các sở,
ban, ngành, địa phương có liên quan nắm tình hình hoạt động của các công ty,
doanh nghiệp, chủ động phát hiện và tham mưu giải quyết kịp thời, ổn định tình
hình an ninh trong công nhân, an ninh trong các khu, cụm, tuyến công nghiệp,
doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi
ích hợp pháp cho người lao động và người sử dụng lao động, không để đối tượng xấu
lợi dụng tình hình, kích động công nhân đình công, lãn công, biểu tình gây mất
an ninh trật tự tại địa phương; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tổ chức công
đoàn trong công ty, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình “công đoàn độc lập”,
“xã hội dân sự”, thành lập tổ chức đại diện người lao động tách rời sự quản lý
của Nhà nước.
10. Ban Quản
lý các Khu công nghiệp tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với các sở,
ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện
các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án trong các khu công nghiệp.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến
chính sách pháp luật lao động, trong đó tập trung vào những nội dung liên quan
trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động và
người lao động.
Chủ động nắm tình hình và kịp
thời giải quyết các vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động,
không để tranh chấp lao động kéo dài dài dẫn đến đình công.
Kiểm tra, giám sát việc chấp
hành pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động,
bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động; phối hợp
với Liên đoàn Lao động trong việc thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp,
nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
11. Bảo hiểm
xã hội tỉnh
Xây dựng các giải pháp nhằm khắc
phục tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội của các tổ chức,
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các tổ chức,
doanh nghiệp về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất
nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật chuyển cơ quan Công an để
xử lý.
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, hội đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại, phổ biến
các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là
quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người tham gia, đảm bảo cho người lao động
tiếp cận được đầy đủ thông tin của các chính sách này.
12. Đề nghị
Liên minh hợp tác xã, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh
Phối hợp với các sở, ban,
ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của
Đề án; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, đơn
vị thành viên trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, tham
gia có hiệu quả các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể để thúc đẩy quan
hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
13. Đề nghị
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể khác
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến
thực hiện chính sách, pháp luật về lao động và quan hệ lao động; Phối hợp quản
lý và hỗ trợ đoàn viên, hội viên khi tham gia thị trường lao động và quan hệ
lao động.
Tham gia giám sát, đánh giá, đề
xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
14. Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối
hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án; bố trí đầy đủ các
nguồn lực theo quy định để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Đề
án tại địa phương.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến
chính sách pháp luật lao động, trong đó tập trung vào những nội dung liên quan
trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động và
người lao động.
Chủ động nắm tình hình và kịp
thời giải quyết các vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động,
không để tranh chấp lao động kéo dài dài dẫn đến đình công.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị
chuyên môn, Công an huyện phối hợp với Liên đoàn Lao động cùng cấp giải quyết
đình công xảy ra tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
14. Các
cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh
Thực hiện nghiêm các quy định của
Bộ Luật Lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm
xã hội, các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan đến quan hệ lao động. Phổ biến
đầy đủ các quy định pháp luật về lao động đến người lao động của đơn vị, doanh
nghiệp để triển khai thực hiện.
Xây dựng và ban hành quy chế
dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để thực hiện các quy định về đối thoại tại nơi
làm việc, thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định tại Nghị định
số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao
động; phổ biến công khai quy chế dân chủ đến người lao động để giám sát việc
triển khai, tổ chức thực hiện.
Tạo mọi điều kiện và phối hợp với
tổ chức công đoàn nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để thành lập tổ chức công
đoàn cơ sở, nhằm tạo điều kiện để người lao động có thể tham gia đối thoại với
người sử dụng lao động theo quy định.
III. CHẾ ĐỘ
THÔNG TIN, BÁO CÁO
Định kỳ hàng năm trước ngày
30/11, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo nhiệm vụ
phân công của Đề án gửi báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng
hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện kịp thời thông tin về Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội những vững mắc trong thực hiện Đề án để tổng hợp, tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh giải quyết kịp thời./.