ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/CT-UBND
|
Quảng Ninh, ngày 08 tháng 3 năm 2023
|
CHỈ THỊ
THỰC
HIỆN HIỆU QUẢ, THỰC CHẤT MỤC TIÊU CÔNG TÁC THANH TRA, PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG,
TIÊU CỰC; TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH VÀ
CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH, THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH
Từ năm 2020 đến nay, công tác thanh tra, phòng chống
tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chấp hành
pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính của tỉnh Quảng Ninh luôn
được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo,
điều hành; cả hệ thống chính trị của Tỉnh đã cùng vào cuộc triển khai thực hiện
có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương; thi hành nghiêm túc pháp luật
của Nhà nước về thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo, tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; đã đạt được
nhiêu thành quả tích cực, được các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, các
bộ, ngành ghi nhận và đánh giá cao, qua đó đã góp phần vào thành công chung của
tỉnh Quảng Ninh trong việc giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”
trong trạng thái bình thường mới, hoàn toàn kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19;
giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị; giữ
vững khối đại đoàn kết các dân tộc và niềm tin của người dân, doanh nghiệp, cán
bộ, đảng viên.
Để tiếp tục phát huy những giá trị tích cực và khắc
phục những điểm còn hạn chế trong công tác thanh tra; tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và chấp hành pháp
luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính trên địa bàn Tỉnh trong thời
gian tới, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban,
ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách
nhiệm và tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả, thực chất những công việc sau
đây:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc,
toàn diện và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, quan điểm trong công tác
thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; công tác
phòng chống tham nhũng, tiêu cực và chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi
hành án hành chính
1.1. Về nguyên tắc: Đảm bảo đúng quy
định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân
và doanh nghiệp; khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu
với khó khăn, thử thách; thật sự khách quan, công tâm, công bằng, công khai,
dân chủ, minh bạch; kịp thời, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, cá thể hóa trách nhiệm,
ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, các cơ quan quản lý và người
thực thi công vụ.
1.2. Về quan điểm: Kết hợp chặt chẽ
giữa các khâu trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố,
xét xử, thi hành án trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, sai phạm; là nhiệm vụ
chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục của các cấp chính quyền, các cơ
quan quản lý có liên quan và phải được tiến hành đồng bộ, thực chất, hiệu quả lấy
sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu và lấy việc nâng cao hiệu lực,
hiệu quả công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giải quyết khiếu
nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của Nhân dân, việc chấp hành pháp luật tố tụng
hành chính, thi hành án hành chính nghiêm túc là một giải pháp quan trọng trong
việc xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh, kiến tạo, phục vụ
Nhân dân.
2. Tạo được sự đột phá rõ nét
trong công tác tổ chức cán bộ, xây dựng bộ máy, cải cách hành chính, cơ chế phối
hợp, xử lý thông tin
- Xây dựng tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực toàn
diện của cơ quan thanh tra cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, giải quyết, trả kết
quả hiện đại ở cấp xã, cấp huyện; trong đó UBND cấp huyện quan tâm xây dựng tổ
chức bộ máy cơ quan thanh tra cấp huyện đảm bảo về số lượng và chất lượng, kiện
toàn các chức danh, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác
thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tham gia đào tạo, bồi
dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói
chung có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình
hình mới;
- Xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu và
tập thể lãnh đạo các cơ quan; có cơ chế phối hợp, xử lý thông tin, quy chế giám
sát, kiểm tra sau thanh tra, giám sát kết hợp tiếp công dân; đề cao vai trò
trách nhiệm người đứng đầu trong tự kiểm tra, tự phát hiện, xử lý trong nội bộ.
3. Quán triệt sâu sắc và tập
trung thực hiện các mục tiêu “3 tăng”, “3 giảm” và “3 không”
theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tại Hội
nghị tổng kết công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp công
dân, GQKNTC và tham gia tố tụng các vụ án hành chính năm 2022 của tỉnh Quảng
Ninh
3.1. Về mục tiêu “3 tăng”
(1) Tăng tính tự giác, sự gương mẫu, nhận thức, trách
nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu đối với công tác thanh tra; tiếp
công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; công tác phòng chống tham
nhũng, tiêu cực và chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành
chính, nhất là ở cấp huyện, sở, ngành và cấp xã, phường;
(2) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác
thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; công tác
phòng chống tham nhũng, tiêu cực và chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi
hành án hành chính;
(3) Tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp
qua: công tác thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị;
công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và chấp hành pháp luật tố tụng hành
chính, thi hành án hành chính.
3.2. Về mục tiêu “3 giảm”
(1) Giảm: Đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản
ánh mới; phát sinh vụ việc mới, đặc biệt là vụ việc phức tạp, tập trung đông
người, vượt cấp và tái khiếu nại, tố cáo;
(2) Giảm số vụ việc: Chậm xem xét, giải quyết, chất
lượng hạn chế, sai sót về trình tự, thủ tục, đặc biệt là chất lượng giải quyết
khiếu nại lần 1 thấp, không giải quyết hết thẩm quyền, trách nhiệm, đùn đẩy, né
tránh; chậm thi hành các bản án hành chính có hiệu lực thi hành;
(3) Giảm số đầu mối cơ quan, đơn vị, tổ chức không
tự kiểm tra, tự phát hiện, tự xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
3.3. Về mục tiêu “3 không”
(1) Không được để phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại,
tố cáo, vụ việc tham nhũng, tiêu cực gây dư luận bức xúc; giữ vững sự ổn định,
hình ảnh Quảng Ninh;
(2) Không được để xảy ra mất đoàn kết nội bộ trong
các cơ quan hành chính, đơn vị, tổ chức hành chính sự nghiệp ở tất cả các cấp,
nhất là tình trạng đơn thư tố cáo giấu tên, mạo danh, nặc danh phát sinh trong
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gửi đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, UBKT các
cấp, các cơ quan thanh tra; lợi dụng dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để cố ý
vi phạm pháp luật, vu khống, vu cáo gây rối nội bộ, làm hại người khác;
(3) Không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thờ
ơ, vô cảm đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi
hành án, để các thế lực thù địch phản động, chống đối lợi dụng phản ánh, kiến
nghị, khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo quần chúng nhân dân gây mất an
ninh trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước, khối đại đoàn kết toàn dân.
