NGHỊ QUYẾT
HỘI NGHỊ LẦN THỨ 11 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 10/4 đến ngày 12/4/2025 tại Thủ đô Hà Nội,
sau khi xem xét và thảo luận các tờ trình, đề án và báo cáo của Bộ Chính trị,
căn cứ kết quả biểu quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
QUYẾT NGHỊ
1. Thông qua nội dung cơ bản các dự thảo
văn kiện trình Đại hội XIV sau đây:
- Báo cáo chính trị của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
- Báo cáo tổng kết một số vấn đề
lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa
trong 40 năm qua ở Việt Nam.
- Báo cáo của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XIII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng
trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
- Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm
vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030.
Giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo
luận của Trung ương và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo
các Tiểu ban Đại hội XIV tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo văn kiện trên để lấy
ý kiến đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo quy định.
2. Cơ bản thống nhất dự thảo Phương hướng
công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.
Giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo
luận của Trung ương và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo
hoàn thiện Phương hướng công tác nhân sự, tiếp tục báo cáo Ban Chấp hành Trung
ương Đảng.
3. Cho ý kiến về giới thiệu nhân sự bổ
sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV để Bộ Chính trị xem xét,
quyết định quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031 theo thẩm
quyền.
4. Cơ bản thống nhất Đề án phương hướng
bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ
2026 - 2031.
Giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo
luận của Trung ương và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để ban
hành Kết luận về phương hướng bầu cử và Chỉ thị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu
Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031;
chỉ đạo Đảng uỷ Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện; lãnh đạo, chỉ đạo công
tác chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại
biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
5. Cơ bản thống nhất với các nội dung
đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh,
không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền
địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được
Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sắp xếp, tinh gọn
tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; xây dựng hệ thống tổ chức
đảng ở địa phương; chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Thông qua một số nội dung cụ thể
tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện và nâng cao hiệu năng,
hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị như sau:
- Về tổ chức bộ máy chính quyền địa
phương 2 cấp: (1) Đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh
(tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc
tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày
01/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa
đổi) có hiệu lực thi hành. (2) Đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau
sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương);
tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau
sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng uỷ
Chính phủ (Danh sách chi tiết kèm theo). (3) Đồng ý sáp nhập đơn vị hành
chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp
xã so với hiện nay.
- Về tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao
nhiệm vụ: (1) Đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà
nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã như Tờ trình và Đề án của
Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương; việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức
bộ máy phải bảo đảm sâu sát cơ sở, địa bàn, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp,
chính đáng của Nhân dân và đoàn viên, hội viên của tổ chức mình. (2) Thống nhất
chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ
trang; giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn.
- Về hệ thống tổ chức Toà án nhân dân, Viện kiểm
sát nhân dân các cấp: Đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy Toà án nhân
dân, Viện Kiểm sát nhân dân; hệ thống tổ chức Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát
nhân dân có 3 cấp: Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cấp tỉnh,
cấp khu vực. Kết thúc hoạt động của Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp
cao và Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.
- Về hệ thống tổ chức đảng ở địa phương: Đồng ý chủ
trương lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh,
cấp xã. Kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện (huyện, thị xã, thành phố, quận
trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Lập tổ chức đảng tương ứng với
đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã theo đúng Điều lệ Đảng, quy định của Trung
ương.
Giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo
luận của Trung ương và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo,
hoàn thiện, ban hành các quy định, hướng dẫn có liên quan bảo đảm hệ thống tổ
chức đảng ở địa phương hoạt động ổn định, không gián đoạn.
Giao Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng uỷ
Chính phủ: Chỉ đạo hoàn thiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các
cấp (trong đó, nghiên cứu, rà soát hoàn thiện tiêu chí về sắp xếp các xã, phường,
đặc khu) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; chỉ đạo cơ
quan chức năng phối hợp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan
hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh,
cấp xã, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp trình Quốc hội, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền; khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo
các cơ quan chức năng ở Trung ương phối hợp chặt chẽ với các địa phương tham
mưu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời tổ chức thực hiện sắp
xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp
gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, bảo đảm đủ điều kiện, nguồn
lực để thực hiện, nâng cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền
địa phương; rà soát chế độ, chính sách, lộ trình tinh giản biên chế, tính toán
chi phí, cân đối ngân sách; bảo đảm thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với
việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của
hệ thống chính trị.
Giao ban thường vụ các tỉnh uỷ,
thành uỷ, đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn
trương xây dựng Đề án theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền thực hiện sắp xếp
đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp cấp xã. Trong đó,
căn cứ tiêu chí và thực tế địa phương chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án,
báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện sắp xếp, tên gọi, địa điểm đặt
trụ sở xã, bảo đảm chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân,
sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của Nhân dân, tiết giảm chi phí; đồng
thời, triển khai tổ chức hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp theo quy định
pháp luật bảo đảm đúng lộ trình, tiến độ đề ra, đạt mục tiêu tinh gọn, hiệu
năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến
tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tăng cường phòng, chống
tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong sắp xếp cán bộ, quản lý, sử dụng tài
chính, tài sản công; giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp
bảo đảm không ngắt quãng và không gián đoạn.
