ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3476/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 31 tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CẤP HỆ THỐNG THỦY LỢI NỘI ĐỒNG PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG
NGHIỆP THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM
2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm
2023;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm
2018;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng
6 năm 2013; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai
và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6
năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông
dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01
năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7
năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi
khí hậu giai đoạn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01
năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực
sông Hương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050;
Căn cứ Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7
năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và
thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 145/QĐ-TTg
ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch, chính sách và giải
pháp thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030,
tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30 tháng
12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên
Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15
tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định
chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Căn cứ Thông tư số 05/2019/TT-BNNPTNT ngày 02
tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định
chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi;
Căn cứ Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 13 tháng
8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn một số nội dung xác định
và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 5204/QĐ-BNN-TCTL ngày 27
tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê
duyệt Quy hoạch Thủy lợi lưu vực sông Hương-Ô Lâu giai đoạn đến năm 2030, tầm
nhìn 2050;
Căn cứ Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 08
tháng 01 năm 2018 của UBND tỉnh về quy hoạch thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đến
năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;
Căn cứ Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 06 tháng 4
năm 2023 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số
19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII)
về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 1295/QĐ-UBND ngày 20 tháng
5 năm 2024 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ xây dựng đề án
Nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với
biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tại Tờ trình số 3169/TTr-SNNPTNT ngày 29 tháng 11 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án
“Nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với
biến đổi khí hậu” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045, với các nội dung chính như sau:
I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN
HỆ THỐNG THỦY LỢI NỘI ĐỒNG
1. Quan điểm phát triển
- Kế thừa và phát triển các Quy hoạch đã và đang được
thực hiện; phù hợp với Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu, Định hướng Chiến
lược phát triển thủy lợi Việt Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu.
- Nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước, chủ
động phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng các công trình thủy lợi nội đồng
(đê bao, trạm bơm, đập dâng, kênh mương và cống điều tiết nước tưới,
tiêu,..) để giải quyết những vấn đề tồn tại, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước
đa mục tiêu trong nông nghiệp; nâng cao năng lực quản lý, khai thác, bảo vệ và
đảm bảo an toàn, hiệu quả, hiệu suất các công trình thủy lợi nội đồng trên địa
bàn tỉnh phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, thích ứng với biến đổi khí hậu
góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới
ngày càng phát triển và giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra.
- Ưu tiên lồng ghép mọi nguồn lực hỗ trợ từ Trung
ương, địa phương và các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án đầu
tư công và vốn vay, vốn hỗ trợ của quốc tế như vốn ODA,.. để đầu tư xây dựng,
nâng cấp, sửa chữa hệ thống các công trình thủy lợi nội đồng phục vụ người dân
sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; nhất là các vùng chịu ảnh hưởng của
thiên tai, các vùng khan hiếm nước sản xuất, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt
khó khăn.
- Là cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương chủ
động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn
để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa phát triển hệ thống các công trình thủy
lợi nội đồng có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm theo các giai đoạn phát triển
kinh tế - xã hội tại địa phương từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
- Đảm bảo tăng khả năng tích trữ, điều hòa, phân phối
hợp lý, hiệu quả phục vụ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Phù hợp với điều
kiện kinh tế - xã hội tại địa phương.
2. Mục tiêu phát triển
- Từng bước nâng mức đảm bảo cấp nước cho sản xuất
nông nghiệp từ tần suất 85% hiện tại lên 100%. Những công trình xây mới tính với
mức cấp nước tưới đảm bảo trên 100%.
- Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030: Hệ thống thủy
lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh cần ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa
khoảng 101,2km đê bao nội đồng, 57 trạm bơm, 30 đập dâng, 15 cống điều tiết, đầu
tư nâng cấp 191,8km kênh mương; đầu tư nạo vét, chỉnh trang và gia cố khoảng
61,5km các tuyến hói, kênh tiêu thoát lũ nội đồng, tách nước ngoại lai,.. Đảm bảo
cấp nước tưới, tiêu chủ động cho hơn 61.000 ha/năm diện tích sản xuất nông nghiệp
và nuôi trồng thủy sản, với mức đảm bảo trên 95%.
