ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1170/QĐ-UBND
|
Ninh Thuận, ngày
11 tháng 07 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN DẠY TIẾNG RAGLAI (CÓ CHỮ
VIẾT) CỦA TỈNH NINH THUẬN
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 06 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng
09 năm 2017 của Chính phủ về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 09 tháng
11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng
dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi;
Căn cứ Quyết định số 02/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày
24 tháng 01 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành
Chương trình khung đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số (có chữ viết);
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
tại Tờ trình số 1558/TTr-SGDĐT ngày 20 tháng 6 năm 2018 về ban hành Quy định
chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng Raglai (có chữ viết) của tỉnh Ninh Thuận,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Chương trình đào tạo
giáo viên dạy tiếng Raglai (có chữ viết) của tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Chương trình kèm theo Quyết định này là cơ sở để biên soạn
tài liệu đào tạo giáo viên dạy tiếng Raglai (có chữ viết) của tỉnh Ninh Thuận.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở
Giáo dục Và Đào tạo, Sở Nội vụ; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, Trường
Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ GD&ĐT (Cục nhà giáo và CBQLGD);
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh Lê Văn Bình;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- VPUB: LĐ, CV Khối NCTH;
- Lưu: VT, KGVX. NAM.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Bình
|
QUY ĐỊNH
CHƯƠNG
TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN DẠY TIẾNG RAGLAI (CÓ CHỮ VIẾT)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1170/QĐ-UBND ngày 11/07/2018 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu của chương
trình
Chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng Raglai là
cơ sở để học viên tham gia đào tạo đạt được các mục tiêu sau:
1. Có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết để có
thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Raglai; có phương pháp dạy học tiếng dân tộc
để dạy tiếng Raglai cho đối tượng là cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc
thiểu số.
2. Có kiến thức cơ bản về tiếng Raglai thuộc một số
lĩnh vực: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, làm văn; có hiểu biết sơ giản về phương
pháp dạy học tiếng dân tộc cho người lớn; có hiểu biết về đời sống, văn hóa,
phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Raglai.
3. Có tinh thần bảo tồn và phát huy tiếng nói văn
hóa, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Raglai; có ý thức thực hiện chủ
trương đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc đối với cán bộ, công chức
công tác ở vùng dân tộc thiểu số.
Điều 2. Quan điểm xây dựng
chương trình
1. Phù hợp với đối tượng:
a) Đối tượng tiếp nhận chương trình là những người
có trình độ trung học phổ thông trở lên, biết tiếng Raglai, có nhu cầu hoặc được
phân công đào tạo, bồi dưỡng về tiếng Raglai và nghiệp vụ sư phạm theo chương
trình ngắn hạn để trở thành giáo viên dạy tiếng Raglai cho cán bộ, công chức
chưa biết tiếng Raglai đang công tác ở vùng dân tộc thiểu số. Xuất phát từ đặc
điểm đó, chương trình này thiết kế nội dung bám sát các chủ đề của đời sống xã
hội, để tạo ra sự hứng thú cao trong việc dạy và học tiếng Raglai.
b) Nội dung chương trình được biên soạn theo hướng
tinh giản, thiết thực, có tính thực hành cao, giúp học viên nhanh chóng đạt được
mục tiêu đã đề ra khi kết thúc khóa đào tạo.
c) Chương trình được xây dựng theo cấu trúc đồng dạng
nhưng nâng cao hơn so với chương trình dạy tiếng Raglai cho cán bộ, công chức
công tác ở vùng dân tộc thiểu số, trong đó đặc biệt chú trọng rèn luyện kỹ năng
các kỹ năng đọc, viết và bổ sung thêm khối kiến thức và kỹ năng sư phạm.
2. Tích hợp:
a) Chương trình chú ý kết hợp chặt chẽ giữa việc
trang bị kiến thức ngôn ngữ Raglai với việc tăng cường rèn luyện kỹ năng giao
tiếp bằng tiếng Raglai cho học viên. Kết hợp chặt chẽ việc rèn luyện các kỹ
năng đọc, viết, nghe, nói.
b) Tích hợp dạy ngôn ngữ Raglai với hệ thống hóa những
hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Raglai.
c) Để học viên nắm được kiến thức về phương pháp giảng
dạy tiếng Raglai và nhanh chóng có khả năng dạy học, chương trình gắn các bài học
lý thuyết về phương pháp giảng dạy với việc biên soạn giáo án, gắn việc thực
hành phương pháp giảng dạy với việc học tiếng theo các chủ đề nội dung của
chương trình dạy tiếng Raglai cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu
số.
