VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1439/VPCP-CN
V/v tăng cường bảo đảm an toàn đối với hoạt
động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 3 năm 2022
|
Kính gửi:
|
- Các Bộ:
Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Tài nguyên và Môi trường;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
|
Xét báo cáo của Bộ Công an (văn bản số 266/BC-BCA
ngày 26 tháng 02 năm 2022) và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (văn bản số
91/BC-UBATGTQG ngày 02 tháng 3 năm 2022) về vụ nạn giao thông đường thủy nội địa
ngày 26 tháng 02 năm 2022 trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh
Quảng Nam; để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa nói chung
và hoạt động vận tải hành khách từ bờ ra đảo nói riêng, đặc biệt ngăn ngừa
không để xảy ra tai nạn giao thông tương tự, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm
Bình Minh có ý kiến như sau:
1. Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị
số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các
giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội
địa trong tình hình mới; chỉ đạo các chủ công trình tổ chức quan trắc chuyên
dùng trong giao thông vận tải và cung cấp thông tin khí tượng thủy văn theo quy
định của Luật Khí tượng thủy văn và Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5
năm 2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn, Nghị định số
48/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 38/2016/NĐ-CP .
2. Bộ Giao thông vận tải
- Chỉ đạo các cảng vụ đường thủy nội địa tăng cường
kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, an ninh và bảo vệ
môi trường của phương tiện thủy nội địa; kiểm tra giấy chứng nhận khả năng
chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; kiên
quyết không cho các phương tiện xuất bến khi phương tiện không bảo đảm điều kiện
an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường hoặc điều kiện thời tiết không bảo đảm. Gắn
trách nhiệm của cảng vụ nếu xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến
phương tiện thủy không bảo đảm an toàn, chở quá số người hoặc điều kiện thời tiết
không bảo đảm khi xuất bến.
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với
chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, Ban tổ chức Lễ hội Xuân tăng cường
kiểm tra hoạt động tại các bến khách ngang sông, bến hành khách, đặc biệt là
các bến tàu, phương tiện thủy phục vụ du lịch, lễ hội.
- Chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng
hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ đội
Biên phòng tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về bảo đảm
an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng, phương tiện, thuyền viên và công
tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách từ bờ ra đảo trên
toàn quốc; xử lý và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các bất cập và sai phạm.
- Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy
định pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến bảo đảm
an toàn về kết cấu hạ tầng, phương tiện, thuyền viên và tổ chức vận tải đối với
hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa, đặc biệt là hoạt động vận tải
hành khách bằng phương tiện sông, biển trên các tuyến từ bờ ra đảo.
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu,
đề xuất bổ sung quy định các cảng, bến phục vụ tuyến vận tải hành khách từ bờ
ra đảo phải quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định của Luật Khí tượng thủy
văn.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí
tượng Thủy văn và hệ thống dự báo khí tượng thủy văn từ trung ương đến địa
phương tăng tần suất bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển;
tăng cường dự báo và cảnh báo chuyên đề phục vụ hoạt động giao thông vận tải tại
các địa phương có hoạt động vận tải hành khách từ bờ ra đảo và hướng dẫn việc sử
dụng thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên phạm vi cả nước.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương
- Chỉ đạo lực lượng chức năng (Bộ đội biên phòng, Cảnh
sát biển, Công an, Thanh tra giao thông vận tải) tăng cường thanh tra, tuần
tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT đường thủy nội
địa; trong đó tập trung kiểm tra ngay tại các cảng, bến thủy có tổ chức hoạt động
vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải hành khách từ bờ ra đảo, xử lý nghiêm
các hành vi vi phạm các quy định pháp luật về an toàn giao thông; kiên quyết
đình chỉ hoạt động đối với cảng, bến cảng, bến kinh doanh vận tải khách du lịch
không phép, để phương tiện không đủ điều kiện khai thác vận tải, không bảo đảm
an toàn hoạt động trong phạm vi cảng, bến; không cho xuất bến đối với các
phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn như chở quá số người quy định, thiếu
thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định.
Yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách trên đường
thủy kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện sau thời gian dài không hoạt động do dịch
Covid-19 trước khi đưa vào sử dụng.
- Rà soát toàn bộ các lễ hội liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy;
lập và triển khai kế hoạch bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa tại các khu vực diễn ra lễ hội có liên quan đến hoạt
động giao thông đường thủy nội địa. Tổ chức khoa học hoạt động đưa đón khách từ
khâu bán vé; sắp xếp hành khách lên phương tiện, không để xảy ra tình trạng các
phương tiện tự chèo kéo khách, hành khách chen, lấn xô đẩy khi lên, xuống
phương tiện; hành khách bắt buộc phải sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu
sinh cầm tay trong suốt quá trình tham gia giao thông đường thủy nội địa.
- Đẩy mạnh tuyên truyền cho các chủ doanh nghiệp,
cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, thuyền viên, người tham gia giao thông
nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa; hướng dẫn
kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố
bất ngờ hoặc tai nạn giao thông đường thủy.
- Tăng cường tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại
chúng và thông tin cơ sở (truyền thanh ở thôn, xóm, xã, phường) những quy định
về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương
tiện thủy nội địa, về điều kiện hoạt động của phương tiện thủy, về chứng chỉ
chuyên môn đối với người lái phương tiện, về trang bị và sử dụng áo phao cứu
sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang
sông; kịp thời cung cấp thông tin về dự báo thời tiết, đặc biệt là những thông
tin cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn bảo đảm an toàn cho phương tiện và con người
của cơ quan chức năng.
- Công bố số điện thoại đường dây nóng của Sở Giao
thông vận tải, Cảnh sát đường thủy tại các cảng, bến và trên các phương tiện thủy
vận tải khách du lịch trên địa bàn tỉnh để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến
nghị của người dân.
- Đối với các địa phương có tuyến vận tải hành
khách từ bờ ra đảo: Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Trung tâm Khí tượng
thủy văn trên địa bàn kịp thời cung cấp thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo
nguy hiểm và hướng dẫn bảo đảm an toàn đối với người và phương tiện vận tải,
tàu cá, phương tiện dân sinh hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là các phương tiện
vận tải hành khách.
5. Giao Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia theo
dõi, đôn đốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nhiệm vụ nêu
trên.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết,
thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, NC,
QHĐP;
- Lưu: VT, CN (2)
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Cao Huy
|