Kính gửi:
|
- Ban Chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện sắp xếp,
tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền
địa phương 02 cấp (BCĐ 571);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở
Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Căn cứ Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ
Chính trị, Ban Bí thư[1], Nghị quyết
số 190/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội[2], Quyết định số 571/QĐ-TTg ngày 12/3/2025 của Thủ tướng
Chính phủ[3], quy định của Luật Đầu
tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn
thi hành, để đảm bảo không gián đoạn trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư
công, thực hiện mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2025 theo chỉ
đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương về
thực hiện chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu
tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Bảo đảm tính liên tục, nhất quán trong quản lý và
triển khai các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công, không để xảy
ra đình trệ, gián đoạn do ảnh hưởng của việc sắp xếp, sáp nhập, chia tách các
đơn vị hành chính.
- Thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư
công, ngân sách nhà nước (NSNN) và pháp luật có liên quan; nâng cao hiệu quả sử
dụng vốn, bảo đảm mục tiêu giải ngân theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng
Chính phủ.
- Quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan,
tránh chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
2. Yêu cầu
- Việc bàn giao, tiếp nhận các chương trình, nhiệm
vụ, dự án, kế hoạch vốn đầu tư công phải được thực hiện đầy đủ, đúng phạm vi quản
lý, có đầy đủ hồ sơ tài liệu kèm theo; hạn chế tối đa các thủ tục phát sinh
không cần thiết, các cơ quan, đơn vị phải lập biên bản bàn giao, tiếp nhận hồ
sơ dự án (hồ sơ pháp lý, hồ sơ kiểm soát, thanh toán vốn của dự án, hồ sơ nhận
nợ và trả nợ vay lại), tài liệu giữa các bên, kể cả các khoản tạm ứng, nợ phải
thu, phải trả (nếu có). Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng
phí.
- Việc bàn giao, tiếp nhận các chương trình, nhiệm
vụ, dự án, kế hoạch vốn đầu tư công cần bảo đảm không làm ảnh hưởng, gián đoạn
việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Đối với các dự án đang đầu
tư dở dang nhưng cần thay đổi, điều chỉnh mục tiêu, công năng sử dụng, các cơ
quan, đơn vị báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh ngay theo quy định, cấp quyết
định đầu tư chịu trách nhiệm hoàn thành dự án, không để dự án dở dang, gây lãng
phí, trường hợp cần điều chỉnh mục tiêu, công năng sử dụng để phù hợp với tổ chức
bộ máy mới, thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy
định.
- Phân công rõ người, rõ trách nhiệm; bảo đảm hoàn
thành đúng thời hạn các thủ tục thẩm định, phê duyệt, giải phóng mặt bằng,
thanh toán, quyết toán, nhận nợ và trả nợ vay lại.
- Liên quan đến công tác quản lý nợ cho vay lại
chính quyền địa phương đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài
của Chính phủ, quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy phải bảo đảm tính kế
thừa của các nghĩa vụ nợ hiện hành của bên vay (UBND cấp tỉnh) và bên cho vay lại
(Bộ Tài chính hoặc cơ quan được ủy quyền cho vay lại); đồng thời hạn chế tối đa
ảnh hưởng (nếu có) đến việc chuẩn bị đầu tư hoặc đang trong giai đoạn triển
khai các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
- Tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật
NSNN, Luật Quản lý nợ công và pháp luật có liên quan; kịp thời báo cáo cấp có
thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc phát sinh.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Phạm vi áp dụng
Các chương trình, nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn đầu
tư công và kế hoạch đầu tư công chịu ảnh hưởng bởi quá trình sáp nhập, chia
tách, điều chỉnh địa giới hành chính tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc
có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công (bao
gồm vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài) trong phạm vi tỉnh, thành phố đang tiến
hành sắp xếp, kiện toàn bộ máy.
