Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Bộ Tài chính nhận
được Công điện số 1190/CĐ-TTg ngày 20/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc
tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học mới 2021-2022 hiệu quả,
chất lượng; trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính
sách xã hội (NHCSXH) và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu xây dựng,
trình cấp có thẩm quyền gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh
gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến (sau
đây viết tắt là gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên), về nội dung này, Bộ
Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Về quá trình triển khai thực hiện:
Căn cứ chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1190/CĐ-TTg nêu trên, Bộ Tài chính đã
xây dựng dự thảo phương án sơ bộ triển khai gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh
viên và có Giấy mời họp số 220/GM-VP ngày 23/9/2021 mời Văn phòng Chính phủ, Bộ
Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ
Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)
và NHCSXH tham gia trao đổi về gói tín dụng này vào ngày 27/9/2021 tại Trụ sở Bộ
Tài chính.
2. Đề xuất Phương án triển khai và ý kiến của các Bộ, ngành:
Tại cuộc họp, về
cơ bản các Bộ, ngành đều thống nhất sự cần thiết phải hỗ trợ cho đối tượng học
sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập
phục vụ học trực tuyến do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trên cơ sở ý kiến của
các Bộ, ngành, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phương án sơ bộ
về gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên với một số nội dung chính như sau:
- Đối tượng vay
vốn: Là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên
có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là con trong gia đình
có bố hoặc mẹ mất do dịch Covid-19 và chưa có máy tính để học tập trực tuyến (đối
tượng học sinh, sinh viên khó khăn được hỗ trợ bám sát theo chủ trương hỗ trợ của
Chương trình “Sóng và máy tính cho em”).
- Mục đích vay
vốn: Để mua trang thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến do dịch bệnh
Covid-19.
- Điều kiện vay
vốn: Tại thời điểm vay vốn, hộ gia đình có học sinh, sinh viên không có đủ máy
tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến và học sinh, sinh viên đó chưa được
hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến dưới mọi
hình thức.
- Hồ sơ xác nhận
đối tượng vay vốn: Tại Công điện số 1190/CĐ-TTg , Thủ tướng Chính phủ giao Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát danh sách học
sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để xây dựng phương án hỗ trợ máy
tính, thiết bị phục vụ việc học tập trực tuyến, do đó để đảm bảo thuận tiện nhất
cho các hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, Bộ Tài chính trình
Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân cấp xã, phường xác nhận đối tượng được
vay vốn để NHCSXH triển khai cho vay.
- Mức vốn cho
vay: Qua trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành tại cuộc họp, Bộ Tài chính đề xuất mức
cho vay tối đa là 7 triệu đồng/học sinh, sinh viên.
- Thời hạn cho
vay: Dưới 01 năm, tương tự như đối với chính sách hỗ trợ cho vay trả lương theo
quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số
chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại
dịch Covid-19 (Nghị quyết số 68/NQ-CP).
- Lãi suất cho
vay: 0%/năm; lãi suất nợ quá hạn là 6,6%/năm (bằng lãi suất cho vay ưu đãi đối
với hộ nghèo tại NHCSXH hiện nay).
- Thời gian giải
ngân từ ngày Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành đến hết
ngày 31 tháng 3 năm 2022 (thời gian giải ngân căn cứ vào tình hình dịch bệnh,
tương tự như đối với chính sách hỗ trợ cho vay trả lương theo quy định tại Nghị
quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ).
- Phí quản lý để
NHCSXH triển khai cho vay: Hiện nay, ngân sách nhà nước đang cấp phí quản lý
theo mức 3,54%/năm trên dư nợ cho vay không bao gồm nợ khoanh và nợ quá hạn cho
NHCSXH. Tuy nhiên, để chung tay cùng ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân bị ảnh
hưởng bởi đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ quy
định ngân sách nhà nước cấp phí quản lý từ nguồn chi đầu tư phát triển cho
NHCSXH theo mức 1%/năm trên số dư nợ giải ngân cho vay thực tế (tương tự như đối
với chính sách hỗ trợ cho vay trả lương theo quy định tại Nghị quyết số
68/NQ-CP của Chính phủ), dự kiến khoảng 35 tỷ đồng. Nguồn vốn cấp bù phí quản
lý này sẽ được cân đối trong tổng kinh phí cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản
lý giai đoạn 2021- 2025 cho NHCSXH đã được Quốc hội phê duyệt.
