TỔNG CỤC THUẾ
CỤC
THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 53407/CTHN-TTHT
V/v kê khai
thuế TNDN sau khi sáp nhập
|
Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2022
|
Kính gửi: Doanh nghiệp chế xuất
Nitori Việt Nam
(Địa chỉ: Lô 35, Khu Công nghiệp Quang Minh I, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội - MST: 2500223223)
Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn không số không
ngày tháng năm 2022 của Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam (sau đây gọi tắt
là Doanh nghiệp) hỏi về chính sách thuế TNDN, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như
sau:
- Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày
22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị
định số 12/2015/NĐ-CP ngày
12/02/2015 của Chính phủ:
“Điều 4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số
78/2014/TT-BTC (đã
được sửa
đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Thông tư số
151/2014/TT-BTC) như sau:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều
này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh
doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật
…
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.1. Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều
này.
…
2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc
một trong các trường hợp sau:
a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người
lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ
nhưng thực tế không chi
trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo
quy định của pháp luật.
…
c) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế
chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do
doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời
hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền
lương của năm trước chi
trong năm quyết toán thuế).
Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không
được trích đủ 17%.
Trường hợp năm trước doanh nghiệp có trích lập quỹ dự
phòng tiền lương mà sau 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính doanh nghiệp
chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng tiền lương thì doanh nghiệp phải tính giảm chi phí của năm sau.
Ví dụ 9: Khi nộp hồ sơ quyết toán thuế năm 2014, DN A
có trích quỹ dự phòng tiền
lương là 10 tỷ đồng, đến ngày 30/06/2015 (đối với trường hợp doanh nghiệp áp dụng kỳ tính thuế theo năm
dương lịch), DN A mới chi số tiền từ quỹ dự phòng tiền lương năm 2014 là 7 tỷ
đồng thì DN A phải tính giảm chi phí tiền lương năm sau (năm 2015) là 3 tỷ đồng (10 tỷ - 7 tỷ). Khi lập hồ sơ quyết toán năm 2015 nếu
DN A có nhu cầu trích lập thì tiếp tục trích lập quỹ dự phòng tiền lương theo
quy định.”
“2.19. Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không
theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng: dự phòng giảm giá
hàng tồn kho, dự phòng tổn
thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm,
hàng hóa, công trình xây lắp và dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định
giá, doanh nghiệp cung cấp
dịch vụ kiểm toán độc lập.
2.20. Các khoản chi phí
trích trước theo kỳ hạn, theo chu kỳ mà đến hết kỳ hạn, hết chu kỳ chưa chi hoặc chi không hết.
Các khoản trích trước bao gồm: ..., các khoản trích
trước đối với hoạt động đã tính doanh thu nhưng còn tiếp tục phải thực hiện
nghĩa vụ theo hợp đồng (kể cả trường hợp doanh nghiệp có hoạt động cho thuê tài
sản, hoạt động kinh doanh dịch vụ trong nhiều năm nhưng có thu tiền trước của khách hàng và đã
tính toàn bộ vào doanh thu của năm thu tiền) và các khoản trích trước khác.
Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh
doanh đã ghi nhận doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chưa phát sinh đầy đủ chi phí thì được trích trước
các khoản chi phí theo quy định vào chi phí
được trừ tương ứng với doanh thu đã ghi
nhận khi xác định thu nhập chịu thuế
thu nhập doanh nghiệp. Khi kết thúc hợp đồng, doanh nghiệp phải tính toán xác định chính xác số chi phí thực tế căn cứ các hóa đơn, chứng từ hợp pháp
thực tế đã phát sinh để điều chỉnh tăng chi phí (trường hợp chi phí thực tế
phát sinh lớn hơn số đã trích trước) hoặc giảm chi phí (trường hợp chi phí thực
tế phát sinh nhỏ hơn số đã trích trước)
vào kỳ tính thuế kết thúc hợp đồng. ”
“2.21. Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục
tiền tệ có gốc ngoại tệ
cuối kỳ tính thuế bao gồm chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền
đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ (trừ lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế).
…
Đối với khoản nợ phải thu và khoản cho vay có gốc ngoại tệ
phát sinh trong kỳ, chênh lệch tỷ giá hối đoái được tính vào chi phí được trừ là khoản chênh lệch
giữa tỷ giá tại thời điểm phát sinh thu hồi nợ hoặc thu hồi khoản cho vay với
tỷ giá tại thời điểm ghi nhận khoản nợ phải thu hoặc khoản cho vay ban đầu. ”
Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội
hướng dẫn như sau:
Trường hợp trong năm 2020, Công ty TNHH Nitori Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là
Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam - chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu) có phát
sinh các khoản chi như: chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả
cho người lao động; trích trước khoản phải trả nhà cung cấp nhưng hết thời hạn
nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa thực chi thì các khoản chi này thuộc các khoản
chi không được trừ đi khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Trường hợp đến kỳ tính thuế
năm 2021, đơn vị đã thực hiện chi trả các khoản tiền đã trích trước nêu trên thì đơn vị được
tính vào chi phí được trừ khi tính
thuế TNDN của kỳ tính thuế mà đơn vị thực chi nếu đáp ứng điều kiện quy định
tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.
Trường hợp đơn vị thực hiện trích, lập và sử dụng các
khoản dự phòng không theo đúng
hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng và phát sinh lỗ chênh lệch tỷ
giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính
thuế thì không được trừ đi khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định
tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC .
Việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá
hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản
phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp và ghi nhận, đánh
giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp thực hiện
theo các hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp
còn vướng mắc, Doanh nghiệp có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế
TP Hà Nội được đăng tải trên
website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm Tra số 2 để được hỗ
trợ giải quyết.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Doanh
nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam được biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng TKT2;
- Phòng DTPC;
- Website Cục Thuế;
- Lưu: VT,
TTHT(2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Tiến Trường
|