III. NỘI DUNG HƯỚNG DẪN
Đề nghị các địa phương nghiên cứu, triển khai công
tác chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công
trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy địa phương theo ba giai đoạn:
trước, trong và sau khi có quyết định (hoặc nghị quyết) của cấp có thẩm quyền về
sắp xếp, sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính, cụ thể như sau:
1. Giai đoạn trước khi có quyết
định, nghị quyết sáp nhập, chia tách
1.1. Đối với Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh,
cấp huyện:
a) Thành lập tổ công tác, ban chỉ đạo liên ngành
và phân công đầu mối
- Trước ngày 30/4/2025, UBND cấp tỉnh
thành lập tổ công tác hoặc ban chỉ đạo liên ngành để chỉ đạo, theo dõi, điều phối
chung công tác lập phương án tổng thể của địa phương và tổ chức thực hiện bàn
giao, tiếp nhận các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công trong
giai đoạn sáp nhập, chia tách.
- UBND cấp tỉnh, cấp huyện phân công một đầu mối chịu
trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các vướng mắc phát sinh trên địa bàn, tránh tình
trạng đùn đẩy trách nhiệm.
b) Rà soát, lập danh mục các chương trình, nhiệm
vụ, dự án:
- Trước ngày 30/6/2025, UBND cấp tỉnh,
cấp huyện chỉ đạo các sở, ban, ngành, chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA) rà
soát, tổng hợp, lập danh mục tất cả các chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư
công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các chương
trình, nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2025, các chương trình,
nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch vốn các năm trước được cấp có thẩm quyền cho
phép chuyển tiếp sang năm 2025, các chương trình, nhiệm vụ, dự án còn dở dang
chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, các dự án
còn số dư tạm ứng các năm trước phải theo dõi để tiếp tục thu hồi, các dự án đã
phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn để thanh toán thuộc
cấp mình quản lý, các dự án đang hoặc sắp triển khai (bao gồm thông tin về tổng
mức đầu tư; nguồn vốn; kế hoạch vốn bao gồm kế hoạch vốn năm 2025 và kế hoạch vốn
các năm trước được cho phép kéo dài sang năm 2025; lũy kế vốn giải ngân từ khởi
công, lũy kế vốn thanh toán thuộc kế hoạch vốn năm 2025 và lũy kế vốn thanh
toán thuộc kế hoạch vốn các năm trước kéo dài sang năm 2025 đến thời điểm báo
cáo; tỷ lệ giải ngân, tiến độ, khó khăn,..),
- Trước ngày 30/6/2025, UBND cấp tỉnh
rà soát toàn bộ các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn tỉnh
(bao gồm các dự án đã kết thúc giải ngân đang trả nợ, các dự án đang giải ngân
và các dự án dự kiến đề xuất mới trong giai đoạn tới) để chuẩn bị cho công tác
bàn giao.
- UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở ban, ngành, UBND cấp
dưới khẩn trương tổng hợp, rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang triển
khai xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng chịu tác động bởi việc
sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất phương án xử lý với
từng dự án (tiếp tục thực hiện hoặc điều chỉnh dự án phù hợp với mục đích sử dụng)
đảm bảo tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí.
- Công tác quyết toán niên độ NSNN năm 2024 thực hiện
như sau: Chủ đầu tư chốt số liệu, đối chiếu với cơ quan Kho bạc Nhà nước theo
quy định để phục vụ công tác bàn giao cho chủ đầu tư (đơn vị mới).
c) Đảm bảo liên tục chức năng quản lý nhà nước về
đầu tư công, bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
- UBND cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo các đơn vị trực
thuộc ổn định tổ chức hoạt động, đảm bảo tất cả thủ tục liên quan tới thẩm định,
phê duyệt, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, nghiệm thu, thanh toán... được thực
hiện liên tục, không đình trệ cho đến khi cấp có thẩm quyền quyết định việc sắp
xếp tổ chức bộ máy, tuyệt đối không gián đoạn công tác với lý do “chờ sáp nhập”
hay “bỏ cấp hành chính”.
- UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tăng cường
kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm trường hợp cán bộ, đơn vị trì hoãn thực hiện
các thủ tục liên quan đến thẩm định, phê duyệt... gây ảnh hưởng đến tiến độ thực
hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
1.2. Đối với các chủ đầu tư, Ban QLDA:
- Các chủ đầu tư, BQLDA chủ động rà soát, tập hợp,
sắp xếp đầy đủ hồ sơ dự án (như: hồ sơ pháp lý, hợp đồng, hồ sơ thanh quyết
toán, hồ sơ nghiệm thu khối lượng, quản lý chất lượng...), đảm bảo quản lý chặt
chẽ, an toàn hồ sơ tài liệu dự án trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
- Đảm bảo duy trì việc thực hiện và giải ngân vốn đầu
tư công của các dự án được giao quản lý, không để tiến độ thực hiện dự án bị ảnh
hưởng trong thời gian trước khi cấp có thẩm quyền quyết định sắp xếp tổ chức bộ
máy.
- Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân,
trách nhiệm và đề xuất phương án xử lý, báo cáo tổ công tác, ban chỉ đạo hoặc đầu
mối của UBND cấp tỉnh/cấp huyện để chỉ đạo xử lý.
2. Giai đoạn trong khi triển
khai sáp nhập, chia tách (sau khi có quyết định, nghị quyết)
Trong quá trình cấp có thẩm quyền quyết định, quyết
nghị việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, Bộ Tài chính dự kiến báo cáo
Ban Chỉ đạo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cho phép các địa phương thực hiện
việc bàn giao, tiếp nhận, chuyển tiếp quản lý chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế
hoạch đầu tư công, như sau:
2.1. Tổ chức bàn giao, tiếp nhận
- Thực hiện theo nguyên tắc “tiếp nhận nguyên trạng”:
Cơ quan nhận bàn giao kế thừa nguyên trạng chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch
vốn thuộc phạm vi quản lý tại thời điểm bàn giao từ cơ quan cũ.
- Việc bàn giao, tiếp nhận được lập thành biên bản
kèm theo đầy đủ danh mục chương trình, nhiệm vụ, dự án, hồ sơ pháp lý, tài
chính; xác định rõ tình hình, tổng mức đầu tư, kế hoạch vốn (bao gồm kế hoạch vốn
năm 2025 và kế hoạch vốn các năm trước kéo dài sang năm 2025); số vốn giải ngân
(bao gồm lũy kế vốn giải ngân từ khởi công, lũy kế vốn thanh toán thuộc kế hoạch
vốn năm 2025 và lũy kế vốn thanh toán thuộc kế hoạch vốn các năm trước kéo dài
sang năm 2025) đến thời điểm báo cáo; số vốn còn lại, khối lượng công việc dở
dang.
- Đối với nguồn vốn ODA, biên bản bàn giao của đại
diện UBND cấp tỉnh (đơn vị cũ) và UBND cấp tỉnh (đơn vị mới) cần xác định số dư
nợ vay lại đã nhận nợ đến thời điểm bàn giao, số nợ (gốc, lãi, phí) đã trả và
nghĩa vụ nợ vay lại còn phải trả của từng khoản vay lại. UBND cấp tỉnh mới báo
cáo Bộ Tài chính kết quả chuyển giao sau khi sáp nhập địa bàn.
- Đối với các nhiệm vụ, dự án dở dang khi thực hiện
bàn giao phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ có liên quan để đơn vị tiếp nhận có thể theo
dõi, thực hiện quyết toán khi công trình, dự án hoàn thành. Trường hợp bàn giao
hợp đồng dở dang thì phải đảm bảo hiệu lực của hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của
các bên... để đơn vị nhận bàn giao có đủ căn cứ tiếp tục thực hiện.
- Công tác bàn giao và tiếp nhận không được làm ảnh
hưởng đến công việc chuyên môn của các đơn vị bàn giao, tiếp nhận. Hạn chế tối
đa sự biến động trong công tác quản lý dự án, cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền
hạn, trách nhiệm của từng bên đối với nhiệm vụ, dự án và kế hoạch vốn đầu tư
công trong từng giai đoạn được giao quản lý; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của
từng bên trong việc bàn giao, tiếp nhận quản lý nhiệm vụ, dự án, kế hoạch vốn.
- Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, UBND cấp
tỉnh (đơn vị mới) quy định cụ thể thời điểm bàn giao (là thời điểm khóa sổ, xác
nhận số liệu bàn giao) và thời hạn để hoàn tất thủ tục bàn giao, tiếp nhận
tránh kéo dài, gây chậm tiến độ, đảm bảo hoàn thành việc bàn giao tiếp nhận
trong thời gian tối đa 02 tháng kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định,
quyết nghị việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
2.2. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá
nhân liên quan trong bàn giao, tiếp nhận
- Cơ quan cấp trên chủ đầu tư (đơn vị mới), chủ đầu
tư (đơn vị mới), cán bộ tiếp nhận (đơn vị mới), có trách nhiệm chủ động rà
soát, tiếp nhận hồ sơ, bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân, quyết toán dự án
không bị ngưng trệ, tổ chức quản lý dự án theo quy định của pháp luật kể từ thời
điểm nhận bàn giao.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân (đơn vị cũ) vẫn chịu
trách nhiệm thực hiện đối với hồ sơ, thủ tục đang dở dang (thẩm định, giải
phóng mặt bằng, xác nhận khối lượng hoàn thành...) cho đến khi hoàn tất bàn
giao.
- UBND cấp tỉnh (đơn vị mới) chỉ đạo rà soát số lượng,
chất lượng cán bộ quản lý dự án trong quá trình sáp nhập, bảo đảm đủ nhân lực
thực hiện nhiệm vụ, không để gián đoạn công việc.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân (đơn vị cũ) phải phối hợp
bàn giao đầy đủ, cán bộ không tự ý chấm dứt hợp đồng hoặc rời vị trí khi chưa
hoàn thành nhiệm vụ.
2.3. Trách nhiệm giải trình, xử lý vi phạm
- UBND cấp tỉnh (đơn vị mới) quy định rõ chế tài và
trách nhiệm giải trình đối với các trường hợp chậm trễ, từ chối ký bàn giao, hoặc
lợi dụng quá trình sáp nhập để gây thất thoát, lãng phí.
- Tổ công tác liên ngành, ban chỉ đạo liên ngành kịp
thời báo cáo UBND cấp tỉnh (đơn vị mới) xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu
có).
3. Giai đoạn sau khi hoàn tất sắp
xếp, tổ chức bộ máy
3.1. Tiếp tục triển khai, bảo đảm tiến độ dự
án
- UBND cấp tỉnh (đơn vị mới) chỉ đạo các sở, ban,
ngành, BQLDA và UBND cấp dưới tiếp tục thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án,
kế hoạch vốn còn dang dở, không để mất thời gian chờ đợi.
- Trong quá trình chuyển tiếp, sắp xếp tổ chức bộ
máy, người quyết định đầu tư (đơn vị mới) giao Ban QLDA chuyên ngành, khu vực
hoặc lựa chọn đơn vị tư vấn quản lý dự án thực hiện công tác quản lý dự án sau
sắp xếp, đảm bảo không để gián đoạn việc tổ chức thực hiện dự án, tuân thủ quy
định của pháp luật xây dựng và pháp luật liên quan.
- UBND cấp tỉnh (đơn vị mới) tăng cường thực hiện
chức năng quản lý nhà nước đối với công tác giải phóng mặt bằng, giao đơn vị trực
thuộc khẩn trương tiếp nhận công tác giải phóng mặt bằng của cấp huyện trước
đây để triển khai thực hiện, đảm bảo không gián đoạn công tác này, nhất là việc
giải phóng mặt bằng của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có tác
động liên vùng triển khai trên địa bàn.
- Trường hợp phát sinh vướng mắc do sắp xếp, điều
chỉnh địa giới hành chính, UBND cấp xã báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, giải quyết;
trường hợp vượt thẩm quyền UBND tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo Chính phủ thông qua Bộ
Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- UBND cấp tỉnh (đơn vị mới) thực hiện các thủ tục
giới thiệu chữ ký mẫu, hủy chữ ký mẫu ký đơn rút vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của
đại diện của chủ dự án hoặc Ban quản lý dự án do chủ dự án ủy quyền.
3.2. Về việc điều chỉnh quyết định chủ trương
đầu tư, quyết định đầu tư, kế hoạch đầu tư công
Để đảm bảo việc chuyển tiếp quản lý chương trình,
nhiệm vụ, dự án và kế hoạch đầu tư công kịp thời, chính xác, giảm thiểu tối đa
thủ tục, Bộ Tài chính dự kiến báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện việc
chuyển tiếp như sau:
a) Sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
(1) Đối với việc thay đổi cơ quan chủ quản: Tỉnh,
Thành phố (đơn vị mới) sau sáp nhập sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ cơ quan chủ
quản của các dự án thuộc các tỉnh, thành phố trước sáp nhập.
