ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5738/KH-UBND
|
Khánh Hòa, ngày
13 tháng 5 năm 2025
|
KẾ HOẠCH
TỔNG
KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM GIAI ĐOẠN 2016 -
2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
Thực hiện Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn
2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số
5136/KH-UBND ngày 18/7/2016 chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể triển khai thực
hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng
đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Để tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược
quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm
2030, xét Tờ trình số 3800/TTr-CAT-PTM(CS) ngày 24/4/2025 của Công an tỉnh,
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia
phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa
bàn tỉnh Khánh Hòa, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Đánh giá kết quả triển khai thực hiện
Chương trình của Chính phủ và Kế hoạch số 5136/KH-UBND ngày 18/7/2016 của UBND
tỉnh; kết quả đạt được; tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm trong
quá trình thực hiện. Qua tổng kết, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nội dung nhiệm
vụ cấp thiết, huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm
trong tình hình mới.
2. Việc đánh giá được thực hiện trên phạm vi
toàn tỉnh, từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; bám sát thực tiễn tình hình tội phạm,
công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế
- xã hội và khả năng bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình của từng ngành, địa
phương.
II. NỘI DUNG TỔNG KẾT
Tổ chức tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tội
phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là
Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm) và Kế hoạch số 5136/KH-UBND ngày
18/7/2016 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống
tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt
là Kế hoạch số 5136); tập trung kiểm điểm, đánh giá toàn diện việc tổ chức
thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Chiến lược quốc gia phòng, chống
tội phạm và Kế hoạch số 5136/KH-UBND ngày 18/7/2016 của UBND tỉnh, cụ thể:
1. Bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội ở cơ
quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và thực trạng tình hình tội phạm tác động, ảnh
hưởng đến việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm.
2. Đánh giá thực tiễn công tác chỉ đạo điều
hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm. Việc tổ chức quán triệt, triển
khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch của
Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về công
tác phòng, chống tội phạm; vai trò của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan đơn vị,
vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng Công an trong thực hiện Chiến lược quốc
gia phòng, chống tội phạm.
3. Công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn,
biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc
thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm. Xử lý trách nhiệm người đứng
đầu cơ quan, đơn vị, địa phương vi phạm pháp luật hoặc để xảy ra tình hình tội
phạm phức tạp, kéo dài, hoạt động lộng hành hoặc bao che tội phạm.
4. Kết quả công tác phòng ngừa tội phạm: Tập
trung kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm cả
về hình thức, nội dung, biện pháp; sự tham gia của các cấp, các ngành trong
phòng, chống tội phạm; kết quả thực hiện các Chương trình hành động, Quy chế phối
hợp phòng, chống tội phạm giữa Bộ Công an với địa phương; công tác quản lý,
giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở; đánh giá những cách làm hay, mô hình
phòng, chống tội phạm hoạt động lâu dài, hiệu quả trong công tác phòng ngừa tội
phạm...; phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân.
5. Kết quả công tác quản lý nhà nước về an
ninh, trật tự góp phần phòng ngừa tội phạm: Công tác quản lý cư trú, vũ khí, vật
liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh
trật tự, quản lý người nước ngoài, quản lý đối tượng tại địa bàn cơ sở; việc áp
dụng các biện pháp đưa người đi cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở chữa bệnh, cơ
sở giáo dục, trường giáo dưỡng; công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân
và tái hòa nhập cộng đồng...
6. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ
thống pháp luật về phòng, chống tội phạm: Tập trung đánh giá số văn bản pháp luật
đã ban hành mới, số văn bản đã được sửa đổi, bổ sung góp phần giải quyết vướng
mắc về pháp luật trong phòng, chống tội phạm.
7. Công tác tấn công trấn áp tội phạm: Tập
trung đánh giá cụ thể kết quả phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các loại tội
phạm (xâm phạm an ninh quốc gia, hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, tội phạm
có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia,
các loại tội phạm nổi lên...); công tác bắt truy nã; công tác tiếp nhận, giải
quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố.
8. Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện
Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm (kể cả nguồn kinh phí Trung ương cấp,
kinh phí địa phương hỗ trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác).
9. Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống
tội phạm.
10. Những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó
khăn, nguyên nhân (khách quan, chủ quan) và bài học kinh nghiệm.