Chương II
YÊU CẦU CƠ BẢN CỦA
CHƯƠNG TRÌNH
Điều 3. Về kiến thức
1. Kiến thức ngôn ngữ:
a) Ngữ âm - Chữ viết:
- Nhớ được bộ chữ cái, hệ thống nguyên âm, hệ thống
phụ âm (phụ âm đơn, phụ âm ghép đôi, phụ âm ghép ba, cách tạo phụ âm ghép đôi),
hệ thống dấu âm, quy tắc chính tả.
- Biết cách phát âm, cách ghép âm thành vần, thành
tiếng (đặc biệt quan tâm đến các dấu hiệu khác tiếng Việt về mặt ngữ âm).
b) Từ ngữ - Ngữ pháp:
- Có vốn từ (bao gồm cả thành ngữ) phù hợp với các
chủ đề học tập, khoảng 1500 từ đến 1800 từ thông dụng.
- Nắm được một số từ loại cơ bản như danh từ, động
từ, tính từ, đại từ; các kiểu phân theo cấu trúc như câu đơn, câu ghép; các kiểu
câu phân theo mục đích như câu trần thuật, câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm
thán.
- Nắm được phương thức cấu tạo từ, các hiện tượng từ
đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa, nhiều nghĩa.
- Bước đầu xử lý được các hiện tượng khác biệt về
phương ngữ trong giờ dạy.
c) Làm văn: Hệ thống hóa những hiểu biết về nghi thức
lời nói, nghi thức giao tiếp, nắm được cấu tạo đoạn văn, bài văn, biết cách xây
dựng một số văn bản cụ thể như thư từ, tự sự, thuyết minh.
2. Kiến thức văn hóa dân tộc:
Hiểu và sử dụng được các nghi thức giao tiếp, ứng xử
đơn giản của đồng bào Raglai; nghi thức nói khi điều khiển các cuộc họp hoặc
phát biểu trước nhiều người; một số điều cần tránh khi giao tiếp miệng về ngữ
âm, từ vựng và cách biểu đạt ý nghĩ. Có những hiểu biết sâu hơn và hệ thống hơn
về đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc Raglai.
3. Kiến thức sư phạm:
Có hiểu biết sơ giản về những vấn đề chung của giáo
dục học, có hiểu biết về phương pháp dạy học tiếng dân tộc, các xu hướng đổi mới
phương pháp dạy học; phương tiện dạy học và cách sử dụng phương tiện dạy học có
hiệu quả; vai trò của đánh giá và phương pháp đánh giá học viên.
Điều 4. Về kỹ năng
1. Kỹ năng ngôn ngữ:
a) Đọc đúng, rõ ràng, trôi chảy và hiểu nội dung
các giấy tờ thông dụng, các bản tin, thông báo, văn bản phổ biến khoa học, văn
bản phổ biến đường lối, chính sách, pháp luật, các bài văn kể chuyện, miêu tả,
các văn bản truyện, thơ dân gian. Hiểu nội dung và mục đích thông báo của văn bản
(độ dài khoảng 150 đến 180 từ), thuộc các lĩnh vực và chủ đề đã học. Thuộc một
số tục ngữ, ca dao, dân ca, một số bài văn vần phổ biến của đồng bào Raglai. Có
khả năng dịch từ tiếng Raglai sang tiếng Việt và ngược lại.
b) Viết đúng chính tả. Viết được thư từ giao dịch
thông thường, văn bản tự sự, thuyết minh đơn giản bằng chữ Raglai (độ dài khoảng
120 từ đến 150 từ).
c) Nghe và dịch được nội dung các cuộc trao đổi, bản
tin thời sự, văn bản phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật; chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có thể ghi lại được những
thông tin quan trọng để hiểu đúng hoặc để đáp lại.
d) Nói rõ ràng, mạch lạc (phát âm và ngữ điệu),
đúng ngữ pháp và mục đích giao tiếp để có thể trao đổi hoặc trình bày ý kiến cá
nhân về một vấn đề gần gũi thuộc các lĩnh vực đời sống xã hội của đồng bào dân
tộc Raglai (phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn công việc, vận động
nhân dân làm theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước) với độ dài 400 từ trở lên.
