ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/CT-UBND
|
Khánh Hòa, ngày 25 tháng 10 năm 2019
|
CHỈ THỊ
TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TÀI CHÍNH - NGÂN
SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2019
Tình hình kinh tế - xã hội và ngân
sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2019 có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô
ổn định, tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực đặc
biệt là lĩnh vực nông, lâm, ngư, nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; một số khoản
thu chưa đạt dự toán, tiến độ giải ngân vốn đầu tư của một số dự án còn chậm,
cũng như biến đổi khí hậu diễn biến khó lường sẽ tác động đến các lĩnh vực kinh
tế - xã hội, trong đó có việc thực
hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm
2019. Vì vậy, với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2019 đã được
Chính phủ giao, đảm bảo cân đối các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán năm 2019, đồng thời xử lý các
nhiệm vụ chi phát sinh ngoài dự toán để thực hiện các chính sách an sinh xã hội,
khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban,
ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ngoài việc tiếp tục thực hiện
Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 23/01/2019 về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách
nhà nước năm 2019, cần tập trung thực hiện một số nội dung trong các tháng cuối
năm như sau:
1. Đối với cơ quan Thuế, Hải quan:
- Triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu
quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 29/8/2019 của Bộ
Tài chính về việc tăng cường công tác thu ngân sách; thường xuyên đánh giá kết
quả, tiến độ thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách để có giải pháp chỉ đạo, điều
hành thu kịp thời phấn đấu hoàn
thành nhiệm vụ thu ngân sách và nhiệm vụ công tác quản lý thuế năm 2019.
- Tăng cường công tác quản lý thu
trên địa bàn tỉnh, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển
giá; giảm nợ đọng thuế; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá
trình triển khai thực hiện nhiệm vụ
thu đối với các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí, đất đai, tài nguyên, khoáng sản,
thu khác ngân sách ...
- Thực hiện tốt công tác cải cách
hành chính trong công tác thuế, giải quyết hồ sơ nhanh gọn, kịp thời, đúng pháp
luật, không để ùn tắc, tồn đọng,
gây khó khăn cho người nộp thuế.
- Thực hiện cải cách, hiện đại hóa
các thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới; giảm
thiểu giấy tờ, giảm chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính để thu hút
doanh nghiệp lập thủ tục xuất nhập khu tại cửa khẩu Khánh Hòa.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ động đôn đốc đẩy nhanh tiến độ
thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án đã
bố trí vốn; rà soát và trình cấp có thẩm quyền điều chuyển
kế hoạch vốn đầu tư từ những dự án không có khả năng giải ngân hoặc triển khai
chậm, không đúng tiến độ sang các dự án đang triển khai có khả năng hoàn thành
trong năm 2019 nhưng chưa được bố trí đủ vốn.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh trong công tác chuyển nguồn từ năm 2019 sang
năm 2020, kiên quyết không thực hiện chuyển nguồn đối với các nội dung đã chuyển
nguồn từ năm 2018 sang năm 2019 nhưng không thực hiện.
Bên cạnh đó, phối hợp với các Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ
giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn vay từ nguồn Chính phủ về cho vay lại
đã được giao kế hoạch vốn, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục ký hợp đồng
vay lại đối với các dự án vay từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại đã được ký
kết Hiệp định.
3. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh:
Chủ động rà soát và đề nghị điều chỉnh
các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán đầu năm 2019 nhưng chưa sử dụng để bố trí
các nhiệm vụ chi phát sinh trong năm; hạn chế đề nghị bổ sung ngoài dự toán được
giao đầu năm 2019; quản lý và sử dụng dự toán ngân sách được giao có hiệu quả,
tăng cường tiết kiệm trong chi thường xuyên.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Chỉ đạo các Chi cục Thuế triển khai các giải pháp thu thuế và công tác
thu hồi nợ đọng thuế trong năm 2019.
- Chủ động rà soát đôn đốc đẩy nhanh
tiến độ triển khai và giải ngân vốn cho các dự án đã giao, trong đó đánh giá cụ
thể nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư chậm như: Công tác bồi thường giải phóng mặt
bằng, các dự án do chủ đầu tư chậm lập thủ tục thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước,
các dự án chậm triển khai thủ tục đầu tư ... trên cơ sở phân tích các nguyên
nhân để có biện pháp giải quyết cụ thể, hiệu quả, đồng thời thực hiện điều chuyển
kế hoạch vốn đầu tư từ những dự án triển khai chậm sang các dự án đang triển
khai có khả năng hoàn thành trong năm 2019 nhưng chưa được bố trí đủ vốn; đẩy
nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và có văn bản đôn đốc các chủ đầu
tư chưa lập thủ tục thanh toán khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ gửi KBNN.., đảm bảo đến cuối năm 2019 tỷ lệ giải ngân vốn đầu
tư đạt trên 95% so với dự toán.
- Triển khai những giải pháp tối ưu
trong công tác điều hành ngân
sách, thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Chỉ đạo Phòng Tài chính -
Kế hoạch chủ động rà soát, đánh giá các khoản thu để kịp thời có phương án xử
lý khi có hụt thu, bên cạnh đó, phải theo dõi, cân đối các nhiệm vụ chi theo tiến
độ thu NSNN của địa phương, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, tránh trường hợp tiến độ giải ngân chi đầu
tư phát triển từ dự toán vượt tiến độ thu NSNN trên địa bàn.
