BỘ KẾ HOẠCH VÀ
ĐẦU TƯ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 259/HD-BKHĐT
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 01 năm 2025
|
HƯỚNG DẪN
VỀ
CHUYỂN TIẾP QUẢN LÝ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, NHIỆM VỤ, DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG TRONG QUÁ
TRÌNH SẮP XẾP, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CHÍNH PHỦ
Kính gửi:
|
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ và các cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Thực hiện Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày
06/12/2024 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết
số 18-NQ/TW, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tại văn bản
số 9520/VPCP-TCCV ngày 25/12/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn
chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công trong quá
trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính tại
văn bản số 274/BTC-ĐT ngày 08/01/2025 và ý kiến của Kiểm toán Nhà nước tại văn
bản số 10/KTNN-TH ngày 07/01/2025; Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về phương án
chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công trong quá
trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ như sau:
I. CĂN CỨ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ
- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp
hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của
hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
- Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15 ngày 29/11/2024
và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày
25/6/2015 được sửa đổi bổ sung, một số điều theo Luật số 59/2020/QH14 và Luật số
56/2024/QH15;
II. NGUYÊN TẮC TRONG CHUYỂN TIẾP
CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH, NHIỆM VỤ, DỰ ÁN
(1) Việc bàn giao, tiếp nhận kế hoạch, chương
trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công giữa các cơ quan khi sắp xếp, kiện toàn tổ
chức bộ máy được thực hiện theo nguyên tắc tiếp nhận toàn bộ
chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch vốn thuộc phạm vi quản lý.
(2) Hạn chế tối đa sự biến động trong công tác quản
lý dự án, cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng
bên đối với chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế hoạch vốn đầu tư công trong từng
giai đoạn được giao quản lý; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng bên
trong việc bàn giao, tiếp nhận quản lý chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch
vốn.
(3) Bảo đảm tính liên tục trong thực hiện chương
trình, nhiệm vụ, dự án và kế hoạch đầu tư công, phương án chuyển tiếp cần đảm
bảo tính khả thi, có thể thực hiện được nhanh chóng để nguồn vốn bố trí
và việc tổ chức thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án không bị gián đoạn,
đình trệ trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; đảm bảo tiến độ thực
hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 đã được Quốc hội, Thủ tướng
Chính phủ giao.
(4) Đối với các nội dung liên quan đến công tác quản
lý chương trình, nhiệm vụ, dự án ngoài phạm vi điều chỉnh theo quy định của Luật
Đầu tư công được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.
III. PHƯƠNG ÁN CHUYỂN TIẾP QUẢN
LÝ CHƯƠNG TRÌNH, NHIỆM VỤ, DỰ ÁN VÀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG
Trên cơ sở phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ
máy của Chính phủ tại Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2024 nêu trên, việc
sắp xếp, tổ chức lại bộ máy có thể phân loại thành các trường hợp như sau:
1. Trường hợp 1: 02 Bộ, cơ quan trung ương hợp
nhất, hình thành Bộ mới (như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư hợp nhất với Bộ Tài
chính, Bộ Giao thông vận tải hợp nhất với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường
hợp nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin truyền thông
hợp nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ).
- Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định việc hợp nhất
02 Bộ, Chính phủ trình Quốc hội nghị quyết quy định về việc chuyển tiếp quản lý
chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế hoạch đầu tư công, trong đó đề xuất người
đứng đầu của Bộ mới hình thành sau hợp nhất có trách nhiệm thực hiện chức
năng, thẩm quyền cấp quyết định đầu tư đối với toàn bộ chương trình, nhiệm vụ,
dự án và kế hoạch đầu tư công của 02 bộ ban đầu. Việc quản lý chương trình, nhiệm
vụ, dự án và kế hoạch vốn được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và
các pháp luật liên quan.
- 02 bộ ban đầu sẽ thực hiện hợp nhất toàn bộ danh
mục chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch vốn thuộc phạm vi quản lý; thông
báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (hoặc Bộ Kinh tế - Tài chính mới
hình thành) để tổng hợp, theo dõi đối với kế hoạch vốn đầu tư công.
2. Trường hợp 2a: Chuyển Bộ, cơ quan trung
ương này trở thành một bộ phận của Bộ, cơ quan trung ương khác (như: Ban Quản
lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về Bộ Quốc phòng, 02 Đại học Quốc gia về Bộ Giáo dục
và Đào tạo).
- Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển
bộ, cơ quan trung ương này trở thành một bộ phận của Bộ, cơ quan trung ương
khác, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội quy định chuyển tiếp thẩm quyền theo
hướng người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương tiếp nhận có trách
nhiệm nhận bàn giao toàn bộ danh mục chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế hoạch
đầu tư công của bộ, cơ quan trung ương ban đầu chuyển sang, thực hiện chức
năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ nhiệm vụ, dự án và
kế hoạch đầu tư công của cơ quan ban đầu chuyển sang theo quy định của Luật Đầu
tư công và pháp luật liên quan.