4. Triển khai các nhiệm vụ thường
xuyên trong công tác thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị; phòng chống tham nhũng, tiêu cực và chấp hành pháp luật tố tụng hành
chính, thi hành án hành chính
4.1. Đối với công tác thanh tra: Quyết
tâm triển khai và hoàn thành chương trình kế hoạch thanh tra năm đã được phê
duyệt; triển khai kịp thời các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của
công tác quản lý trên các lĩnh vực, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo,
chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
hoạt động Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật và tăng cường theo dõi, kiểm
tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra; quyết định, kiến nghị xử lý
sau thanh tra đảm bảo các đối tượng được thanh tra thực hiện nghiêm túc, đầy đủ
các nội dung kiến nghị tại kết luận thanh tra. Phấn đấu tỷ lệ thu hồi số tiền
sai phạm phát hiện qua thanh tra về Ngân sách Nhà nước đạt trên 80%.
4.2. Đối với công tác phòng chống tham nhũng,
tiêu cực: Tăng cường và phát huy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp
luật về PCTN, giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức và nhân dân, tiếp tục đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở
giáo dục theo quy định; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính
sách, pháp luật trên các lĩnh vực, tập trung các lĩnh vực đầu tư xây dựng, đất
đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý tài chính...; tăng cường công khai, minh bạch
trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm giải
trình của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt công tác cán bộ; thực hiện
việc rà soát, sắp xếp, luân chuyển, bố trí cán bộ để tăng cường củng cố, kiện
toàn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các đơn vị trọng yếu bảo đảm
yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các
đoàn thể, các tổ chức xã hội, nhân dân, các cơ quan báo chí, truyền thông và mỗi
cán bộ, công chức, viên chức trong công tác PCTN; có hình thức khen thưởng để
biểu dương, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia công tác
PCTN.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số
77-KH/TU ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 78-KH/TU ngày 15/7/2021 của
Tỉnh ủy, nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh
tra, kiểm tra, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tin báo tố giác tội phạm.
Tăng cường phối hợp giữa các các cơ quan tư pháp trong việc phát hiện, điều
tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
4.3. Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo: Tiếp tục thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh tại: Văn bản số 1219/UBND-TD1 ngày 01/3/2022 “Về việc đảm
bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác tiếp
công dân” và Văn bản số 2086/UBND-TD1 ngày 04/4/2022 “Về việc tăng cường tiếp
công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phục vụ các dự án trọng điểm
trên địa bàn tỉnh”, theo đó tập trung ưu tiên cho việc đầu tư lắp đặt hệ thống
truyền hình kết nối trực tuyến tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện; giải quyết
có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85% đối với
các vụ việc mới phát sinh; chú trọng việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết
khiếu nại, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo đã có hiệu lực pháp luật,
phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%.
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phải tăng
cường và tập trung nhân lực xác minh, xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất
của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng dụng đất bị thu hồi, đảm bảo công
tâm, khách quan, chính xác và kịp thời, nhất là đối với các trường hợp bị thu hồi
đất ở phải bố trí tái định cư, trường hợp sử dụng đất nông nghiệp không có giấy
tờ theo quy định của pháp luật về đất đai. Thường xuyên cập nhật các biển động
về đất đai, tài sản trên mặt đất, mặt nước để đảm bảo không làm phát sinh các
hành vi trục lợi.
4.4. Đối với việc chấp hành pháp luật tố tụng
hành chính và thi hành án hành chính: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ
chức thực hiện hiệu quả, thực chất nội dung Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 14/9/2022
của Tỉnh ủy “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc chấp hành
pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh”;
Văn bản số 5136/UBND-TD1 ngày 28/9/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh “Về
việc nghiêm túc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành
chính”; phối hợp chặt chẽ với Cục Thi hành án dân sự để thực hiện nghiêm
túc chỉ đạo của Bộ Tư pháp tại Văn bản số 371/BTP-TCTHADS ngày 08/02/2023 “Về
việc đề nghị tiếp tục quan tâm, phối hợp, chỉ đạo thực hiện việc chấp hành pháp
luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính”.
5. Tổ chức thực hiện
5.1. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể để
thực hiện ngay và thực hiện thực chất nội dung Chỉ thị này, đảm bảo phù hợp với
tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị.
5.2. Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các
sở, ngành có liên quan, định kỳ và đột xuất tổ chức kiểm tra việc thực hiện các
nội dung của Chỉ thị này tại các sở, ngành và địa phương, trên cơ sở đó tổng hợp
kết quả vào báo cáo sơ kết và tổng kết về công tác thanh tra; tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng và tham gia tố tụng giải quyết
các vụ án hành chính./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP;
- Thanh tra Chính Phủ;
- TT Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh, Đoàn thể CT - XH tỉnh;
- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành;
- Bí thư và Chủ tịch UBND các địa phương;
- V0, V1, V2, V3;
- TT Truyền thông tỉnh (đăng tải);
- Lưu: VT, TD1.
C30-CT01
|
Q. CHỦ TỊCH
Cao Tường Huy
|