ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
50/2024/QĐ-UBND
|
Bắc Ninh, ngày 31
tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ VÀ TỶ LỆ PHƯƠNG TIỆN
VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG CÓ THIẾT BỊ HỖ TRỢ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG
ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số
77/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 47/2019/QH14 ngày
22/11/2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật số 63/2020/QH14 ngày 18/6/2020;
Căn cứ khoản 5 Điều 44 Luật Trật tự, an toàn
giao thông đường bộ số 35/2024/QH15 ngày 27/6/2024;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải
tại Tờ trình số 3325/TTr-SGTVT ngày 11/12/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị và tỷ lệ
phương tiện vận chuyển hành khách công cộng có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết
tật trong đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/01/2025.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Công an tỉnh; Thủ trưởng các Ban, Ngành; Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giao thông Vận tải;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- Website Chính Phủ;
- Báo Bắc Ninh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, CN.XDCB.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Tân Phượng
|
QUY ĐỊNH
VỀ
HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ VÀ TỶ LỆ PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN HÀNH
KHÁCH CÔNG CỘNG CÓ THIẾT BỊ HỖ TRỢ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH BẮC NINH.
(Kèm theo Quyết định số 50/2024/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về hoạt động vận tải đường bộ
trong đô thị và tỷ lệ phương tiện vận chuyển hành khách công cộng có thiết bị hỗ
trợ cho người khuyết tật trong đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Ngoài quy định này, các tổ chức, cá nhân hoạt động
vận tải đường bộ còn phải tuân thủ chấp hành các quy định, điều kiện về hoạt động
vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Đối tượng áp dụng, giải
thích từ ngữ
1. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá
nhân liên quan hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị, vận chuyển hành khách
công cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
2. Không áp dụng Quy định này đối với các loại xe
ưu tiên được quy định tại Điều 27 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ ngày
27 tháng 6 năm 2024.
3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
a) Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống và
chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị,
hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh, bao gồm: Toàn bộ địa giới hành chính của thành phố;
các phường, thị trấn của thị xã; thị trấn của huyện được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ra quyết định thành lập;
b) Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành
chính của đô thị;
c) Đơn vị kinh doanh vận tải là các tổ chức, cá
nhân hoạt động vận tải bằng xe ô tô;
d) Phương tiện vận chuyển hành khách công cộng có
thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật là xe buýt có hệ thống thiết bị nâng, hạ
phục vụ người khuyết tật lên, xuống xe và vị trí dành riêng cho người khuyết tật;
đ) Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc
nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật
khiến cho việc đi lại, lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn;
e) Giờ cao điểm là khoảng thời gian thường xuyên
(hàng ngày) có mật độ giao thông đi lại lớn tại một khu vực hoặc một tuyến đường.
Điều 3. Yêu cầu đối với đơn vị
kinh doanh vận tải và phương tiện hoạt động vận tải trong đô thị
1. Đối với đơn vị kinh doanh vận tải: Phải đảm bảo
đầy đủ các điều kiện để hoạt động và chấp hành mọi quy định khác của pháp luật
có liên quan.
2. Phương tiện tham gia hoạt động vận tải đường bộ
trong đô thị phải đảm bảo các điều kiện và quy định như sau:
a) Đáp ứng các điều kiện đối với phương tiện tham
gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 35 Luật TTATGTĐB;
b) Còn niên hạn sử dụng theo quy định tại Điều 40
Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ;
c) Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ
môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập
khẩu, sản xuất, lắp ráp theo quy định tại khoản Điều 41 Luật TTATGTĐB;
d) Bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của
xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại
các khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 42 Luật TTATGTĐB;
đ) Phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải
phải được Sở Giao thông vận tải cấp biển hiệu, phù hiệu theo quy định của Bộ
Giao thông vận tải phù hợp với loại hình kinh doanh vận tải phương tiện đó đang
hoạt động; phù hiệu phải còn giá trị theo thời hạn và không bị thu hồi, không
quá thời hạn so với niên hạn sử dụng của phương tiện theo quy định;
e) Phương tiện hoạt động trong khu vực đô thị vào
những ngày khô ráo không được để bùn, đất dính bám che phủ toàn bộ phần thân vỏ
xe hoặc dính bám vào lốp xe gây rơi vãi ra đường ảnh hưởng đến môi trường.
f) Đối với phương tiện ô tô chở hành khách phải có
thùng hoặc túi đựng rác trên xe, không để hành khách ném rác bừa bãi xuống đường;
trước khi xuất phát hành trình mới xe phải được dọn dẹp sạch sẽ, không để ảnh
hưởng đến hành khách đi trên xe.