- Bộ tiếp nhận sẽ thực hiện hợp nhất toàn bộ danh mục
chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch vốn thuộc phạm vi quản lý; thông báo
cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (hoặc Bộ Kinh tế - Tài chính mới hình
thành) để tổng hợp, theo dõi đối với kế hoạch vốn đầu tư công.
3. Trường hợp 2b: 01 Bộ chuyển chức năng,
nhiệm vụ về nhiều cơ quan khác (như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
chuyển chức năng về Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo...).
- Trước khi chuyển giao chức năng nhiệm vụ,
người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương chuyển giao chức năng có trách
nhiệm xác định, phân chia cụ thể danh mục chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế
hoạch đầu tư công theo lĩnh vực chuyển giao, gửi đến Bộ tiếp nhận tương ứng với
lĩnh vực được chuyển giao.
- Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định việc sắp xếp
lại tổ chức, Bộ tiếp nhận có trách nhiệm nhận bàn giao danh mục chương trình,
nhiệm vụ, dự án và kế hoạch đầu tư công theo lĩnh vực nhận chuyển giao và theo
phương án phân chia do người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương chuyển giao chức
năng xác định.
- Bộ nhận bàn giao sẽ hợp nhất danh mục chương
trình, nhiệm vụ, dự án và kế hoạch vốn được bàn giao vào danh mục dự án và kế
hoạch của mình; thực hiện quản lý kế hoạch và dự án theo quy định của Luật Đầu
tư công và thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (hoặc Bộ Kinh tế -
Tài chính mới hình thành) để tổng hợp, theo dõi đối với kế hoạch vốn đầu tư
công.
4. Trường hợp 3: Bàn giao một phần nhiệm vụ
từ Bộ, cơ quan trung ương này sang Bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác; các
Bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan không thay đổi pháp nhân sau sắp xếp
(như: Bộ Nội vụ bàn giao Học viện Hành chính Quốc gia về Học viện Chính trị
Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương bàn giao nhiệm vụ của Tổng cục Quản lý thị
trường (trước đây) về các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
- Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định việc sắp xếp,
kiện toàn tổ chức, xử lý theo hướng bàn giao nhiệm vụ, dự án riêng lẻ và kế hoạch
đầu tư công tương ứng giữa 02 bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
- Chủ đầu tư có trách nhiệm xác định tình hình thực
hiện, giải ngân, hồ sơ pháp lý dự án để phục vụ việc bàn giao.
- Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, địa phương
tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế hoạch vốn,
giao đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư và tiếp tục tổ chức thực hiện.
- Thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn tương ứng giữa
02 bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Sau khi hoàn thành việc chuyển giao, Bộ,
cơ quan trung ương, địa phương nhận bàn giao có trách nhiệm thông báo cho Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (hoặc Bộ Kinh tế - Tài chính mới hình thành) để tổng
hợp, theo dõi đối với kế hoạch vốn đầu tư công.
IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
Việc chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ
dự án và kế hoạch đầu tư công liên quan chặt chẽ đến pháp lý của các pháp nhân
có thẩm quyền liên quan theo quy định của pháp luật đầu tư công, vì vậy, dự kiến
thực hiện theo hai giai đoạn:
- Giai đoạn đầu, trước ngày 15 tháng 01 năm
2025, các Bộ, cơ quan trung ương trong diện sắp xếp có trách nhiệm xây dựng, thống
nhất phương án chuyển tiếp quản lý chương trình, nhiệm vụ, dự án đối với danh mục
dự án và kế hoạch đầu tư công được giao, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành
nghị quyết quy định về chuyển tiếp quản lý dự án và kế hoạch vốn đầu tư công của
các bộ, cơ quan trung ương liên quan.
- Giai đoạn hai, sau khi cấp có thẩm quyền
quyết định việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Chính phủ
trình Quốc hội nghị quyết quy định về việc chuyển tiếp quản lý dự án, chương
trình, nhiệm vụ và kế hoạch đầu tư công để thực hiện thống nhất. Các bộ, cơ
quan trung ương liên quan căn cứ Nghị quyết của Quốc hội quy định về chuyển tiếp
quản lý dự án và kế hoạch vốn đầu tư công để tổ chức thực hiện. Trong đó, thực
hiện việc điều chỉnh thông tin, dữ liệu của các nhiệm vụ, dự án và của các bộ,
cơ quan trung ương trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư
công để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, liên tục trong công tác quản lý, theo
dõi, đánh giá dự án.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Việc chuyển tiếp công tác quản lý chương trình, nhiệm
vụ, dự án khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy là vấn đề mới, hệ trọng, có tác
động sâu rộng và lâu dài; do vậy, để việc chuyển tiếp quản lý dự án và kế hoạch
đầu tư công được diễn ra thuận lợi, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, địa
phương liên quan tổ chức thực hiện những nội dung sau:
1. Các bộ, cơ quan trung ương trong diện sắp xếp:
- Hoàn thành ngay việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư
công năm 2025 đã được cấp có thẩm quyền giao đảm bảo tiến độ theo quy định của
Luật Đầu tư công, để đảm bảo không còn số dư kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025
chưa phân bổ tại thời điểm cấp có thẩm quyền quyết định sắp xếp, kiện toàn tổ
chức bộ máy.
