Kính gửi:
|
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Công Thương.
|
Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính nhận được phản ánh
vướng mắc của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (công văn số 276/2023/CV-VCOSA ngày
22/11/2023, công văn số 239/CV-VCOSA ngày 15/9/2023) và Cục Hải quan thành phố
Hải Phòng (công văn số 12493/HQHP-GSQL ngày 20/12/2023) về việc nhập khẩu mặt
hàng “Bông rơi chải thô”, cụ thể như sau:
Hiệp hội Bông sợi Việt Nam phản ánh hiện nay các
doanh nghiệp sợi OE đang gặp khó khăn trong việc nhập khẩu mặt hàng “Bông rơi
chải thô” do cơ quan hải quan sau khi lấy mẫu, phân loại các hàng hóa này vào
nhóm 5202 - Phế liệu bông (thuế suất 10%). Việc đưa mặt hàng “Bông rơi chải
thô” vào nhóm 5202 - Phế liệu bông dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp sợi OE
do phải chịu mức thuế cao và phải áp dụng chính sách đối với phế liệu nhập khẩu.
Theo quan điểm của Hiệp hội Bông sợi thì đây không phải là phế liệu mà
là nguyên liệu chính để sản xuất sợi OE. Hiệp hội kiến nghị mặt hàng “Bông rơi
chải thô” cũng nên được áp mã 5203 và cho phép nhập khẩu như đối với mặt hàng
“Bông rơi chải kỹ” đã được hướng dẫn tại công văn số 2947/TCHQ-TXNK ngày
13/6/2012 của Tổng cục Hải quan.
Để giải quyết vướng mắc nêu trên, ngày 16/01/2024,
Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tổ chức họp để trao đổi những vướng mắc trong
việc nhập khẩu mặt hàng “bông rơi chải thô”, “bông rơi chải kỹ”. Tham dự cuộc họp
gồm có đại diện: Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương; Cục Quản lý, giám sát
chính sách thuế, phí và lệ phí, Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính; Hiệp hội Bông sợi
Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất sợi OE; Một số đơn vị hải quan. Trên
cơ sở nội dung thống nhất tại cuộc họp nêu trên, ngày 18/01/2024, Hiệp hội Bông
sợi Việt Nam (Hiệp hội) có công văn số 42/2024/CV-VCOSA gửi Tổng cục Hải quan,
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương (gửi kèm). Theo đó, tại công
văn số 42/2024/CV-VCOSA, Hiệp hội mô tả chi tiết quy trình sản xuất và tính chất
các loại bông rơi làm nguyên liệu cho sản xuất sợi OE, đồng thời kiến nghị hướng
xử lý cho các sản phẩm bông rơi này nhập khẩu.
Để có cơ sở giải quyết thủ tục nhập khẩu đối với mặt
hàng bông rơi chải kỹ đúng quy định pháp luật cũng như giải quyết được các nội
dung kiến nghị của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Bộ Tài chính có ý kiến về vấn đề
này như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Về chính sách quản lý mặt hàng:
Để xác định hàng hóa có phải là phế liệu hay không
thì phải căn cứ vào khái niệm được quy định tại khoản 27 Điều 3
Luật Bảo vệ môi trường: “Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa
chọn từ những vật liệu, sản phẩm loại ra trong quá trình hoạt động sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình
sản xuất khác”. Nếu đã xác định hàng hóa là phế liệu thì chỉ những loại phế
liệu được quy định tại Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài vào
Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Quyết định số
13/2023/QĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ mới được nhập khẩu.
- Về phân loại hàng hóa:
Căn cứ Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022 của
Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và Biểu
thuế nhập khẩu ưu đãi qua, các dòng hàng xơ bông được quy định như sau:
Mã hàng
|
Mô tả hàng hóa
|
Thuế suất (%)
|
5201.00.00
|
Xơ bông, chưa chải thô hoặc chưa chải kỹ
|
0
|
5202
|
Phế liệu bông (kể cả phế liệu sợi và bông tái
chế)
|
|
5202.10.00
|
- Phế liệu sợi (kể cả phế liệu chỉ)
|
10
|
|
- Loại khác
|
|
5202.91.00
|
-- Bông tái chế
|
10
|
5202.99.00
|
-- Loại khác
|
10
|
5203.00.00
|
Xơ bông, chải thô hoặc chải kỹ
|
0
|
- Chú giải chi tiết nhóm 5202 - Phế liệu bông (kể
cả phế liệu sợi và nguyên liệu bông tái chế):
“Nhìn chung, nhóm này bao gồm bông phế liệu thu
được khi chuẩn bị cho việc kéo sợi hay trong các hoạt động kéo sợi, dệt, đan, v.v...
hay được tái chế từ những mặt hàng làm từ bông.
Do vậy mà nhóm này bao gồm:
Phế liệu thu được từ quá trình chải kỹ, thường
là những xơ vụn chải kỹ; sợi thu từ trục cán của quá trình chải thô hay chải kỹ;
những sợi xơ đứt tách ra từ quá trình kéo sợi; xơ vụn từ con củi (sliver) hoặc
sợi thô (roving); xơ bay thu từ quá trình chải thô; sợi rối hoặc các sợi phế liệu
khác; sợi và xơ thu được từ quá trình tái chế vải vụn...