- Định hướng trong giai đoạn 2030-2045: Tiếp tục đầu
tư phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh cần đầu tư xây dựng,
nâng cấp, sửa chữa khoảng 266,7km đê bao nội đồng, 503 trạm bơm, 92 đập dâng,
176 cống điều tiết, đầu tư nâng cấp 170km kênh mương; đầu tư nạo vét, chỉnh
trang và gia cố khoảng 73,8km các tuyến hói, kênh tiêu thoát lũ nội đồng, tách
nước ngoại lai, kết nối phòng chống ngập úng khu dân cư,... Đảm bảo cấp nước tưới,
tiêu ổn định với mức đảm bảo 100% cho phần diện tích sản xuất nông nghiệp và
nuôi trồng thủy sản theo yêu cầu phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi
khí khâu, có các loại hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị sinh
thái; phát triển hệ thống tưới hiện đại, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện năng.
II. NỘI DUNG ĐỀ ÁN
Việc xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm,
các giải pháp phù hợp để phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khai thác nguồn nước phải có sự liên kết đồng
bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng của các ngành, lĩnh vực khác, bảo đảm an ninh
nguồn nước, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu với giải pháp, lộ
trình thực hiện như sau:
1. Hệ thống thủy lợi nội đồng
thành phố Huế - Khu vực bờ Bắc sông Hương (Quận Phú Xuân)
- Giai đoạn 2025 đến 2030: Ưu tiên đầu xây dựng,
nâng cấp 03 cống (Cửa Khâu, An Vân, cống điều tiết về hướng Nam Thanh) để vận
hành điều tiết nước. Tháo dỡ 02 cống (cống chắn nước trên hói 5 xã, cống Nham Biểu)
không còn phù hợp nhu cầu sử dụng. Xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 13 trạm bơm tưới
tiêu đã hư hỏng (trạm bơm Hương Long, trạm bơm An Hoà,.) và khoảng 10km kênh
mương. Trọng điểm giai đoạn này địa phương cầu ưu tiên đầu tư kè gia cố, nạo
vét, chỉnh trang tuyến hói 5-7 xã với chiều dài khoảng 11,4km để khơi thông
dòng chảy, cung cấp nước tưới cho hơn 1.067 ha lúa 2 vụ, tiêu thoát nước nhanh
vào mùa mưa lũ, giảm thời gian ngập úng cho 1.418 ha vùng thấp trũng và đảm bảo
cảnh quan môi trường.
- Giai đoạn 2030 đến 2045: Giai đoạn này hệ thống
thủy lợi nội đồng của thành phố - Khu vực bờ Bắc sông Hương đã được đầu tư xây
dựng hoàn thiện, chỉ cần nâng cấp các công trình hiện có khi bị xuống cấp và
nâng cấp các công trình đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu gồm 32 trạm bơm,
khoảng 15km kênh mương tưới tiêu.
2. Hệ thống thủy lợi nội đồng
thành phố Huế - Khu vực bờ Nam sông Hương (Quận Thuận Hóa)
- Giai đoạn 2025 đến 2030: Ưu tiên xây dựng, nâng cấp,
sửa chữa 09 trạm bơm tưới tiêu đã hư hỏng, xuống cấp (Trạm bơm Lương Quán, trạm
bơm Thọ Xuân,...) và khoảng 10km kênh mương.
- Giai đoạn 2030 đến 2045: Cần nâng cấp, sửa chữa
các hư hỏng cục khoảng 15km đê bao ở Phú Thanh, Phú Mậu, Phú Dương, Thuận
Hòa,..; nâng cấp, sửa chữa 70 trạm bơm tưới tiêu (Trạm bơm Cây Tra Phú Mậu 1,
Trạm bơm Thanh Đàm,..) và khoảng 5km kênh mương.
3. Hệ thống thủy lợi nội đồng
khu vực Phong Điền
- Giai đoạn 2025 đến 2030: Ưu tiên đầu tư nâng cấp
14 trạm bơm, kiên cố hóa 16,8 km kênh mương, 12km đê nội đồng. Trọng điểm giai
đoạn này địa phương cần nâng cấp 14,9 km hói thoát lũ, tách nước ngoại lai ở
các xã vùng đầm phá và ven biển: Phong Bình, Phong Chương, Điền Môn,...nhằm đảm
bảo thoát lũ, chống úng, bảo vệ sản xuất và dân sinh.
- Giai đoạn 2030 đến 2045: Nâng cấp, sửa chữa khoảng
100km đê bao; 123 trạm bơm tưới tiêu; 35km kênh mương; và đầu tư nâng cấp 24km
các tuyến hói thoát lũ tách nước ngoại lai gồm 11 tuyến như tuyến hói Đình, tuyến
hói Khe Ông, tuyến hói Bến Chùa...
4. Hệ thống thủy lợi nội đồng
khu vực Phú Lộc - Nam Đông
a) Khu vực Phú Lộc:
- Giai đoạn 2025 đến 2030: Ưu tiên đầu tư xây dựng,
nâng cấp các tuyến đê bao nội đồng với chiều dài khoảng 39,2km (tuyến đê Lộc
Sơn, đê Đồng Phần, đê Hậu Thác,...); nạo vét, gia cố các trục tiêu, tuyến hói
chính với chiều dài khoảng 2km vừa đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh, vừa làm nhiệm vụ
cách ly ngăn mặn. Xây dựng, nâng cấp khoảng 09 đập nhỏ (đập Cây Xoài, đập Hói
Mít,..); nâng cấp 01 cống Truồi 2; 03 trạm bơm tiêu (trạm bơm Trè, trạm bơm A
Chuân, trạm bơm ông Huy) và khoảng 15km kênh mương.
- Giai đoạn 2030 đến 2045: Nâng cấp, sửa chữa khoảng
47km đê bao (đê sông Nông, đê Phù Nam,..); nâng cấp, sửa chữa 44 trạm bơm tưới
tiêu hiện có do nhà trạm hư hỏng, máy bơm giảm công suất... và khoảng 15km kênh
mương. Bên cạnh đó, cần đầu tư gia cố chống sạt lở, xuống cấp và ưu tiên đầu tư
nâng cấp nâng cao trình đỉnh các tuyến đê lên tầm 20cm so với hiện trạng để phù
hợp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
b) Khu vực Nam Đông:
- Giai đoạn 2025 đến 2030: Tập trung đầu tư nâng cấp
các đập dâng và các tuyến kênh dẫn nước đã bị hư hỏng, xuống cấp gồm 21 đập hiện
có (như đập Khe Xăm, đập Thanh Niên 1,..) và khoảng 10km kênh mương.
- Giai đoạn 2030 đến 2045: Nâng cấp khoảng 24 đập
hiện có (đập Khe Bó, đập A Mun,..) và khoảng 10km kênh mương.
5. Hệ thống thủy lợi nội đồng
khu vực huyện A Lưới
- Giai đoạn 2025 đến 2030: Đầu tư xây dựng hệ thống
cấp nước tưới cho khu tái định cư thủy điện A Lưới xã Hồng Thượng gồm: Xây dựng
trạm bơm, đường ống dẫn nhằm đáp ứng nhiệm vụ cấp nước tưới chủ động cho 16,4ha
đất sản xuất thuộc khu tái định cư thủy điện A Lưới tại xã Hồng Thượng. Kè gia
cố, nạo vét ở suối Lê Nin, sông Tà Rình với chiều dài khoảng 1,04km; Xây dựng,
nâng cấp các kênh tưới cới chiều dài khoảng 15km.
