ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 104/KH-UBND
|
Cần Thơ, ngày 09
tháng 5 năm 2025
|
KẾ HOẠCH
RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN
TOÀN CÁC HỆ THỐNG THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2025
Thực hiện Công văn số 02/VPBCĐ
ngày 06 tháng 01 năm 2025 của Ban Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia về việc
rà soát đánh giá và xử lý các hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, Ủy ban
nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hệ thống
thông tin trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2025, như sau:
I. MỤC ĐÍCH
VÀ YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Kiểm tra, đánh giá tổng thể
mức độ an toàn, bảo mật của hệ thống thông tin tại các cơ quan hành chính, đơn
vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ nhằm phát hiện sớm các lỗ hổng bảo
mật, nguy cơ mất an ninh mạng có thể bị tin tặc khai thác, từ đó có biện pháp xử
lý kịp thời, ngăn chặn các rủi ro;
b) Hỗ trợ các cơ quan, đơn vị
nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu, triển khai các biện pháp tăng cường bảo mật
thông tin nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống. Nâng cao nhận thức,
trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về công tác an toàn mạng, tăng cường khả
năng ứng phó với các cuộc tấn công mạng;
c) Tạo tiền đề cho việc xây dựng,
triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh mạng đồng bộ, phù hợp với định hướng
chuyển đổi số của thành phố. Đảm bảo việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của
pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn mạng và an ninh quốc gia.
2. Yêu cầu
a) Công tác rà quét, đánh giá
phải được thực hiện một cách khách quan, khoa học, đảm bảo độ tin cậy và không
gây ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của các hệ thống thông tin;
b) Các cơ quan, đơn vị có liên
quan phải chủ động phối hợp, cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ, chính xác
và kịp thời để phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá. Đảm bảo tính bảo mật thông tin,
tuyệt đối không để lộ, lọt thông tin trong quá trình rà soát, kiểm tra;
c) Rà soát phải được thực hiện
trên phạm vi rộng, bao gồm tất cả các hệ thống thông tin, cổng/trang thông tin
điện tử, phần mềm nội bộ, hệ thống lưu trữ dữ liệu và các thiết bị kết nối mạng
tại các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị phải cam kết thực hiện đầy đủ các
giải pháp khắc phục được đề xuất sau rà quét, đồng thời có kế hoạch dài hạn để
đảm bảo an ninh mạng bền vững.
II. NỘI DUNG
THỰC HIỆN
1. Thu thập
thông tin về hệ thống thông tin thuộc các cơ quan, đơn vị (đối tượng cần rà
soát)
Các cơ quan, đơn vị chủ quản, vận
hành hệ thống thông tin cung cấp danh mục hệ thống thông tin đang quản lý, phát
triển hoặc được giao quản lý, bao gồm:
a) Danh sách website, hệ thống
phần mềm nội bộ, hệ thống lưu trữ dữ liệu;
b) Thông tin về domain, địa chỉ
IP, máy chủ;
c) Các giải pháp bảo mật đang
áp dụng (firewall, IDS/IPS, giải pháp mã hóa dữ liệu,...) và hệ thống sao lưu,
phục hồi dữ liệu và các quy trình ứng phó sự cố an ninh mạng;
d) Số lượng thiết bị đang phục
vụ cho hệ thống thông tin tại cơ quan, đơn vị;
đ) Nhân sự phụ trách quản lý hệ
thống thông tin và trình độ đào tạo về công nghệ thông tin và an ninh mạng (đầu
mối trao đổi, liên lạc trong việc triển khai, thực hiện Kế hoạch).
2. Rà soát,
kiểm tra và đánh giá an toàn hệ thống
a) Kiểm tra tổng thể mức độ an
toàn của hệ thống, bao gồm hạ tầng mạng, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu và khả
năng chống chịu trước các hình thức tấn công mạng như tấn công từ chối dịch vụ
(DDoS), xâm nhập trái phép (hacking), mã độc (malware)...;
b) Đánh giá mức độ tuân thủ các
tiêu chuẩn an ninh mạng theo quy định pháp luật, thực hiện kiểm thử xâm nhập
(Penetration Testing) để xác định và phân loại mức độ nghiêm trọng của các lỗ hổng
bảo mật.