Những phế liệu này có thể còn dính chất nhờn, bụi
hay những chất bẩn khác hay đã được làm sạch, tẩy trắng hoặc nhuộm màu. Chúng
có thể được sử dụng để kéo sợi hay cho các mục đích khác.
Nhóm này không bao gồm:
(a) Xơ của cây bông (nhóm 14.04).
(b) Mền xơ, bông (nhóm 30.05 hay 56.01).
(c) Phế liệu bông, đã chải thô hay chải kỹ (nhóm
52.03) ”.
- Chú giải chi tiết nhóm 5203 - Xơ bông, chải
thô hoặc chải kỹ.
“Nhóm này bao gồm xơ bông (kể cả nguyên liệu
bông tái chế hay phế liệu bông khác) mà đã được chải thô hay chải kỹ, đã được
hay chưa được chuẩn bị cho kéo sợi.
Mục đích chính của quá trình chải thô là để gỡ
các xơ bông rối, sắp xếp chúng ít nhiều song song và loại bỏ toàn bộ hay phần lớn
các xơ này khỏi những chất bên ngoài. Những xơ sau đó ở dạng màng rộng (lớp
bông) thường được kết chặt lại tạo thành cúi chải. Cúi chải này có thể được chải
kỹ hay không được chải kỹ trước khi chuyển sang sợi thô.
Chải kỹ là quá trình chủ yếu cho việc kéo sợi từ
bông xơ dài, qua quá trình này thì những tạp chất lạ của xơ và xơ ngắn sẽ được
loại bỏ dưới dạng phế liệu của quá trình chải kỹ; chỉ có những xơ dài, được xếp
song song được giữ lại”.
Như vậy, đối chiếu mô tả hàng hóa tại Danh mục và
Chú giải chi tiết HS nêu trên thì mặt hàng bông rơi (bông rơi chải thô và bông
rơi chải kỹ) phù hợp phân loại vào nhóm 5202, mã số 5202.99.00.
2. Quá trình xử lý đối với mặt
hàng “bông rơi chải kỹ”
Năm 2012, trên cơ sở phản ánh vướng mắc của Hiệp hội
Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Bông sợi Việt Nam đối với việc phân loại mặt hàng
“bông rơi chải kỹ”, các Bộ quản lý chuyên ngành có ý kiến như sau:
- Ý kiến của Bộ Công Thương tại công văn số
1168/BCT-CNN ngày 20/02/2012:
“Bông rơi chải kỹ là bông được thu gom trong quá
trình sản xuất sợi theo công nghệ nồi cọc, tuy là xơ ngắn nhưng có chất lượng tốt,
tạp chất dưới 1%, sử dụng thích hợp trên máy OE để sản xuất sợi. Như vậy,
bông rơi chải kỹ là nguyên liệu đầu vào của sản xuất sợi OE, không phải qua
công đoạn xử lý tạp chất nên không ảnh hưởng đến môi trường... Bộ Công Thương đề
nghị Bộ Tài chính:
1. Cho phép nhập khẩu bông rơi chải kỹ để làm
nguyên liệu cho sản xuất sợi OE và được hưởng mức thuế nhập khẩu như với nguyên
liệu bông xơ nguyên.
2. Nghiên cứu và áp mã HS cho mặt hàng bông rơi
chải kỹ cho phù hợp, tốt nhất là nên để áp mã 5203.00.00 như trước đây để thống
nhất, thuận tiện cho quản lý và không thuộc danh mục phế liệu nhập khẩu phải cấp
giấy phép nhập khẩu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường ”.
- Ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại
công văn số 731/BTNMT-TCMT ngày 16/3/2012:
“Bông rơi chải kỹ, nếu được phân loại ngay từ
khâu sơ chế nguyên liệu bông ban đầu thành 1 loại bông nguyên liệu (chất lượng
thấp hơn) để có thể sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất... thì
không phải là phế liệu”.
Như vậy, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường
đều thống nhất mặt hàng “Bông rơi chải kỹ” không phải là phế liệu theo quy định
của Luật Bảo vệ và Môi trường. Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị áp mã 5203 để
doanh nghiệp được hưởng mức thuế ưu đãi (0%).
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên
và Môi trường, Bộ Tài chính đã có công văn số 7592/BTC-TCHQ ngày 07/6/2012 và
công văn số 2947/TCHQ-TXNK ngày 13/6/2012 hướng dẫn các đơn vị hải quan cho
phép nhập khẩu mặt hàng “bông rơi chải kỹ” và áp mã 5203.