(2) Đối với việc thay đổi chủ đầu tư: Cơ quan chủ
quản đầu tư (đơn vị mới) sẽ ban hành văn bản hành chính quyết định chủ đầu tư
(đơn vị mới).
(3) Đối với điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công: Tỉnh,
thành phố (đơn vị mới) tiếp nhận toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng
năm của các tỉnh, thành phố trước khi sáp nhập.
b) Bỏ cấp huyện
(1) Đối với việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn trong
tổng mức đầu tư: Chủ tịch UBND cấp tỉnh (đơn vị mới) ban hành văn bản hành
chính điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn trong tổng mức đầu tư dự án có sử dụng ngân
sách cấp huyện trên cơ sở điều chỉnh lại phân cấp ngân sách (nguồn thu và nhiệm
vụ chi).
(2) Đối với việc thay đổi cấp quyết định đầu tư: Chủ
tịch UBND cấp tỉnh (đơn vị mới) quyết định việc điều chỉnh cấp quyết định đầu
tư của các dự án trước đây thuộc cấp huyện (chuyển về tỉnh hoặc giao về
xã) căn cứ theo quy định của pháp luật chuyên ngành về phân cấp quản lý
công trình, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và tình hình thực tiễn sắp xếp của từng
địa phương.
(3) Đối với việc thay đổi chủ đầu tư: Cấp quyết định
đầu tư (đơn vị mới) sẽ ban hành văn bản hành chính quyết định chủ đầu tư (đơn vị
mới).
(4) Đối với điều chỉnh kế hoạch đầu tư công: Chủ tịch
UBND cấp tỉnh (đơn vị mới) ban hành văn bản hành chính điều chỉnh kế hoạch đầu
tư công trung hạn và hàng năm tương ứng với cơ cấu nguồn vốn phân chia lại giữa
cấp xã và cấp tỉnh.
c) Sáp nhập cấp xã
(1) Đối với việc thay đổi cấp quyết định đầu tư: xã
(đơn vị mới) sau sáp nhập sẽ kế thừa chức năng, nhiệm vụ cấp quyết định đầu tư
của các dự án thuộc các xã trước sáp nhập (nếu có).
(2) Đối với việc thay đổi chủ đầu tư: Cấp quyết định
đầu tư (đơn vị mới) sẽ ban hành văn bản hành chính quyết định chủ đầu tư mới.
(3) Đối với điều chỉnh kế hoạch đầu tư công: Xã mới
tiếp nhận toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của các xã trước
khi sáp nhập.
d) Ngoài ra, riêng đối với việc điều chỉnh địa danh
(không thay đổi vị trí, địa điểm thực hiện dự án), báo cáo cấp có thẩm quyền
cho phép cấp quyết định đầu tư không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định
đầu tư.
3.3. Về quyết toán vốn đầu tư công nguồn NSNN
(theo niên độ) và quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành
(1) Về quyết toán vốn đầu tư công nguồn NSNN theo
năm ngân sách (quyết toán theo niên độ):
Cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp tỉnh hoặc cấp xã lập
báo cáo quyết toán vốn đầu tư công nguồn NSNN đã tiếp nhận từ cấp huyện trong
cùng báo cáo quyết toán theo niên độ của cơ quan, đơn vị mình khi kết thúc năm
ngân sách. Thời hạn khóa sổ để lập báo cáo quyết toán theo niên độ, nội dung
báo cáo quyết toán theo niên độ (đã bao gồm vốn đầu tư công đã tiếp nhận từ cấp
huyện), trình tự, thời hạn lập, xét duyệt và gửi báo cáo theo niên độ của cơ
quan, đơn vị cấp tỉnh hoặc cấp xã thực hiện theo quy định hiện hành.
