HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 614/NQ-HĐND
|
Thanh Hóa, ngày
14 tháng 12 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 24, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA XVII
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 24
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội
đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn
tại kỳ họp thứ 24, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Kỳ họp thứ 24, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII đã hoàn
thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong không khí đoàn kết, dân chủ, thẳng
thắn, với tinh thần xây dựng cao. Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận những kết quả
đã đạt được trong thời gian qua và những nỗ lực, cố gắng mà Ủy ban nhân dân tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai
các dự án đầu tư trực tiếp, nhất là các dự án có quy mô lớn, trọng điểm trên địa
bàn tỉnh; xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường do sản
xuất, do chăn nuôi, do quá tải tại nhiều bãi rác gây ra; tiến độ triển khai các
dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ
thông tin trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế số; đấu tranh phản bác với
các thông tin sai lệch, tin giả trên các phương tiện truyền thông đã đạt được
nhiều kết quả tích cực. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành với các giải
pháp, cam kết của Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại phiên chất vấn.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh
đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, các
huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện những giải pháp, những cam kết, khắc
phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong
công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn; cụ thể như sau:
1. Việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp, nhất là các dự án
có quy mô lớn, trọng điểm của tỉnh
Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh,
chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm khắc phục những hạn
chế, bất cập, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; đồng thời, rút ra những
bài học kinh nghiệm từ thực tế để làm tốt hơn trong thời gian tới; trong đó tập
trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Tập trung cao nhất và có sự vào cuộc với tinh thần
trách nhiệm cao của chính quyền các cấp, các ngành với mục tiêu tháo gỡ triệt để
khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ nét ngay trong năm 2025, tạo điều kiện
thuận lợi để các dự án triển khai và sớm đi vào hoạt động.
- Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo:
+ Phân công các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh và các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp
theo dõi, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án cụ thể; định kỳ hằng tháng nghe lại,
rà soát lại công việc để đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc
vượt thẩm quyền của các huyện, thị xã, thành phố và các ngành.
+ Xác định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân và Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong chỉ đạo giải phóng mặt
bằng các dự án chậm tiến độ; phấn đấu đến hết năm 2025 tất cả các dự án đầu tư
chậm tiến độ trong giải phóng mặt bằng phải cơ bản hoàn thành công tác giải
phóng mặt bằng. Yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải lập kế
hoạch giải phóng mặt bằng của từng dự án để theo dõi, chỉ đạo và báo cáo Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh.
+ Để giải phóng mặt bằng phải có sự phối hợp và chuẩn
bị đủ nguồn lực của các nhà đầu tư. Yêu cầu các chủ đầu tư phải cam kết bố trí
đủ vốn để tập trung chi trả giải phóng mặt bằng theo tiến độ đề ra. Đồng thời,
yêu cầu nhà đầu tư cam kết triển khai dự án theo tiến độ. Trường hợp chính quyền
cấp huyện đã chủ động giải phóng mặt bằng, nhưng nhà đầu tư không có kinh phí,
không phối hợp thì lập biên bản để làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định của
pháp luật đất đai nếu cố ý kéo dài thời gian triển khai dự án, gây lãng phí.
+ Thu hút đầu tư, triển khai các dự án đầu tư, nhất
là các dự án sản xuất công nghiệp, dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm
công nghiệp, hạ tầng khu du lịch, thương mại... có vai trò quan trọng đến sự
phát triển của mỗi địa phương và của tỉnh, do đó phải tập trung dồn sức, ưu
tiên nguồn lực để tổ chức thực hiện, với yêu cầu đặt ra: Tỉnh quyết tâm, huyện
cũng phải nỗ lực trong thu hút đầu tư; và chỉ như vậy, tỉnh ta mới trở thành cực
tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
2. Về giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường
do sản xuất, chăn nuôi; tình trạng quá tải tại nhiều bãi rác trên địa bàn tỉnh
gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân; tiến độ
triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Để giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi
trường do các cơ sở sản xuất, chăn nuôi; ô nhiễm môi trường do quá tải tại nhiều
bãi rác gây ra; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà máy xử lý rác thải; Hội
đồng nhân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường,
các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội
dung sau:
2.1. Về giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do
các cơ sở sản xuất, cơ sở chăn nuôi gây ra:
- Tổ chức thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được
ban hành, bao gồm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất,
quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng huyện... là cơ sở để phòng ngừa, giảm thiểu
tác động của các sự cố về môi trường do bố trí cơ sở sản xuất, kinh doanh và
chăn nuôi không theo quy hoạch.
- Tập trung chỉ đạo thu hút đầu tư và triển khai đầu
tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chăn nuôi tập
trung của tỉnh, của các huyện, thị xã, thành phố đáp ứng tiêu chuẩn xử lý môi
trường. Trên cơ sở đó, thu hút và bố trí các cơ sở sản xuất, các trang trại
chăn nuôi vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung... để
giảm thiểu và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra như hiện nay.
- Trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đề
nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cân nhắc thận trọng và hạn chế
việc bố trí các dự án sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp;
không bố trí các dự án chăn nuôi trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố
ngoài khu chăn nuôi tập trung.
- Trong điều kiện tỉnh ta hiện nay, cần nghiên cứu,
cân nhắc: Chỉ chấp thuận đầu tư các dự án chăn nuôi nếu gắn với chế biến sản phẩm
chăn nuôi và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về môi
trường tại các cơ sở sản xuất chăn nuôi theo quy định của pháp luật; kiên quyết
đóng cửa và dừng hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm, không đáp ứng được
yêu cầu về bảo vệ môi trường.
2.2. Về giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do
quá tải tại nhiều bãi rác trên địa bàn tỉnh gây ra; đẩy nhanh tiến độ đầu tư
các nhà máy xử lý rác thải chậm tiến độ:
- Tập trung giải quyết có hiệu quả tình trạng chậm
tiến độ và đưa nhanh các dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải vào hoạt động để
giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác.
- Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài
nguyên và Môi trường hướng dẫn áp dụng các biện pháp xử lý bằng công nghệ sinh
học tiên tiến tại các bãi rác để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tránh ảnh hưởng
đến đời sống của người dân.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, nhất
là thành phố Thanh Hóa và các thị xã trong tỉnh cần tập trung tuyên truyền pháp
luật về bảo vệ môi trường; vận động Nhân dân tham gia phân loại xử lý rác thải
sinh hoạt tại nguồn với tinh thần tự giác cao; đồng thời, yêu cầu các đơn vị
thu gom rác cũng phải sẵn sàng thu gom rác theo phân loại, tránh tình trạng người
dân phân loại, nhưng đơn vị thu gom rác lại thu gom chung, không phân loại.
- Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm chỉ đạo triển
khai các thủ tục pháp lý để lựa chọn nhà đầu tư, đầu tư nhà máy xử lý rác thải
rắn tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân theo quy hoạch, phấn đấu đầu năm 2026 có thể
khởi công xây dựng nhà máy để sớm đưa vào hoạt động.
3. Về đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ
thông tin trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế số trong một số ngành,
lĩnh vực; đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch, tin giả trên các phương tiện
truyền thông
Để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu
lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác chuyển đổi số, đấu tranh phản
bác các thông tin xấu độc, những thông tin sai lệch; ngay sau kỳ họp, Hội đồng
nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền
thông, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc, có
hiệu quả các nội dung sau:
3.1. Về đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ
thông tin trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế số:
- Triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Trung
ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chuyển đổi số, đặc biệt là Nghị
quyết số 06-NQ/TU ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển
đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tạo chuyển biến rõ
nét trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong chuyển đổi
số; đồng thời, nhận thức được lợi ích to lớn của quá trình chuyển đổi số mang lại.
- Quan tâm đầu tư và nâng cấp hạ tầng thông tin,
bao gồm máy tính, mạng, máy chủ, phần mềm và hệ thống lưu trữ đủ lớn, để đáp ứng
yêu cầu của chuyển đổi số.
- Đào tạo, cập nhật kiến thức về kỹ năng sử dụng
công nghệ thông tin, kỹ năng vận hành trong môi trường số; đồng thời, yêu cầu
các cơ quan quản lý Nhà nước phải sử dụng công nghệ thông tin để xử lý công việc
hàng ngày trên môi trường mạng.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất
kinh doanh để mọi hoạt động kinh tế đều dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các
giao dịch điện tử thông qua Internet.
3.2. Về đấu tranh phản bác với các thông tin sai lệch,
tin giả trên các phương tiện truyền thông:
- Các ngành chức năng của tỉnh và Ban Chỉ đạo 35 của
tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tiếp tục phát huy tác dụng của
các trang mạng xã hội tích cực, chủ động trong hoạt động truyền thông chính
sách, thông tin về các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, sự kiện văn hóa,
xã hội, các tấm gương điển hình trong và ngoài tỉnh để truyền cảm hứng cho cộng
đồng, cho xã hội trên không gian mạng.
- Tăng cường sử dụng phần mềm để rà quét và phát hiện
sớm những thông tin xấu độc, những thông tin sai lệch, kiểm soát chặt chẽ thông
tin, hạn chế người dùng chia sẻ, lan truyền những thông tin tiêu cực ảnh hưởng
đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Các cơ quan chức năng phải thường xuyên theo dõi,
xử lý kịp thời những tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng, tránh để xảy ra
những hình ảnh, bình luận không tốt trên môi trường mạng.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị
liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm thực hiện
Nghị quyết, định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội
đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh
Hóa khóa XVIII, kỳ họp thứ 24 thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2024 và có hiệu lực
kể từ ngày thông qua./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- TTr HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT
|
CHỦ TỊCH
Lại Thế Nguyên
|