3. Đề xuất
giải pháp và khuyến nghị
a) Xây dựng danh sách các lỗ hổng
bảo mật và phân loại theo mức độ ưu tiên xử lý, đề xuất biện pháp khắc phục phù
hợp cho từng lỗ hổng;
b) Đưa ra các giải pháp kỹ thuật
nhằm bảo vệ hệ thống thông tin như cập nhật bản vá bảo mật, nâng cấp phần mềm,
triển khai hệ thống tường lửa (firewall), hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm
nhập (IDS/IPS), mã hóa dữ liệu và giám sát an ninh mạng. Thực hiện kiểm tra, rà
quét hệ thống thông tin tại đơn vị định kỳ 03 tháng/lần;
c) Kiến nghị tổ chức đào tạo chuyên
sâu cho đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, diễn tập xử lý sự cố an ninh mạng để
nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống tấn công mạng.
4. Báo cáo
kết quả rà quét và kiến nghị biện pháp xử lý
a) Tổng hợp và phân tích kết quả
rà quét, đưa ra đánh giá chi tiết về mức độ an toàn của từng hệ thống thông
tin, từ đó đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với các lỗ hổng bảo mật phát hiện
được, đảm bảo việc khắc phục được thực hiện kịp thời và hiệu quả;
b) Báo cáo đơn vị có trách nhiệm
để triển khai các biện pháp hỗ trợ, giám sát việc thực hiện các đề xuất khắc phục,
đảm bảo các đơn vị tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về an ninh mạng.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện
a) Kế hoạch được triển khai thực
hiện xuyên suốt và liên tục trong năm 2025;
b) Các hoạt động rà quét, kiểm
tra sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, đảm bảo tính thường xuyên và cập nhật
kịp thời để ứng phó với các nguy cơ tấn công an ninh mạng;
c) Báo cáo định kỳ sẽ được thực
hiện để tổng hợp kết quả đánh giá và kịp thời đề xuất biện pháp xử lý phù hợp.
2. Phương pháp thực hiện
a) Áp dụng các biện pháp nghiệp
vụ chuyên sâu kết hợp với các phương pháp kỹ thuật tiên tiến để rà quét, đánh
giá an toàn thông tin;
b) Sử dụng hệ thống công cụ
phân tích, giám sát an ninh mạng hiện đại tại Phòng An ninh mạng và phòng, chống
tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố nhằm phát hiện kịp thời các lỗ
hổng bảo mật và nguy cơ tấn công mạng;
c) Thực hiện kiểm thử xâm nhập định
kỳ để đánh giá khả năng phòng thủ của hệ thống thông tin và đề xuất các biện
pháp tăng cường bảo mật;
d) Tăng cường phối hợp với các
đơn vị chuyên trách về an ninh mạng để hỗ trợ xử lý các sự cố an toàn thông tin
và hướng dẫn các đơn vị triển khai biện pháp khắc phục hiệu quả.
3. Kinh phí thực hiện
a) Kinh phí từ nguồn kinh phí đảm
bảo an toàn thông tin năm 2025;
b) Các cơ quan, đơn vị chủ động
bố trí kinh phí để thực hiện các biện pháp khắc phục lỗ hổng bảo mật theo kiến
nghị của Công an thành phố;
c) Việc sử dụng kinh phí phải đảm
bảo đúng mục đích, hiệu quả và tuân thủ quy định tài chính hiện hành.
4. Trách nhiệm thực hiện
a) Công an thành phố chủ trì,
phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai, rà quét, chịu trách
nhiệm tổng thể trong việc thực hiện nhiệm vụ trong Kế hoạch, bảo đảm chất lượng,
tiến độ; tổng hợp báo cáo kết quả, các khó khăn, vướng mắc, tham mưu, đề xuất Ủy
ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện;
b) Các cơ quan, đơn vị trên địa
bàn thành phố có trách nhiệm cung cấp thông tin chi tiết về hệ thống thông tin
đang quản lý (được nêu tại mục 1, phần II
- Kế hoạch này); đồng thời,
xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện gửi về Ủy ban nhân dân thành phố (qua
Công an thành phố, địa chỉ liên hệ: Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm
sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố, số 9A, đường Trần Phú, phường
Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) trong tháng 5 năm 2025 để
tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố. Báo cáo kết quả thực hiện, gửi về
Công an thành phố trước ngày 10 tháng 10 năm 2025 để tổng hợp, gửi Ban
Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị trao đổi với Công an thành phố để phối hợp
thực hiện.
Trên đây là Kế hoạch rà soát,
đánh giá và nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn các hệ thống thông tin
trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2025./.
Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo AT, ANM quốc gia;
- Cục ANM và PCTPSDCNC, Bộ Công an;
- CT, PCT UBND TP;
- Công an thành phố;
- Sở, ban, ngành thành phố;
- UBND quận, huyện;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- VP UBND TP (2,3E,7);
- Lưu: VT, M.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trương Cảnh Tuyên
|