11. Dự báo tình hình và dự kiến những nhiệm
vụ trọng tâm công tác phòng, chống tội phạm trong thời gian tới; kiến nghị, đề
xuất.
(Mẫu đề cương báo cáo kèm theo kế hoạch này. Số
liệu thống kê báo cáo từ ngày 15/6/2016 đến ngày 14/6/2025, trong đó lưu ý đánh
giá so sánh giai đoạn 2 (từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/6/2025) với giai đoạn 1
(từ ngày 15/6/2016 đến ngày 14/12/2020)).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ nội dung của kế hoạch này, đề nghị
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân
dân tỉnh; yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị
xã, thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức tổng kết từ cơ sở.
Chủ động tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Chiến
lược quốc gia phòng, chống tội phạm của các cơ quan, đơn vị, địa phương (nếu
cần thiết); lựa chọn các tập thể hoặc cá nhân (ưu tiên cho các tập thể,
cá nhân cấp cơ sở) có thành tích xuất sắc đề nghị lãnh đạo các cấp khen thưởng
theo quy định (có hướng dẫn riêng).
2. Báo cáo tổng kết của các cơ quan, đơn vị,
địa phương gửi về Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn
xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (qua
Phòng Tham mưu Công an tỉnh, địa chỉ: Số 80 Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố
Nha Trang - Hộp thư điện tử: congankhanhhoa2016@gmail.com, số điện thoại:
069.4401.565) trước ngày 18/6/2025 để tổng hợp, xây dựng báo cáo
chung của UBND tỉnh.
3. Giao Công an tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham
mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia
phòng, chống tội phạm; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế
hoạch này. Thực hiện công tác tuyên truyền về tình hình, kết quả thực hiện Chiến
lược quốc gia phòng, chống tội phạm.
- Tổng hợp, xây dựng báo cáo tổng kết và kiến nghị,
đề xuất các nội dung phục vụ xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm
và kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2026
- 2030, trình UBND tỉnh trước ngày 26/6/2025.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa
phương liên quan rà soát đối tượng điều kiện, tiêu chuẩn, tổng hợp danh sách, hồ
sơ đề nghị khen thưởng của các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực
hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm, tuyên truyền về tình hình, kết
quả thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; phối hợp với Sở Nội vụ
đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng, lựa chọn tối đa 02 tập thể, 04 cá nhân
(ưu tiên cấp cơ sở) có thành tích xuất sắc, trình Bộ Công an theo đúng hướng dẫn.
- Tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết thực
hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm (hoàn thành trước ngày
15/7/2025).
4. Kinh phí thực hiện tổng kết: Các cơ quan,
đơn vị, địa phương cân đối sử dụng ngân sách nhà nước đã được phân bổ trong năm
2025 để thực hiện việc tổng kết, khen thưởng.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời có văn bản gửi Công
an tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.
(Đính kèm Đề cương báo cáo tổng kết 10 năm thực
hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng
đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa)./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Ban Chỉ đạo 138/CP (báo cáo);
- Văn phòng Bộ Công an (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Phòng: Kinh tế, Tổng hợp;
- Lưu: VT, MN, NgM.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Tấn Tuân
|
ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO
TỔNG
KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM GIAI ĐOẠN 2016 -
2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Kế hoạch số 5738/KH-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2025)
Phần 1.
ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH, CÔNG
TÁC TRIỂN KHAI, KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
Nêu khái quát đặc điểm tình hình các sở, ban,
ngành, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương có liên quan; tình hình tội phạm
giai đoạn 2016 - 2025.
1. Tình hình chung: Đặc điểm tình hình kinh
tế - xã hội và những vấn đề có liên quan tại địa phương có ảnh hưởng, tác động
đến công tác phòng, chống tội phạm.
2. Tình hình tội phạm: Đặc điểm, diễn biến
tình hình tội phạm tại địa phương (số liệu thống kê có phân tích, đánh giá
thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm (từ ngày 15/6/2016 đến
ngày 14/6/2025). Phân tích, đánh giá số liệu so sánh giai đoạn 2
(từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/6/2025) với giai đoạn 1 (từ ngày
15/6/2016 đến ngày 14/12/2020) đối với tổng số tội phạm và phân tích, đánh
giá đối với nhóm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; đối với từng loại tội phạm
xâm phạm trật tự xã hội; tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; tội phạm và
vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; tội phạm về ma
túy; tội phạm mua bán người; tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không
gian mạng để hoạt động phạm tội...
Khái quát những vấn đề nổi lên về tình hình tội phạm
trong giai đoạn; nguyên nhân của tình hình tội phạm (có số liệu về số vụ phạm
tội do mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân; số vụ phạm tội có tổ chức, do băng nhóm
gây án; tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia; tội phạm trên
không gian mạng) sự dịch chuyển của tội phạm từ truyền thống sang sử dụng
công nghệ cao để phạm tội.
II. CÔNG TÁC QUÁN TRIỆT, LÃNH
ĐẠO, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
Kiểm điểm, đánh giá vai trò lãnh đạo của các cấp ủy,
tổ chức đảng, chỉ đạo quản lý, điều hành của thủ trưởng các cấp, ngành, tổ chức
chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm:
1. Công tác tổ chức quán triệt, xây dựng ban
hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Trung ương Đảng, Quốc
hội, kế hoạch để chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống
tội phạm, trọng tâm là: Kế hoạch số 02-KH/TU ngày 07/01/2011 của Ban Thường vụ
Tỉnh ủy, Kế hoạch số 856/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai Chỉ thị số
48-CT/TW; Công văn số 2348/UBND-NC ngày 16/5/2011 về chỉ đạo triển khai Quyết định
số 282/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực
hiện Chỉ thị số 48-CT/TW; Kế hoạch số 30-KH/TU ngày 29/11/2016 của Ban Thường vụ
Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư; kế hoạch
công tác hằng năm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Khánh Hòa.
2. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra,
đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM
VỤ, GIẢI PHÁP, MỤC TIÊU NÊU TRONG CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM:
1. Công tác lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thực hiện,
tập trung đánh giá các nội dung:
(1) Kế hoạch số 7722/KH-UBND ngày 28/8/2017 của
UBND tỉnh về triển khai Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 phê duyệt
Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW (Chương trình phòng, chống tội phạm
đến năm 2020); Kế hoạch số 2734/KH-UBND ngày 28/3/2022 của UBND tỉnh về triển
khai Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW; Kế hoạch số 7804/KH-UBND ngày
04/8/2020 của UBND tỉnh về triển khai Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 13/5/2020 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14
ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về công tác phòng, chống tội phạm và vi
phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công
tác thi hành án. Các Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai các chỉ thị của Thủ
tướng Chính phủ như: Kế hoạch số 5556/KH-UBND ngày 11/6/2019 về việc tổ chức
triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu
tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”;
Kế hoạch số 7269/KH-UBND ngày 21/7/2020 về việc thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg
ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài
sản; Kế hoạch số 7342/KH-UBND ngày 24/7/2023 về việc triển khai Chỉ thị số
16/CT-TTg ngày 27/5/2023 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm
pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc;...
(2) Kết quả thực hiện các kế hoạch, chuyên đề nổi về
phòng, chống tội phạm như: (1) Công văn số 106/UBND-NC ngày
29/3/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai Kế hoạch số 107/KH-BCĐ138/CP ngày
11/3/2022 của Ban Chỉ đạo 138/CP về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm,
vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; (2) Công
văn số 13233/UBND-NC ngày 17/12/2020 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp
phòng ngừa tội phạm giết người; (3) Kế hoạch số 13025/KH-UBND ngày
11/12/2023 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn
hoạt động vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ma túy,
hàng cấm qua đường hàng không trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; (4) Công
tác quản lý đối tượng có nguy cơ phạm tội, tái phạm tội ở địa bàn cơ sở; (5)
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia;
các loại “tội phạm đường phố”, băng nhóm thanh thiếu niên tụ tập gây mất an
ninh, trật tự; tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em; tội phạm có yếu tố nước
ngoài...
Tập trung đánh giá các chủ trương, giải pháp của sở,
ngành, địa phương thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; những cách làm chủ
động, sáng tạo.
2. Công tác phòng ngừa tội phạm (thống kê số liệu
trong kỳ báo cáo, có so sánh tăng/giảm giai đoạn 2 so với giai đoạn 1 thực hiện
Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm)
(1) Kết quả thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh
xã hội, an dân, ổn định và nâng cao đời sống Nhân dân, đặc biệt là các vấn đề
xã hội là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; phòng ngừa việc lợi dụng chủ
trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội để vi phạm
pháp luật, phạm tội.
