TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 39724/CT-TTHT
V/v thuế TNCN
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2019
|
Kính gửi: VPĐD Risen Energy (Hong
Kong) Co., Limited tại Hà Nội
(Địa chỉ: S1-Tầng 4, Tòa nhà 319 Tower, 63 Lê
Văn Lương,
Trung
Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)
Trả lời công văn số RisenHK/RO/17042019 đề ngày
17/4/2019 của VPĐD Risen Energy (Hong Kong) Co., Limited tại Hà Nội (sau đây gọi
là VPĐD) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Điều 2 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày
25/08/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013,
Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày
10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/06/2011, Thông tư số
39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của
Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế quy định về
phạm vi xác định thu nhập chịu thuế:
“...Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp
thuế như sau:
Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập
phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;
Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh
thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc
trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại
Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam
trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp
đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực kiện
các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần
theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia.
Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là
thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.”
- Thể theo Điều 11 Thông tư số 205/2013/TT-BTC ngày
24/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế
hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập
và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại
Việt Nam:
“Điều 11. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ
hoạt động kinh doanh
…
1.2. Định nghĩa cơ sở thường trú
1.2.1. Theo quy định tại Hiệp định, “cơ sở thường trú”
là một cơ sở kinh doanh cố định của một doanh nghiệp, thông qua đó, doanh nghiệp
thực hiện toàn bộ hay một phần hoạt động kinh doanh của mình.
…
1.2.2. Một doanh nghiệp của một Nước ký kết sẽ được
coi là tiến hành hoạt động kinh doanh thông qua một cơ sở thường trú tại Việt
Nam trong các trường hợp chủ yếu sau đây:
…”
- Thể theo Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa
việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập:
+ Tại Điều 4 đối tượng cư trú:
“1. Theo nội dung của Hiệp định này, thuật ngữ “đối
tượng cư trú của một Nước ký kết” có nghĩa là bất cứ đối tượng nào, mà theo các
luật của Nước đó, là đối tượng chịu thuế căn cứ vào nhà ở, nơi cư trú, trụ sở
điều hành, nơi thành lập hoặc bất kỳ tiêu thức nào khác có tính chất tương tự
và cũng bao gồm cả Nước đó và bất cứ cơ quan chính quyền cơ sở hay chính quyền
địa phương của Nước đó. Tuy nhiên, thuật ngữ này không bao gồm bất kỳ đối tượng
nào là đối tượng chịu thuế tại Nước đó chỉ đối với thu nhập từ các nguồn tại Nước
đó.
…”
+ Tại Điều 5 cơ sở thường trú:
“1. Theo nội dung của Hiệp định này, thuật ngữ “cơ sở
thường trú” có nghĩa là một cơ sở kinh doanh cố định mà qua đó doanh nghiệp thực
hiện toàn bộ hay một phần hoạt động kinh doanh của mình.
2. Thuật ngữ “cơ sở thường trú” chủ yếu bao gồm:
(a) trụ sở điều hành;
(b) chi nhánh;
(c) văn phòng;
(d) nhà máy;
(e) xưởng;
(f) mỏ, giếng dầu hoặc khí, mỏ đá hoặc bất kỳ địa điểm
khai thác tài nguyên thiên nhiên; và
(g) cấu trúc lắp đặt hay thiết bị được sử dụng cho việc
thăm dò tài nguyên thiên nhiên.
…”
+ Tại Điều 15 hoạt động dịch vụ cá nhân phụ thuộc:
“1. Thể theo các quy định tại Điều 16, 18, 19, 20 và
21, các khoản tiền lương, tiền công, và các khoản tiền thù lao tương tự khác do
một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công sẽ chỉ bị
đánh thuế tại Nước đó, trừ khi công việc của đối tượng đó được thực hiện tại Nước
ký kết kia. Nếu công việc làm công được thực hiện như vậy, số tiền công trả cho
lao động đó có thể bị đánh thuế tại Nước kia.
2. Mặc dù có những quy định tại khoản 1, tiền công do
một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công tại Nước
ký kết kia sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước thứ nhất nếu:
(a) người nhận tiền công có mặt tại Nước kia trong một
khoảng thời gian hoặc nhiều khoảng thời gian gộp lại không quá 183 ngày trong năm
tài chính liên quan, và
(b) chủ lao động hay đối tượng đại diện chủ lao động
trả tiền thù lao lao động không phải là đối tượng cư trú tại Nước kia, và
(c) số tiền công không phải phát sinh tại một cơ sở
thường trú hoặc cơ sở cố định mà đối tượng chủ lao động có tại Nước kia.
3. Mặc dù có những quy định trên của Điều này, tiền
công thu được từ lao động làm trên tàu thủy hoặc máy bay do một doanh nghiệp của
một Nước ký kết điều hành trong vận tải quốc tế sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước ký
kết đó.”
