ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5127/QĐ-UBND
|
Bình Định, ngày
22 tháng 12 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TÂY SƠN, TỈNH
BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2035
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị
ngày 17/6/2009; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến
quy hoạch ngày 20/11/2018;
Căn cứ Nghị định số
11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư và phát
triển đô thị;
Căn cứ Thông tư số
12/2014/TT-BXD ngày 25/8/2014 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, thẩm định và
phê duyệt Chương trình phát triển đô thị;
Căn cứ Quyết định số
1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình
phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020;
Căn cứ Quyết định số
1672/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án
quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035;
Căn cứ Quyết định số
3666/QĐ-UBND ngày 10/10/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát
triển đô thị tỉnh Bình Định đến năm 2035;
Căn cứ Quyết định số
2248/QĐ-UBND ngày 09/6/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đồ án quy hoạch
chung xây dựng đô thị Tây Sơn, tỉnh Bình Định đến năm 2035;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng
tại Tờ trình số 349/TTr-SXD ngày 17/12/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Tây Sơn, tỉnh
Bình Định đến năm 2035, với các nội dung như sau:
1. Quan
điểm và mục tiêu phát triển đô thị:
a) Quan điểm:
- Chương trình phát triển đô thị
phải phù hợp với Chương trình phát triển đô thị Quốc gia, Quy hoạch xây dựng
vùng tỉnh đến năm 2035, Quy hoạch chung xây dựng đô thị Tây Sơn đến năm 2035 và
khả năng huy động nguồn lực tại địa phương; quán triệt quan điểm phát triển đô
thị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc
tế.
- Sắp xếp, hình thành và phát
triển hạ tầng đô thị đồng bộ theo định hướng quy hoạch chung đô thị được duyệt;
nâng cao nhận thức về quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với chính quyền
đô thị, các cơ quan chuyên môn, cộng đồng dân cư và bảo vệ môi trường đô thị,
phù hợp với định hướng chiến lược phát triển đô thị bền vững.
- Phối hợp lồng ghép có hiệu quả
các chương trình, kế hoạch, dự án đang thực hiện hoặc đã được phê duyệt liên quan
đến phát triển đô thị. Các chương trình kế hoạch phát triển đô thị phải được
tích hợp các yêu cầu về phát triển bền vững, phát triển đô thị xanh, tiết kiệm
năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
b) Mục tiêu:
- Cụ thể hóa định hướng phát
triển không gian đô thị theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Tây Sơn đến năm
2035. Từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đô thị phù hợp với giai đoạn phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Làm cơ sở cho việc đầu tư
phát triển đô thị, xác định khu vực ưu tiên đầu tư phát triển đô thị theo quy
hoạch và kế hoạch cho từng giai đoạn 5 năm; triển khai các nhiệm vụ và giải
pháp thực hiện cho từng giai đoạn, đề xuất cơ chế chính sách, thu hút nguồn vốn
và huy động các nguồn lực đầu tư theo mục tiêu xây dựng đô thị trong quy hoạch
đã được phê duyệt.
- Phấn đấu xây dựng huyện Tây
Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2025; trở thành thị xã trước năm
2030.
2. Các chỉ
tiêu chính về phát triển đô thị theo các giai đoạn:
a) Đến năm 2025:
- Về hệ thống đô thị:
Tỷ lệ đô thị hóa đô thị Tây Sơn
đạt 57,6%, hệ thống đô thị phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và
có cấp quản lý hành chính đô thị đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển, bao gồm:
07 đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn phường (thị trấn Phú Phong, xã Bình Tường,
xã Tây Phú, xã Tây Xuân, xã Bình Nghi, xã Bình Thành, xã Bình Hòa).
- Về chất lượng đô thị:
+ Diện tích sàn nhà ở đô thị
bình quân đạt 26,5m2/người; tỷ lệ nhà kiên cố phấn đấu đạt 100%.
+ Tỷ lệ đất giao thông so với
diện tích đất xây dựng đô thị đạt 15-17%.
+ Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp
nước sạch và tiêu chuẩn cấp nước tại đô thị đạt 100 lít/người/ngày đêm.
+ Tỷ lệ bao phủ của hệ thống
thoát nước đạt 70% diện tích lưu vực thoát nước trong các đô thị, mật độ đường
cống thoát nước chính đạt 3km/km2; tỷ lệ nước thải sinh hoạt tập
trung được thu gom và xử lý đạt 25%; 100% các cơ sở sản xuất mới áp dụng công
nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm; các cơ sở gây ô nhiễm môi
trường nghiêm trọng phải được xử lý đạt 100%.
