ỦY BAN ATGT QUỐC
GIA &
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
415/CTPH/UBATGTQG-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 9 năm 2019
|
CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP
TĂNG
CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC AN TOÀN GIAO THÔNG HỌC SINH, SINH VIÊN GIAI ĐOẠN
2019-2024
Thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01 tháng 02 năm
2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu
quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn toàn giao thông
(ATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”
và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về tăng cường
bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021, nhằm tăng
cường sự chỉ đạo, phối hợp đồng bộ trong công tác giáo dục ATGT cho học sinh,
sinh viên (HSSV), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác giáo dục ATGT trong trường học
cho HSSV giai đoạn 2019-2024 (Chương trình phối hợp) với các nội dung sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền,
giáo dục pháp luật về ATGT; xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện với
môi trường; góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về ATGT
trong HSSV.
2. Phổ biến kiến thức và kỹ năng tham gia giao
thông an toàn cho HSSV, nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến
HSSV.
3. Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục ATGT
trong trường học phải thực hiện thường xuyên, hiệu quả và thiết thực theo chương
trình, kế hoạch cụ thể, đảm bảo sự chặt chẽ, thống nhất.
II. NỘI DUNG
1. Phổ biến, truyền truyền, giáo dục kiến thức pháp
luật về ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho HSSV;
2. Chỉ đạo các nhà trường phát huy vai trò, trách
nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc giữ gìn trật tự ATGT; đẩy mạnh
Cuộc vận động “Học sinh, sinh viên với văn hóa giao thông” và tiếp tục triển
khai Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”;
3. Rà soát, bổ sung, sửa đổi nội dung về giáo dục
kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành Luật Giao thông cho học sinh trong chương
trình giáo dục phổ thông, hoạt động trải nghiệm và các hoạt động giáo dục khác ở
các cấp học; tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế; tiếp tục chỉ đạo bổ
sung biên soạn, thẩm định các tài liệu giáo dục ATGT cho HSSV.
4. Tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn HSSV kỹ
năng tham gia giao thông an toàn, văn hóa giao thông; Tập huấn nâng cao chuyên
môn, nghiệp vụ về ATGT cho giáo viên từ cấp học mầm non, tiểu học, trung học...
5. Phối hợp tổ chức, phát động các cuộc thi tìm hiểu
về ATGT, lái xe mô tô an toàn và các hoạt động văn hóa giao thông cho HSSV
III. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
1. Ủy ban An toàn giao thông Quốc
gia
1.1. Thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời về
tình hình trật tự ATGT, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ATGT
cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo triển khai.
1.2. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức về ATGT; biểu dương, khen thưởng
các tập thể, các cá nhân có thành tích cao trong công tác giáo dục ATGT.
1.3. Phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho
Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chương trình phối hợp theo từng năm.
1.4. Phối hợp với các tổ chức liên quan và Bộ Giáo
dục và Đào tạo huy động nguồn lực tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền,
giáo dục ATGT cho HSSV; chương trình tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em.
1.5. Chỉ đạo Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường trên địa bàn
tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền về ATGT cho HSSV; các biện pháp bảo
đảm trật tự ATGT, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình “Cổng trường an toàn giao
thông”; chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tăng cường
kiểm tra và xử lý các vi phạm trật tự ATGT tại khu vực trường học theo thẩm quyền
(có thông tin cho nhà trường về các HSSV vi phạm để kịp thời giáo dục); chỉ đạo
các cơ quan quản lý đường thủy nội địa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa
phương thường xuyên kiểm tra các điều kiện ATGT tại các bến đò ngang, phương tiện
đường thủy đưa đón HSSV qua sông; xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các bến đò
không có giấy phép hoạt động, các phương tiện không trang bị phao, áo phao hoặc
không đảm bảo an toàn; tiếp tục vận động HSSV mặc áo phao khi đi đò qua sông.
1.6. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công
tác kiểm tra, giám sát các phương tiện đưa đón học sinh đảm bảo tuyệt đối an
toàn khi tham gia giao thông.
1.7. Chỉ đạo Báo Giao thông mở chuyên mục ATGT cho
HSSV.
1.8. Phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo về việc
xây dựng tài liệu giáo dục văn hóa giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an
toàn; các nội dung chỉ đạo triển khai trong toàn ngành Giáo dục.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo
2.1. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng tuyên
truyền, giáo dục kiến thức về ATGT cho HSSV.