2. Kỹ năng sư phạm:
a) Có kỹ năng xây dựng kế hoạch dạy học, soạn giáo
án dạy học phù hợp với đối tượng người học.
b) Có kỹ năng dạy tiếng Raglai thể hiện được quan
điểm tích hợp và tích cực hóa người học, biết tổ chức giờ học một cách hợp lý.
c) Có kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm.
Điều 5. Về thái độ, tình cảm
1. Có ý thức tôn trọng tiếng nói, con người và truyền
thống văn hóa của dân tộc Raglai.
2. Ý thức được việc dạy và học tiếng Raglai là một
hoạt động quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng
dân tộc thiểu số nói chung và trong vùng dân tộc Raglai sinh sống nói riêng.
3. Luôn có ý thức tự học, gắn hoạt động dạy học với
giao tiếp bằng tiếng Raglai qua công việc và sinh hoạt trong đời sống thường nhật.
Chương III
KẾ HOẠCH VÀ NỘI DUNG
CHƯƠNG TRÌNH
Điều 6. Thời lượng dạy học
Chương trình có thời lượng 750 tiết, mỗi tiết 45
phút.
Điều 7. Cấu trúc Chương trình
và phân bổ thời lượng cụ thể
1. Kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ: có thời lượng 60%
tổng thời lượng, bao gồm:
a) Kiến thức ngôn ngữ (chiếm 24% thời lượng):
- Giới thiệu sơ lược về tiếng nói và chữ viết của đồng
bào dân tộc Raglai.
- Ngữ âm, chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp, làm văn.
b) Kỹ năng ngôn ngữ (chiếm 36% thời lượng):
- Thực hành nghe, nói (chiếm 16% thời lượng);
- Thực hành đọc, viết (chiếm 20% thời lượng).
2. Kiến thức và kỹ năng sư phạm, có thời lượng 40%
tổng thời lượng, bao gồm:
a) Kiến thức, kỹ năng sư phạm chiếm 30% thời lượng;
b) Thực hành soạn giáo án, kiến tập và thực tập sư
phạm chiếm 10% thời lượng.
Điều 8. Nội dung chương trình
1. Kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ: (60% khoảng 450
tiết)
a) Kiến thức ngôn ngữ: (24% khoảng 180 tiết)
- Về ngữ âm, chữ viết:
+ Sơ lược về tiếng nói và chữ viết Raglai;
+ Sử dụng bảng chữ cái;
+ Những chữ cái và dấu thanh không sử dụng trong tiếng
Raglai;
+ Quy ước các chữ cái âm cuối.
Để thể hiện các âm điệu như: âm tắc, âm thả, âm ngắn,
âm dài, âm mũi họng thì sử dụng một số chữ cái để khóa ở cuối từ, phù hợp với từng
từ - tiếng phát âm, được qui ước như sau: bao gồm các chữ q, d, h, k, t, qh,
qt, e...
- Về từ ngữ, ngữ pháp:
+ Ngữ nghĩa của từ (từ đồng âm, từ đồng nghĩa, trái
nghĩa, từ nhiều nghĩa);
+ Sơ lược về các phương ngữ Raglai;
+ Câu đơn, câu ghép.
- Về giao tiếp:
+ Một số nghi thức trong giao tiếp, ứng xử thông
thường;
+ Một số điều cần tránh trong giao tiếp.
- Về làm văn:
+ Trả lời (thuộc làm văn miệng) các câu hỏi trong nội
dung bài đọc và đặt được câu hỏi khai thác nội dung bài đọc;
+ Viết đoạn văn, bài văn tự sự, thuyết minh đơn giản;
+ Viết những văn bản giới thiệu ngắn theo chủ đề
bài đọc;
+ Viết được thư, bản thông báo với nội dung gần
gũi;
+ Dịch bài khóa ra tiếng Việt.
