HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/NQ-HĐND
|
Thừa Thiên Huế, ngày 09 tháng 12
năm 2017
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GẮN VỚI CÔNG TÁC GIẢM
NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2016
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN
HUẾ
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân
dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016
của Hội đồng nhân dân tỉnh về chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh
năm 2017; Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Hội đồng nhân
dân tỉnh về việc thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với công tác giảm nghèo bền vững trên địa
bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2016;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 56 /BC-ĐGS ngày 06 tháng 12
năm 2017 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc thực
hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với công tác
giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2016,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám
sát của Đoàn giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
nông thôn mới gắn với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn
2011 - 2016; đồng thời nhấn mạnh:
Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính
trị; sự đồng thuận, hưởng ứng
tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội và các tầng lớp nhân dân, chương trình mục tiêu quốc gia xây
dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định vai trò đặc biệt quan
trọng, tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo chuyển biến về nhận thức của cán bộ và người dân. Số tiêu chí đạt chuẩn tăng đáng kể
hàng năm, nhờ đó, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã khởi sắc, nhất là hệ thống giao thông nông
thôn, kết cấu hạ tầng xã hội. Tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao
động nông thôn được chú trọng. Mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời
sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, góp phần xóa
đói, giảm nghèo bền vững.
Nhận thức của người dân được thay đổi từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào
đầu tư của Nhà nước đã tích cực tham gia hiến đất, đóng góp ngày công, kinh
phí... để thực hiện chương trình; an ninh trật tự địa bàn nông thôn được đảm bảo; hệ
thống chính trị cơ sở được tăng cường, quản lý xã hội ngày càng dân chủ; vai
trò người dân là chủ thể chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng rõ nét.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển
khai thực hiện chương trình vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Cụ thể là:
Công tác lập, quản lý, triển khai quy hoạch còn
nhiều bất cập, chất lượng chưa cao. Sự phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội chưa
đồng bộ và còn chênh lệch lớn giữa các vùng miền. Một số địa phương quá chú trọng về
đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản
xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại
sản xuất nông nghiệp còn chậm. Ngân sách đầu tư cho chương trình còn hạn chế, còn tình
trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số địa phương. Đời sống, thu nhập của
người dân nông thôn chưa cao. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững. Tỷ lệ
đào tạo lao động ở nông thôn và tỷ lệ xuất khẩu lao động còn thấp, chưa tương
xứng với tiềm lực của tỉnh.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy
ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về xây dựng nông thôn
mới nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng,
chính quyền, các tầng lớp nhân dân.
2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã trên
cơ sở Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính
phủ thực hiện rà soát, đánh giá đúng thực trạng các tiêu chí nông thôn mới trên
địa bàn, từ đó xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện nhằm
hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
3. Cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư
từ ngân sách tỉnh để thực hiện chương trình (từng năm và cho giai đoạn 2016 - 2020)
bảo đảm theo quy định của Trung ương; bố trí
tăng thêm nguồn lực từ ngân sách tỉnh cho hỗ trợ phát triển sản xuất tăng thu
nhập và giảm nghèo; có biện pháp thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động
để triển khai thực hiện; đẩy mạnh huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp; phát huy
vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực
từ nhân dân.
Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà
soát, xác định chính xác số nợ đọng cơ bản của chương trình; hướng dẫn xây dựng
kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm; thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực
hiện pháp luật về đầu tư, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.
4. Chỉ đạo khắc phục tình trạng ở
các địa phương chỉ quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng mà thiếu biện pháp tổ chức
sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Có giải pháp đẩy mạnh phát
triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế
nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, khuyến khích việc ứng dụng tiến bộ
khoa học - công nghệ cao, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào
sản xuất nông nghiệp; củng cố thúc đẩy các mô hình hợp tác xã liên doanh, liên
kết có hiệu quả. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho
lao động nông thôn; phổ
biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của tỉnh về hoạt động xuất khẩu lao
động; phát triển các mô hình liên kết xã, thị trấn với doanh nghiệp xuất khẩu
lao động; thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm.
5. Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban
chỉ đạo và bộ máy giúp việc cho Ban chỉ đạo. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của
các thành viên Ban chỉ đạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi việc thực
hiện các tiêu chí do ngành mình phụ trách.
6. Chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương
rà soát, khảo sát đánh giá hiệu quả của các cơ chế, chính sách về xây dựng nông
thôn mới tỉnh đã ban hành để tham mưu điều chỉnh, bổ sung kịp thời áp dụng cho
giai đoạn còn lại.
7. Tăng cường công tác kiểm tra,
thanh tra, giám sát việc thực hiện chương trình đảm bảo hiệu quả, có chất lượng
và tuân theo đúng các quy định hiện hành. Kịp thời phát hiện và chấn chỉnh
những thiếu sót hoặc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương; đồng
thời, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng
dân cư.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân
tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết và chỉ đạo thực hiện những kiến nghị của Đoàn giám sát Hội đồng
nhân dân tỉnh tại Báo cáo số 56/BC-ĐGS ngày 06 tháng 12 năm 2017 về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới gắn với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 -
2016; báo cáo kết quả
triển khai thực hiện Nghị quyết này hàng năm tại các kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân
tỉnh.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân
dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại
biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức kiểm tra và giám sát việc thực hiện Nghị
quyết này theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
khóa VII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2017./.