UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/CT-UBND
|
Hải Dương, ngày
25 tháng 11 năm 2024
|
CHỈ THỊ
VỀ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ, KINH
DOANH TRÊN NỀN TẢNG SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Những năm qua, thương mại điện
tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn
cầu. Tại Việt Nam hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đã
phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng hỗ trợ các doanh
nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển
các dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán điện tử.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh
chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng đặt ra
những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng và quản lý thu thuế.
Để nâng cao hơn nữa hiệu lực,
hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh
doanh trên nền tảng số trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành,
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
1. Tiếp tục tuyên truyền, quán
triệt thực hiện Nghị định số 52/2013/NĐ- CP ngày 16 tháng 05 năm 2013 của Chính
phủ về thương mại điện tử, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 05
năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử; đồng thời triển khai quyết liệt,
đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Quyết định số
645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế
hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; Chỉ
thị số 18/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh
kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu
thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; Công điện số 889/CĐ-TTg ngày 01/10/2022 của Thủ
tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt
động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; Công điện số 56/CĐ-TTg
ngày 06 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công
tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền
tảng số; Công văn số 455/UBND-VP ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Uỷ ban nhân dân
tỉnh về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại
điện tử trên địa bàn tỉnh.
2. Các sở, ban, ngành trong
tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, trong phạm vi chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả
trong công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử phục vụ người dân, doanh
nghiệp; tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, tạo môi trường xuất nhập khẩu
minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp;
đảm bảo phòng chống các hành vi trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng
giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn
tỉnh.
Một số nhiệm vụ trọng tâm, yêu
cầu các sở, ngành, đơn vị tập trung triển khai thực hiện cụ thể như sau:
2.1. Sở Công Thương
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ
biến, hướng dẫn doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử; nâng cao tinh thần
tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; tăng cường
công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua thương mại điện tử;
- Chủ trì tổ chức, triển khai
các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để nâng
cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh theo kế
hoạch được phê duyệt;
- Phối hợp chặt chẽ với Cục
Thuế tỉnh, Cục Quản lý thị trường trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trong
hoạt động thương mại điện tử đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân
không kê khai, nộp thuế; các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả,
hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử;
- Cung cấp cho Cục Thuế tỉnh
danh sách các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh (đã tiến hành thông báo hoặc
đăng ký với Bộ Công thương) bao gồm: website thương mại điện tử bán hàng; website
cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện
tử; ứng dụng thương mại điện tử bán hàng; các tổ chức, cá nhân sở hữu website
hoặc ứng dụng thương mại điện tử .… để làm cơ sở quản lý thuế;
- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh
đôn đốc các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh (đã tiến hành thông báo hoặc
đăng ký với Bộ Công Thương) định kỳ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và
kê khai nộp thuế theo quy định.
2.2. Cục Quản lý thị trường -
Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh
- Chủ động hoặc chủ trì phối
hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị
trường, xử lý nghiêm việc hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng
giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ
nguồn gốc xuất xứ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử, kinh
doanh trên nền tảng số; các website thương mại điện tử bán hàng vi phạm quy
định về thông báo, cập nhật thông tin, cung cấp thông tin… với cơ quan quản lý
nhà nước có thẩm quyền cũng như trong giao kết hợp đồng với người tiêu dùng;
hướng dẫn các thương nhân, tổ chức, cá nhân có website thương mại điện tử bán
hàng thực hiện nghiêm các quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử
trước khi chính thức bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đến người dùng;
- Phối hợp, trao đổi và cung
cấp thông tin cho Cục Thuế tỉnh về các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh
vực kinh doanh thương mại điện tử có hoạt động kinh doanh nhưng chưa đăng ký,
kê khai nộp thuế được phát hiện trong quá trình theo dõi, quản lý của ngành.