- Thể theo Hiệp định giữa chính phủ nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tránh
đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh
vào thu nhập:
+ Tại Điều 4 đối tượng cư trú:
“1/ Theo nội dung của Hiệp định này, thuật ngữ “đối
tượng cư trú của một Nước ký kết” có nghĩa là bất cứ đối tượng nào, mà theo các
luật của Nước đó, là đối tượng chịu thuế căn cứ vào nhà ở, nơi cư trú, trụ sở
đăng ký, trụ sở chính hoặc bất kỳ tiêu chuẩn khác có tính chất tương tự... ”
+ Tại Điều 5:
1/ Theo nội dung của Hiệp định này, thuật ngữ “cơ sở
thường trú” có nghĩa là một cơ sở kinh doanh cố định mà qua đó xí nghiệp thực
hiện toàn bộ hay một phần hoạt động kinh doanh của mình.
2/ Thuật ngữ “cơ sở thường trú” chủ yếu bao gồm:
a. trụ sở điều hành;
b. chi nhánh;
c. văn phòng;
d. nhà máy;
e. xưởng;
f. mỏ, giếng dầu hoặc khí, mỏ đá hoặc bất kỳ địa điểm
khai thác tài nguyên thiên nhiên nào khác.
3/ Thuật ngữ “cơ sở thường trú” cũng bao gồm:
a. địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp ráp hoặc
lắp đặt hay các hoạt động giám sát liên quan đến các công trình, địa điểm trên,
nhưng chỉ khi địa điểm, công trình hay các hoạt động đó kéo dài trong
giai đoạn trên sáu tháng;
b. việc cung cấp các dịch vụ, bao gồm cả dc tư vấn do
một xí nghiệp của một Nước ký kết thực hiện thông qua các nhân viên hay cá nhân
khác được xí nghiệp giao thực hiện tại Nước ký kết kia, với điều kiện các hoạt
động nêu trên kéo dài (trong cùng một dự án hay một dự án liên quan) trong một
giai đoạn hay nhiều giai đoạn gộp lại hơn 6 tháng trong khoảng thời gian 12
tháng.
+ Tại Điều 15 hoạt động dịch vụ cá nhân phụ thuộc:
1/ Thể theo các quy định tại Điều 16, 18, 19, 20 và
21 các khoản tiền lương, tiền công và các khoản tiền thù lao tương tự khác do một
đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công sẽ chỉ bị
đánh thuế tại Nước ký kết đó, trừ khi công việc của đối tượng đó được thực hiện
tại Nước ký kết kia. Nếu công việc làm công được thực hiện như vậy, số tiền
công trả cho lao động đó có thể bị đánh thuế tại Nước ký kết kia.
2/ Mặc dù có những quy định tại khoản 1, tiền công do
một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công tại Nước
ký kết kia sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước ký kết thứ nhất nếu:
a. người nhận tiền công có mặt tại Nước ký kết kia
trong một khoảng thời gian hoặc nhiều khoảng thời gian gộp lại không quá 183
ngày trong năm dương lịch liên quan; và
b. chủ lao động hay đối tượng đại diện chủ lao động
trả tiền công lao động không phải là đối tượng cư trú tại Nước ký kết kia; và
c. số tiền công không phải phát sinh tại một cơ sở
thường trú hoặc cơ sở cố định mà đối tượng chủ lao động có tại Nước ký kết kia.
3/ Mặc dù có những quy định trên của Điều này, tiền
công từ lao động làm trên tàu thủy hoặc máy bay do một đối tượng cư trú của một
Nước ký kết điều hành trong vận tải quốc tế sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước ký kết
đó.
Căn cứ các quy định nêu trên:
- Trường hợp Công ty mẹ tại Trung Quốc và Tây Ban Nha
thực hiện dự án điện mặt trời tại Việt Nam có thành lập văn phòng đại diện và
văn phòng dự án, nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 của Hiệp định và
Khoản 1.2 Điều 11 Thông tư số 205/2013/TT-BTC thì văn phòng đại diện và văn phòng dự án được coi là cơ sở thường
trú;
- Trường hợp Công ty mẹ điều động người lao động sang
Việt Nam làm việc, thì khoản tiền lương, tiền công của người lao động do Công
ty mẹ chi trả là khoản thu nhập chịu thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế
TNCN hiện hành cụ thể:
+ Nếu cá nhân có mặt Việt Nam dưới 183 ngày và đáp ứng
đầy đủ quy định tại Điều 15 của Hiệp định giữa Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam
- Tây Ban Nha và Điều 31 Thông tư 205/2013/TT-BTC thì các cá nhân đó được áp dụng
Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với khoản thu nhập từ tiền lương tiền
công.
+ Nếu cá nhân có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên
trong 01 (một) năm dương lịch hoặc 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu đến Việt
Nam thì các cá nhân trên là đối tượng cư trú tại Việt Nam thì thực hiện khai nộp
thuế theo quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 và Thông tư số
92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để VPĐD Risen Energy (Hong
Kong) Co., Limited tại Hà Nội được biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như
trên;
- DTPC;
- TKT1;
- CNTK;
- Lưu: VT, TTHT(2).
|
CỤC TRƯỞNG
Mai Sơn
|