6. Cơ bản thống nhất nội dung sửa đổi,
bổ sung Quy định số 232-QĐ/TW, ngày
20/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định
số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 và Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 03/02/2025 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo
luận của Trung ương để chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện và ban hành theo thẩm quyền.
7. Cơ bản thống nhất nội dung sửa đổi,
bổ sung Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày
18/01/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo
luận của Trung ương và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo
tiếp thu, hoàn thiện và ban hành theo thẩm quyền.
8. Thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ
sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước liên
quan đến các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã
hội; các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy
của hệ thống chính trị; bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ
ngày 01/7/2025; quy định thời gian chuyển tiếp để bảo đảm hoạt động thông suốt,
không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.
Giao Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng ủy
Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các
cơ quan liên quan triển khai việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo đúng quy định; ban
hành các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc
sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo
đúng tiến độ, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thông điểm nghẽn,
giải phóng sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực cho phát triển; Đảng uỷ Chính
phủ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về giấy tờ, thủ tục hành chính, sử dụng con dấu...
tránh xáo trộn, lãng phí.
9. Thông qua Báo cáo của Bộ Chính trị
về những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ
10 đến Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và một số
nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị lần thứ 11 đến Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XIII; Báo cáo công tác hoàn thiện thể chế; Báo cáo công
tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng; các Báo cáo khái quát về tình hình đất nước,
về những thách thức đe doạ an ninh, trật tự nổi lên thời gian gần đây, về tình
hình thế giới, khu vực và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới; tình hình
và giải pháp liên quan đến ứng phó chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.
10. Nghe Báo cáo chuyên đề về đột phá
phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
11. Đồng ý để đồng chí Nguyễn Văn Hiếu
thôi giữ chức Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
12. Thi hành kỷ luật bằng hình thức
Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Trương Hòa Bình,
nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ,
nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu
cầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là người đứng đầu tập trung sửa
đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện thể chế, nhất là các quy định về quản lý nhà
nước, quản trị quốc gia, quản lý xã hội theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền,
xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, tổ chức bộ máy của từng
cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân; nhiệm vụ trong giai
đoạn tới là rất nặng nề và nhạy cảm nhưng cũng là cơ hội để các cấp, các ngành,
các địa phương lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ. Điều chỉnh kịp thời, ban hành
đồng bộ các quy định, hướng dẫn để các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống
chính trị vận hành thông suốt, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo mô
hình tổ chức mới.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu
gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu
vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành
chính, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết
số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XII và mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên, cũng như các mục tiêu
phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2025, tổ
chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Nơi nhận:
- Các ban đảng, đảng ủy trực thuộc
Trung ương,
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BAN CHẤP
HÀNH TRUNG ƯƠNG
TỔNG BÍ THƯ
Tô Lâm
|
DANH
SÁCH DỰ KIẾN TÊN GỌI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ VÀ TRUNG TÂM CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH (TỈNH
LỴ) CỦA 34 ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH
(Kèm theo Nghị
quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khoá XIII)
I- Các đơn vị hành chính cấp
tỉnh không thực hiện sáp nhập
1. Thành phố Hà Nội.
2. Thành phố Huế.
3. Tỉnh Lai Châu.
4. Tỉnh Điện Biên.
5. Tỉnh Sơn La.
6. Tỉnh Lạng Sơn.
7. Tỉnh Quảng Ninh.
8. Tỉnh Thanh Hoá.
9. Tỉnh Nghệ An.
10. Tỉnh Hà Tĩnh.
11. Tỉnh Cao Bằng.
II- Các đơn vị hành chính cấp
tỉnh mới sau sáp nhập, hợp nhất
1. Hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, lấy
tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên
Quang hiện nay.
2. Hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, lấy tên
là tỉnh Lào Cai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện
nay.
3. Hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, lấy tên
là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên
hiện nay.
4. Hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ và tỉnh
Hoà Bình; lấy tên là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh
Phú Thọ hiện nay.
5. Hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang, lấy
tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang
hiện nay.
6. Hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy
tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện
nay.
7. Hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng,
lấy tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành
phố Hải Phòng hiện nay.
8. Hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam
Định; lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh
Ninh Bình hiện nay.
9. Hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, lấy
tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình
hiện nay.
10. Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, lấy
tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà
Nẵng hiện nay.
11. Hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, lấy
tên là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng
Ngãi hiện nay.
12. Hợp nhất tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, lấy
tên là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định.
13. Hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hoà, lấy
tên là tỉnh Khánh Hoà, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hoà
hiện nay.
14. Hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh
Bình Thuận; lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại
tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
15. Hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, lấy tên
là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện
nay.
16. Hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình
Dương và Thành phố Hồ Chí Minh; lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm
chính trị - hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
17. Hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, lấy
tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện
nay.
18. Hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, lấy tên
là tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Long An.
19. Hợp nhất thành phố cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh
Hậu Giang; lấy tên là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại
thành phố Cần Thơ hiện nay.
20. Hợp nhất tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh
Trà Vinh; lấy tên là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh
Vĩnh Long hiện nay.
21. Hợp nhất tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, lấy
tên là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền
Giang.
22. Hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, lấy tên
là tỉnh Cà Mau, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.
23. Hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, lấy
tên là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang.