BỘ TƯ PHÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3018/QĐ-BTP
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU
TỔ CHỨC CỦA CỤC ĐĂNG KÝ QUỐC GIA GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số
96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số
102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo
đảm;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ và Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí
và chức năng
1. Cục Đăng ký quốc gia
giao dịch bảo đảm là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ
trưởng Bộ Tư pháp thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo
đảm; tổ chức thực hiện việc đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp
đồng, trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm và các trường hợp khác
theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là đăng ký biện pháp bảo
đảm).
2. Cục Đăng ký quốc gia
giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Cục) có
tư cách pháp nhân, có trụ sở tại thành phố Hà Nội, có con dấu và tài khoản
riêng theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Cục có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm về đăng ký biện pháp bảo đảm; tham gia xây dựng
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Tư pháp.
2. Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các đề án, dự
án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm; xây dựng,
tham gia xây dựng, thẩm định, góp ý đối với các dự án, dự thảo văn bản khác do
Bộ trưởng giao.
3. Tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
4. Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành, quản lý
và hướng dẫn việc sử dụng các mẫu phiếu, giấy tờ, sổ đăng ký về biện pháp bảo đảm.
Ban hành theo thẩm quyền văn bản cá biệt, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp
vụ về đăng ký biện pháp bảo đảm.
5. Hướng dẫn nghiệp vụ về đăng
ký biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
6. Thực hiện quản lý về tổ chức và hoạt động đối
với các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục theo quy định của pháp
luật và phân cấp của Bộ; chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm Đăng ký giao dịch,
tài sản thực hiện việc đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng
và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm theo thẩm quyền.
7. Xây dựng, vận hành và quản lý Hệ thống dữ liệu
quốc gia về biện pháp bảo đảm và Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm
bằng động sản; thực hiện việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong
hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm.
8. Theo dõi, phân tích, tổng hợp tình hình và kết
quả thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, các văn bản quy phạm pháp
luật trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung
các quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc các thể chế
có liên quan khác.
9. Thực hiện sơ kết, tổng kết, báo cáo và tổng
hợp số liệu thống kê định kỳ hoặc đột xuất về công tác đăng ký biện pháp bảo đảm
trong phạm vi cả nước.
10. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về đăng
ký biện pháp bảo đảm; tham gia nghiên cứu khoa học, tập huấn,
bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho người thực hiện công tác
đăng ký biện pháp bảo đảm; phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức đào tạo, cấp
chứng chỉ tốt nghiệp cho người thực hiện công tác đăng ký biện pháp bảo đảm.
11. Tổ chức kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật
về đăng ký biện pháp bảo đảm; tham gia thanh tra, giải quyết hoặc tham gia giải
quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm, thực hiện công
tác bồi thường nhà nước trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định
của pháp luật.
12. Thực hiện hợp tác quốc
tế trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật và phân
cấp của Bộ.
13. Thực hiện chế độ tài chính - kế toán,
quản lý kinh phí, tài sản của đơn vị theo quy định của pháp luật.
14. Thực hiện công tác thi đua - khen thưởng
và quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị theo quy định
của pháp luật và phân cấp của Bộ.
15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng
giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức, biên
chế, số lượng người làm việc
1. Cơ cấu tổ chức của Cục gồm:
a) Lãnh đạo Cục:
Lãnh đạo Cục gồm có Cục trưởng và không quá 03
(ba) Phó Cục trưởng.
Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và
trước pháp luật về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục.
Các Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng quản lý, điều
hành hoạt động của Cục; được Cục trưởng phân công trực tiếp quản lý một số lĩnh
vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về
những lĩnh vực công tác được phân công.
b) Các tổ chức trực thuộc Cục:
Các tổ chức giúp Cục trưởng thực hiện chức năng
quản lý nhà nước bao gồm:
- Văn phòng;
- Phòng Quản lý nghiệp vụ.
Các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Cục bao gồm:
- Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Thành
phố Hà Nội;
- Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Thành
phố Hồ Chí Minh;
- Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Thành
phố Đà Nẵng.
