BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5584/TCHQ-TXNK
V/v thuế giá trị gia tăng
|
Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2019
|
Kính
gửi: Công ty Dương Minh.
(59 Trần Đình Xu, Cầu Kho, Quận 1, TP. Hồ
Chí Minh)
Tổng cục Hải quan nhận được công văn
số 6404/VPCP-ĐMDN ngày 18/07/2019 của Văn phòng Chính phủ chuyển kiến nghị của
Công ty Dương Minh về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng máy may
công nghiệp nhập khẩu sau đó chuyển mục đích sử dụng để xem xét, xử lý và trả lời
Công ty. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như
sau:
1. Về chính sách
thuế
Căn cứ Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12
thì: Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công
nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất
được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu
thuế GTGT 10% trừ hàng hóa thuộc khoản 17 Điều 5 Luật Thuế GTGT
số 13/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1
Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT.
Căn cứ khoản 12 Điều 1
Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của
Chính phủ quy định: “5. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị
gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế hoặc
áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải
phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi
về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế; áp dụng thuế suất, mức
thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh
kiện nhập khẩu để gia
công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm
nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục
đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai
tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách
thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện
tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường
hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.”
Căn cứ khoản 10 Điều 1
Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung
khoản 1 Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của
Bộ Tài chính quy định việc khai thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội
địa thì:
“1.
Nguyên tắc thực hiện
a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng thực hiện đúng quy định
tại khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi,
bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP;
b) Việc chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử
dụng hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải
quan đối với tờ khai hải quan mới;
c) Hàng hóa thuộc diện phải có giấy
phép xuất khẩu, nhập khẩu, khi chuyển tiêu thụ nội
địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng cũng phải được
cơ quan cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đồng ý bằng văn bản đối với hàng hóa theo
quy định của pháp luật phải có giấy phép khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa;
d) Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế
phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có)
theo quy định.”
Căn cứ các quy định nêu trên, trường
hợp mặt hàng máy may công nghiệp do công ty nhập khẩu năm 2010 thuộc đối tượng
miễn thuế nhập khẩu nhưng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, nay thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa thì công ty phải khai tờ khai hải quan mới và phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định.
2. Về việc tính
thuế GTGT khi thay đổi mục đích sử dụng
Căn cứ khoản 2 Điều 7
Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi
hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT thì giá
tính thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu được xác định như sau:
“2. Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu cộng (+) với thuế
nhập khẩu (nếu có), cộng
(+) với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), cộng (+) với thuế bảo vệ môi trường (nếu
có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định
về giá tính thuế hàng
nhập khẩu.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được
miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế GTGT là giá nhập khẩu cộng (+) với
thuế nhập khẩu xác định theo mức thuế phải nộp sau
khi đã được miễn, giảm.”
Căn cứ điểm b khoản 2
Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2019 của
Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
thì hàng hóa nhập khẩu đã sử dụng tại Việt Nam, có thay đổi mục đích sử dụng so
với mục đích đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét
miễn thuế thì trị giá hải quan là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh
toán tại thời điểm chuyển đổi mục đích sử dụng, được xác định theo nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Thông tư này.
Căn cứ các quy định nêu trên, khi
công ty nhập khẩu máy may công nghiệp được miễn thuế nhập khẩu thì giá tính thuế
GTGT là giá nhập khẩu. Khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa
hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu thì công ty phải kê khai, nộp đủ tiền thuế nhập
khẩu (được xác định tại thời điểm thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội
địa), tiền phạt (nếu có) và tính số tiền thuế GTGT phải nộp bổ sung trên cơ
sở số tiền thuế nhập khẩu phải nộp.
Như vậy, số thuế GTGT phải nộp bổ
sung khi đăng ký tờ khai hải quan mới là số thuế GTGT phát sinh thêm (do phát
sinh tiền thuế nhập khẩu trong công thức giá tính thuế GTGT) so với thời điểm
ban đầu hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu (công thức giá tính thuế
GTGT không có thuế nhập khẩu).
Trường hợp nếu tại thời điểm chuyển mục
đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa máy móc, thiết bị, thuế suất thuế nhập khẩu
của hàng hóa là 0% thì thuế GTGT phải nộp bổ sung là 0 đồng.
3. Về việc khấu
trừ thuế GTGT
Căn cứ Điều 2 Thông
tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định: “Đối tượng
chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm
cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước
ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư
này.”
Căn cứ khoản 1 Điều
14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định:
“1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất.”
Căn cứ khoản 10 Điều
1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính quy định về điều
kiện khấu trừ thuế GTGT như sau:
“1. Có hóa đơn giá trị
gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc
chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu
hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài
chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt
Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt
Nam.
2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập
khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch
vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng
hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh
doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của
tổ chức, cá nhân ở nước
ngoài.”
Căn cứ các quy định nêu trên, tại thời
điểm chuyển mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa máy móc, thiết bị, nếu
công ty phải nộp thuế GTGT bổ sung thì số thuế GTGT này sẽ được khấu trừ nêu đáp ứng điều kiện theo quy định, số thuế
GTGT này không được hoàn lại như cách hiểu của công ty.
(Tương tự vướng mắc về chính sách thuế
đối với hàng hóa miễn thuế nhập khẩu thay đổi mục đích sử
dụng, ngày 14/8/2017, Bộ Tài chính đã có công văn số 10782/BTC-TCHQ (đính kèm) trả lời Bà Đặng Thị Kim Anh).
Tổng cục Hải
quan trả lời để Công ty Dương Minh được biết.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để b/cáo);
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (để tổng hợp);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Văn phòng Bộ Tài chính (để biết);
- Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế, Tổng cục Thuế (BTC);
- PTCT Nguyễn Dương Thái (để
b/cáo);
- Lưu: VT, TXNK (3b).
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Ngọc Hưng
|