+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
thu gom và xử lý đạt 65% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị; chất thải rắn
khu công nghiệp, chất thải rắn y tế nguy hại phải được thu gom và xử lý đảm bảo
tiêu chuẩn môi trường.
+ Tỷ lệ chiều dài các tuyến đường
chính và khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng tại các đô thị đạt tỷ lệ 100% chiều
dài các tuyến đường chính và đạt 90% chiều dài đường khu nhà ở, ngõ xóm.
+ Đất cây xanh đô thị đạt 9m2/người.
Đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt 4m2/người.
b) Đến năm 2035:
- Về hệ thống đô thị:
Tỷ lệ đô thị hóa đô thị Tây Sơn
đạt 73,3%, hệ thống đô thị phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và
có cấp quản lý hành chính đô thị đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển, bao gồm:
09 đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn phường (Thị trấn Phú Phong, xã Bình Tường,
xã Tây Bình, xã Tây Xuân, xã Bình Nghi, xã Bình Thành, xã Bình Hòa, xã Tây
Giang, xã Tây Phú).
- Về chất lượng đô thị:
+ Diện tích sàn nhà ở đô thị
bình quân đạt 29m2/người; tỷ lệ nhà kiên cố đạt 100%.
+ Tỷ lệ đất giao thông so với
diện tích đất xây dựng đô thị đạt 17%.
+ Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp
nước sạch và tiêu chuẩn cấp nước tại đô thị đạt 120 lít/người/ngày đêm.
+ Tỷ lệ bao phủ của hệ thống
thoát nước đạt 80% diện tích lưu vực thoát nước trong các đô thị, mật độ đường
cống thoát nước chính đạt 3km/km2; tỷ lệ nước thải sinh hoạt tập
trung được thu gom và xử lý đạt 25%; 100% các cơ sở sản xuất mới áp dụng công
nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm; các cơ sở gây ô nhiễm môi
trường nghiêm trọng phải được xử lý đạt 100%.
+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
thu gom và xử lý đạt 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị; chất thải rắn
khu công nghiệp, chất thải rắn y tế nguy hại phải được thu gom và xử lý đảm bảo
tiêu chuẩn môi trường.
+ Tỷ lệ chiều dài các tuyến đường
chính và khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng tại các đô thị đạt tỷ lệ 100% chiều
dài các tuyến đường chính và đạt 100% chiều dài đường khu nhà ở, ngõ xóm.
+ Đất cây xanh đô thị đạt 9m2/người.
Đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt 5m2/người.
3. Các khu
vực phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2035:
a) Khu vực phát triển số 1: Khu
vực trung tâm của đô thị phát triển trên cơ sở thị trấn Phú Phong hiện nay, mở
rộng về khu vực Phú Văn, Phú Xuân và phía Nam đường Hùng Vương, diện tích khoảng
2.950 ha. Là khu vực phát triển đô thị mới theo hướng lấp đầy dải dân cư dọc Quốc
lộ 19B, bố trí hệ thống đường ngang để phát triển có chiều sâu khu vực đô thị;
hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu vực, phát triển
các khu vực thương mại và dân cư mật độ cao tại cửa ngõ.
b) Khu vực phát triển số 2: Khu
vực đô thị gắn liền với khu vực công nghiệp phía Nam Quốc lộ 19 tại xã Bình
Nghi và Tây Xuân, diện tích khoảng 2.800-2.900ha. Là khu vực phát triển hỗ trợ
cho khu vực công nghiệp phía Nam Quốc lộ 19.
c) Khu vực phát triển số 3: Khu
vực Mỹ Yên mở rộng thuộc xã Tây Bình, phát triển theo hướng xây dựng trung tâm
xã Tây Bình hiện nay thành trung tâm phường dự kiến với đầy đủ hệ thống hạ tầng
kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ , diện tích khoảng 1.300 - 1.350 ha. Là khu vực
phát triển các công trình công cộng cấp tiểu vùng, hình thành cực phát triển
phía Đông Bắc của đô thị, các công trình công cộng gồm Bến xe khách khu vực
phía Bắc, chợ, trung tâm thương mại khu vực và nâng cấp trường THPT tại khu
trung tâm, gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với thị xã An Nhơn.
d) Khu vực phát triển số 4: Khu
vực phát triển đô thị hóa có trọng điểm gồm các xã Bình Hòa, Bình Thành và khu
vực phía Bắc của thị trấn Phú Phong, diện tích khoảng 3.100 - 3.150 ha. Là khu
vực phát triển mới, theo hướng đô thị hóa, bổ sung cơ cấu hành chính phường nội
thị vào giai đoạn đến năm 2025 cho toàn đô thị.
