HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
45/NQ-HĐND
|
Tiền
Giang, ngày 10 tháng 12 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 -
2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13
tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15
ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình
mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP
ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện
các chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg
ngày 22 tháng 2 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 318/QĐ-TTg
ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia
về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai
đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 319/QĐ-TTg
ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định xã nông thôn
mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 320/QĐ-TTg
ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia
về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành
nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới
nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 321/QĐ-TTg
ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2021 - 2025;
Xét Tờ trình số 366/TTr-UBND ngày
18 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án xây dựng
nông thôn mới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra số
92/BC-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân
dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua
Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025 với một số nội
dung chính như sau:
1. Mục tiêu chung
a) Xây dựng nông thôn Tiền Giang có kết
cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại, phù hợp với quá
trình đô thị hóa. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nông
thôn văn minh, khang trang, sạch đẹp, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát
triển bền vững; y tế, giáo dục phát triển toàn diện; đời sống vật chất và tinh
thần người dân được nâng cao, thúc đẩy bình đẳng giới. Xã hội nông thôn đoàn kết,
dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; môi trường sinh
thái được bảo vệ; quốc phòng, an ninh, trật tự nông thôn được đảm bảo.
b) Tập trung phát triển kinh tế nông
nghiệp, nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông
thôn gắn với kinh tế số, nâng cao thu nhập của người dân; gắn phát triển sản xuất
nông nghiệp với phát triển dịch vụ, du lịch, bảo tồn và phát triển làng nghề;
nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa và
phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; quy hoạch và phát triển các vùng sản
xuất nhất là vùng kinh tế ven biển; triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một
sản phẩm (OCOP).
2. Mục tiêu cụ thể
Tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính
phủ có quyết định công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
giai đoạn 2021 - 2025:
a) Có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn
mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về
xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025);
b) Có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn
nông thôn mới nâng cao (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ
tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025);
c) Có ít nhất 10% số xã đạt chuẩn
nông thôn mới kiểu mẫu (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo quy định xã đạt
chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025);
d) Tất cả các đơn vị cấp huyện trên địa
bàn tỉnh được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn
thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đáp ứng đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu
của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới hoặc đáp ứng đầy đủ mức hoàn
thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo yêu cầu đối với thị xã, thành phố
hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025).
đ) Có ít nhất 02 huyện được Thủ tướng
Chính phủ có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đáp ứng
đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới
nâng cao giai đoạn 2021 - 2025).
e) Có ít nhất 70% số km đường huyện,
đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến;
f) Đất cây xanh sử dụng công cộng
trên địa bàn tối thiểu là 4m2/người;
g) Chỉ số hài lòng của người dân, tổ
chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương quản lý đạt từ 90% trở lên.
3. Các nội dung, nhiệm
vụ trọng tâm của Đề án
a) Nâng cao hiệu quả quản lý và thực
hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã
hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội,
cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị.
b) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ
cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp
với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh
ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động
của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao
chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập
người dân theo hướng bền vững.
c) Giảm nghèo bền vững, đặc biệt là tại
các xã vùng bãi ngang ven biển và xã đảo; Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và
chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.
d) Nâng cao chất lượng đời sống văn
hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.
đ) Nâng cao chất lượng môi trường;
xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục
cảnh quan truyền thống của nông thôn.
e) Nâng cao chất lượng các dịch vụ
hành chính công; chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy nhanh quá
trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông
tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả
năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp đảm bảo bình đẳng
giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
f) Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật
tự xã hội nông thôn.
g) Tăng cường công tác giám sát, đánh
giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới; truyền
thông về xây dựng nông thôn mới; thực hiện Phong trào thi đua cả nước chung sức
xây dựng nông thôn mới.
h) Hoàn thành các quy định đối với tỉnh
hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
4. Khái toán kinh
phí để thực hiện Đề án là 56.210,125 tỷ đồng, trong đó:
a) Vốn ngân sách là 8.813,245 tỷ đồng,
trong đó:
- Ngân sách trung ương khoảng 745,301
tỷ đồng.
- Ngân sách địa phương khoảng
8.067,944 tỷ đồng.
b) Nguồn vốn huy động khác là
47.396,880 tỷ đồng (vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng, vốn huy động từ cộng đồng
dân cư và nguồn vốn hợp pháp khác).
5. Các giải pháp trọng
tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
a) Giải pháp về phát triển kinh tế
- Quy hoạch sử dụng đất nông thôn gắn
kết với phát triển đô thị, khai thác và phát huy nguồn lực đất đai trong xây dựng,
phát triển bền vững kinh tế nông thôn; Triển khai thực hiện hiệu quả Chương
trình số 29-CTr/TU ngày 28 tháng 10 năm 2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết
số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông
nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu
quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU
ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế đô thị 03 vùng tỉnh
Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
- Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất,
nâng cao năng lực các hợp tác xã; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản
xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, từng bước kết nối chuỗi cung ứng nông sản; Tổ
chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế hợp tác - trang trại, trọng tâm là hợp
tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị,
nâng cao giá trị gia tăng; Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một
sản phẩm (OCOP); Tiếp tục mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp,
nông thôn gắn với củng cố, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác đảm bảo hiệu
quả và phát triển bền vững; Tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên
tai, thích ứng biến đổi khí hậu.
- Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư
nông nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Xây dựng các
chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất,
kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
- Tập trung phát triển ngành công
nghiệp chế biến nông - lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp sạch, công nghệ cao,
công nghiệp phục vụ nông - lâm nghiệp - thủy sản và công nghệ sau thu hoạch ở
các vùng sản xuất hàng hóa lớn, chuyên canh cây ăn trái, chăn nuôi; Thực hiện
hiệu quả về liên kết, phát triển vùng, nội vùng trong và ngoài tỉnh.
- Thực hiện phân bổ và sử dụng có hiệu
quả nguồn lực đầu tư vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
b) Giải pháp phát triển hạ tầng kinh
tế, xã hội đồng bộ, kết nối giữa các trung tâm, các khu vực.
Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thành hệ thống
cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, huyện xem đây là khâu đột phá trong
xây dựng nông thôn mới (giao thông, điện, viễn thông, cơ sở hạ tầng thương mại
nông thôn, nước sạch, trường học các cấp, trạm y tế xã, cơ sở vật chất văn
hóa,...), tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn
và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.
c) Giải pháp về phát triển văn hóa -
xã hội
- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết
chế văn hóa, công trình văn hóa, nhất là ở cấp xã; bảo tồn và phát triển các
ngành nghề, làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh,
chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tuyến cơ sở; tăng cường công tác phòng,
chống dịch bệnh hàng năm và các bệnh mới phát sinh tại khu vực nông thôn. Thực
hiện tốt chính sách bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, nâng
cao năng lực, vị thế của phụ nữ ở nông thôn. Thực hiện hiệu quả chính sách bảo
hiểm, khuyến khích, nâng nhanh tỷ lệ nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện,
bảo hiểm y tế.
- Nâng cao chất lượng giáo dục và đào
tạo; Đổi mới hình thức và nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng
cao trình độ, kỹ năng nghề; Phát triển hạ tầng, dịch vụ, nguồn nhân lực thông
tin và truyền thông; xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền
số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số; Triển khai thực hiện có hiệu quả
các chương trình khoa học, công nghệ gắn xây dựng nông thôn mới.
d) Giải pháp bảo vệ môi trường và xây
dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý
thức chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân, sử dụng tiết kiệm,
hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Chú trọng và
nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường
sáng, xanh, sạch, đẹp. Nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường như khu dân
cư tự quản về bảo vệ môi trường, đoạn đường không rác, nhà hoa và đường hoa,
thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở khu dân cư.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
làm công tác bảo vệ môi trường cấp cơ sở; Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động
của các tổ chức dịch vụ môi trường; nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của
các tổ chức chính trị, đoàn thể tại địa phương trong công tác bảo vệ môi trường
nông thôn.
- Tiếp tục đẩy mạnh các mô hình thu
gom chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng dân cư nông thôn; quản lý chặt chẽ
bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; Tập trung xử lý nước thải,
rác thải ở các chợ, khu dân cư tập trung.
- Tiếp tục triển khai hiệu quả quy hoạch
quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2020, tầm
nhìn đến năm 2030.
đ) Đẩy mạnh công tác truyền thông về
xây dựng nông thôn mới
- Đổi mới, đa dạng hình thức, phương
pháp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức mới cho cán bộ, đảng viên
và nhân dân về vai trò, nhiệm vụ của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng
nông thôn mới trong giai đoạn phát triển mới; phát huy những thành tựu, bài học
kinh nghiệm, cách làm hay từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện
xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua để học tập và nhân ra diện rộng.
- Thực hiện có hiệu quả phong trào
thi đua “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn
dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; kịp thời tôn vinh, khen
thưởng những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới.
e) Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn
lực thực hiện Chương trình
- Đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa đầu
tư, huy động tối đa các nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân
trong và ngoài tỉnh.
- Lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn đầu
tư của các doanh nghiệp, dân cư với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; huy động, phân
bổ và sử dụng có hiệu quả, hợp lý nguồn lực theo thứ tự ưu tiên; quan tâm phát
triển các vùng kinh tế động lực tạo nguồn thu cho ngân sách đầu tư cho nông
nghiệp nông thôn.
- Rà soát cơ chế, chính sách đã ban
hành, cơ cấu lại các khoản chi, đảm bảo hợp lý, theo hướng giảm tỷ trọng chi
thường xuyên để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển; quản lý chặt chẽ, đẩy
nhanh tiến độ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
- Sử dụng vốn ngân sách nhà nước có
trọng tâm, trọng điểm, đúng mục đích, ưu tiên cho các công trình, dự án đầu tư
để các xã, huyện đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao,
kiểu mẫu.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức
triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân
tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và
đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Tiền Giang Khoá X, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2022 và
có hiệu lực từ ngày thông qua./.
Nơi nhận:
- UB.Thường vụ Quốc hội;
- VP. Quốc hội, VP. Chính phủ;
- HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu (UBTVQH);
- Các Bộ: NN&PTNT, TN&MT, KH&ĐT;
- Vụ Công tác đại biểu (VPQH);
- Cục Hành chính - Quản trị II (VPCP);
- Kiểm toán Nhà nước khu vực IX;
- Các đ/c UVBTV Tỉnh ủy;
- UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- ĐB. Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang;
- ĐB. HĐND tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thành, thị;
- TT. HĐND các xã, phường, thị trấn;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.
|
CHỦ
TỊCH
Võ Văn Bình
|