b) Kỹ năng ngôn ngữ: (36%: 270 tiết)
- Đọc: Đọc từ và câu, đọc các văn bản như bài hội
thoại, các thành ngữ, tục ngữ, các bài ca dao của đồng bào dân tộc Raglai và
trích đoạn các bài văn miêu tả, chuyện kể, các bài thơ, các bản tin tức, các
văn bản hành chính công vụ, các văn bản phổ biến kiến thức khoa học, pháp luật
dịch từ tiếng Việt;
- Viết: Viết chính tả, viết các đoạn đối thoại, đoạn
văn, bài văn, viết thông báo ngắn, viết thư, hoặc các văn bản hành chính công vụ
và các văn bản khác;
- Nghe: Nghe giảng viên đọc bài và hướng dẫn tìm hiểu
bài, nghe các thông tin khác từ giảng viên và học viên trong lớp;
- Nói: Trao đổi và trình bày ý kiến của mình trong
các giờ học tiếng Raglai.
2. Kiến thức về văn hóa dân tộc Raglai: (4% khoảng
30 tiết)
- Tổng quan về dân tộc Raglai;
- Vài nét văn hóa dân tộc Raglai.
3. Kiến thức và kỹ năng sư phạm:(36% khoảng 270 tiết)
a) Kiến thức sư phạm:
- Vai trò, nhiệm vụ và yêu cầu về năng lực, phẩm chất
đối với người thầy dạy tiếng Raglai.
- Những nội dung về Chương trình và đối tượng người
học:
+ Giới thiệu Chương trình dạy tiếng Raglai cho cán
bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi; thực hành phân tích Chương
trình;
+ Đặc điểm của học viên lớn tuổi công tác ở vùng
dân tộc thiểu số; những thuận lợi khó khăn của đối tượng này trong việc học tiếng
dân tộc.
- Những hiểu biết chung về phương pháp dạy học và
phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học viên.
- Nguyên tắc dạy tiếng.
- Phương pháp dạy các phân môn tiếng Raglai: Âm, vần;
từ và câu; luyện đọc; luyện nghe, luyện viết, luyện nói.
- Sử dụng học liệu và các phương tiện dạy học khác
để dạy tiếng dân tộc thuộc các đề tài đã học: sử dụng băng, đĩa ghi âm, ghi
hình, tranh ảnh, máy vi tính, đèn chiếu, môi trường xung quanh ... để dạy tiếng.
- Phương pháp sư phạm, các hình thức tổ chức dạy học
và đánh giá học viên:
+ Các hình thức tổ chức dạy học tiếng dân tộc cho
người lớn: Học cá nhân, học nhóm, học theo lớp, tự học có hướng dẫn;
+ Đánh giá, mục tiêu, nguyên tắc, nội dung và các
hình thức đánh giá kết quả học tập.
b) Kỹ năng sư phạm: Xác định mục đích, yêu cầu bài
dạy; giới thiệu bài; luyện đọc từ khó; giải nghĩa từ khó; khai thác các chi tiết
văn hóa trong bài khóa; soạn giáo án. Học viên vận dụng và rèn luyện kỹ năng dạy
tiếng Raglai theo 4 phương pháp: Thực hành giao tiếp, Phân tích ngôn ngữ,
Rèn luyện theo mẫu, So sánh đối chiếu; xử lý các tình huống sư phạm; thực
hành kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên; sử dụng các phương tiện dạy
học tiếng.
4. Nội dung bài học:
a) Phần kiến thức chung:
- Tổng quan về dân tộc Raglai, vài nét văn hóa dân
tộc Raglai;
- Vai trò, nhiệm vụ và những yêu cầu đối với người
thầy dạy tiếng Raglai;
- Những hiểu biết chung về phương pháp dạy học và
phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học viên;
- Nguyên tắc dạy tiếng;
- Phương pháp dạy các phân môn tiếng Raglai: Âm, vần;
từ và câu; luyện đọc; luyện nghe; luyện viết; luyện nói;
- Sử dụng học liệu và các phương tiện dạy học khác
để dạy tiếng dân tộc thuộc các đề tài đã học;
- Phương pháp giảng dạy, các hình thức tổ chức dạy
học và đánh giá học viên.
