ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
22/2025/QĐ-UBND
|
Sóc Trăng, ngày
28 tháng 02 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO TỈNH SÓC TRĂNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19 tháng
02 năm 2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp
tổ chức bộ máy nhà nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
tỉnh Sóc Trăng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3
năm 2025 và thay thế Quyết định số 35/2021/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2021 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, tỉnh
Sóc Trăng và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- TT.TU TT.HĐND, TT.UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh, đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy, các Ban đảng;
- Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, VX, TH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vương Quốc Nam
|
QUY ĐỊNH
CHỨC
NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH SÓC
TRĂNG
(Kèm theo Quyết định số 22/2025/QĐ-UBND ngày 28 tháng 02 năm 2025 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Sóc Trăng)
Chương I
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM
VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng là cơ quan
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, thực hiện chức năng tham mưu,
giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề
nghiệp ở địa phương theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền
hạn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng có tư cách
pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; chịu sự
chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế và công tác của Ủy ban
nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn,
nghiệp vụ và các quy định khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng thực hiện nhiệm
vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21
tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định về hợp
tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định số 124/2024/NĐ-CP
ngày 05 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 86/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu
tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định 125/2024/NĐ-CP ngày 05
tháng 10 năm 2024 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong
lĩnh vực giáo dục, các quy định của pháp luật có liên quan và thực hiện các nhiệm
vụ, quyền hạn sau:
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan
trình Ủy ban nhân dân tỉnh
a) Ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện
các văn bản pháp luật về giáo dục; phương án tích hợp nội dung về mạng lưới các
cơ sở giáo dục và đào tạo vào quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch và các quy định
có liên quan; kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn; kế hoạch, chương
trình, dự án phát triển giáo dục trung học phổ thông trên địa bàn; kế hoạch triển
khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được phân
công trên phạm vi địa bàn tỉnh; các văn bản pháp luật về giáo dục theo thẩm quyền.
b) Văn bản chấp thuận về việc thành lập, cho phép
thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của
cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn.
c) Phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở
giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý phù hợp với thực tiễn của địa phương.
d) Phê duyệt Phương án thành lập, tổ chức lại, giải
thể các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
2. Phối hợp Sở Nội vụ tổng hợp số lượng người làm
việc hằng năm của các cơ sở giáo dục công lập trong kế hoạch số lượng người làm
việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền
phê duyệt.
3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ
chức tuyển dụng hoặc phân cấp việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhà
giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong các cơ sở giáo dục công lập trực
thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định của pháp luật.
4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan
thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối
với các cơ sở đại học; trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh theo phân cấp của
Chính phủ.
5. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng
Giáo dục và Đào tạo và người có chức danh theo dõi giáo dục thuộc Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn.
6. Quản lý các hoạt động dạy học và giáo dục trong
nhà trường và ngoài nhà trường; chỉ đạo thực hiện hoạt động giáo dục đạo đức, lối
sống, an toàn trường học; tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án đổi mới
chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện và chỉ đạo thực hiện
công tác truyền thông giáo dục trên địa bàn.
7. Tham gia thẩm định thực tế đề án thành lập, cho
phép thành lập cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học
trên địa bàn.
8. Thường xuyên cập nhật thông tin về đội ngũ nhà
giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc phạm vi quản lý vào cơ sở dữ liệu ngành
giáo dục. Thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ báo cáo định kỳ hằng năm và đột
xuất về thống kê, công khai lĩnh vực giáo dục của địa phương thuộc phạm vi quản
lý với Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
9. Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
a) Triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở
giáo dục nghề nghiệp, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển giáo dục
nghề nghiệp ở địa phương sau khi được phê duyệt; sắp xếp, tổ chức hệ thống cơ sở
giáo dục nghề nghiệp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với
cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
b) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của
pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.
c) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác đào tạo,
bồi dưỡng, sử dụng cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và nhà giáo; tổ chức hội
giảng nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hội thi thiết bị đào tạo tự
làm cấp tỉnh, các hội thi có liên quan đến người học các chương trình giáo dục
nghề nghiệp.
d) Tổ chức thực hiện việc thành lập, chia, tách,
sáp nhập, giải thể, đổi tên trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp;
việc thành lập, công nhận trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư
thục, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
hoạt động không vì lợi nhuận; việc thành lập, đình chỉ hoạt động phân hiệu của
trường trung cấp; việc công nhận, không công nhận hiệu trưởng trường trung cấp
tư thục, việc công nhận, miễn nhiệm giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư
thục. Thực hiện việc công nhận Hội đồng quản trị trường trung cấp tư thục; việc
cấp, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp,
đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài đối với trường trung cấp,
trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
đ) Rà soát, xây dựng, quản lý danh mục ngành, nghề
đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác; tổ chức thực hiện quy
định về đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề
cho lao động nông thôn, đào tạo nghề trong doanh nghiệp; thực hiện chính sách hỗ
trợ đào tạo nghề đối với lao động nông thôn, người khuyết tật, người dân tộc
thiểu số, lao động nữ và các đối tượng chính sách khác.
Chương II
CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ
Điều 3. Giám đốc, Phó Giám đốc
1. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng có Giám đốc
và 03 Phó Giám đốc.
2. Giám đốc Sở là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu, là người đứng đầu Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
Sở và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh theo Quy
chế làm việc và phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng.
3. Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở, giúp Giám đốc Sở thực hiện một hoặc một
số nhiệm vụ cụ thể do Giám đốc Sở phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc
Sở và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Sở
văng mặt, một Phó Giám đốc Sở được Giám đốc Sở ủy nhiệm thay Giám đốc Sở điều
hành các hoạt động của Sở. Phó Giám đốc Sở không kiêm nhiệm người đứng đầu tổ
chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức
1. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng bao gồm
các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Văn phòng.
b) Thanh tra.
c) Phòng Tổ chức cán bộ.
d) Phòng Kế hoạch - Tài chính.
đ) Phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học.
e) Phòng Giáo dục Trung học.
g) Phòng Giáo dục Dân tộc và Chuyên nghiệp.
h) Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục.
2. Các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở Giáo dục
và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng gồm: Trường trung học phổ thông; Trường phổ thông có
nhiều cấp học, trong đó có cấp trung học phổ thông; Trường phổ thông Dân tộc nội
trú có cấp trung học phổ thông; Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh; Trường
Nuôi dạy trẻ khuyết tật.
Điều 5. Biên chế
Biên chế công chức, số lượng người làm việc của Sở
Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với
chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế công chức, tổng
số lượng người làm việc của các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp
công lập của tỉnh, được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng
có trách nhiệm triển khai thực hiện các nội dung theo quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát
sinh hoặc khó khăn vướng mắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, quyết định./.