- Giai đoạn 2030 đến 2045: Nâng cấp, sửa chữa khoảng
62 đập dâng (đập A Roàng 1, A Roàng 2,..). Nâng cấp, sửa chữa 03 trạm bơm tưới
tiêu (trạm bơm Điền Sơn, trạm bơm Hồng Quảng, trạm bơm A Ngo). Xây dựng, nâng cấp
kênh tưới tiêu dài khoảng 15km.
6. Hệ thống thủy lợi nội đồng
khu vực thị xã Hương Thủy
- Giai đoạn 2025 đến 2030: Ưu tiên đầu tư xây dựng
nâng cấp 09 tuyến đê bao với chiều dài khoảng 8,9km (tuyến đê Đại Giang đoạn cầu
Phú Thứ đến cống quay Hà Bạc, Đê bao Tân Phù...) với giải pháp nâng cao đỉnh
đê, gia cố đê 3 mặt để bảo vệ đồng ruộng trước diễn biến của lũ tiểu mãn, mưa cực
đoan diễn biến ngày càng phức tạp. Đầu tư xây mới cống Hà Mí với nhiệm vụ điều
tiết nước ở cuối sông Phú Bài ra sông Đại Giang và kết nối giao thông trên tuyến
đê Đại Giang được thông suốt; xây dựng mới 02 trạm bơm tiêu (trạm bơm Bàu Tây,
trạm bơm Vụng Cây Chá), 02 trạm bơm tưới Đông Hộ và Đông Cầu ở thôn Hộ và thôn
Hạ, xã Dương Hòa; xây dựng, nâng cấp khoảng 27km kênh tưới tiêu.
- Giai đoạn 2030 đến 2045: Nâng cấp, sửa chữa khoảng
57 trạm bơm tưới tiêu (trạm bơm Dạ Lê, trạm bơm Bàu Trung,..). Xây dựng, nâng cấp
15km kênh tưới tiêu.
7. Hệ thống thủy lợi nội đồng
khu vực thị xã Hương Trà
- Giai đoạn 2025 đến 2030: Đầu tư kè gia cố, nạo
vét tuyến hói, nâng cấp đê với chiều dài khoảng 14,15km (Đê bao cầu trục xã
Hương Toàn, tuyến hói phường Hương Vân; nạo vét, chỉnh trang, kè gia cố tuyến
hói 5-7 xã). Xây mới 03 cống điều tiết (cống tiêu số 1 Hương Toàn, cống tiêu số
2 Hương Toàn, cống chợ Kệ); xây dựng mới 02 trạm bơm tưới tiêu (trạm bơm Bàu
Sen và trạm bơm Tiên Tiến); đầu tư nâng cấp khoảng 16km kênh tưới tiêu.
- Giai đoạn 2030 đến 2045: Nâng cấp, sửa chữa khoảng
26 trạm bơm tưới tiêu (trạm bơm Bàu Chùa, trạm bơm Giáp Ba,..), nâng cấp 06 đập
dâng (đập Hương Sơn, Bình Toàn,..), đầu tư nâng cấp 56 cống tưới tiêu (cống bản
Thanh Khê, cống Miêu xóm 3,...) và xây dựng, nâng cấp khoảng 15km kênh tưới
tiêu.
8. Hệ thống thủy lợi nội đồng
khu vực huyện Quảng Điền
- Giai đoạn 2025 đến 2030: Đầu tư 05 tuyến kè gia cố,
nạo vét hói với chiều dài khoảng 17,6km (tuyến Hói Chợ Nan, tuyến Hói Kim
Đôi,..). Nâng cấp mở rộng cống ông Đãi; xây dựng cống ngầm dưới tràn Thủ Lễ;
nâng cấp mở rộng cống Quán Hòa; xây dựng mới cầu Kim Đôi và nâng cấp, mở rộng cống
Phước Lý. Xây dựng mới 01 trạm bơm tiêu Đông Xuyên; xây dựng, nâng cấp khoảng
50km kênh mương tưới tiêu.