- Chủ động rà soát danh mục dự án và kế hoạch đầu
tư công được giao để xây dựng phương án bàn giao, tiếp nhận khi thực hiện sắp xếp,
kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thành trước ngày 15 tháng 01 năm 2025.
- Trên cơ sở hướng dẫn tại văn bản này, chủ động hướng
dẫn các chủ đầu tư trực thuộc về việc rà soát chương trình, nhiệm vụ, dự án,
bàn giao, tiếp nhận nhiệm vụ chủ đầu tư giữa các đơn vị khi thực hiện sắp xếp,
kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thành trước ngày 15 tháng 01 năm 2025.
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm
rà soát, xác định việc phân chia cụ thể danh mục chương trình, nhiệm vụ, dự án
và kế hoạch vốn thuộc phạm vi quản lý theo các lĩnh vực để bàn giao tương ứng về
các bộ, cơ quan trung ương sau sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; gửi phương án
phân chia cụ thể danh mục chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế hoạch đầu tư công
theo lĩnh vực chuyển giao đến Bộ, cơ quan trung ương tiếp nhận tương ứng với
lĩnh vực được chuyển giao trước ngày 17 tháng 01 năm 2025; thông
báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (hoặc Bộ Kinh tế - Tài chính mới
hình thành) để tổng hợp, theo dõi đối với kế hoạch vốn đầu tư công.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Hoàn thành việc tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền
quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối
với các dự án đã có dự kiến điều chỉnh trước khi có chủ trương sắp xếp các cơ
quan đơn vị trước ngày 31 tháng 01 năm 2025.
- Xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyển
tiếp quản lý chương trình, nhiệm vụ, dự án và kế hoạch đầu tư công của các bộ,
cơ quan trung ương trong diện sắp xếp, kiện toàn bộ máy.
- Tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình cấp thẩm quyền
điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu
tư công năm 2025 căn cứ trên kết quả chuyển tiếp các chương trình, nhiệm vụ, dự
án đầu tư công của các cơ quan sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
- Đảm bảo công tác điều chỉnh, đồng bộ thông tin, dữ
liệu của các nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan trung ương thuộc diện sắp xếp
trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công nhanh chóng,
hiệu quả, chính xác, không để gián đoạn trong công tác theo dõi, đánh giá, tổng
hợp dự án, kế hoạch vốn đầu tư công.
3. Bộ Tài chính:
- Hướng dẫn xử lý về tài sản, tài chính của các dự
án khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng
phương án điều chỉnh các Hiệp định vay vốn đã ký với các đối tác quốc tế đối với
các dự án sử dụng vốn ODA liên quan đến các bộ, cơ quan trung ương, địa phương
trong diện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
- Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước phối hợp với các chủ đầu
tư trong quá trình đối chiếu, xác định số liệu thanh quyết toán vốn đầu tư của
các dự án để phục vụ công tác bàn giao nhiệm vụ chủ đầu tư trong quá trình sắp
xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
- Phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương trong
công tác quản lý tài chính, ngân sách trên các hệ thống điện tử về quản lý tài
chính, ngân sách, kho bạc.
4. Đề nghị Kiểm toán nhà nước:
Căn cứ Kế hoạch kiểm toán năm 2025 đã ban hành, đề
nghị Kiểm toán Nhà nước cân nhắc ưu tiên kiểm toán các dự án thuộc diện bàn
giao, tiếp nhận, đồng thời xem xét bổ sung Kế hoạch kiểm toán năm khi có đề nghị
của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan đến các dự án thuộc diện
bàn giao, tiếp nhận để tạo thuận lợi cho các bộ, cơ quan liên quan trong xác định
số liệu khi bàn giao, tiếp nhận dự án.
5. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Trong trường hợp thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức
bộ máy giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chủ động hướng dẫn các cơ quan, đơn
vị liên quan rà soát chương trình, nhiệm vụ, dự án, bàn giao, tiếp nhận nhiệm vụ
chủ đầu tư giữa các đơn vị trên cơ sở hướng dẫn tại văn bản này.
Trong quá trình triển khai, trường hợp có khó khăn,
vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp xử lý
theo quy định./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTTg Thường trực Nguyễn Hòa Bình (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- BCĐ của CP về tổng kết NQ 18/NQ-TW;
- Bộ Tài chính;
- Bộ KH&ĐT: Lãnh đạo Bộ; các đơn vị: KTHT, LĐVX, KTNN, KTDPLT, PTHTĐT,
TCTT, QPAN, KTCNDV, KHGDTNMT, KTĐN, VPB;
- Lưu: VT, Vụ TH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Quốc Phương
|