(2) Đánh giá công tác phòng ngừa tội phạm theo chức
năng, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn; công tác quản lý nhà nước, quản
lý cán bộ, công chức, viên chức, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công,
phòng ngừa không để tội phạm có cơ hội lợi dụng hoạt động.
(3) Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp
luật về phòng, chống tội phạm; phối hợp đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an
ninh Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình
trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
(4) Công tác hòa giải cơ sở, giải quyết mâu thuẫn
trong nội bộ nhân dân ở địa bàn cơ sở.
(5) Công tác phòng ngừa người sử dụng ma túy tổng hợp
có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá” và người mắc bệnh tâm thần thực hiện hành vi
phạm tội.
(6) Công tác quản lý đối tượng có nguy cơ phạm tội,
tái phạm tội ở địa bàn cơ sở hiện nay.
(7) Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực
kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Công
tác quản lý, kết nối, khai thác hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên
ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước để chuyển đổi
phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý xã hội, quản lý cư trú, quản lý
người nước ngoài. Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự góp phần phòng
ngừa tội phạm. Công tác quản lý, giáo dục cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng đối
với người phạm tội, vi phạm pháp luật.
(8) Công tác lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị
trấn, đưa đối tượng đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt
buộc.
3. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế,
chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm.
- Kết quả công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo
tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp các chủ
trương, chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài, bảo đảm an ninh, trật tự
phù hợp thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm.
- Kết quả xây dựng, ban hành và triển khai các văn
bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm theo chức năng.
4. Công tác đấu tranh chống tội phạm (thống
kê, phân tích số liệu từ ngày 15/12/2016 đến ngày 14/6/2025 và so sánh Giai đoạn
2 với Giai đoạn 1). Báo cáo, đánh giá cụ thể việc điều tra, truy tố, xét xử
các loại tội phạm theo các lĩnh vực (xâm phạm an ninh quốc gia, hình sự,
kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy, môi trường, công nghệ cao, mua bán người);
công tác bắt, thanh loại, vận động đầu thú các đối tượng truy nã.
5. Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống
tội phạm. Công tác phối hợp chia sẻ thông tin tội phạm với các nước, các tổ chức
quốc tế; phối hợp điều tra, triệt phá các đường dây tội phạm xuyên quốc gia,
truy bắt các đối tượng truy nã đang lẩn trốn... để chủ động phòng ngừa từ sớm,
từ xa các loại tội phạm; kết quả công tác tương trợ tư pháp về hình sự.
6. Việc hỗ trợ nguồn lực, kinh phí phòng, chống
tội phạm của cơ quan, tổ chức, địa phương. Việc triển khai thực hiện Quyết định
số 2167/QĐ-CTUBND ngày 19/8/2020 về thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh
Khánh Hòa và Quyết định số 2168/QĐ-CTUBND ngày 19/8/2020 về việc ban hành Quy
chế hoạt động Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Khánh Hòa Quyết định số 04/QĐ-TTg
ngày 22/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Ưu điểm
2. Tồn tại, hạn chế; khó khăn, vướng mắc và
nguyên nhân
2.1. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân khách quan, chủ
quan
2.2. Khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân khách quan,
chủ quan
3. Một số bài học kinh nghiệm
Phần 2.
DỰ BÁO TÌNH HÌNH VÀ MỘT
SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM CẦN CHỈ ĐẠO TRONG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM
- Những vấn đề thách thức đặt ra đối với công tác
phòng, chống tội phạm trong kỷ nguyên mới của đất nước và dự báo tình hình tội
phạm trong thời gian tới, kỷ nguyên mới của đất nước.
- Một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá cần chỉ đạo
trong thời kỳ tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã).
- Một số giải pháp trọng tâm, đột phá cần chỉ đạo,
thực hiện trong thời kỳ tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp
xã).
Phần 3.
KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT NÂNG
CAO HƠN NỮA HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM
Kiến nghị, đề xuất mang tính đột phá đối với Ban Chấp
hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, các ban đảng, Quốc hội,
Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ban Chấp hành Tỉnh ủy, HĐND tỉnh,
UBND tỉnh về phương hướng, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo,
chỉ đạo thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống
tội phạm trong thời gian tới, kỷ nguyên mới của đất nước./.