2.2. Rà soát, bổ sung, sửa đổi nội dung về giáo dục
kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành Luật Giao thông cho học sinh trong chương
trình giáo dục phổ thông, hoạt động trải nghiệm và các hoạt động giáo dục khác ở
các cấp học; tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế; tiếp tục chỉ đạo bổ
sung biên soạn, thẩm định các tài liệu giáo dục ATGT cho HSSV ở các cấp học đảm
bảo đủ nội dung, đủ thời lượng và phù hợp với lứa tuổi; Chỉ đạo các cơ sở giáo
dục lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT vào các hoạt động ngoại khóa
cho HSSV.
2.3. Chỉ đạo, thống nhất trong toàn ngành Giáo dục
quy định tháng 9 hằng năm là tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường.
2.4. Chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các
cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định trong việc tổ chức đưa, đón học sinh
bằng xe ô tô phải bảo đảm an toàn; nâng cao tỷ lệ bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho
học sinh khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; phối hợp
với Ban ATGT tỉnh, thành phố Trung ương triển khai hoạt động tuyên truyền ATGT,
trao tặng mũ bảo hiểm cho HSSV.
2.5. Chỉ đạo các trường học phối hợp với Ban Đại diện
cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành
quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, không điều
khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; Hiệu
trưởng các trường kiên quyết xử lý kỷ luật đối với HSSV điều khiển xe mô tô, xe
gắn máy không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi theo quy định; cán bộ quản lý,
giáo viên nghiêm túc thực hiện “Đã uống rượu bia không lái xe”.
2.6. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác
tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT phù hợp với từng cấp học; các biện
pháp phòng ngừa tai nạn giao thông, trong đó tập trung các hoạt động phòng
tránh tai nạn đuối nước cho học sinh (tháng 4), hoạt động đọc thông điệp hưởng ứng
ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông hằng năm (Ủy
ban ATGT Quốc gia tổ chức tháng 11); kỹ năng tham gia giao thông an toàn, kỹ
năng thoát hiểm khi gặp sự cố, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi không có
người trợ giúp, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông... vào các buổi sinh hoạt
dưới cờ hằng tuần cho học sinh.
2.7. Tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho
giáo viên từ cấp học mầm non, tiểu học, trung học và sinh viên các trường sư phạm
học chuyên ngành liên quan đến giảng dạy giáo dục ATGT sau khi tốt nghiệp;
2.8. Phối hợp Ủy ban ATGT Quốc gia cơ quan liên
quan tổ chức, phát động các cuộc thi tìm hiểu về ATGT, lái xe mô tô an toàn,
giao lưu “Giao thông học đường”, “An toàn giao thông cho Nụ cười trẻ thơ”, “An
toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” và các hoạt động văn hóa giao thông cho
HSSV
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học,
học viện, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm chủ trì, phối hợp với Ban ATGT
cấp tỉnh lập kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung của Chương trình phối hợp
này. Hằng quý, Ban ATGT ở các địa phương tổ chức họp giao ban liên ngành để
trao đổi thông tin, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức thực hiện, báo cáo Ủy
ban ATGT Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Giao Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia và Vụ Giáo dục
Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) làm đầu mối
thường trực, giúp lãnh đạo hai đơn vị đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện.
3. Hằng năm, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Giáo dục và
Đào tạo tổ chức sơ kết, đánh giá công tác phối hợp thực hiện chương trình phối
hợp này, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
trong triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết triển kế hoạch
cho các năm kế tiếp.
4. Chương trình phối hợp này được áp dụng thống nhất
trong toàn ngành Giáo dục, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
và có hiệu lực kể từ ngày ký.
5. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan chủ quản
các cơ sở đào tạo phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương
trình phối hợp này./.
KT. CHỦ TỊCH
ỦY BAN ATGT QUỐC GIA
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Nguyễn Văn Thể
|
BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Phùng Xuân Nhạ
|
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ; các PTTg CP (để
b/c);
- Các Phó Chủ tịch UBATGTQG;
- Các Ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Các Thứ trưởng Bộ GDĐT (để th/h);
- Các cơ quan thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để ph/h);
- Ban ATGT tỉnh, thành phố (để th/h);
- Các Sở GDĐT, đại học, học viện, các trường ĐH, CĐSP và TCSP (để th/h);
- Lưu VT, VPUBATGTQG, Vụ GDCTHSSV.
|
|