BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 130/2018/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2018
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH CHẾ ĐỘ BÁO CÁO THỐNG KÊ NGÀNH DỰ TRỮ QUỐC GIA
Căn cứ Luật
thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật
dự trữ quốc gia ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ quốc
gia;
Căn cứ Nghị định số 128/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính
phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia và phân công cơ
quan quản lý hàng dự trữ quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thống kê;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng
cục Dự trữ Nhà nước;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông
tư quy định chế độ báo cáo thống kê ngành dự trữ quốc gia,
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
Thông tư này quy định chế độ báo cáo
thống kê ngành dự trữ quốc gia áp dụng trong phạm vi cả nước về nguồn hình
thành, quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia.
Điều 2. Đối tượng áp
dụng
1. Các Bộ, ngành được Chính phủ giao
nhiệm vụ quản lý hàng dự trữ quốc gia;
2. Các cơ quan, tổ chức có liên quan đến
hoạt động dự trữ quốc gia.
Điều 3. Nội dung quy
định chế độ báo cáo thống kê ngành dự trữ quốc gia
1. Đơn vị báo cáo và đơn vị nhận báo
cáo
a) Đơn vị báo cáo là các Bộ, ngành quản
lý hàng dự trữ quốc gia và các cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động dự trữ
quốc gia. Đơn vị báo cáo được ghi cụ thể tại góc phía trên bên phải của từng biểu
mẫu báo cáo. Cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm báo cáo ghi tên cơ quan, đơn vị
vào vị trí này.
b) Đơn vị nhận báo cáo là Bộ Tài chính
(Tổng cục Dự trữ Nhà nước) được ghi cụ thể phía trên bên phải của từng biểu mẫu
báo cáo, dưới dòng đơn vị báo cáo.
2. Biểu mẫu báo cáo
a) Danh mục biểu mẫu báo cáo thống kê
ngành dự trữ quốc gia ban hành kèm theo Phụ lục I Thông
tư này;
b) Biểu mẫu báo cáo và giải thích biểu
mẫu báo cáo thống kê ngành dự trữ quốc gia ban hành kèm theo Phụ lục II Thông tư này.
c) Ký hiệu biểu mẫu báo cáo thống kê gồm
hai phần: Phần số và phần chữ; phần số gồm 03 số được đánh liên tục bắt đầu từ
001, 002,....; phần chữ được ghi chữ in viết tắt, cụ thể: Nhóm chữ đầu phản ánh
kỳ báo cáo (năm - N; quý - Q; hỗn hợp - H) và lấy chữ BCDTQG thể hiện biểu báo
cáo thống kê của ngành dự trữ quốc gia; phần chữ tiếp theo là chữ in hoa viết tắt
của đơn vị gửi báo cáo (tên viết tắt của đơn vị báo cáo được quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này).
3. Kỳ báo cáo
Kỳ báo cáo thống kê là khoảng thời
gian nhất định quy định đối tượng báo cáo thống kê phải thể hiện kết quả hoạt động
bằng số liệu theo các tiêu chí thống kê trong biểu mẫu báo cáo thống kê. Kỳ báo
cáo được ghi cụ thể dưới tên biểu của từng biểu mẫu thống kê. Kỳ báo cáo thống
kê được tính theo ngày dương lịch, bao gồm:
a) Báo cáo thống kê quý: Báo cáo thống
kê quý được tính bắt đầu từ ngày 01 tháng đầu tiên của kỳ báo cáo thống kê cho
đến hết ngày cuối cùng của tháng thứ ba của kỳ báo cáo thống kê đó.
b) Báo cáo thống kê năm: Báo cáo thống
kê năm được tính bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 của kỳ báo cáo cho đến hết ngày 31
tháng 12 của kỳ báo cáo thống kê đó.
c) Báo cáo thống kê khác và đột xuất: Trường
hợp cần báo cáo thống kê khác hoặc báo cáo thống kê đột xuất nhằm thực hiện các
yêu cầu quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu báo cáo phải đề nghị bằng
văn bản, trong đó nêu rõ thời gian, thời hạn và các tiêu chí báo cáo thống kê cụ
thể.
4. Thời hạn gửi báo cáo
Thời hạn gửi báo cáo được ghi cụ thể tại
góc phía trên bên trái của từng biểu mẫu thống kê. Nếu ngày quy định cuối cùng
của thời hạn gửi báo cáo trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ tết hoặc ngày nghỉ cuối
tuần thì ngày gửi báo cáo là ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ lễ, nghỉ tết hoặc ngày
nghỉ cuối tuần đó.