Chương II
QUY ĐỊNH HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI
ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ
Điều 4. Hoạt động vận tải hành
khách công cộng bằng xe buýt
1. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe ô tô vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 45 Luật TTATGTĐB.
2. Được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại
đô thị.
3. Xe buýt phải hoạt động đúng tuyến, đúng lịch
trình, thời gian được phép hoạt động và dừng xe, đỗ xe đúng nơi quy định.
4. Khi dừng, đỗ cho hành khách lên, xuống xe tại
các điểm dừng, đỗ người lái xe phải tuân thủ quy định của pháp luật về việc dừng
đỗ xe khi tham gia giao thông; đồng thời phải chú ý quan sát nhường đường cho
người điều khiển xe đang lưu thông cùng chiều bên phải, nhất là xe hai bánh; cấm
hành vi chèn ép, tạt đầu đối với các phương tiện khác đang lưu thông cùng chiều.
5. Phải tuân thủ theo phương án phân luồng, tổ chức
giao thông trong đô thị trong trường hợp tạm thời cấm phương tiện hoạt động
trên tuyến đường có lộ trình tuyến đi qua để phục vụ mục đích khác. Trường hợp
tuyến đường đó bị cấm hẳn ô tô hoạt động, thì đơn vị vận tải phải chủ động đề
xuất với Sở Giao thông vận tải để có phương án điều chỉnh lộ trình tuyến cho
phù hợp.
Điều 5. Hoạt động vận tải hành
khách theo tuyến cố định bằng xe ô tô; hoạt động vận tải hành khách bằng xe
trung chuyển
1. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe ô tô vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 45 Luật TTATGTĐB.
2. Phải tuân thủ theo phương án phân luồng, tổ chức
giao thông trong đô thị như quy định đối với xe buýt được quy định tại khoản 5
Điều 4 Quy định này.
3. Hoạt động vận tải hành khách bằng xe trung chuyển
chỉ phục vụ cho hoạt động vận tải khách tuyến cố định; không có thu tiền đối với
hành khách.
4. Cấm hành vi đón trả khách không đúng nơi quy định,
gây mất trật tự ATGT, nhất là khu vực cổng bến xe.
Điều 6. Hoạt động vận tải khách
du lịch; vận tải hành khách theo hợp đồng
1. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe ô tô vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 45 Luật TTATGTĐB.
2. Phương tiện kinh doanh vận tải khách du lịch, được
ưu tiên bố trí nơi dừng đỗ thuận tiện để đón, trả khách du lịch, nhưng phải
tuân thủ quy định của chính quyền địa phương theo phân cấp về tổ chức giao
thông. Việc dừng đón trả khách du lịch tại các bến xe khách, khu vực nhà ga, bến
thủy nội địa, khu du lịch, điểm du lịch... thì thực hiện theo quy định của tổ
chức, đơn vị quản lý bến xe khách, khu vực nhà ga, bến thủy nội địa, khu du lịch,
điểm du lịch đó.
3. Xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
a) Hành khách được vận chuyển theo hợp đồng phải tập
trung tại vị trí nhất định trong khi chờ xe đón khách, đồng thời phải giữ gìn
an ninh trật tự xã hội và giữ vệ sinh chung; các điểm dừng, đỗ đón trả khách phải
đảm bảo an toàn giao thông, đúng vị trí được phép dừng, đỗ xe và phải được ghi
trong hợp đồng vận chuyển khách.
b) Cấm hành vi sử dụng xe hợp đồng để hoạt động đón
trả khách không có trong hợp đồng; trá hình hoạt động để thu gom khách và vận
chuyển khách.
Điều 7. Hoạt động vận tải hành
khách bằng xe taxi
1. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe ô tô vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 45 Luật TTATGTĐB.
2. Xe taxi đón, trả hành khách theo thỏa thuận giữa
hành khách và người lái xe nhưng phải chấp hành các quy định của pháp luật về
trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi đón, trả hành khách.