b) Tích hợp giữa kiến thức và kỹ năng qua các chủ đề
và nội dung bài học theo chủ đề (có bảng chi tiết kèm theo):
Chương IV
GIẢI THÍCH, HƯỚNG DẪN THỰC
HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Điều 9. Tính pháp lý của bộ chữ
Raglai và vấn đề phương ngữ
1. Tính pháp lý của bộ chữ Raglai:
Bộ chữ Raglai được sử dụng trong chương trình dựa
vào bộ chữ tiếng Raglai được UBND tỉnh Ninh Thuận công bố tại Quyết định số
192/2004/QĐ-UB ngày 17/12/2004 về Đề tài “ Xây dựng chữ viết Raglai và biên soạn
sách học tiếng Raglai tại Ninh Thuận” của nhóm tác giả, Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn
Hữu Lợi - Viện phó Viện Ngôn ngữ học Hà Nội và được biên soạn lại theo Kế hoạch
số 1194/KH-UBND ngày 26 tháng 03 năm 2018 của UBND tỉnh Ninh Thuận, về Kế hoạch
Biên soạn tài liệu đào tạo tiếng Raglai dành cho cán bộ, công chức, viên chức
công tác ở vùng dân tộc, miền núi
2. Vấn đề phương ngữ:
Tiếng Raglai hiện nay cơ bản là thống nhất, có sự
khác biệt ở các địa phương nhưng không nhiều. Chương trình lấy tiếng Raglai ở
huyện Bác Ái làm phương ngữ chính. Trong quá trình giảng dạy và học tập nếu
phát hiện vấn đề khác biệt về phương ngữ thì cần có các tài liệu giới thiệu cho
học viên; xây dựng bảng từ vựng Raglai - Việt và ngược lại để giúp học viên có
điều kiện tra từ và đối chiếu nghĩa của từ, hoặc có những bài tập lập bảng đối
chiếu phương ngữ ở cuối mỗi bài học.
Điều 10. Cấu trúc của Chương
trình
1. Đặc điểm cấu trúc:
Chương trình này được thiết kế đồng dạng nhưng nâng
cao hơn Chương trình dạy tiếng Raglai cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân
tộc thiểu số, miền núi trong tỉnh. Chương trình có nội dung kiến thức và kỹ
năng sư phạm. Sự nâng cao và bổ sung được thể hiện qua việc:
a) Hoàn thiện các kỹ năng nghe, nói;
b) Rèn luyện kỹ năng đọc và viết ở mức độ cao;
c) Cung cấp kiến thức về tiếng Raglai;
d) Cung cấp kiến thức về phương pháp giảng dạy và
rèn luyện các kỹ năng thực hành sư phạm.
2. Cấu trúc nội dung bài học:
a) Mỗi bài học tích hợp gồm các nội dung học tập và
rèn luyện cụ thể: Bài đọc (hoặc hội thoại/đàm thoại); Từ ngữ - ngữ pháp; Luyện
nghe, Luyện nói, Luyện đọc, Luyện viết, Kỹ năng sư phạm. Mỗi nội dung bài học
góp phần cung cấp, hệ thống hóa và mở rộng vốn từ; trang bị cho học viên những
hiểu biết cơ bản về từ ngữ, ngữ pháp (nhưng không quá nặng về ngữ pháp khi giảng
dạy cho học viên); những hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào
Raglai; đồng thời giúp học viên có cơ sở rèn luyện các kỹ năng sư phạm.
b) Mỗi phần của bài học có nhiệm vụ cụ thể:
- Bài đọc (hoặc hội thoại/đàm thoại) được biên soạn
theo nội dung các chủ đề nhằm rèn cho giáo viên các kỹ năng đọc, nghe, nói đồng
thời với việc cung cấp vốn từ, tăng cường khả năng diễn đạt và trang bị cho học
viên những hiểu biết cần thiết về văn hóa, phong tục, tập quán, đời sống sinh
hoạt của đồng bào Raglai. Sau nội dung bài đọc là hệ thống câu hỏi và bài tập
hướng dẫn học viên đọc hiểu, nghe hiểu, trình bày miệng về nội dung bài đọc (hoặc
hội thoại).
- Ngữ âm - Chữ viết: giúp học viên có kỹ năng viết
chữ đúng mẫu, đều nét, viết đúng chính tả đoạn văn, bài văn (với ba hình thức
nhìn - viết, nghe - viết và nhớ - viết). Qua các bài tập thực hành, học viên
đang bị những kiến thức sơ giản về ngữ âm - chữ viết tiếng Raglai.
