VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 468/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 14
tháng 11 năm 2023
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN LƯU QUANG TẠI CUỘC HỌP VỚI BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ CẤP BÁCH, KHÓ KHĂN CẦN THÁO GỠ TRONG
LĨNH VỰC THỦY SẢN VÀ LÂM NGHIỆP
Ngày 8 tháng 11 năm 2023 tại trụ sở Chính phủ, Phó
Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì làm việc với Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới liên quan đến:
(i) Giải pháp khắc phục 05 nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống
khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ
cảnh báo “Thẻ vàng”; (ii) Hoàn thiện một số dự thảo Nghị định trong lĩnh vực
lâm nghiệp; (ii) Xử lý vướng mắc về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng
sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk
Lắk giai đoạn 1.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ
và các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
báo cáo, ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh
Hoan và các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận
như sau:
1. Về các nhiệm vụ, giải pháp cấp
bách, trọng tâm chống khai thác IUU:
Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan có liên quan
và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển
khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Thủ
tướng Chính phủ tại Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 4 tháng 11 năm 2023 về tập
trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải
sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”
của EC và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng
Chính phủ về kết quả thực hiện chống khai thác IUU tại địa phương; trong đó tập
trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, làm việc trực tiếp với Bộ Tư pháp thống
nhất phương án sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và Nghị định số
42/2019/NĐ-CP của Chính phủ theo khuyến nghị của EC để sớm trình Chính phủ ban
hành, hoàn thành trước 30 tháng 11 năm 2023.
- Chủ trì, đàm phán với EC theo hướng không đưa quy
định kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu bằng tàu Công-ten-nơ đối với
cá ngừ vây ngực dài, hoàn thành trước ngày 30 tháng 11 năm 2023.
- Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số
23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 để hướng dẫn địa phương xử lý dứt điểm
đối với nhóm tàu cá “03 không”, hoàn thành, ban hành trước ngày 31 tháng 01 năm
2024.
- Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công tác thực thi
pháp luật và xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là việc xử
phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước
ngoài và mất kết nối VMS, đặc biệt tập trung tại các tỉnh trọng điểm có nhiều
tàu cá vi phạm như: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu,
Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Định, Khánh Hòa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước
ngày 31 tháng 01 năm 2024.
- Tham mưu, tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về
IUU với các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan để tiếp tục chỉ đạo triển khai
thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU trong tuần
đầu tháng 12 năm 2023.
- Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ
quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU) kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, tổng
hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU kết quả
thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU tại Thông báo này.
b) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển:
- Thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và có
giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác
bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ nay đến tháng 4 năm 2024 (thời điểm EC
sang thanh tra thực tế lần thứ 5).
- Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ưu tiên,
tăng cường lực lượng tại các đồn, trạm biên phòng ven biển để kiểm soát chặt chẽ
tàu cá xuất, nhập bến; có giải pháp tuyên truyền, vận động, ngăn chặn xử lý
ngay từ bờ các tàu cá và ngư dân có nguy cơ vi phạm khai thác bất hợp pháp ở
vùng biển nước ngoài, có phương án kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm; đặc biệt
tập trung tại các tỉnh trọng điểm có nhiều tàu cá vi phạm như: Kiên Giang, Cà
Mau, Bến Tre, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Định,
Khánh Hòa.
c) Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn thống nhất phương án sửa đổi, bổ sung Nghị định số
26/2019/NĐ-CP và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ theo khuyến nghị của
EC để sớm trình Chính phủ ban hành, hoàn thành trước 30 tháng 11 năm 2023.
d) Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương ven biển thống nhất phương án xử lý các trường hợp ngư dân khai báo mất kết
nối VMS đảm bảo có căn cứ để xử phạt hành chính.
đ) Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra
truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác
hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để đảm bảo tính nghiêm minh của
pháp luật; khẩn trương phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ
khó khăn vướng mắc trong xử lý, kiên quyết điều tra, truy tố xét xử các tổ chức,
cá nhân vi phạm.
e) Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương ven biển trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm
vụ cấp bách từ nay đến tháng 4 năm 2024; cụ thể:
- Có giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, chấm dứt
tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ nay
đến tháng 4 năm 2024 (thời điểm EC sang thanh tra thực tế lần thứ 5).
- Rà soát hồ sơ, xử phạt dứt điểm các vụ việc đã vi
phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, vi phạm mất kết nối VMS
theo quy định từ đầu năm 2023 đến nay, hoàn thành trước ngày 30 tháng 12 năm
2023.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn có giải pháp quản lý chặt chẽ và xử lý dứt điểm đối với nhóm tàu cá
“03 không”, đảm bảo không vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp xuất
khẩu thủy sản trên địa bàn, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp hợp thức
hóa hồ sơ xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác đối với các lô hàng
thủy sản khai thác xuất khẩu.
2. Về dự thảo Nghị định về một số
chính sách đầu tư trong lâm nghiệp và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số
156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Lâm nghiệp:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với
Văn phòng Chính phủ chuẩn bị kỹ nội dung, tài liệu, thành phần tham dự để tổ chức
cuộc họp của Phó Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về các nội dung còn có
ý kiến khác nhau trong dự thảo Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm
nghiệp (dự kiến tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 14 - 25 tháng 11 năm
2023).
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn
trương giải trình, tiếp thu tối đa những ý kiến xác đáng của các Thành viên
Chính phủ và cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ trong tháng
11 năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số
7476/VPCP-NN ngày 28 tháng 9 năm 2023, trong đó lưu ý Nghị định chỉ quy định
chi tiết những điều, khoản được Luật Lâm nghiệp năm 2017 giao và thuộc thẩm quyền
của Chính phủ, cần rà soát, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính và thành phần hồ
sơ không cần thiết, nhất là quy định về hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng
rừng sang mục đích khác; đối với những nội dung phức tạp, nhạy cảm còn ý kiến
khác nhau, Bộ sớm có báo cáo chính thức bằng văn bản, đề xuất phương án xử lý cụ
thể, trong đó nêu rõ thẩm quyền giải quyết, cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn,
đánh giá tác động của phương án.
3. Về kiến nghị xem xét chủ trương
chuyển mục đích sử dụng rừng (trước mắt đối với 73,72 ha rừng) để thực hiện Dự
án hồ chứa nước Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối
hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk rà soát kỹ hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển
mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án theo đúng chỉ đạo của
Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 8140/VPCP-NN ngày 19 tháng 10 năm 2023, trong
đó báo cáo đầy đủ, trung thực, chính xác về tình hình thực hiện dự án, nguyên
nhân biến động diện tích rừng trong khu vực dự án và trách nhiệm của các cơ
quan liên quan, các khó khăn, vướng mắc, tính cấp thiết, cơ sở pháp lý và thẩm
quyền xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng trước mắt đối với
73,72 ha rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án cũng như chủ trương chuyển mục
đích sử dụng đối với toàn bộ diện tích rừng để hoàn thành dự án, hoàn thành trước
ngày 17 tháng 11 năm 2023.
4. Văn phòng Chính phủ theo dõi,
đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Văn phòng Chính phủ thông báo các cơ quan liên quan
biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ: NNPTNT, QP, CA, NG, CT, KH&ĐT,
TC, GTVT, TT&TT,TN&MT, TP, LĐTBXH;
- UBQG ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW ven biển;
- Hội nghề cá Việt Nam;
- Các Hiệp hội: Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam
(VASEP), Cá Ngừ Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: NN, QHQT, NC, PL, KTTH, QHĐP;
- Lưu: VT, NN (02). Khánh
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Mai Thị Thu Vân
|