- Giai đoạn 2030 đến 2045: Nâng cấp, sửa chữa 19
tuyến đê bao dài khoảng 27,7km; nạo vét, chỉnh trang, kè gia cố các trục hói,
kênh tiêu thoát lũ, tách nước ngoại lai với chiều dài khoảng 48,9km (tuyến Hói
Nịu, hói Bạch Đằng,..). Nâng cấp, sửa chữa khoảng 96 trạm bơm tưới tiêu và 120
cống hiện trạng; xây dựng, nâng cấp khoảng 30km kênh tưới tiêu.
9. Hệ thống thủy lợi nội đồng
khu vực huyện Phú Vang
- Giai đoạn 2025 đến 2030: Ưu tiên đầu tư nâng cấp
các tuyến đê bao nội đồng, kè gia cố, nạo vét các tuyến hói, kênh tiêu thoát
lũ, tách nước ngoại lai với chiều dài khoảng 41,1km (đê tách mặn ở xã Phú Xuân,
Phú Diên, Vinh Xuân, Phú Đa, đê Trường Lưu, đê bao Thái Phú, đê bao Đồng Thạnh,
đê bao bàu Họ Lê, đê Sát,..). Xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 09 trạm bơm tưới tiêu
(trạm bơm Ba Thê, trạm bơm Ba Thê Phú Lương 3, trạm bơm Lôi Nương, trạm bơm Phường
Nhị, trạm bơm Mụ Vàng, trạm bơm tiêu Hà Mướp 1, trạm bơm tưới Thôn 1, trạm bơm
Vinh Thái 3 và trạm bơm Trường Lưu); Xây dựng, nâng cấp khoảng 22km kênh mương
tưới tiêu.
- Giai đoạn 2030 đến 2045: Nâng cấp, sửa chữa khoảng
77km đê bao (đê Trung Chánh, đê Thượng Nguyên,..). Nâng cấp, sửa chữa khoảng 82
trạm bơm tưới tiêu (trạm bơm Sư Lổ, trạm bơm Đông Đổ Phú Hồ...). Xây dựng, nâng
cấp khoảng 15km kênh mương tưới tiêu.
10. Kinh phí đầu tư
a) Nguồn kinh phí đầu tư
- Nguồn kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn
Ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của
pháp luật hiện hành.
- Huy động, kết hợp lồng ghép hợp lý, linh hoạt các
nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án đầu tư
công để đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ đa mục tiêu; từng bước hoàn
thiện kết cấu hạ tầng thủy lợi, bảo đảm nâng cao năng lực cấp nước tưới, tiêu
thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác.
Trong đó, về quy mô, nhiệm vụ, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư sẽ được tính
toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu
tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động nguồn lực của từng giai
đoạn.
b) Phân kỳ đầu tư:
- Giai đoạn 2025-2030: Dự kiến, nguồn vốn Ngân sách
nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác để chủ động bố trí đầu tư xây dựng,
nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi nội đồng ước khoảng 2.105,58 tỷ đồng,
không bao gồm nguồn vốn địa phương.
- Giai đoạn 2030-2045: Trên cơ sở đánh giá kết quả
triển khai ở giai đoạn trước, định hướng phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới.
Dự kiến, bố trí kinh phí từ nguồn vốn Ngân sách, ODA, lồng ghép các Chương
trình, dự án và huy động các nguồn lực xã hội hóa khoảng 2.028,19 tỷ đồng để
triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu Đề án.
11. Thời gian thực hiện:
Từ năm 2025 - 2045.
(có Đề án chi tiết
kèm theo)
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực
hiện Đề án này theo đúng quy định; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và UBND cấp
huyện tổ chức thực hiện Đề án đúng tiến độ và đạt hiệu quả.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và UBND
cấp huyện rà soát, đề xuất các công trình, dự án về đầu tư xây dựng, nâng cấp
và phát triển hệ thống công trình thủy lợi nội đồng, khai thác nguồn nước phục
vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030, tầm
nhìn đến năm 2045 gắn với phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng an ninh của
địa phương.