5. Phương thức gửi báo cáo
Các báo cáo thống kê được thực hiện dưới
2 hình thức: Bằng văn bản giấy và qua hệ thống báo cáo điện tử. Báo cáo bằng
văn bản giấy phải có chữ ký, đóng dấu của thủ trưởng đơn vị để thuận lợi cho việc
kiểm tra, đối chiếu, xử lý số liệu. Báo cáo bằng văn bản điện tử thể hiện hai
hình thức là định dạng pdf của văn bản giấy hoặc dưới dạng tệp tin điện tử được
xác thực bằng chữ ký số của thủ trưởng
cơ quan, đơn vị thực hiện báo cáo.
Điều 4. Trách nhiệm của
đơn vị nhận báo cáo và đơn vị báo cáo
1. Trách nhiệm của đơn vị nhận báo cáo
Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước)
chủ trì tổng hợp số liệu báo cáo thống kê trong hệ thống báo cáo thống kê ngành
dự trữ quốc gia và có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận, tổng hợp báo cáo, sử dụng
và cung cấp thông
tin các số liệu báo cáo thống kê được quy định trong báo cáo thống kê ngành dự
trữ quốc gia theo quy định;
b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung và chuẩn
hóa phương thức xác định số liệu báo cáo trong báo cáo thống kê ngành dự trữ quốc
gia.
c) Hướng dẫn tính toán các chỉ tiêu thống
kê, quy định rõ quy chế phối hợp, kiểm tra việc thực hiện chế độ báo cáo thống
kê;
d) Xử lý vướng mắc liên quan đến việc
gửi, nhận báo cáo thống kê đảm bảo việc khai thác, sử dụng số liệu thống kê
ngành dự trữ quốc gia.
2. Trách nhiệm của đơn vị báo cáo:
a) Các đơn vị báo cáo chấp hành đúng
các quy định về báo cáo thống kê quy định tại Thông tư này, gửi đầy đủ, đúng hạn
các báo cáo; khi phát hiện nội dung báo cáo có sai sót, phải kịp thời gửi lại số
liệu đúng; chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác của số liệu báo
cáo thống kê theo quy định tại Thông tư này.
b) Phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục
Dự trữ Nhà nước) tổ chức các đợt tập huấn về báo cáo thống kê, hướng dẫn và trả
lời kịp thời cho các đơn vị về các vướng mắc liên quan đến trách nhiệm của mình
trong việc thực hiện Thông tư này.
Điều 5. Ứng dụng công
nghệ thông tin trong báo cáo thống kê
1. Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà
nước) chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng ứng dụng
công nghệ thông tin phục vụ công tác báo cáo thống kê ngành dự trữ quốc gia; việc
thực hiện chế độ báo cáo thống kê và khai thác, sử dụng số liệu báo cáo thống
kê được thực hiện trên Hệ thống thông tin thống kê ngành dự trữ quốc gia.
2. Các đơn vị, cá nhân được phép sử dụng,
khai thác dữ liệu, thông tin thống kê chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng thông
tin, số liệu thống kê theo đúng quy định của Luật
thống kê, Luật dự trữ quốc gia, các quy
định của Bộ Tài chính về việc cập nhật, khai thác dữ liệu, thông tin thống kê
và quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 6. Bảo mật Hệ thống
thông tin thống kê
1. Hệ thống thông tin thống kê ngành dự
trữ quốc gia sử dụng để gửi, nhận và khai thác thông tin, số liệu thống kê dự
trữ quốc gia phải được xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác sử dụng đảm bảo đúng các tiêu
chuẩn về an toàn, an ninh thông tin theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền và thực hiện theo đúng Quy chế An toàn thông tin mạng của Bộ Tài chính.
2. Những số liệu báo cáo thống kê và
các tài liệu liên quan thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật của ngành dự trữ
quốc gia phải được quản lý, sử dụng
và truyền tin theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và của
ngành dự trữ quốc gia.
Điều 7. Hiệu lực thi
hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày
11/02/2019.
2. Thủ trưởng các Bộ, ngành được Chính
phủ giao quản lý hàng dự trữ quốc gia; Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước;
đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có vướng mắc đề nghị cơ quan, đơn vị gửi ý kiến về Bộ Tài chính (Tổng cục Dự
trữ Nhà nước) để kịp thời xem
xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
-
Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
-
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
-
Văn phòng Tổng Bí thư;
-
Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
-
Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội;
-
Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
-
Các cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
-
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
-
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
-
Tòa án nhân dân tối cao;
-
Kiểm toán nhà nước;
-
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
-
Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
-
HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
-
Sở Tài chính, Kho bạc NN, Cục Thuế, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
-
Công báo;
-
Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
-
Các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực;
-
Website Chính phủ;
-
Website Bộ Tài chính;
-
Lưu: VT, TCDT (500 bản).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Hiếu
|