(2) Về quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành:
Việc quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành
trong và sau quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 02 cấp
được thực hiện theo các trường hợp sau:
- Trường hợp dự án do cấp huyện quản lý bàn giao
cho cấp tỉnh quản lý: cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp tỉnh nhận bàn giao dự án sẽ
kế thừa toàn bộ trách nhiệm của cấp huyện đối với việc quyết toán vốn đầu tư
công dự án hoàn thành. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt quyết
toán dự án hoàn thành.
- Trường hợp dự án do cấp huyện quản lý bàn giao
cho cấp xã quản lý: đơn vị trực thuộc cấp xã nhận bàn giao sẽ kế thừa toàn bộ
trách nhiệm của cấp huyện đối với việc quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn
thành. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm phê duyệt quyết toán dự án hoàn
thành.
3.4. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt
đối với hạng mục giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thanh quyết toán.
- Chú trọng phòng ngừa rủi ro thất thoát, tham nhũng,
lãng phí trong giai đoạn chuyển giao, nhất là khi thay đổi địa bàn, thay đổi chủ
đầu tư.
- Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng quá trình sắp xếp,
kiện toàn bộ máy để trục lợi, gây thất thoát, lãng phí hoặc làm chậm tiến độ giải
ngân.
3.5. Báo cáo kết quả
- Định kỳ (theo quý, năm) hoặc đột xuất, các địa
phương báo cáo Ban Chỉ đạo Chính phủ thông qua Bộ Tài chính về tình hình thực
hiện, giải ngân, vướng mắc và phương án giải quyết.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương
- Xây dựng kế hoạch triển khai Hướng dẫn này, chỉ đạo
các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện theo đúng quy định; định kỳ kiểm tra,
đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện.
- Tổng hợp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, báo
cáo Ban Chỉ đạo Chính phủ thông qua Bộ Tài chính để được hướng dẫn, giải quyết
kịp thời.
2. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở chuyên
ngành triển khai nội dung hướng dẫn; tham mưu UBND cấp tỉnh trong việc bàn
giao, tiếp nhận hồ sơ dự án, điều chỉnh kế hoạch vốn.
- BQLDA, chủ đầu tư chịu trách nhiệm rà soát, hoàn
tất thủ tục chuyển giao, tiếp nhận, không để gián đoạn thanh toán và quá trình
thi công.
3. Cơ quan chủ quản chương trình mục tiêu quốc
gia:
Trên cơ sở văn bản hướng dẫn này, đề nghị các cơ
quan chủ quản chương trình mục tiêu quốc gia căn cứ chính sách của từng chương
trình mục tiêu quốc gia để ban hành hướng dẫn chuyển tiếp đối với từng chương
trình mục tiêu quốc gia trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
4. Chế độ báo cáo
- Trong quá trình thực hiện Hướng dẫn này, trường hợp
gặp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, UBND cấp tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo của
Chính phủ thông qua Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem
xét, quyết định.
- Đề nghị các địa phương tham gia ý kiến đối với nội
dung tại mục 2, mục 3 Phần III văn bản này, gửi Bộ Tài chính trước ngày 20/4/2025
để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Đề nghị các địa phương báo cáo về công tác rà
soát, sắp xếp công tác quản lý chương trình, nhiệm vụ, dự án, các khó khăn, vướng
mắc, phát sinh trong giai đoạn trước sắp xếp, sáp nhập (tại mục 1 Phần III văn
bản này), gửi Bộ Tài chính trước ngày 01/07/2025.
- Đề nghị các địa phương gửi báo cáo về công tác rà
soát, sắp xếp công tác quản lý chương trình, nhiệm vụ, dự án, các khó khăn, vướng
mắc, phát sinh sau sắp xếp, sáp nhập (tại mục 3 Phần III văn bản này), gửi Bộ
Tài chính trước ngày 01/09/2025.
Trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị các
cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính để kịp thời hướng
dẫn, xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTTg Thường trực CP Nguyễn Hòa Bình (để b/c);
- PTTgCP Hồ Đức Phớc (để b/c);
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ TC: các Cục QLN, CNTT, QLĐT, các Vụ: TCCB, KTĐP, ĐT, KTN, NSNN, VI, PC,
KBNN;
- Lưu: VT, TH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Thành Trung
|
[1] Về
triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống
chính trị.
[2] Quy
định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
[3] Về
việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các
cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.