ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1398/QĐ-UBND
|
Quảng Nam, ngày
24 tháng 5 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC THAM MƯU CÔNG TÁC CẢI
CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị quyết số
76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách
hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Nghị quyết số
04-NQ/TU ngày 12/4/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam
đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số
16-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về đẩy mạnh cải cách hành chính
trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số
1464/QĐ-UBND ngày 01/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định trách
nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện cải cách
hành chính;
Căn cứ Quyết định số
2370/QĐ-UBND ngày 19/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách
hành chính tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 3441/QĐ-UBND ngày
24/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chương trình hành động thực hiện
Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành
chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Sở Nội vụ
tại Tờ trình số 937/TTr-SNV ngày 10/5/2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này Đề án tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức tham
mưu công tác cải cách hành chính giai đoạn 2022 - 2025, với các nội dung chính
như sau:
I. Mục tiêu, yêu cầu
1. Mục tiêu
- Thống nhất nhận thức về tầm
quan trọng và tính cấp thiết của việc tăng cường năng lực và nâng cao trách
nhiệm thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu công tác cải cách
hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; theo đó, phải
xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, giúp
việc trong lĩnh vực cải cách hành chính tại các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.
- Xác định rõ chức trách nhiệm
vụ và thống nhất việc bố trí việc làm của cán bộ, công chức tham mưu công tác
cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
- 100% cán bộ, công chức lãnh
đạo các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo các phòng
chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã,
thành phố được đào tạo, bồi dưỡng về công tác cải cách hành chính.
- 100% công chức thực hiện công
tác cải cách hành chính được cung cấp các tài liệu, kiến thức, kỹ năng cần
thiết phục vụ quá trình tham mưu, tổng hợp, hướng dẫn triển khai thực hiện có
hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính. Trên 90% đội ngũ cán bộ, công chức tham
mưu thực hiện công tác cải cách hành chính có khả năng tham mưu, triển khai có
hiệu quả các Đề án, kế hoạch về công tác cải cách hành chính.
- Tổ chức ít nhất 10 lớp bồi
dưỡng về cải cách hành chính kết hợp trực tiếp với trực tuyến, tập trung bồi
dưỡng kỹ năng.
- Tổ chức ít nhất 4 đoàn công
tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính tại các tỉnh, thành
phố có mô hình hay, hiệu quả trong triển khai công tác cải cách hành chính.
2. Yêu cầu
- Kế thừa, phát huy kinh
nghiệm, kết quả đạt được về công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020.
- Cán bộ, công chức lãnh đạo
phải là người nêu gương trong thực hiện cải cách hành chính; chủ động tham gia
các lớp đào tạo, bồi dưỡng về công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số;
nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ học tập của công chức.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng,
tập huấn được thực hiện hằng năm, nội dung cập nhật mới, phương pháp linh hoạt,
phù hợp với từng đối tượng. Lựa chọn các cơ sở đào tạo có chất lượng; nội dung
và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn, chú trọng đào tạo kỹ năng,
ứng dụng thực tế.
- Thường xuyên cập nhật, bổ
sung việc chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực cải cách hành chính, đảm bảo
sự đồng bộ, hiệu quả theo chương trình chuyển đổi số của tỉnh.
II. Đối tượng, thời gian
thực hiện
1. Đối tượng thực hiện: Các Sở,
Ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các
xã, phường, thị trấn.
2. Thời gian thực hiện: Từ năm
2022 đến hết năm 2025.
III. Giải pháp thực hiện
- Nâng cao nhận thức của cấp
ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng bộ các
nhiệm vụ cải cách hành chính trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị, địa
phương.
- Đánh giá, xác định được trách
nhiệm của cán bộ lãnh đạo và công chức tham mưu công tác cải cách hành chính tại
các cơ quan, đơn vị, địa phương thông qua kết quả khảo sát mức độ hài lòng của
người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức tại
các cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Tăng cường trách nhiệm người
đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức bảo đảm phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, vị trí việc làm.
- Hằng năm, tổ chức triển khai
thực hiện kế hoạch đào tạo, tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, công chức làm công
tác cải cách hành chính theo kế hoạch của tỉnh, của ngành và địa phương.