- Từ ngữ - Ngữ pháp: trang bị những kiến thức cơ bản
về từ ngữ, ngữ pháp tiếng Raglai (chủ yếu là từ ngữ, vốn từ), mở rộng vốn từ
theo nội dung chủ đề, rèn luyện kỹ năng dùng từ, đặt câu.
- Làm văn: trang bị và hệ thống hóa những hiểu biết
và cách thức viết một số đoạn văn hoặc văn bản ngắn thông dụng (thư từ, văn tự
sự, thuyết minh...) bằng tiếng Kơ Ho. Độ dài, mức độ phức tạp và hình thức thể
hiện các văn bản tùy theo yêu cầu ở từng giai đoạn học tập, có thể là ở dạng trả
lời câu hỏi hoặc ở dạng tạo lập các văn bản ngắn, tương đối hoàn chỉnh. Các bài
học còn giúp học viên hệ thống hóa những hiểu biết về nghi thức lời nói của đồng
bào Raglai.
- Kỹ năng sư phạm: trang bị và rèn các kỹ năng xác
định mục đích, yêu cầu bài học; các kỹ năng luyện đọc từ khó, giải nghĩa từ
khó, các kỹ năng tổ chức các hoạt động trên lớp, các kỹ năng khai thác các chi
tiết văn hóa trong bài đọc, kỹ năng sử dụng các phương tiện dạy học, kỹ năng xử
lý các hiện tượng phương ngữ trong tiếng.
3. Cấu trúc liên kết các kiến thức và kỹ năng:
a) Phần Kiến thức sư phạm có bài học riêng cung cấp
cho học viên các kiến thức về yêu cầu, nội dung, phương pháp giảng dạy tiếng
Raglai nhằm giúp học viên có cơ sở rèn luyện các kỹ năng sư phạm trong bài học
tích hợp ở phần sau.
b) Các nội dung như: ngữ âm chữ viết, từ ngữ - ngữ pháp,
làm văn, kỹ năng sư phạm và văn hóa dân tộc được học trong bài học tích hợp.
c) Chương trình thiết kế theo nguyên tắc đồng tâm.
Các kiến thức và kỹ năng cần rèn luyện có thể được bố trí lặp đi lặp lại theo
chủ đề bài học, trong đó kiến thức và kỹ năng cần rèn luyện ở chủ đề sau cần rộng
hơn và cao hơn ở chủ đề trước. Ngay trong mỗi bài học học viên được lưu ý và
rèn luyện các kỹ năng sư phạm.
d) Phần kiến tập và thực tập sư phạm được thực hiện
độc lập vào cuối khóa học. Trong phần này, học viên được thực hành soạn giáo
án, được kiến tập và thực tập sư phạm.
Điều 11. Phân bố thời lượng
1. Phần kiến thức chung thực hiện trong 130 tiết.
2. Phần tích hợp giữa kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ
theo các chủ đề là 450 tiết/10 chủ đề, thời lượng cho mỗi bài học do người dạy
trong quá trình xây dựng kế hoạch giảng dạy, sẽ chủ động điều chỉnh sao cho phù
hợp với mục tiêu, yêu cầu của bài học; mỗi tiết học được tính 45 phút,.
3. Phần kỹ năng sư phạm, tham quan, ngoại khóa, kiến
tập, thực tập, kiểm tra chung thực hiện trong 170 tiết.
Điều 12. Tài liệu dạy học
1. Ngữ liệu đưa vào dạy học là tài liệu đã được
biên soạn dành cho CB-CC-VC, các văn bản phổ biến khoa học, pháp luật và văn bản
thông thường (thông báo, mẩu tin...), các tác phẩm, trích đoạn văn học(nếu có),
ca dao, tục ngữ, sử thi của dân tộc Raglai được dịch từ tiếng Việt sang tiếng
Raglai.
2. Chương trình này là căn cứ để các nhóm tác giả
biên soạn giáo trình, tài liệu; thiết kế các thiết bị dạy tiếng Raglai cho việc
đào tạo giáo viên dạy tiếng Raglai. Những giáo trình, tài liệu và thiết bị dạy
học cần được biên soạn và thiết kế phù hợp với phương thức đào tạo, phù hợp với
đặc điểm của học viên.