3. Người lái xe taxi phải mặc trang phục gọn gàng,
áo có cổ, quần dài; có thái độ và lời nói đúng mực, lịch sự, văn minh với hành
khách.
3. Cấm người và phương tiện hoạt động vận chuyển
hành khách theo hình thức xe taxi khi không đủ điều kiện về hoạt động vận tải
hành khách bằng xe taxi.
4. Cấm mọi phương tiện lắp, gắn đèn; dán lô gô, biểu
tượng hoặc tạo hình thức khác giống với xe taxi khi phương tiện đó không phải
là xe taxi.
5. Cấm người lái xe có hành vi gian dối để ăn chặn
tiền của hành khách, tính tiền cước của hành khách cao hơn giá niêm yết quy định.
Điều 8. Hoạt động vận tải hàng
hóa bằng xe ô tô
1. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe ô tô vận chuyển hàng hóa theo quy định tại Điều 49 Luật TTATGTĐB.
2. Xe chở hàng phải hoạt động đúng tuyến, phạm vi
và thời gian quy định đối với từng loại xe.
3. Trường hợp xe chở hàng hóa siêu trường, siêu trọng,
xe lưu thông vượt quá tải trọng quy định của biển báo hiệu đường bộ; xe cần thiết
phải lưu thông trong đô thị trong thời gian không cho phép lưu thông thì phải
có Giấy phép lưu hành xe do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Điều 9. Thời gian và phạm vi hoạt
động cụ thể cho một số loại xe
1. Các loại xe vận chuyển hành khách: Xe buýt, xe
taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe tuyến cố định, xe trung chuyển, xe đưa đón
cán bộ, nhân viên, công nhân, học sinh, sinh viên được hoạt động 24/24 giờ
trong ngày trừ trên các tuyến đường có biển báo cấm lưu thông.
2. Các loại xe vận chuyển hàng hóa
a) Các loại xe tải (trừ xe ben, xe đầu kéo, xe chở
container) được phép hoạt động 24/24 giờ trong ngày trừ trên các tuyến đường có
biển báo cấm lưu thông;
b) Cấm các loại xe ben, xe đầu kéo, xe chở
container hoạt động vào giờ cao điểm trên một số tuyến đường.
Chương III
TỶ LỆ PHƯƠNG TIỆN VẬN
CHUYỂN HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG CÓ THIẾT BỊ HỖ TRỢ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG ĐÔ THỊ
Điều 10. Quy định về phương tiện
công cộng để người khuyết tật tiếp cận sử dụng
1. Phương tiện công cộng để người khuyết tật tiếp cận
sử dụng trong quy định này là xe buýt.
2. Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật; có
công cụ hỗ trợ lên, xuống thuận tiện hoặc sự trợ giúp phù hợp với đặc điểm của
người khuyết tật. Chỗ ngồi ưu tiên cho người khuyết tật phải là chỗ ngồi ở vị
trí dễ tiếp cận nhất, ngay gần cửa ra vào để đáp ứng khả năng tiếp cận ghế ngồi
của người khuyết tật (đối tượng khó có khả năng di chuyển, khả năng di chuyển
kém). Các thiết bị hỗ trợ được người khuyết tật mang theo như xe lăn, gậy chống
đều được mang lên phương tiện giao thông công cộng.
Điều 11. Tỷ lệ phương tiện vận
chuyển hành khách công cộng có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật trong đô thị
1. Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe
buýt phải đầu tư các phương tiện xe buýt có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật.
2. Tỷ lệ (%) phương tiện của doanh nghiệp, hợp tác
xã vận tải đăng ký tham gia khai thác tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
phải đảm bảo có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật, theo lộ trình như sau:
a) Trước 31/12/2025 phải có tối thiểu 10% trong tổng
số phương tiện đăng ký hoạt động trên tuyến;
b) Từ năm 2026 đến hết năm 2030 mỗi năm tăng thêm
ít nhất 05% tỷ lệ phương tiện đăng ký hoạt động trên tuyến (đến hết năm 2030, tối
thiểu phải đạt 35%);
e) Đến năm 2035 tối thiểu phải đạt 60% tổng số
phương tiện đăng ký hoạt động trên tuyến.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Sở Giao thông vận tải
1. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện,
thị xã, thành phố và cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ:
a) Tổ chức khảo sát, xác định các vị trí cho phép dừng,
đỗ xe và các vị trí cấm dừng đỗ xe đối với các loại phương tiện trong khu vực
đô thị trên các tuyến đường do Sở quản lý;
b) Tổ chức khảo sát, lắp dựng biển báo cấm lưu
thông hoặc cấm lưu thông theo giờ đối với các loại phương tiện trên tuyến đường
do Sở quản lý để đảm bảo an toàn giao thông và tránh ùn tắc giao thông;
c) Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã,
thành phố khảo sát xác định giờ cao điểm trong ngày trên một số tuyến đường,
khu vực để có phương án tổ chức giao thông cho phù hợp.