- Thực hiện theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực
hiện Đề án của các cơ quan, đồng thời tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết
quả thực hiện theo đúng quy định.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
và các Sở, ban, ngành, địa phương đơn vị liên quan đề xuất Chương trình đầu tư
công để thực hiện Đề án và triển khai danh mục nhiệm vụ, dự án ưu tiên đầu tư
theo phân công của UBND tỉnh.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật,
đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về
thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
Hướng dẫn chủ đầu tư trong việc thu hồi đất, giao đất
để thực hiện dự án thủy lợi nội đồng đảm bảo các quy định hiện hành.
3. Sở Công Thương
Hướng dẫn chủ đầu tư trong việc đầu tư xây dựng các
trạm biến áp phục vụ điện cho vận hành các trạm bơm.
4. Sở Giao thông vận tải
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên
quan thực hiện các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến khai thác, sử dụng có
hiệu quả các công trình giao thông thủy, cảng đường thủy nội địa.
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch công trình giao
thông đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất các nhiệm vụ khoa học và
công nghệ có liên quan để ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ cho các công
trình hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ triển khai thực hiện Đề án.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp xây dựng kế hoạch về nâng cấp hệ thống
thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với mục
tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và hướng dẫn, triển
khai thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên
quan tổng hợp, tham mưu đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung các hạng mục công
trình thuộc Đề án vào các chương trình, dự án, kế hoạch đầu tư công giai đoạn
2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và hướng dẫn tổ chức, triển khai thực hiện các
nội dung liên quan Đề án.
7. Sở Tài chính
- Trình cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí kinh phí thường
xuyên hằng năm (nếu có) để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo quy định của
Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có
thẩm quyền bố trí vốn đầu tư công thực hiện các dự án thuộc Đề án theo quy định
của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.
8. Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án,
Chương trình, dự án để thực hiện các giải pháp đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống
công trình thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi
khí hậu trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan cấp tỉnh để
triển khai phù hợp với nhiệm vụ và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để
triển khai hiệu quả Đề án này.
- Chủ động bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép
và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ
thống công trình thủy lợi nội đồng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, các Sở, ban, ngành khác trong quá trình thực hiện.
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các
quy định của pháp luật đầu tư, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi nội đồng.
- Định kỳ hằng năm, 05 năm sơ kết, tổng kết, đánh
giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Đề án tại địa phương, báo cáo kết quả về
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy
định.
9. UBND cấp xã
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện
phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; phối hợp với các cơ quan, đơn vị
có liên quan cấp huyện để triển khai phù hợp với nhiệm vụ và điều kiện kinh tế
- xã hội của địa phương để triển khai hiệu quả Đề án này.
- Thực hiện rà soát, đề xuất các công trình, dự án
đầu tư xây dựng, nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng, khai thác
nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh cho nhân dân giai đoạn 2025 -2030, tầm
nhìn đến năm 2045 trên địa bàn.
- Rà soát quy hoạch thủy lợi chuyển đổi cơ cấu cây
trồng, nuôi trồng thủy sản và quy hoạch thủy lợi nội đồng gắn với xây dựng nông
thôn mới.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức đánh giá
lại mục tiêu, nhiệm vụ của các hệ thống công trình thủy lợi hiện có, để có giải
pháp nâng cao hiệu quả khai thác và phù hợp với các quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền đến người dân về ý thức bảo vệ, khai
thác hiệu quả và phát triển hệ thống công trình thủy lợi nội đồng, sử dụng nguồn
nước tiết kiệm; không xả rác thải, nước thải xuống sông, suối, ao hồ và các
công trình thủy lợi,.. không lấn chiếm hành lang sông, suối, kênh, hói, đập, hồ
chứa nước làm ách tắc dòng chảy, gây ngập úng dẫn đến thiệt hại tài sản.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng
các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch UBND
cấp xã và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- VP: LĐ và các CV: TH, TC, TN, ĐC, XD;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Hải Minh
|