TỔNG
CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 38646/CT-TTHT
V/v hóa đơn đối
với hoạt động cho vay.
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 06
năm 2018
|
Kính
gửi: Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei
(Đ/c: Tầng 12 Tòa nhà TNR Tower, số 54 Nguyễn Chí Thanh, P: Láng Thượng, Quận Ba Đình, TP Hà Nội - MST:
0107349019)
Trả lời công văn số
02/2018/CV-Mcredit đề ngày 08/5/2018 của Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (sau
đây gọi là Công ty) hỏi về hóa đơn, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Thông tư số 26/2015/TT-BTC
ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý
thuế tại nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi,
bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng
hóa, cung ứng dịch vụ quy định như sau:
+ Tại Khoản 3 Điều 1
quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:
“a) Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức:
- Cho vay;
- Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác;
- Bảo lãnh ngân hàng;
- Cho thuê tài chính;
- Phát hành thẻ tín dụng.
Trường hợp tổ chức tín dụng thu
các loại phí liên quan đến phát hành thẻ tín dụng thì các khoản phí thu từ khách hàng thuộc quy trình dịch vụ cấp
tín dụng (phí phát hành thẻ) theo quy chế
cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng như
phí trả nợ trước hạn, phạt chậm trả nợ, cơ cấu lại nợ, quản lý khoản vay và các
khoản phí khác thuộc quy trình cấp tín dụng
thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).
…”
+ Tại Khoản 7, Điều 3
quy định về lập hóa đơn như sau:
“... Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng
hóa, dịch vụ dùng để
khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi trả thay lương cho người lao động (trừ
hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).
…
“b) Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số
thuế của người bán”, “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”
Người bán phải ghi đúng tiêu thức
“mã số thuế” của người mua và người bán.
Tiêu thức “tên, địa chỉ” của người
bán, người mua phải viết đầy đủ, trường hợp viết tắt thì phải đảm bảo xác định
đúng người mua, người bán.
…
... Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa
đơn hoặc không cung cấp tên địa chỉ, mã số thuế (nếu
có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua
không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp
tên, địa chỉ, mã số thuế”. Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người
mua không yêu cầu lấy hóa đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hóa đơn cho
tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát
sinh trong ngày”.
- Căn cứ Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày
31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày
14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định
về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:
+ Tại Khoản 2 Điều 16
quy định như sau:
“2. Cách lập một số tiêu thức cụ
thể trên hóa đơn
a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập
hóa đơn
Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng
hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng
dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung
ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập
hóa đơn là ngày thu tiền.
…
c) Tiêu thức “Số thứ tự, tên hàng hóa, dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá,
thành tiền”: ghi theo thứ tự tên hàng hóa, dịch vụ
bán ra; gạch chéo phần bỏ trống (nếu có). Trường hợp hóa đơn tự in hoặc hóa đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hóa
đơn thì không phải gạch chéo.”
+ Tại Điều 18 quy
định như sau:
“Điều 18. Bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập hóa đơn
1. Bán hàng hóa, dịch vụ có
tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì
không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.
2. Khi bán hàng hóa, dịch vụ không
phải lập hóa đơn hướng
dẫn tại khoản 1 Điều này, người bán phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. ...
3. Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn
giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng ghi số tiền
bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng tổng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua, các
liên khác luân chuyển theo quy định. Tiêu thức
“Tên, địa chỉ người mua” trên hóa đơn này ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn”.
+ Tại Điểm 2.1 Phụ lục 4 ban hành kèm
theo Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn như sau:
“2.1. Tổ chức nộp thuế theo phương
pháp khấu trừ thuế bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT,
đối tượng được miễn thuế GTGT thì sử dụng hóa đơn
GTGT, trên hóa đơn GTGT chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất,
số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ.
…”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp
Công ty là đơn vị kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ phát sinh hoạt động
cung cấp dịch vụ cấp tín dụng (cho vay) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT
thì:
- Khi thu tiền lãi vay Công ty phải lập
hóa đơn theo quy định để giao cho người vay. Trên hóa đơn tiêu thức “tên, địa
chỉ, mã số thuế của người mua” phải ghi đủ các chỉ tiêu (nếu có); tiêu thức tên
hàng hóa ghi “Thu tiền lãi vay”, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch
bỏ.
- Trường hợp thu tiền lãi vay từ
200.000 đồng trở lên mỗi lần, người vay không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp
tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người vay
không lấy hóa đơn” hoặc “người vay không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.
- Trường hợp khoản thu tiền lãi vay
dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không
phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người vay có yêu cầu lập và giao hóa đơn. Đối
với trường hợp khoản thu lãi vay dưới 200.000 đồng mỗi lần mà người vay không lấy
hóa đơn thì Công ty phải lập bảng kê và cuối mỗi ngày, Công ty lập một hóa đơn
ghi số tiền lãi vay thu được trong ngày và giữ liên giao cho người mua, các liên khác luân chuyển theo quy định.
Tiêu thức “Tên, địa chỉ người mua” trên hóa đơn này ghi là “bán lẻ không giao
hóa đơn” theo hướng dẫn tại Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC
ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính nêu trên.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời Công ty được
biết để thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng KT4;
- Phòng Pháp chế;
- Lưu: VT, TTHT(2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Mai Sơn
|