Các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản là đơn
vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Việc thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể
các tổ chức sự nghiệp nêu trên và đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc Cục
do Bộ trưởng Quyết định trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia
giao dịch bảo đảm và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ theo quy định của pháp luật.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ
công tác giữa các tổ chức trực thuộc Cục do Cục trưởng quy định.
2. Biên chế, số lượng người làm việc
a) Biên chế hành chính của Cục thuộc biên chế
hành chính của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của
Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
b) Số lượng người làm việc trong các tổ chức sự
nghiệp trực thuộc Cục thực hiện theo Đề án vị trí việc làm của từng đơn vị và
theo quy định của pháp luật về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện
nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức đối với các
đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp.
Điều 4. Trách nhiệm và mối
quan hệ công tác
Trách nhiệm và mối quan hệ công tác giữa Cục với
Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện theo Quy chế làm việc của Bộ và
các quy định cụ thể sau:
1. Cục chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng
hoặc Thứ trưởng được phân công phụ trách, có trách nhiệm tổ chức thực hiện, báo
cáo và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về kết quả giải quyết
công việc được giao.
2. Cục là đầu mối giúp Lãnh đạo Bộ thực hiện
quan hệ công tác với Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức khác trong
lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ
quy định tại Điều 2 Quyết định này, nếu phát sinh những vấn
đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Bộ khác
thì Cục có trách nhiệm chủ trì, trao đổi thống nhất về hình thức, nội dung phối
hợp với đơn vị đó. Đơn vị có liên quan có trách nhiệm thực hiện sự phối hợp
theo yêu cầu về hình thức, nội dung và thời hạn của Cục.
Khi có yêu cầu của các đơn vị khác
thuộc Bộ trong việc giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị
đó mà có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Cục thì Cục có trách nhiệm
phối hợp giải quyết.
Trường hợp phát sinh vấn đề vượt quá thẩm quyền
hoặc có ý kiến khác nhau giữa Cục với các đơn vị có liên quan, Cục trưởng có trách nhiệm phối hợp với Chánh Văn phòng Bộ đề xuất, báo cáo Thứ trưởng
phụ trách hoặc Bộ trưởng và thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.
4. Quan hệ công tác giữa Cục và các đơn vị thuộc
Bộ có liên quan:
a) Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự -
kinh tế và Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật trong việc
xây dựng, tham gia thẩm định, góp ý các văn bản về lĩnh vực giao dịch bảo đảm
và đăng ký biện pháp bảo đảm;
b) Chủ trì, phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp, Cục
Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Tổng cục Thi hành án dân sự và các đơn vị khác
thuộc Bộ trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan giữa hoạt động đăng ký
biện pháp bảo đảm với hoạt động công chứng, chứng thực, thông báo kê biên tài sản
thi hành án hoặc các vấn đề có liên quan khác;
c) Phối hợp với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng
pháp luật, Văn phòng Bộ trong việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính, cải
cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm;
d) Chủ trì, phối hợp với Cục Công
nghệ thông tin xây dựng, vận hành và quản lý Hệ thống dữ liệu quốc gia về biện
pháp bảo đảm và Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản;
Trang thông tin điện tử về đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và thực hiện ứng
dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định
của pháp luật và phân cấp của Bộ;
đ) Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức
cán bộ trong việc kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức,
xác định vị trí việc làm, quản lý, sử dụng công chức, viên chức, người
lao động của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
e) Phối hợp với Cục Kế hoạch - Tài
chính trong việc thực hiện chế độ tài chính, kế toán của Cục và công tác thống
kê trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm;
g) Phối hợp với Học viện Tư pháp
trong việc đào tạo, cấp chứng chỉ tốt
nghiệp cho người thực hiện công tác đăng ký biện pháp bảo đảm;
h) Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế
trong việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao dịch bảo
đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật và phân cấp
của Bộ.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2471/QĐ-BTP ngày
03 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.
2. Phòng Quản lý dữ liệu quốc gia giao dịch bảo
đảm thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tiếp tục thực hiện chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi được sắp xếp theo
Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm
2021, định hướng đến năm 2030.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục
trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ,
Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Các Thứ trưởng;
- Các tổ chức chính trị - xã hội Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, Vụ TCCB, Cục ĐKQGGDBĐ.
|
BỘ TRƯỞNG
Lê Thành Long
|