BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3001/BNN-TCLN
V/v tăng cường các biện pháp nâng cao chất
lượng giống cây trồng lâm nghiệp
|
Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2019
|
Kính gửi: UBND
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp giữ vai trò
quyết định đến năng suất và chất lượng rừng trồng, việc kiểm soát
chất lượng giống và đưa được giống tốt vào trồng rừng là biện pháp rất quan trọng
để phát triển rừng, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành lâm
nghiệp. Thời gian qua, công tác nghiên cứu chọn tạo, sản xuất, kinh doanh giống
cây lâm nghiệp đã thu được nhiều thành tựu quan trọng,
trong đó việc sản xuất giống và trồng được gần 3,5 triệu ha rừng sản xuất là
nguồn nguyên liệu chính cho công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu, là địa
bàn thực hiện tái cơ cấu và nâng cao giá trị sản xuất, góp phần tăng trưởng ổn
định của ngành lâm nghiệp.
Tuy vậy, công tác giống cây trồng lâm
nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: số lượng giống được công nhận đưa
vào sản xuất còn ít; chưa quan tâm nghiên cứu chọn tạo và công nhận giống cây
lâm sản ngoài gỗ; tỷ lệ sử dụng cây giống mô-hom còn thấp (23 %), chất lượng giống
chưa cao; chưa hoàn thiện công nhận giống đối với 20 loài cây trồng chính theo danh mục đã ban hành; công nghệ nghiên cứu còn lạc hậu,
hàm lượng khoa học của các sản phẩm nghiên cứu còn hạn chế; việc kiểm nghiệm,
kiểm tra về giống bằng công nghệ cao, công nghệ sinh học chưa được áp dụng;
nghiên cứu về gen, về di truyền phân tử còn chậm so với các ngành khác; năng suất
rừng trồng còn thấp (đạt khoảng 100 m3/ha sau một chu kỳ khai thác);
công tác quản lý giống còn mang tính hành chính, chưa sâu sát thực tiễn; tỷ lệ
diện tích rừng trồng được kiểm soát giống mới đạt 85 %.
Để khắc phục những
tồn tại, hạn chế nêu trên; tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng giống
cây trồng lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị triển khai
một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giống trên địa bàn
a) Chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt
chẽ các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp chính trên địa bàn theo chuỗi
hành trình từ khâu thu hái vật liệu, sản xuất giống đến lô
cây con cho trồng rừng; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Thông tư số
30/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tạo sự chuyển biến về chất lượng
giống trên thực tiễn, đảm bảo sử dụng giống tốt cho trồng rừng;
b) Làm tốt công tác tuyên truyền,
khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn trồng rừng bằng giống cây có
năng suất, chất lượng cao, giống mô, hom và kinh doanh gỗ lớn, nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng; đặc
biệt là các trường hợp trồng rừng có sử dụng vốn ngân sách
nhà nước hoặc các chương trình, dự án tài trợ khác;
c) Khuyến khích, tạo điều kiện thuận
lợi cho những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn có cơ sử nuôi cấy mô
sản xuất cây giống quy mô công nghiệp để hạ giá thành cây giống phục vụ trồng rừng;
d) Rà soát, đầu tư phát triển hệ thống
nguồn giống; phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để tiếp nhận, chuyển giao giống
mới và công nghệ nhân giống tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trồng rừng tại địa
phương.
2. Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tổng cục Lâm nghiệp
- Chỉ đạo triển khai quản lý chặt chẽ
chất lượng giống từ khâu công nhận giống, nguồn giống và vật liệu giống theo Thông
tư số 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018; hướng dẫn địa phương quản lý đối với
tỷ lệ điện tích rừng trồng chưa được kiểm soát chất lượng (khoảng 15 %);
- Xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn để
quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; ưu tiên xây dựng và ban hành
tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm đối với cây lâm sản ngoài gỗ, tiêu chuẩn
về lâm phần tuyển chọn; tiêu chuẩn về cây giống cho các loài cây
lâm nghiệp chính (đến nay đã có tiêu chuẩn cho 16 loài/20
loài cây trồng chính theo Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018);
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
nghiên cứu thực hiện việc rà soát danh mục giống đã được công nhận để loại bỏ
ngay những giống không còn giống gốc. Đề xuất danh mục giống để
trồng rừng gỗ lớn cung cấp cho công nghiệp
chế biến; đối với danh mục loài cây trồng chính cần nghiên cứu theo hướng Bộ
Nông nghiệp ban hành quy định khung, các địa phương quyết định cây trồng chính;
- Rà soát các giống do các Bộ, ngành
khác đã công nhận để công bố, công nhận lẫn nhau, đặc biệt
đối với các loài cây lâm sản ngoài gỗ;
- Đề xuất chính sách hỗ trợ cho công
tác nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ tế bào, phân tử, công nghệ
sinh học về giống cây lâm nghiệp; xây dựng cơ chế để các
doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống tiếp cận được giống gốc, giống đầu dòng
mới được công nhận; chính sách duy trì và lưu trữ giống gốc, cây đầu dòng đối với
một số cây trồng chính và cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao;
- Tuyên truyền cho chủ rừng nhận thức
rõ hơn về tầm quan trọng của giống tốt và thúc đẩy đưa giống tốt vào sản xuất;
- Nâng cấp, bảo dưỡng và tiếp tục vận
hành hệ thống cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp để thông tin, phổ biến
giống, công nghệ sản xuất giống đến các tổ chức, cá nhân.
b) Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu về
giống cây trồng lâm nghiệp
- Về định hướng
nghiên cứu, cần nghiên cứu theo nhóm cây khai thác dưới 10 năm và cây trên 10
năm; nghiên cứu giống cho trồng rừng sản xuất bằng các loài sinh trưởng nhanh,
năng suất, chất lượng cao và phát triển giống cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị; giống cho trồng rừng phòng hộ và đặc dụng chủ yếu là các loài
cây bản địa;
- Tập trung
nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng chính và gắn nghiên cứu với
chuyển giao giống vào sản xuất;
- Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất phải
có cơ chế phối hợp để nghiên cứu và chuyển giao; kết quả
nghiên cứu thành công phải được chuyển giao cho sản xuất;
- Tiếp tục chọn tạo, nhập khẩu đối với
các loài cây mọc nhanh có năng suất, chất lượng cao phục vụ trồng rừng sản xuất
(Keo, Bạch đàn,...); đồng thời chọn tạo, cải thiện các giống cây bản địa để trồng
rừng sản xuất gỗ lớn theo từng vùng
sinh thái;
- Đầu tư nghiên cứu chọn giống, nhân
giống để công nhận giống và đưa giống tốt vào sản xuất đối với một số loài cây
lâm sản ngoài gỗ có giá trị như: Sâm Ngọc Linh, Ba kích, Thảo quả, Sa nhân; làm
tốt công tác lưu trữ và phục tráng các giống gốc theo quy định;
- Tổ chức cung ứng, chuyển giao kịp
thời giống mới được công nhận, các giống đầu dòng có năng suất, chất lượng cao
cho các địa phương sản xuất phục vụ trồng rừng;
- Các dự án khuyến lâm, dự án sản xuất
thử tập trung xây dựng các mô hình bằng những giống có
năng suất, chất lượng cao mới được công nhận ở các vùng sinh thái phù hợp làm
cơ sở giới thiệu, quảng bá để sớm đưa các giống mới vào sản xuất;
- Nghiên cứu, ứng
dụng công nghệ chọn tạo giống đa bội, công nghệ gen và công nghệ lai tạo tiên
tiến, để chọn ra các giống có năng suất cao, chất lượng gỗ
tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh cao cho các Loài cây trồng rừng chính;
- Ứng dụng và cải
tiến các vườn ươm cây giống bằng vỏ bầu dùng nhiều lần, vật liệu đóng bầu siêu
nhẹ, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng cây giống.
3. Đối với các doanh nghiệp, hiệp
hội lĩnh vực lâm nghiệp
Doanh nghiệp là hạt nhân trong quá trình
xã hội hóa phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị. Doanh nghiệp, hiệp hội cần
đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao giống chất lượng cao vào trong sản
xuất; liên kết với chủ rừng để đầu tư phát triển lâm nghiệp
hiệu quả và bền vững.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Sở NN&PTNT các tỉnh, tp trực thuộc TW;
- Tổng cục LN, Viện KHLN Việt Nam, Viện ĐTQHR, CPO LN;
- Các vụ: KHCN&MT, KH, TC, PC;
- Các trường: ĐHNL Thái Nguyên, ĐHLN, ĐHNL Bắc Giang;
- Các đơn vị SX, KD giống cây trồng LN;
- Tổng công ty LN, Tổng công ty giấy;
- Lưu: VT,
TCLN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hà Công Tuấn
|