3. Kiến nghị xử lý đối với hàng
hóa là “bông rơi chải thô”
a. Căn cứ quy định tại khoản 27 Điều
3 của Luật Bảo vệ môi trường, tham khảo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường
tại công văn số 731/BTNMT-TCMT ngày 16/3/2012 cho trường hợp mặt hàng bông rơi
chải kỹ, theo đó đã hướng dẫn: “Bông rơi chải kỹ, nếu được phân loại ngay từ
khâu sơ chế nguyên liệu bông ban đầu thành 1 loại bông nguyên liệu (chất lượng
thấp hơn) để có thể sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất... thì không
phải là phế liệu ” và mô tả các nhóm mặt hàng “bông rơi” do Hiệp hội
Bông sợi Việt Nam kiến nghị tại công văn số 42/2024/CV-VCOSA, Bộ Tài chính nhận
thấy các nhóm “bông rơi” này có đặc điểm tương tự như hướng dẫn của Bộ Tài
nguyên và Môi trường tại công văn số 731/BTNMT-TCMT, cụ thể:
- “Bông rơi chải kỹ” hay 06 nhóm “bông rơi” theo mô
tả của Hiệp hội tại công văn số 42/2024/CV-VCOSA đều có thành phần chính là xơ
bông thiên nhiên, là phần vật liệu/phụ phẩm được sàng lọc, phân loại từ khâu sơ
chế nguyên liệu bông ra một loại sản phẩm có chất lượng thấp hơn để sử dụng làm
nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất sợi của cùng quy trình sản xuất
trong ngành hàng dệt may.
- 06 nhóm “bông rơi” còn lại có tỷ lệ tạp cao hơn
so với “bông rơi chải kỹ” nhưng loại tạp chất trong các mẫu bông rơi này tương
tự như tạp chất trong xơ bông nguyên liệu ban đầu. Theo thông tin Hiệp hội cung
cấp thì tạp chất chủ yếu là tạp thực vật gồm lá cây bông, cành cây bông và vỏ
quả/hạt bông, là các chất hữu cơ và không chứa các chất độc hại cho môi trường
nói chung.
- Mặt khác, theo ý kiến của Bộ Công Thương tại công
văn số 427/CN-CNHT ngày 26/08/2019 thì “Hiện nay Việt Nam chưa có tiêu chuẩn
cho việc xác định thế nào là bông phế nói chung, bông rơi chải kỹ nói riêng...
Việc định danh bông phế không đơn thuần chỉ dựa trên tỷ lệ tạp chất”. Do vậy,
cho dù mặt hàng “Bông rơi chải kỹ” có tỷ lệ tạp thấp dưới 1%, hoặc các nhóm mặt
hàng bông rơi khác phân loại từ quá trình kéo sợi có tỷ lệ tạp cao 10-40% thì
cũng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức cụ thể để xác định mặt hàng này là
bông “phế liệu” theo khái niệm của Luật Bảo vệ môi trường để làm cơ sở cấm nhập
khẩu mặt hàng này vào Việt Nam.
b. Việc phân loại áp mã của cơ quan hải quan dựa
trên 06 quy tắc phân loại và Danh mục HS của hải quan thế giới. Do vậy, việc
phân loại áp mã của cơ quan hải quan không phải là cơ sở xác định mặt hàng là
phế liệu mà việc xác định mặt hàng là phế liệu phải căn cứ theo quy định pháp
luật về môi trường.
Từ cơ sở pháp lý, những thông tin và phân tích tại
điểm a, b trên đây, Bộ Tài chính cho rằng bông rơi (cả bông rơi chải thô và
bông rơi chải kỹ) thu được qua quá trình chải bông ban đầu là một loại bông
nguyên liệu (có chất lượng thấp hơn) và được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất sợi
OE thì tương tự như nội dung Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn tại
731/BTNMT-TCMT ngày 16/3/2012 và không phải là phế liệu như quy định của Luật Bảo
vệ môi trường.
Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa
nhập khẩu của cơ quan hải quan cũng như theo mô tả của Hiệp hội Bông sợi Việt
Nam cho thấy tỷ lệ tạp chất của bông rơi là rất cao (10% đến hơn 40%) nhưng hiện
nay lại chưa có quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định giới hạn về tỷ lệ tạp
chất, loại tạp chất được phép có trong nhóm hàng hóa này. Do vậy, về lâu dài để
có chính sách phát triển bền vững đối với ngành dệt may, Bộ Tài chính đề nghị Bộ
Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xây dựng quy định pháp lý cụ
thể về tỷ lệ tạp chất, loại tạp chất được lẫn trong nhóm hàng bông rơi nhập khẩu
để sản xuất sợi OE.
Để có cơ sở giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp
nhập khẩu bông rơi làm nguyên liệu sản xuất sợi OE, Bộ Tài chính xin trao đổi với
Quý Bộ nội dung nêu trên và mong sớm nhận được ý kiến tham gia về chính sách quản
lý đối với mặt hàng bông rơi làm nguyên liệu sản xuất sợi OE.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Bộ./.
(Gửi kèm công văn số 42/2024/CV-VCOSA của Hiệp hội
Bông sợi Việt Nam. Đầu mối liên hệ: Nguyễn Thị Hà Thanh - Cục Giám sát quản lý
về Hải quan, điện thoại: 0984117777)
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Hiệp hội Bông sợi Việt Nam;
- Lưu: VT, TCHQ ( b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đức Chi
|