đ) Khu vực phát triển số 5: Khu
vực trung tâm xã Bình Tường kết hợp với khu vực phía Tây (Hòa Lạc) của thị trấn
Phú Phong, diện tích khoảng 1.800 - 1.850 ha. Là khu vực đô thị hóa, gắn kết
khu vực Tây Giang và trung tâm thị trấn Phú Phong hiện nay; phát triển các khu
vực xây dựng thuận lợi ven Quốc lộ 19 (phía Nam); phát triển các mô hình du lịch
sinh thái kết hợp với trang trại gia đình, canh tác nông nghiệp hữu cơ và kỹ
thuật cao ở phía Bắc sông Kôn và mặt nước đập dâng Văn Phong; phát triển hệ thống
hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn trở thành phường
nội thị đến giai đoạn thành lập đô thị Tây Sơn.
e) Khu vực phát triển số 6: Cực
phát triển phía Tây của đô thị và là cửa ngõ của huyện Vĩnh Thạnh (trục ĐT 637)
và tỉnh Bình Định (trục QL 19), diện tích khoảng 6.300 - 6.350 ha. Là khu vực
phát triển mật độ cao khu vực Đồng Phó, mở rộng về phía Nam, kết nối với khu vực
định hướng phát triển công nghiệp trên tuyến đường vào thôn Nam Giang hiện nay,
tăng cường cầu Hữu Giang về phía bờ Bắc sông Kôn; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ
thuật và hạ tầng xã hội theo tiêu chí phường nội thị.
f) Khu vực phát triển số 7:
Phát triển khu dân cư các xã Bình Tân, Bình Thuận, Tây Vinh, Tây An, diện tích
khoảng 6.450 - 6.500 ha. Là khu vực phát triển dân cư nông thôn, phát triển
nông nghiệp và nông nghiệp đô thị, đảm bảo không gian tiêu thoát lũ cho toàn đô
thị.
g) Khu vực phát triển số 8 và
9: Khu vực rừng cảnh quan phía Nam, khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, diện tích
khoảng 32.950 - 33.000 ha. Là khu vực khai thác du lịch cảnh quan sinh thái khu
vực Hầm Hô, Thác Đổ, Hồ Thuận Ninh…lồng ghép, kết hợp với du lịch di tích, làng
nghề trên địa bàn toàn đô thị; là khu vực nông lâm nghiệp có chức năng bảo vệ, ổn
định núi rừng và môi trường, chống xói mòn sạt lở đất và thoát lũ.
4. Khu vực
phát triển đô thị ưu đầu tư giai đoạn đến năm 2025: Tập trung đầu
tư khu vực nội thị bao gồm 07 đơn vị hành chính (thị trấn Phú Phong, xã Bình Tường,
xã Tây Phú, xã Tây Xuân, xã Bình Nghi, xã Bình Thành, xã Bình Hòa).
5. Nguồn vốn
thực hiện:
- Nguồn vốn: Vốn ngân sách, vốn
ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Hình thức huy động vốn: Hỗ trợ,
đối ứng, vay, xã hội hóa và kêu gọi đầu tư bằng các hình thức đối tác công tư
PPP, nguồn ODA ...
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. UBND huyện Tây Sơn chủ trì,
phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của
Chương trình phát triển đô thị theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước; chỉ đạo
UBND các xã, thị trấn Phú Phong căn cứ quy hoạch đã được phê duyệt, chủ động
xây dựng kế hoạch để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, trình cấp có thẩm
quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định; vận động nhân dân tham gia cùng với
chính quyền thực hiện chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt; tăng cường
quản lý đất đai, quản lý xây dựng, tạo điều kiện và hướng dẫn nhân dân xây dựng
công trình đảm bảo quy hoạch và mỹ quan đô thị.
2. Sở Xây dựng hướng dẫn, hỗ trợ
UBND huyện Tây Sơn tổ chức thực hiện chương trình; kịp thời hướng dẫn, giải quyết
các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền
thì báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
3. Các sở, ban, ngành liên quan
theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, đôn đốc,
kiểm tra việc thực hiện chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt; giải
quyết kịp thời các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện; trường hợp
vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Xây dựng; Thủ
trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn và các tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tự Công Hoàng
|