- Riêng về nguồn
vốn để cho vay, Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
+ Về dự kiến
nhu cầu nguồn vốn tín dụng: Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, ngoài các đối tượng đã được xem xét
hỗ trợ từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” thì còn khoảng 1 triệu học
sinh, sinh viên khó khăn chưa có thiết bị để học tập trong những ngày đầu năm học
mới. Tuy nhiên, tại Công điện số 1190/CĐ-TTg , Thủ tướng Chính phủ cũng đang chỉ
đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch phát sóng các bài giảng qua đài
phát thanh, truyền hình; đồng thời cùng chỉ đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các tổ
chức thành viên kêu gọi quyên góp, ủng hộ và huy động các tổ chức, cá nhân,
doanh nghiệp tặng, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn
trang thiết bị phục vụ việc học trực tuyến. Do đó, Bộ Tài chính dự kiến nhu cầu
nguồn vốn tín dụng sẽ phải bố trí nhằm đáp ứng khoảng 50% nhu cầu mua trang thiết
bị phục vụ học trực tuyến của học sinh, sinh viên nêu trên; phần còn lại sẽ tiếp
tục được sử dụng từ nguồn quyên góp, ủng hộ khác (nhu cầu về nguồn vốn chi
tiết sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì
cập nhật, báo cáo bổ sung). Như vậy, với mức vay tối đa dự kiến là 7 triệu
đồng/học sinh, sinh viên thì tổng nguồn vốn phải bố trí là khoảng 3.500 tỷ đồng.
+ Về bố trí nguồn
vốn để cho vay: Hiện nay, nguồn vốn để cho vay của NHCSXH bao gồm nguồn ngân sách
nhà nước cấp cho NHCSXH, nguồn NHCSXH tự huy động và được ngân sách nhà nước cấp
bù chênh lệch lãi suất và trong thời gian gần đây, NHCSXH được bố trí thêm nguồn
vốn vay tái cấp vốn NHNN với lãi suất 0% để cho vay hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng
bởi dịch Covid-19. Trong thời điểm hiện nay, ngân sách nhà nước đang ưu tiên
nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho các đối tượng
chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc bố trí nguồn vốn cấp cho
NHCSXH (cấp nguồn để cho vay và cấp bù chênh lệch lãi suất) để thực hiện chính
sách tín dụng ưu đãi là khó khả thi. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, thực hiện
chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ
trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền
tài chính quốc gia an toàn, bền vững (trong đó khống chế hạn mức phát hành trái
phiếu được Chính phủ bảo lãnh của NHCSXH tối đa bằng nợ gốc trái phiếu đến hạn
trong năm) nên việc huy động nguồn vốn để cho vay của NHCSXH cũng rất khó khăn.
Trong khi đó, hiện nay, NHCSXH đang triển khai gói tín dụng 7.500 tỷ đồng từ
nguồn vay tái cấp vốn của NHNN theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ để cho
vay trả lương cho người lao động; tuy nhiên, theo báo cáo của NHCSXH, đến ngày
26/9/2021, tổng dư nợ của gói tín dụng 7.500 tỷ đồng nêu trên mới đạt 438 tỷ đồng
và hiện nay số hồ sơ để xuất vay vốn NHCSXH từ người sử dụng lao động là chưa lớn.
Do đó, để kịp thời triển khai hỗ trợ cho học sinh, sinh viên tham gia học trực
tuyến, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành đã đề xuất
trước mắt xem xét trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung hỗ trợ đối
tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được vay vốn ưu đãi từ
gói 7.500 tỷ đồng tại Nghị quyết số 68/NQ-CP nêu trên để mua máy tính, thiết bị
học tập phục vụ học trực tuyến. Trong quá trình triển khai, trường hợp phát
sinh khó khăn, vướng mắc về đối tượng vay vốn cũng như nguồn lực để triển khai,
Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền
xem xét, xử lý.
3. Đề xuất, kiến nghị:
Từ tình hình
trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ:
3.1. Phê duyệt
chủ trương cho phép bổ sung cơ chế để học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình
khó khăn được xem xét vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 7.500 tỷ đồng tại Nghị quyết
số 68/NQ-CP để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến.
3.2. Giao Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội (là đơn vị chủ trì trình Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số
23/2021/QĐ-TTg về hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP) chủ trì phối
hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NHCSXH và các cơ quan có
liên quan rà soát bổ sung nội dung chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên như
báo cáo Thủ tướng Chính phủ nêu trên vào trong Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính
phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trên đây là báo
cáo của Bộ Tài chính; kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc (để báo cáo);
- VPCP;
- Bộ GDĐT, KHĐT, TTTT, LĐTBXH, Tư pháp;
- NHNN;
- NHCSXH;
- Vụ: NSNN, PC, HCSN;
- Lưu: VT, TCNH (N.T.V.Hà-7b)
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đức Chi
|