2.3. Cục Thuế tỉnh
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử
thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quản
lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, áp dụng các công nghệ hiện đại,
phương pháp quản lý rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh
trên nền tảng số; từng bước kiểm soát chặt chẽ hóa đơn đầu vào đảm bảo việc kê
khai, nộp thuế đúng quy định pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân
trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử;
- Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện tổ
chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu
hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định
của pháp luật;
- Phối hợp chặt chẽ với Công an
tỉnh trong việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư,
định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 -
2025, tầm nhìn đến năm 2030.
2.4. Công an tỉnh
- Thúc đẩy tiến độ kết nối cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ,
ngành, địa phương để thực hiện định danh và xác thực điện tử; đồng bộ dữ liệu dân
cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng... phục vụ định danh, xác thực cá nhân,
tổ chức phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại
điện tử;
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế
tiếp cận, khai thác hiệu quả Hệ thống định danh và xác thực điện tử nhằm phục
vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến trong từng
lĩnh vực;
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh
trật tự trong hoạt động giao dịch điện tử và thương mại điện tử; triển khai các
biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy
định của pháp luật.
2.5. Sở Thông tin và Truyền
thông
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ
quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh tuyên truyền triển khai sâu rộng
Chỉ thị này. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp
nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian
mạng; tăng cường tin, bài tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các giải pháp công
nghệ nhằm tăng cường giám sát, quản lý các giao dịch trên môi trường trực
tuyến, chống các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái,
hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dung;
- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh,
các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan xây dựng
văn bản nhằm tăng cường quản lý thuế đối với dịch vụ nội dung số xuyên biên
giới để có hình thức xử lý phù hợp đối với các trường hợp vi phạm pháp luật
thuế;
- Phối hợp với Sở Công Thương,
các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan trao
đổi, cung cấp thông tin cho Cục Thuế tỉnh về các tổ chức, cá nhân hoạt động
trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, bao gồm: các tổ chức, cá nhân sở
hữu website hoặc nền tảng số và người dùng mạng xã hội có hoạt động thương mại
điện tử theo quy định của pháp luật để làm cơ sở quản lý thuế;
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị
cung cấp hạ tầng viễn thông, các đơn vị kinh doanh bưu chính, chuyển phát phối
hợp cung cấp thông tin các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử cho
Cơ quan Thuế, Cơ quan Quản lý thị trường để làm cơ sở quản lý thuế và bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng.
2.6. Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam chi nhánh tỉnh Hải Dương
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả
công tác vận hành Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, đảm bảo hệ thống
hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn; tăng cường công tác kiểm tra các giao
dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ
xuyên biên giới trong thương mại điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế;
- Chỉ đạo các Tổ chức tín dụng,
chi nhánh Tổ chức tín dụng trên địa bàn: (i) tăng cường kiểm soát các giao dịch
thanh toán điện tử trong hoạt động ngân hàng; (ii) phối hợp cung cấp thông tin của
các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, tổ
chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ các nền tảng xuyên biên giới, hoạt động
thương mại điện tử theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan chức
năng có thẩm quyền; (iii) tổ chức thực hiện các hệ thống thanh toán thương mại
điện tử, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các
mô hình thương mại điện tử.
2.7. Uỷ ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
- Đẩy mạnh công tác thông tin,
tuyên truyền trên địa bàn. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở xây dựng, quảng bá và
phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường trong
nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng Việt Nam và các sản phẩm hàng hóa tiêu
biểu, được người tiêu dùng yêu thích của doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn;
- Phối hợp với Sở Công Thương
tổ chức, triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương
mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh
tranh;
- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh
chỉ đạo Chi cục Thuế trong công tác thu thuế đối với hộ cá nhân kinh doanh có
hoạt động thương mại điện tử.
Yêu cầu các cơ quan, tổ chức,
cá nhân liên quan chủ động triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện,
có khó khăn, vướng mắc, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố
và các đơn vị liên quan chủ động đề xuất, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Công Thương)
để xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh uỷ (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Các sở, ngành: Công thương, TTTT,Cục Thuế tỉnh, CN Ngân hàng NN Việt Nam,
Cục QLTT, Công an tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KTN. Ncc (10).
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Ngọc Châu
|