2. Chỉ đạo các đơn vị khai thác vận tải hành khách
công cộng bằng xe buýt xây dựng kế hoạch đầu tư phương tiện đảm bảo yêu cầu kỹ
thuật phục vụ người khuyết tật.
3. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện,
thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện việc cải tạo, đầu tư hạ tầng tại
các điểm dừng, đỗ xe buýt đảm bảo hỗ trợ cho người khuyết tật sử dụng lên, xuống
được thuận tiện;
4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm
trong hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị.
5. Theo dõi việc triển khai thực hiện Quy định này,
tình hình hoạt động và những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực
hiện; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo, giải quyết kịp thời khi có yêu cầu.
Điều 13. Công an tỉnh
1. Chỉ đạo Phòng CSGT, Công an các huyện, thị xã,
thành phố kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông đối với hoạt
động vận tải đường bộ trong đô thị theo quy định.
2. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố trong công tác tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn
giao thông trong đô thị và các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh.
Điều 14. Các sở, ngành, Văn
phòng Ban ATGT tỉnh và đơn vị có liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao,
phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
trong quá trình triển khai thực hiện quy định này, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi quản lý ngành.
Điều 15. Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố
1. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai thực
hiện các nhiệm vụ nêu tại khoản 1, khoản 3 Điều 12 của Quy định này.
2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực
hiện các nhiệm vụ:
a) Tổ chức khảo sát, xác định các vị trí cho phép dừng,
đỗ xe và các vị trí cấm dừng đỗ xe đối với các loại phương tiện trong khu vực
đô thị trên các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý;
b) Tổ chức khảo sát, lắp dựng biển báo cấm lưu
thông hoặc cấm lưu thông theo giờ đối với các loại phương tiện trên tuyến đường
thuộc thẩm quyền quản lý để đảm bảo an toàn giao thông và tránh ùn tắc giao
thông.
3. Chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý
theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm về hoạt động vận tải theo thẩm
quyền trên địa bàn.
4. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các đơn vị
kinh doanh vận tải nắm, chấp hành Quy định này và các quy định khác của pháp luật
có liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị.
5. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thống kê danh
sách các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn
quản lý; tổ chức quản lý hoạt động của các chủ thể kinh doanh, đảm bảo trật tự
an toàn giao thông đường bộ và trật tự đô thị trên địa bàn theo quy định của
pháp luật.
6. Tổng hợp, báo cáo việc triển khai Quy định này tại
địa phương và tình hình hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn về Sở Giao
thông vận tải khi có yêu cầu.
Điều 16. Đài phát thanh và
truyền hình Bắc Ninh; Báo Bắc Ninh; các cơ quan thông tin, truyền thông
1. Phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh và các
cơ quan, tổ chức đoàn thể khác liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến các
quy định về bảo đảm an toàn giao thông và Quy định này cho các tổ chức, cá nhân
liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh biết để thực hiện.
2. Tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước về phát triển vận tải hành khách công cộng, lợi ích của vận
tải hành khách bằng xe buýt trong đô thị để các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa
bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí xây dựng hạ tầng kỹ thuật (biển
báo điểm dừng đón trả khách, nhà chờ xe buýt) nơi có tuyến xe buýt đi qua, phục
vụ phát triển giao thông công cộng và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên
địa bàn.
Điều 17. Sửa đổi, bổ sung quy
định
Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện Quy định
này, nếu có khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị các cơ quan, đơn
vị phản ánh bằng văn bản về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, đề xuất Ủy ban
nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.