- Tổ chức các đoàn học tập kinh
nghiệm, khảo sát các mô hình, dự án về cải cách hành chính và chuyển đổi số tại
các địa phương trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các diễn đàn
phù hợp, hiệu quả để cán bộ lãnh đạo, công chức chuyên trách công tác cải cách hành
chính có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu sâu về lý luận và thực tiễn công tác
cải cách hành chính.
- Hệ thống hóa, xây dựng cơ sở
dữ liệu, chuyển đổi số,.. phục vụ cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ cải cách
hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Thực hiện đầy đủ các chế độ,
chính sách, hỗ trợ phù hợp với đặc thù công việc cho cán bộ lãnh đạo, công chức
làm công tác cải cách hành chính theo quy định.
- Kịp thời khen thưởng cán bộ,
công chức có thành tích xuất sắc trong tham mưu thực hiện cải cách hành chính
của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, có
hình thức xử lý, điều chuyển đối với cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm
vụ được giao.
(Chi tiết tại Phụ lục đính
kèm)
IV. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện Đề án được
bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa và các nguồn thu khác
theo quy định của pháp luật hiện hành.
V. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến về công tác cải cách
hành chính của tỉnh; xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng và triển khai Kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu công tác
cải cách hành chính.
- Phối hợp xây dựng và triển
khai kế hoạch chuyển đổi số đối với lĩnh vực: (1) Chỉ đạo, điều hành cải cách
hành chính; (2) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; (3) Cải cách chế
độ công vụ.
- Dự trù kinh phí thực hiện các
nhiệm vụ của Đề án trong Kế hoạch cải cách hành chính hằng năm của Ủy ban nhân dân
tỉnh.
- Theo dõi, kiểm tra việc thực
hiện Đề án, kịp thời báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Đề
án để Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án khi kết thúc Đề án.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, hướng dẫn Sở Nội vụ
tiêu chuẩn, kỹ thuật hệ thống đào tạo trực tuyến công tác cải cách hành chính
của tỉnh, cụ thể: số hóa nội dung, bài giảng công tác cải cách hành chính; quản
lý nội dung, tổ chức các khóa học, tổ chức các đợt kiểm tra, khảo sát; quản lý,
kiểm soát thời gian, đo lường chất lượng học viên tham gia học tập trên Hệ thống;
tích hợp, đồng bộ với các Hệ thống của tỉnh đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
- Phối hợp với Sở Nội vụ xây
dựng Kế hoạch tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về
cải cách hành chính và chuyển đổi số hằng năm theo lộ trình.
- Chủ trì xây dựng chương
trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng, tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin,
chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý, công chức chuyên trách triển khai
chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước.
3. Sở Tài chính
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
cấp kinh phí thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, học tập kinh
nghiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện cải cách hành chính
trong kế hoạch hằng năm của tỉnh và của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo
quy định.
- Phối hợp với Sở Nội vụ tham
mưu thực hiện chế độ hỗ trợ phù hợp cho công chức chuyên trách làm công tác cải
cách hành chính.
4. Các Sở, Ban, ngành; Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Bố trí, sắp xếp đội ngũ cán
bộ, công chức tham mưu thực hiện cải cách hành chính và chuyển đổi số tại cơ
quan, đơn vị, địa phương phù hợp với vị trí việc làm, chuyên môn, nghiệp vụ;
bảo đảm bố trí đủ nhân lực có năng lực đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ
cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Thường xuyên theo dõi, tổng
hợp nhu cầu, số lượng và danh sách cán bộ, công chức tham gia đào tạo bồi dưỡng
về cải cách hành chính và chuyển đổi số hằng năm; quan tâm, tạo điều kiện cho
đội ngũ cán bộ, công chức được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn; có chính
sách đãi ngộ phù hợp theo quy định hiện hành.
- Tổng hợp kết quả, các khó
khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, gửi về Sở
Nội vụ (bổ sung trong Báo cáo công tác cải cách hành chính định kỳ hằng năm)
để được hướng dẫn, giải quyết.
Điều 2. Quyết định này
có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng
Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ
tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Quang Bửu
|