Trường hợp sau khi rà soát đánh giá
thu NSNN trên địa bàn dự kiến số thu ngân sách địa phương được hưởng không đạt
dự toán được giao, UBND cấp huyện trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp
phương án xử lý hụt thu như sau:
+ Trên cơ sở số hụt thu so với dự
toán, thực hiện giảm tương ứng số đã bố trí đầu năm từ nguồn tăng thu dự toán để
bổ sung nguồn cải cách tiền lương.
+ Nguồn cải cách tiền lương còn dư (nếu
có) sau khi đảm bảo nguồn thực hiện tiền lương theo mức 1,49 triệu đồng/tháng
và các chính sách an sinh xã hội theo quy định;
+ Tiết kiệm tối đa 50% nguồn dự phòng
ngân sách cấp huyện.
+ Tiết kiệm nguồn vốn đầu tư theo
phân cấp và các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương.
Sau khi thực hiện các biện pháp giảm
các nhiệm vụ chi nêu trên chưa bù đắp đủ số hụt thu, các địa phương có văn bản báo cáo Sở Tài chính để cân đối và tham
mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định.
- Đối với số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp tỉnh: Chỉ đạo các cơ quan
liên quan sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm hiệu quả không sử dụng vào mục đích
khác; trường hợp cần chuyển thực
hiện nội dung chi khác phải có ý kiến của UBND tỉnh; trường hợp không sử dụng hết
hoàn trả ngân sách tỉnh theo quy định.
5. Cơ quan tài chính các cấp:
- Tham mưu UBND các cấp quản lý chi NSNN theo đúng chế độ quy định trong phạm vi dự toán được giao đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu
quả; rà soát các chế độ, chính sách an sinh xã hội nhất là các khoản chi cho
con người để đảm bảo chi đúng đối tượng, đúng thời gian quy định.
- Chủ động sử dụng nguồn dự phòng
ngân sách địa phương tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai,
bão lũ, dịch bệnh và một số nhiệm vụ quan trọng cấp bách khác. Thực hiện tiết
kiệm 50% nguồn
dự phòng chưa phân bổ để xử lý trong trường hợp địa phương
hụt thu so với dự toán.
- Chủ động điều hành cân đối ngân
sách, tổ chức chi ngân sách theo dự toán và tiến độ thu; thực hiện rà soát và
điều chỉnh các nhiệm vụ chi trong
dự toán được giao giữa các lĩnh vực, các cơ quan đảm bảo sử dụng dự toán hiệu
quả.
- Chủ động dành nguồn vốn sự nghiệp để
thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch
nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và điều chỉnh quy hoạch
theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và quy định tại khoản 4 Nghị quyết số
69/NQ-CP ngày 13/9/2019 của Chính phủ.
- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc và
báo cáo UBND các cấp tiến độ chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, hết năm ngân sách, chỉ được chuyển nguồn
sang năm sau các khoản chi chưa thực hiện hoặc chưa chi hết theo quy định tại
Khoản 3, Điều 64 Luật ngân sách nhà nước; khoản 5, Điều 1 Nghị định số
120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ, số còn lại hủy dự toán.
- Sở Tài chính thực hiện quản lý chặt
chẽ nợ công; thanh toán đầy đủ, đúng
hạn các khoản nợ đến hạn thanh toán; kiểm soát tình hình vay nợ của ngân sách địa
phương đảm bảo không vượt mức vay được Quốc Hội quyết định và Thủ tướng Chính
phủ giao. Trên cơ sở số thu 10 tháng, chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án cân đối ngân sách cả năm trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
6. Kho bạc Nhà nước tỉnh:
Tăng cường kiểm soát việc giải ngân vốn
đầu tư xây dựng cơ bản tập trung; chủ động lập kế hoạch vốn, kế hoạch chi trả, thanh toán đảm bảo đầy đủ, kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chi theo phương án điều
hành ngân sách hàng quý của cơ quan tài chính cùng cấp; ưu tiên nguồn vốn để
thanh toán các khoản chi cho con người (lương, phụ cấp, trợ cấp xã hội,...) và
các khoản chi cho công tác an sinh xã hội.
Yêu cầu các Giám đốc các sở; Thủ trưởng
các ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố
và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; thường xuyên báo cáo kết
quả và những khó khăn, vướng mắc gửi về Sở Tài chính để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét giải quyết./.
Nơi nhận:
- TT.TU, TT.
HĐND tỉnh (b/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu QH tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Các Hội, đoàn thể thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cục thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, KBNN tỉnh;
- NHNN Chi nhánh KH;
- Báo Khánh Hòa, Đài PT&TH KH;
- Công báo KH,
- TT Cổng Thông tin điện tử Khánh Hòa;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Các phòng: XDNĐ, VX, TH, NC, QTTV;
- Lưu: VT, HB, HN, HLe.
|
CHỦ TỊCH
Lê Đức Vinh
|