Điều 13. Phương pháp và hình
thức tổ chức dạy học
1. Phương pháp dạy học:
Để việc dạy học tiếng Raglai đạt hiệu quả cao theo
mục tiêu đề ra, cần áp dụng phương pháp và hình thức dạy học linh hoạt, sáng tạo,
phong phú và hấp dẫn. Tuy nhiên cần tuân thủ và phối hợp nhuần nhuyễn 4 phương
pháp dạy tiếng như sau:
a) Phương pháp thực hành giao tiếp;
b) Phương pháp phân tích ngôn ngữ;
c) Phương pháp rèn luyện theo mẫu;
d) Phương pháp so sánh, đối chiếu.
2. Hình thức tổ chức dạy học:
Để phát huy tính tích cực của học viên, cần thay đổi
hình thức tổ chức dạy học trong một bài dạy. Cần phối hợp các hình thức tổ chức
dạy học (học cá nhân, học theo nhóm nhỏ, học theo lớp, tự học có hướng dẫn)
trong một bài học, hay một tổ hợp bài học.
Điều 14. Đánh giá kết quả học
tập
1. Nội dung đánh giá: Đánh giá kết quả học tập của
học viên theo 2 nội dung: Kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ, kiến thức và kỹ năng
sư phạm.
2. Phương thức đánh giá: Đánh giá kết quả học tập
được thực hiện dưới ba hình thức: đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, và
đánh giá cuối khóa.
3. Nguyên tắc đánh giá:
a) Toàn diện: các nội dung học tập nêu trong Chương
trình đều được đánh giá. Nội dung nào được chú trọng và chiếm nhiều thời lượng
trong Chương trình thì được đánh giá nhiều lần hơn các nội dung khác;
b) Khách quan: sử dụng nhiều công cụ đánh giá (đánh
giá bằng câu hỏi trắc nghiệm khách quan, câu hỏi và bài tập tự luận, đánh giá bằng
quan sát của giảng viên) để việc đánh giá đảm bảo yêu cầu chính xác, khách
quan;
c) Phù hợp: các kiến thức và kỹ năng cần được đánh
giá bằng các công cụ và cách thức phù hợp theo văn bản quy định hiện hành.
Điều 15. Cấp chứng chỉ
1. Những học viên đạt yêu cầu học tập được cấp chứng
chỉ.
2. Việc cấp chứng chỉ cho học viên căn cứ vào kết
quả quá trình học tập và điểm thi cuối khóa theo Quyết định số
02/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về
ban hành Chương trình khung đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số (có chữ
viết).
Điều 16. Loại hình đào tạo
1. Đào tạo tập trung liên tục từ đầu đến cuối khóa.
Kết thúc khóa đào tạo, học viên dự thi cuối khóa để lấy chứng chỉ.
2. Đào tạo theo bán tập trung, là đào tạo nhiều đợt,
mỗi đợt, học viên học một số phần và dự kiểm tra sau mỗi phần. Kết thúc khóa học,
học viên dự thi để lấy chứng chỉ.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Điều kiện thực hiện
chương trình
1. Có đủ giảng viên.
2. Có cơ sở vật chất tối thiểu cho việc đào tạo
(phòng học, phương tiện, thiết bị).
3. Có đủ tài liệu học tập cho học viên, gồm Tài liệu
học tiếng Raglai cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, Tài liệu Hướng
dẫn cho giáo viên.
4. Có các loại sách bổ trợ cho học viên như: Từ vựng,
các tác phẩm văn học, sách khảo cứu văn hóa Raglai,...
5. Có chế độ giảng dạy cho giáo viên và chế độ học
tập cho học viên.
Điều 18. Trách nhiệm quản lý
và triển khai chương trình
1. Sở Giáo dục và Đào tạo: chủ trì, phối hợp với Sở
Nội vụ, các đơn vị có liên quan của tỉnh để triển khai thực hiện chương trình
đào tạo giáo viên dạy tiếng Raglai của tỉnh.
2. Sở Nội vụ: tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh theo
dõi, quản lý chương trình công tác đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối
với học viên là cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo; quản lý và sử
dụng nguồn nhân lực trong việc tham gia làm báo cáo viên, giảng viên cho công
tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Raglai dành cho cán bộ, công chức, viên chức
công tác vùng dân tộc miền núi của tỉnh.
3. Trường Cao đẳng sư phạm Ninh Thuận được giao nhiệm
vụ đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy tiếng dân tộc Raglai của tỉnh./.